Lý Thanh Vân vừa nói xong, trên là Quan Hạ Băng và quân sư tham tướng, dưới đến bách hộ thập hộ, binh lính ba quân đều cảm thấy giật mình.
Sau đó, người không biết thì lắc đầu lè lưỡi, cho là Lý Thanh Vân nghé con không biết sợ cọp, to gan xấc xược. Ở Huyền Hoàng giới này có ai mà không biết chẳng có phe thế lực nào trọng sĩ diện bằng Long tộc, nhất là đám lão già phái Phản Tổ, cơ hồ điên cuồng đến mức không cần thể diện.
Mà những ai biết thân thế của cậu chàng thì lại lấy làm tò mò, không hiểu rốt cuộc vị Bích Mặc tiên sinh đứng sau lưng cậu chàng lại định làm ra cái sự kinh thiên động địa gì nữa. Chưa đến một năm mà đắc tội cả Nho môn lẫn Đế Mộ, thử hỏi ở Huyền Hoàng giới luận công phu gây chuyện Bích Mặc tiên sinh nhận thứ ai thì còn ai dám đứng ra nhận số một?
Lý Thanh Vân hắng giọng, kể:
“Chuyện phải kể đến Dương thị vốn là vợ của một viên thái thú họ Trịnh, nhân hôm về thăm nhà đỗ thuyền lại cạnh một ngôi đền tương truyền thiêng lắm, cầu đảo gió mưa gì cũng linh ứng khác thường. Chợt có hai người con gái xuất hiện bưng một cái hộp thếp vàng, nói là thay chủ tỏ một chút tình với phu nhân. Nói xong thì biến mất không thấy đâu nữa.
“Dương thị lại mở hộp vàng, chỉ thấy bên trong có một cái khóa đồng tâm và một bài thơ, rằng:
“Giai nhân tiếu sáp bích dao trâm,
Lão ngã tình hoài chúc vọng thâm.
Lưu đãi động phòng hoa chúc dạ,
Thủy tinh cung lý kết đồng tâm.”
(Người đẹp đầu cài trâm bích ngọc,
Cho ta thương nhớ ngẩn ngơ lòng.
Vật này dành để đêm hoa chúc,
Trong thủy tinh cung kết dải đồng.)
Chớ xem thường ngày Lý Thanh Vân chỉ ngồi đọc truyện kiếm hiệp và rèn luyện thể lực, tập dượt võ công, kỳ thực trước đây cậu chàng cũng từng theo phu tử học tập ít lâu, có thể coi là người trong đường công danh. Chẳng qua là giữa chừng vì biến cố với Lý Thanh Minh mà cuộc đời chuyển hướng, đi theo binh nghiệp, cuối cùng bái với môn hạ của Nguyễn Đông Thanh mà thôi.
Nói dông dài, nhưng có thể kết luận là...
So với cái kẻ lưu manh giả danh tri thức như ông sư phụ nhà mình, Lý Thanh Vân có thể nói là có học.
Thành thử, lúc cậu chàng ngâm thơ, cực kỳ chung quy chung củ, không đến mức khiến người ta cảm động đến độ lệ sa đầy mặt, chẳng tài nào làm kẻ khác động phách kinh tâm, song lại khó mà tìm được chỗ đê chê bôi.
Cậu chàng chưa kể được mấy câu, các binh sĩ bên dưới đã bắt đầu cảm thấy tò mò, xì xầm bàn tàn:
“Lý đại nhân đang làm gì vậy?”
“Khởi đầu thế này, chẳng phải nếu cứ để tình tiết phát triển tiếp, Long tộc sẽ biến thành kẻ xấu sao?”
“Nơi này sát với biển Phong Bạo, chẳng nhẽ Lý thiếu hiệp không sợ tai vách mạch rừng?”
“Có lẽ là còn nguyên do khác, hoặc có biến chuyển bất ngờ thì sao...”
Lúc này, cánh lính lác bàn ra tán vào, chín người mười ý, song đều nhất nhất cho là Lý Thanh Vân sẽ không đắc tội Long tộc vào lúc này. Dù sao, Hải Nha là trọng địa chấn thủ mặt đông Đại Việt, trong đại chiến sắp tới thể nào cũng là một trong những chiến trường đẫm máu nhất. Hiện giờ nếu đắc tội với Long tộc, để bọn họ liên thủ với Hải Thú thì quả thực không phải hành động khôn ngoan gì.
