Chờ Em Ở Phía Đông Thành

Chương 2

Hạ An còn nhớ rõ giây phút ấy cách đây nhiều năm về trước, có một chàng trai vì vô tình ném bóng va trúng cô mà đòi chịu trách nhiệm cả một thời gian sau đó.

Năm Hạ An lên cấp ba, cô thi vào trường chuyên của thành phố Lệ Thành.

Kết quả ra được vài hôm thì điểm trúng tuyển lại cao hơn mức đấy một tí, có thể nộp đơn phúc khảo vì họ bảo điểm chuẩn vẫn còn thiếu ít học sinh so với chỉ tiêu.

Hạ An lúc đấy thấp thỏm đợi ngày đợi đêm.

Cuối cùng cô vẫn không đậu.

Nghe đâu họ ưu tiên xét hộ khẩu trong khu vực trước mới tính đến những người tỉnh lẻ như cô.

“Chỉ là cái cớ thôi! Mấy chỗ trống đấy con ông cháu cha lấy hết rồi làm gì đến lượt mình! Ít nhất cũng phải vài nghìn đô.” Mấy người trong cơ quan ba Hạ An bảo thế.

Một thực trạng đáng buồn.

Vì đây là đợt thi tuyển riêng của trường, nên kết quả chỉ được công nhận ở đây.

Ba cô biết con gái mình thích học ở những môi trường mới, nếu để con bé về lại trường dưới phía Nam thì phí công ôn luyện bấy lâu nay.

Thế là ông cất công kiếm cách cho Hạ An được học ở một trường khác không thua gì mấy so với trường điểm kia. Họ xét kết quả học của cấp trước đó với thêm điểm thi vừa rồi.

Kết quả là cô có thể chuyển qua vào năm hai, nhìn chung tổng thể các môn khác của cô rất tốt trừ môn ngoại ngữ ra. Thế là họ gợi ý cho Hạ An học một năm ở hệ thống trường tư quốc tế liên thông đại học tên Astar ở thành phố B. Họ bảo họ sẽ ưu tiên xét điểm ở đây hơn là mấy trường công lập khác.

Ba Hạ An khi ấy cũng chẳng thèm hỏi ý kiến cô, liền đăng kí vào đấy. Đến khi Hạ An phát hiện ra thì đã quá muộn.

Hè trước khi khai giảng kì học đầu tiên ở Astar, Hạ An lên bổ sung ít giấy tờ cho hồ sơ nhập học.

Cô đi vào bằng cổng sau trường vì chỉ cổng sau mới gần trạm bus, cổng trước thì ưu tiên cho ô tô chạy vào với khu vực thả học sinh. Mà theo như Hạ An sau này miêu tả thì cổng trước không khác gì ‘đại lộ ngôi sao’ đích thực.

Vì đợt nghỉ hè kéo dài gần tận ba tháng nên phần lớn học sinh đều tranh thủ đi du lịch và tận hưởng bên ngoài, hiếm hoi lắm mới có vài người lên trường sử dụng cơ sở vật chất ở đây để chơi thể thao.

Hạ An đi qua khu tập gym mà không khỏi ngỡ ngàng vì nó chẳng thua gì các hệ thống phòng tập cao cấp bên ngoài.

Nối tiếp đó là hai bể bơi rộng chuẩn quốc gia với hồ dài 50 mét và hồ dài 25 mét. Hồ lớn thậm chí còn có cầu thang đi xuống ở hai bên để nhìn dưới mặt nước vì nó sâu tận 3.5 mét.

Quả nhiên là trường của con nhà giàu, mọi cơ sở vật chất đều được xây dựng lắp đặt đầy đủ để phục vụ không những cho việc học tập mà còn cho cả vấn đề sức khoẻ.

Hạ An mải mê nhìn theo dàn ghế đá sắc màu được học sinh khoa mỹ thuật tô vẽ trang trí mà không thể ý có một trái bóng rổ đang lao thẳng vào đầu cô.

