Thành Tế Kỳ...
Cách truyền tống trận không xa có một quán rượu không lớn không nhỏ, vừa mới mở cửa làm ăn không lâu, độ dăm bữa nửa tháng, tên là Lưu Hương Lầu. Còn nhớ vào hôm khai trương, thành chủ vừa nhậm chức đích thân đến chúc mừng, tiền đồng rải ra đầy đất để thiên hạ chung vui, dễ phải đến dăm bảy hòm. Thành thử, dân chúng ở thành Tế Kỳ cũng rất lấy làm hiếu kỳ, không biết người đứng sau quán rượu này rốt cuộc là vị tai to mặt lớn nào.
Vẫn nói “phép vua thua lệ làng”, Lưu Hương Lầu này từ nơi khác đến, vậy mà có thể chiếm lấy vị trí đắc địa bậc nhất cả thành là quảng trường gần truyền tống trận thì thực là không đơn giản.
Thế nhưng, lạ một nỗi là...
Chốn này chẳng những rượu nồng, trà thơm, món ăn tươi rói ngon miệng, mà giá cả lại cực kỳ... bình dân. Hàng ngày ba lần vào các giờ Mão, giờ Ngọ, giờ Dậu Lưu Hương Lầu đều tổ chức vài tiết mục nhỏ mua vui. Lúc thì là ngâm thơ làm đối, khi thì là đàn ca sáo nhị. Thế là chẳng mấy chốc một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ trong một thời gian ngắn mà Lưu Hương Lầu đã trở thành một điểm vãng lai nức tiếng, người ra kẻ vào tấp nập ở Thủy Thượng quan.
Trần Dũng mình mặc một bộ áo gấm mới toanh, eo đeo bội đao, vai mang tay nải nhẹ nhàng kéo ghế ngồi xuống, nói vọng ra:
“Tiểu nhị, cho mấy món nhanh gọn, với đổ đầy trà vào đây cho ta.”
Gã đưa quả bầu khô cho tiểu nhị, đoạn đưa tay muốn tự rót một chén ra uống. Chẳng ngờ lần này lên đường quá gấp gáp, sương đêm hơ cứng cả người, kém chút thì trượt tay làm rơi ấm nước.
“Dũng!!!”
Trần Dũng vừa nhấp được một ngụm nước chè, còn chưa kịp nuốt thì bên cạnh đã vang lên tiếng gọi quen thuộc. Gã quay phắt lại, phát hiện người vừa mới lên tiếng chẳng phải ai xa lạ, chính là bạn cũ từng làm lính thủ thành ở Quan Lâm với mình – Nguyên Phương.
“Thằng Phương? Hóa ra quán này là chú mày mở đấy à?”
“Cướp đâu ra tiền mà mua đất chỗ truyền tống trận này hả bố? Của người khác. Chỉ giao cho tao thay mặt quản lý thôi. Dù sao thằng này cũng dân ở đây... Mà thôi, đừng kể chuyện của tao nữa. Từ hồi tao rời khỏi quân mày thế nào rồi? Được Vũ tổng binh thăng chức đấy à?”
Nguyên Phương kéo ghế, ngồi xuống chỗ đối diện thằng bạn, vắt cái khăn tay ngang vai, hỏi.
Số là...
Kể từ sau trận thú triều hãm thành do Huyết Nhãn Trúc Thử tộc dẫn đầu lần trước không bao lâu thì Nguyên Phương trong một lần truy bắt tu hành giả làm loạn ở Quan Lâm bị đối phương đánh trọng thương, kinh mạch ở eo tổn hại. Tuy không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, nhưng vết thương này khiến Nguyên Phương không cách nào điều động chân khí trong thời gian dài. Thành thử, cũng không thích hợp ở lại trong quân nữa.
Vũ Tùng Lâm bèn đồng ý để cậu ta cởi giáp về quê.
Có câu “khổ tận cam lai”, anh lính về vườn Nguyên Phương chẳng hiểu run rủi thế nào lại được Trương Uyên – cháu gái của nhà thái sư Trương Hạo, Trương Hạc – nhìn trúng. Số là sau chuyện Nguyễn Đông Thanh đọc thơ đánh sập Nho đạo, lão thái sư cũng sắp xếp để cháu gái mình chạy đến ải Quan Lâm. Ở được một thời gian, cô nàng bèn khăn gói chạy đến thành Tế Kỳ, bỏ tiền ra xây dựng Lưu Hương lâu.
Nguyên Phương theo chân Trương tiểu thư, vì nàng ta là hoàng hoa khuê nữ không tiện ra mặt nên y nghiễm nhiên trở thành ông chủ trên mặt nổi của tòa tửu lầu nức tiếng này.