Lý Thanh Vân kể tiếp đến đoạn sau, rằng Dương thị về kể cho chồng, thái thú họ Trịnh bèn cẩn thận ứng đối. Trước là nghiêm lệnh không để cho vợ vãng lai đến những chỗ sông ngòi kênh rạch, sau lại dặn kẻ dưới gặp đêm mưa gió tối trời thì phải thắp đèn sáng canh giữ cả đêm. Được độ nửa năm vẫn sóng yên gió lặng, lòng đề phòng cũng không còn mạnh giống ban đầu nữa.
Đến một ngày trung thu, nhân thấy trăng sáng đêm thanh, hai người Trịnh Dương cảm thấy đêm nay vô sự, bèn uống rượu thưởng ngoạn, sau đó say ngủ mất. Thình lình trời nổi cơn dông, lúc họ Trịnh tỉnh lại thì cửa ngõ còn nguyên mà Dương thị thì không cánh mà bay. Khi đến chỗ cái đền khi trước thì thấy có xiêm áo của Dương thị ở đấy. Trịnh buồn tủi chỉ biết đứng nhìn...
Kể đến đoạn này, dưới đài binh sĩ không nói, ngay cả quân sư và phó tướng của Quan Hạ Băng cũng đều quay sang. Phó tướng là một người áo xanh, eo đeo kiếm, râu dài đến bụng, gọi là Trương Thắng. Người này vốn là bàng chi họ Quan, trong trận Vân Nguyên không chịu được khổ mà đào ngũ, xấu hổ đổi sang họ Trương. Về sau cũng chính y là người dẫn huyết mạch cuối cùng của Quan Vân Phi chạy sang Đại Việt.
Sau này Quan Hạ Băng quật khởi, cũng cố ý mời y làm phó tướng cho mình, muốn Trương Thắng khôi phục họ cũ. Chỉ tiếc là y vẫn còn khúc mắc trong lòng, không thể vượt qua, nên vẫn lấy họ Trương như cũ.
Bấy giờ, Trương Thắng nhíu mày, nói:
“Vậy mà thực sự dám chĩa mũi giáo vào Long tộc. Vị Bích Mặc tiên sinh này rốt cuộc muốn làm gì? Nếu nói là y muốn thiên hạ đại loạn, thì khi đó không cần phải khôi phục lại thương tổn của Nho đạo. Nói y muốn thiên hạ thái bình, thì cớ gì lại trêu chọc Đế Mộ?”
Ngồi bên phải Quan Hạ Băng là một thiếu phụ mình mặc váy đỏ, đeo mạng che mặt. Y thị khẽ cười một tiếng, cất giọng oanh vàng lảnh lót:
“Trương tướng quân có điều không biết, Long tộc hiện giờ muốn lấy lòng Bích Mặc tiên sinh còn không kịp. Dạo trước còn để đích thân quân sư Long Thanh Y dẫn tiểu công chúa Long U đến Quan Lâm. Ngài nghĩ Long Bá Thiên sẽ vì một câu chuyện cỏn con mà trở mặt sao?”
“Dì Thẩm có cao kiến gì chăng?”
Quan Hạ Băng bấy giờ mới lên tiếng, nhìn về phía thiếu phụ áo đỏ, hỏi.
Dì Thẩm nói:
“Tiểu thư nghĩ mà xem, phái Phản Tổ của Long tộc xưa nay hung hăng càn quấy, trên mắt không người, càng cấu kết với nhau bưng bít tộc trưởng, làm đủ thứ chuyện quá phận. Nếu tiểu nữ là Long Bá Thiên thì sớm đã muốn giáng cho chúng một đòn thị uy. Thế nhưng muốn làm chuyện này một cách hoàn mĩ, không để lọt tiếng gió, thì vẫn cần một hồi gió đông. Mà gió đông Long Bá Thiên cần, chẳng phải Bích Mặc tiên sinh đã cho rồi sao?”
“Thẩm nương tử nói có lí, lão phu quả là già mà không bằng người, hổ thẹn, hổ thẹn.”
Trương Thắng cũng cười.
Lão xuất thân lục quốc, tư tưởng Nho môn nặng hơn đất Đại Việt, thành thử trên đời chẳng có mấy nữ tử lão để vào mắt, mặc kệ là giỏi giang bao nhiêu.
Quan Hạ Băng có thể tính là một người.