ẦM!!!

Đau quá! Cái gì vậy?

Hạ An lấy tay xoa lên đầu, cảm giác như thể ai đó vừa lén lút thiết đầu công mình.

Cô chưa kịp định thần lại sau cú quăng vừa rồi thì đã có người mau chóng chạy lại.

“Em có sao không? Anh xin lỗi!”

Một giọng nam ấm áp vang lên. Hạ An quay đầu lại nhìn thì ánh nắng chói chang của ngày hè chợt đập thẳng vào mắt cô . Cô bất giác giơ tay lên che, cả người hơi ngã về sau do còn choáng.

Bàn tay của người con trai ấy cũng nhanh chóng đỡ ra phía sau gáy Hạ An như thể sợ cô ngã.

Một thứ diễn ra nhanh như một thước phim.

“Tụi anh cứ tưởng xung quanh đây không có ai nên chơi hơi hăng. Em có bị gì không? Đưa đầu đây anh xem.”

Không kịp chờ cô trả lời, anh ta tự ý lấy tay còn lại sờ lên trán cô rồi kiểm tra.

Giữa mơ hồ, qua kẽ hở của lòng bàn tay, Hạ An nhận thấy trước mắt là một thanh niên cao lớn, mái tóc màu nâu cắt nam tính. Anh ta đang mặc một bộ đồ bóng rổ màu vàng viền trắng.

Ôi anh trai à ánh mặt trời chưa đủ sáng hay sao…

Vọng lại từ phía sân, vài nam thanh niên khác hứng thú trêu trọc:” Dương ơi sao mày nỡ lòng nào!”, ”Chắc nó kiếm cớ đây mà!”, “Chán bạn tôi quá…”

“A… ngại quá, em cần lên phòng y tế kiểm tra không?” Anh trai áo vàng trước mắt Hạ An đề nghị đưa cô đi kiểm tra.

“Em không sao, ban nãy bất ngờ lúc quay lại nắng chói quá nên hơi choáng thôi! Không có sao hết!”

“Em đi đâu giờ này vậy? Tầm này ít ai lên trường lắm.” Anh ta chợt chuyển câu hỏi.

“À! Em đi bổ sung hồ sơ nhập học”

“Ồ thì ra học sinh mới à?” Chàng trai trước mắt cô cười nhẹ.

Bây giờ Hạ An mới có dịp nhìn rõ anh ta hơn đôi chút. Cô không phải tuýp người quá rành về các khái niệm nhan sắc và đánh giá vẻ ngoài người khác, khi đối diện với một ai đó thứ cô để tâm đến nhiều nhất chính là cảm giác người đó đem lại lần đầu, từ ánh nhìn cho đến cử chỉ.

Với chàng trai trước mắt, nếu dùng theo từ điển của mấy nữ sinh để diễn tả thì chính là soái ca đúng nghĩa, còn dưới góc nhìn của Hạ An đơn giản chỉ là sáng sủa ưa nhìn.

Nếu không có vài giây của thước phim ngắn trên thì Hạ An cũng khó nán lại lâu như vậy.

Cái cảm giác người con trai trước mắt đem lại cho cô rất tự nhiên và gần gũi, giống như nắng ấm mùa đông, bóng cây mùa hè, những điều mà chẳng ai từ chối.

Đó là cảm giác: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh ta cũng có thể vững vàng giang tay ôm lấy và che chở bạn.

Ánh mắt của anh ta từ đầu đến giờ vẫn luôn nồng ấm nhìn cô. Mặt giáp mặt với nhau dù không quen biết trước nhưng thay vì thấy ngại ngùng nhiều hơn thì Hạ An lại thấy dễ chịu.

Rất lâu về sau này, cô vẫn luôn chắc nịch về ý nghĩ đầu tiên năm đó.

Không phải là một cơn gió,

mà là một bóng cây to mát.