Trần Dũng nói:
“Nào có. Bị cái bà Hồ Ma thành chủ cướp từ tay Vũ tổng binh ra. Cũng gọi là thăng quan, lên được chức thiên hộ đấy, nhưng nhiều việc lắm. Chết dở hơn là mới đây Hồ Ma thành chủ hay tin Đỗ cô nương đi thành Bạch Đế bị người ta bắt vào ngục, bản án có nhiều điểm khả nghi, thế nên mới đặc biệt hạ lệnh cho tao cầm ấn thành chủ chạy đến yêu cầu thả người.”
“Thế mà mày còn đứng đây? Nước nôi gì tầm này nữa! Chuyện của tiên sinh mà mày bình chân như vại thế hả thằng ranh này...”
Nguyên Phương nghiến răng, tung nắm đấm gõ vào đầu thằng bạn một cái, tức đến độ lỗ mũi cơ hồ phình ra gấp ba, thở phì phì, mắt trợn tròn xoe, long lên sòng sọc.
Trần Dũng lườm thằng bạn, nói:
“Thế mày nghĩ với tu vi của tao chạy bộ đến thành Bạch Đế thì năm nào tháng nào mới tới? Không ở đây đợi truyền tống trận mở cửa thì làm gì?”
“À quên... Xin lỗi, thế để tao mời mày một bữa, hôm nay cứ ăn uống thả cửa. Tao nghe mấy anh em binh sĩ bảo hôm nay truyền tống trận đến trưa mới mở.”
Nguyên Phương gãi gáy, nói.
Số là, cậu ta dù sao cũng xuất thân con nhà binh, giờ tuy đã cởi giáp về vườn, nhưng vẫn có rất nhiều chuyện để nói với cánh binh sĩ ở thành Tế Kỳ. Nguyên Phương tính tình lại xởi lởi, giỏi ăn nói, thành thử chẳng tốn bao nhiêu thời gian đã làm thân được với nhóm binh sĩ phụ trách trấn thủ truyền tống trận.
Trần Dũng nói:
“Thì đấy. Chú cứ lo xa nghĩ nhiều làm cái gì? Hạng như anh em mình thì được mấy lạng tài trí mà đi đoán mò ý đồ của tiên sinh? Chả nói đâu xa, chú về vườn ít hôm còn chưa biết chứ, đợt vừa rồi tự dưng tiên sinh lại nhận lời xuống núi trợ giúp Hồ Ma thành chủ. Vốn tao còn lấy làm ngạc nhiên, không hiểu vì sao người như tiên sinh lại bỗng dưng đổi thái độ. Nay hay tin Đỗ tiểu thư bị bắt mới biết...”
“Mẹ nó chứ! Tiên sinh quả thực là thần tiên sống.”
“Còn phải nói sao? Bây giờ tao nghe người ta rỉ tai nhau là tiên sinh nhìn thấu được nhân quả trường hà cơ mà. Không có lửa sao có khói?”
Hai người nói chuyện đến chỗ cao hứng, thì bỗng nghe ngoài cửa quán có mùi hương lạ thơm phức truyền tới. Cánh mũi của Nguyên Phương nhảy lên mấy cái, hơi nhắm mắt lại cảm nhận. Chỉ thấy mùi hương lạ ngoài cửa thanh mát như sen, đầm đầm như nhang trầm, lại phảng phất cả hương phẩm oản. Gã thân là dân bản xứ, có thể nhận ra được đấy là loại hương trầm quý của Kim Quang tự, chỉ dùng khi có cao tăng viên tịch.
Nguyên Phương nhìn ra phía cửa, chỉ thấy bên ngoài có một nhà sư tuổi còn trẻ, da trắng như tuyết, mắt sáng như ngọc, nếu không phải có vết tàn hương trên trán có lẽ người trong thiên hạ sẽ tưởng y là một nam sủng nhà quyền quý nào đó cải trang chạy trốn.
Tăng nhân trẻ cầm tích trượng, nhẹ nhàng bước đến gần hai người, nói:
“Tiểu tăng xin chào hai vị thí chủ. Nay lỡ đường đi ngang qua chốn này, không biết có thể xin các vị được bữa cơm chay, li trà nguội hay chăng? Vẫn mong hai vị thí chủ mờ lòng từ bi, giúp đỡ kẻ tu hành xa xứ khỏi cơn đói lòng, bần tăng xin cảm tạ.”
“Một bữa cơm chẳng đáng là bao, đại sư khách khí quá rồi. Mời ngồi.”
Nguyên Phương đưa tay, làm thủ thế mời. Sư trẻ chắp tay làm dấu chữ thập, cúi đầu.