Mà người còn lại mà lão tâm phục khẩu phục, không ai khác ngoài vị thiếu phụ mặc váy đỏ ngồi cách đó không xa.
Dì Thẩm hành lễ một cái.
Vị gọi là dì Thẩm dương nhiên chính là quân sư quạt mo của Quan Hạ Băng, chuyên bày mưu tính kế, quyết thắng ngoài ngàn dặm.. Y thị gọi là Thẩm Tư Quân, vào ba mươi năm trước cũng là một mỹ nhân nức tiếng xa gần, thậm chí vương hầu công tước cũng để mắt, tiên hoàng cũng từng có ý định lập làm phi tử.
Thẩm Tư Quân sau đó gả cho tổng binh đời trước của ải Quan Lâm, cuộc sống cũng gọi là êm ả yên bình. Thế nhưng trong một trận thú triều, tường thành bị phá, phu quân của Thẩm Tư Quân tử chiến sa trường. Nàng ta thì được thân tín của chồng đưa đén núi Lệ Chi, chỉ tiếc là lòng người theo thế thời mà biến đổi.
Lúc tổng binh còn sống thì là thân tín, khi người mất cảnh còn thì là dã thú sài lang. Góa phụ vừa mất chồng, côi cút lẻ loi, mà y lại giở trò đồϊ ҍạϊ rồi vứt bỏ nàng ta ở trên núi Lệ Chi, dự định phi tang bỏ xác.
Từ đó, Thẩm Tư Quân đeo mạng che mặt, nói rằng thân nữ long đong, nhan sắc trầm ngư lạc nhạn cũng chẳng là gì trước thiên quân vạn mã. Nàng ta sau đó vào thành Trầm Sa ở mãi tận châu Hỉ Phượng, lấy văn kết giao quần hào thiên hạ.
Sau đó, tên “tâm phúc” năm xưa lại quay lại làm khó dễ, mắng Thẩm Tư Quân không thủ tiết, lại tiếp xúc với trai tráng. Thành thử, vô số thư viện, quan lại trong triều đều cho là Thẩm Tư Quân là một da^ʍ phụ, cắt đứt đường làm quan của nàng ta. Mà tên “tâm phúc” kia sau này trong đại chiến Tề – Việt cũng lập được công lớn, cứ thế mà chầm chậm tiến thân, mãi đến khi trở thành Châu Chủ một châu, tọa trấn phương đông Đại Việt.
Người đời xưng làm Bát Kỳ Chiến Hầu Đồng Quang Vinh.
Còn Thẩm Tư Quân bị Nho môn gán mác da^ʍ nữ, thất tiết, tuy mấy lần liền luận đạo cầm binh đều thắng hết thảy đám lão Nho, danh tướng, song chẳng ai dám trọng dụng. Để rồi đến nỗi châu ngọc bị mai một, chán nản quay về thành Trầm Sa buôn bán.
Về sau, cũng chỉ có Quan Hạ Băng dám thu nhận nàng.
Thẩm Tư Quân cũng không để vị Ngân Lang đã tin tưởng mình thất vọng, nhờ có y thị tính kế bày mưu mà quân của Quan Hạ Băng thắng nhiều thua ít, chiến tích lẫy lừng hiệt kiệt, Võ Hoàng Lý Huyền Thiên cũng rất thưởng thức. Đây cũng là nguyên do Đồng Quang Vinh dẫu biết Thẩm Tư Quân đang từ từ bò lên đường công danh, song lại không dám ra tay chính diện.
Quan Hạ Băng thở ra một hơi...
Trương Thắng đi theo cô nàng từ bé đến lớn, nửa như sư phụ nửa như cha, trung thành cẩn cẩn. Thẩm Tư Quân tuy phò tá nàng ta chưa lâu, song hợp tính hợp nết, có thể coi là tri kỷ ở đời. Quả thực, Quan Hạ Băng không hi vọng hai người bọn họ xung đột đối đầu.
May sao chuyện cô nàng lo sợ cũng không xảy ra.
Mà ở trên đài, Lý Thanh Vân đã kể đến đoạn “bước ngoặt” của câu chuyện.
Trịnh thái thú mất vợ, chán nản từ quan, lập một cái mộ dưới chân núi, ngụ cư ở một cái lầu nhỏ trên núi trông ra bến sông, cứ thế ngẩn người ba năm. Vô tình lại trông thấy một ông lão bói toán kỳ lạ, bèn lân la gạ làm quen.