“Kỳ Dương”

Bàn tay anh ta bất chợt bắt lấy tay trái cô.

“Anh tên Kỳ Dương. Kỳ trong kỳ nhân, Dương trong thái dương. Rất vui được gặp em!”

Khi ấy Hạ An cứ nghĩ anh ta ban đầu gặp ai cũng nồng nhiệt và gần gũi như đối với cô.

Nhưng không…

Mấy tháng trước khi vào nhà hàng cô đang làm, Hạ An không hề biết có Kỳ Dương ở đây.

Chỗ cô làm thêm cùng Vy Vy là một nhà hàng Nhật sang trọng nằm trong chuỗi 30 nhà hàng khắp cả nước của tập đoàn Lê Phong.

Bên cạnh ngành dịch vụ và ăn uống, họ còn sỡ hữu vài resort, khách sạn khác tập trung chủ yếu ở các bãi biển lớn của đất nước.

Giữa thời kỳ kinh tế cạnh tranh khốc liệt, Lê Phong vẫn luôn củng cố được vị trí riêng trên thương trường.

Hạ An đi làm được tầm một tuần thì bắt đầu nghe được vài lời đồn về một thanh niên biếng làm trong nhà hàng.

Mấy nhân viên khác xì xào bảo rằng ở đây có một tên quản lí cực kỳ vô trách nhiệm, phần lớn công việc của anh ta đều do supervisor mà anh ta thuê đảm nhiệm. Mỗi lần đi làm anh ta sẽ vào phòng nghỉ riêng của bản thân và khoá chặt cửa lại để không cho ai vào cũng như làm phiền. Những lúc nhà hàng đông muốn loạn hết lên thì anh ta vẫn ung dung trong đấy không thèm đi ra.

“Thằng cha đó chỉ toàn ngồi trong phòng coi camera. Điên thật!” Một nhân viên khác ức chế từng kể với Hạ An.

Ban đầu cô cũng chẳng để tâm mấy, việc mình mình làm, ai thế nào thì tự có người khác đánh giá. Vả lại nghe đâu gia đình anh ta là cổ đông lớn của tập đoàn, ỷ lại như thế không phải là gì lạ với đa số thanh niên ngày nay.

Nhưng rồi đến một hôm khi một loạt booking đến tới tấp và máy eftpos gặp vấn đề khiến hàng thanh toán như bị tắt nghẽn, Hạ An, sau một hồi chạy ngược chạy xuôi đến rã rời vì nhà hàng này có sức chứa tận hơn một trăm năm mươi khách, đã dồn hết can đảm nửa đời còn lại để đập cửa và giáo huấn cho tên quản lý kia một chập.

“Này anh, bên ngoài bây giờ rất rối, anh có thể ra phụ một tay được không? Ai cũng đi làm công ăn lương, anh không thấy mình đang đối xử bất công với mọi người à? Lúc rảnh anh không làm cũng chẳng ai nói gì anh, nhưng khi bận chí ít anh cũng phải phụ một tay đi chứ!”

Hạ An bức xúc gõ cửa liên tục khi không thấy hồi đáp.

Vy Vy khi ấy nhìn thấy thế liền cho rằng Hạ An kiểu gì cũng sẽ bị cho thôi việc, trong lòng không khỏi xót xa nhìn bạn mình.

“Nè anh kia anh có nghe thấy không hả?”

Lúc cánh cửa mở ra, mọi người chẳng hề nghe thấy bất kì lời than trách nào. Bù lại, họ còn chứng kiến cảnh người đàn ông trong đó không ngừng mỉm cười trong hạnh phúc khi đối diện với Hạ An.

Trái với lại suy đoán của Vy Vy, Hạ An không những không mất việc mà còn được ‘thăng chức’ trong suy nghĩ của tất cả mọi người ở chỗ làm thành ‘chị đại’. Tất cả là nhờ vào sự vùng dậy bất chợt của một cô gái hay im lặng.