Nói đoạn, y kéo ghế, ngồi xuống chiếc bàn ngay sát với Trần Dũng, làm như lơ đãng hỏi:
“Ban nãy hai vị thí chủ nói chuyện, bần tăng cũng vô tình nghe được một hai. Phật môn nói nhân quả, thế nên không giấu gì hai vị, tiểu tăng nghe mà cũng lấy làm tò mò. Mắt thấy còn phải một lúc nữa truyền tống trận mới mở, hay là thí chủ nói chuyện cùng bần tăng một lát. Ngài thấy sao?”
Vốn là Trần Dũng không có ý định tiếp chuyện với người lạ, thế nhưng giọng nói của nhà sư giống như có ma lực, khiến gã không hiểu sao lại bắt đầu lên tiếng. Thế là, một người kể, một người nghe, thẳng đến lúc Nguyên Phương dọn thức ăn chay lên, mở miệng tằng hắng một tiếng.
Trần Dũng giật mình, thẳng lưng lại.
Nhà sư thì thở dài, cười gật đầu một cái.
Nguyên Phương kéo ghế ngồi xuống, đặt một chén cơm trắng và đôi đũa tre xuống trước mặt vị hòa thượng, lên tiếng:
“Ban nãy không có cơ hội, chưa kịp thỉnh giáo. Đại sư xem chừng là từ nơi khác đến. Khẩu âm... hình như là người của nước Thục?”
“Chính thị. Thí chủ quả thực là tuệ nhãn như đuốc.”
“Quá khen. Được đón tiếp Kim Thiền Tử của chùa Long Hoa thì vinh hạnh là của tại hạ mới phải. Quả thực là khiến lều cỏ phát sáng.”
Nguyên Phương cười, nói.
Trần Dũng đang im lặng phẩm trà bên cạnh nghe đến đây bỗng nhiên phun cả ngụm nước còn chưa kịp nuốt xuống ra ngoài, khó nhọc lên tiếng:
“Kim Thiền Tử? Đây chẳng phải danh hiệu dành cho phương trượng kế nhiệm của Long Hoa tự sao?”
“Hư danh mà thôi, hổ thẹn.”
Kim Thiền Tử buông đũa, chắp tay, cúi đầu một cái. Nói đoạn, y lại nhìn sang chỗ Nguyên Phương, nhoẻn miệng cười:
“Bần tăng mạo muội hỏi một câu, xin thí chủ chớ trách. Vì sao thí chủ lại đoán được thân phận của tiểu tăng?”
Nguyên Phương đáp:
“Mùi hương vương trên người đại sư là loại nhang quý của Kim Quang tự. Pháp sự của Vô Trần đại sư diễn ra từ hôm qua, nếu chỉ là người bình thường dự lễ thì ắt hẳn hương thơm đã tan từ lâu.
“Hiện tại trên áo đại sư hãy còn lưu mùi thì có thể đoán đại sư tiếp xúc rất gần với trai đàn, thậm chí là người thực hiện pháp sự cũng không chừng. Cộng thêm khẩu âm nước Thục, ngoại trừ người của Long Hoa tự danh tiếng lẫy lừng ra thì còn ai vào đây nữa? Còn về phần tại sao lại biết ngài là Kim Thiền Tử... làm cái nghề này ấy mà, trên răng dưới dép chả có gì, tiếng không có miếng cũng không, chỉ được cái hai lỗ tai kín đặc lời đồn giang hồ tứ xứ.”
“Thụ giáo.”
Kim Thiền Tử cười, sau đó bắt đầu động đũa ăn cơm của mình, giả như không nghe thấy một chút ý đối đầu trong lời nói của Nguyên Phương. Hai người Trần Dũng thấy y không còn lí gì tới mình nữa, ông chủ quán Nguyên Phương thoắt cái cảm thấy như đấm vào bịch bông, chỉ hậm hực kêu khẽ một tiếng, đoạn đứng dậy bắt đầu đi tiếp khách. Gã hòa thượng ngồi đến gần giờ Thìn thì đứng dậy, vái chào hai người Trần, Nguyên, đoạn cười:
“Chư vị, có duyên sẽ gặp lại. Ơn đãi bữa cơm ngày hôm nay khi khác chư vị ắt sẽ có phúc báo. Nhân quả tuần hoàn, là lời Phật dạy đấy.”
“Đại sư lên đường bình an, sớm đến ải Quan Lâm. Cũng chớ có trêu phải người không nên chọc.”
“Đã hẳn. Đã hẳn. Phật gia từ bi hỉ xả, tiểu tăng há lại có chuyện đi gây chuyện thị phi? Nói không chừng vị ‘không nên chọc’ trong lời của chủ quán có duyên với Phật môn ta cũng nên.”
Kim Thiền Tử cười, để lại một câu nói bâng quơ, sau đó nhắm hướng cửa thành mà sải bước.