Lý Thanh Vân bấy giờ không có cô sư muội đa mưu túc trí ở bên, não bắt đầu hoạt động hết công suất.
Tên đạo sĩ dẫn đầu Ngọc Hư cung tự xưng là Tuệ Lăng chân nhân, nhìn khí tức hư vô mờ mịt của y thì có thể đoán kẻ này đã vào Vụ Hải. Trợ trận cho y còn có chín tên cao thủ đạo môn tinh thông địa lý phong thủy, người nào người nấy đều có tu vi ngũ cảnh.
Có thể thấy lần này để gϊếŧ Lý Thanh Vân, Ngọc Hư cung đầu tư không thiếu cao thủ.
Cậu chàng tuy tự tin, song có kinh nghiệm giao thủ với Đỗ Thải Hà, Lý Thanh Vân cũng không cho là mình có thể một mình đấu lại mười cao thủ đạo môn có cường giả Vụ Hải cầm đầu.
Ỷ Thiên Đồ Long Ký!
Nếu đây là phim hoạt hình, chắc hẳn hiện giờ trên đầu của Lý Thanh Vân đã hiện lên một cái bóng đèn phát sáng nhấp nháy.
Cậu chàng thấy chỉ có Ỷ Thiên Đồ Long Ký mới có thể giúp mình lật ngược thế cờ, hóa nguy thành an.
Thế là, Lý Thanh Vân chắp tay với Quế Như Ngọc, nói:
“Tuyết Hoa công tử, hai ta bèo nước gặp nhau, tại hạ nhờ huynh đài giúp cho một chuyện thì e là hơi quá phận. Song vẫn phải lên tiếng.”
Trong buồng, Quế Như Ngọc lên tiếng:
“Lý huynh đài cứ nói.”
“Chẳng là thế này. Tại hạ xưa nay thích đọc tiểu thuyết, trong tay nải vẫn còn một quyển chưa đọc hết. Nay đại nạn lâm đầu, cũng chưa biết chiến cuộc ra sao, nếu như xuống mộ mà không biết kết cục của câu chuyện thì đáng tiếc lắm. Thế nên hi vọng Quế huynh có thể đứng ra điều đình với Ngọc Hư cung và vị Tuệ Lăng chân nhân đây xin cho tại hạ một canh giờ, đọc xong quyển sách rồi sẽ chiến một trận cho thống khoái.”
Cậu chàng ngừng một chốc, đoạn nói:
“Đương nhiên, nếu chân nhân không tin tại hạ đọc tiểu thuyết mà đang mở thần thông bí tịch ra đọc thì tại hạ sẽ cho ngài kiểm tra sách trước!”
Tuệ Lăng chân nhân bĩu môi;
“Ra trận mới mài gươm, cho dù nhà ngươi có đọc sách thần thông bí tịch thì sao? Chẳng nhẽ lại luyện thành được trong một canh giờ à? Chuyện này không cần Tuyết Hoa công tử ra mặt, bản chân quân cũng cho nhà ngươi một canh giờ, coi như là di nguyện của ngươi.”
“Vậy thì phải cám ơn chân nhân rồi. Chỉ là lát nữa đao kiếm không có mắt, mong tiên sinh cẩn thận.”
Lý Thanh Vân vừa nói dứt lời, đã ngồi thụp xuống lôi Ỷ Thiên Đồ Long Ký ra đọc.
oOo
Trong khoang thuyền...
Quế Như Ngọc gõ một ngón tay thanh mảnh lên bàn, lại quay sang chỗ tì nữ Tu Hoa, hỏi:
“Tu Hoa, em có biết thiếu hiệp đang đọc sách gì không?”
“Quả thực là một quyển tiểu thuyết, hình như nói về ai đó tên Trương Vô Kỵ.”
Tu Hoa thu hồi thần thức, trên gương mặt xấu xí lộ ra thần sắc khó hiểu và hoài nghi.
Bế Nguyệt lên tiếng:
“Công tử, chẳng nhẽ vị Lý Thanh Vân này bị dọa cho ngớ ngẩn rồi sao? Bây giờ là lúc nào rồi mà còn có tâm trạng lôi tiểu thuyết ra đọc?”
Quế Như Ngọc lắc đầu:
“Ta cũng không biết. Ban nãy thấy y lên tiếng ta còn tưởng là sẽ nhờ ta điều đình với Ngọc Hư cung. Kỳ thực chỉ cần y lên tiếng một câu, thì chớ nói chi là hòa giải, diệt Ngọc Hư cung cũng chỉ là chuyện một câu nói. Vì sao hắn phải làm thế?”
Lạc Nhạn nói:
“Công tử, người tốt với thiếu hiệp như vậy, người ta ghen tị đấy...”
“Có thể là do mấy người này nhắc đến ân oán với sư phụ y, nên Lý thiếu hiệp mới không muốn mượn ngoại lực, tự mình giải quyết những cao thủ này?”
Trầm Ngư nói.
Quế Như Ngọc bỗng nhiên bật cười, nói:
“Người này quả thực là thú vị, thú vị lắm. Thiên hạ độc nhất vô nhị. Bản công tử đi khắp sáu nước mà chưa thấy ai thú vị như hắn.”
Ba thị nữ Trầm Ngư, Lạc Nhạn, Bế Nguyệt cùng gật đầu, chỉ riêng Tu Hoa là không nói tiếng nào. Quế Như Ngọc lấy làm lạ, đưa tay lay đầu vai cô nàng một cái, thì đã nghe Tu Hoa khẽ kêu lên:
“Á! Thành Côn âm hiểm thật!”
Té ra cô nàng đọc quyển Ỷ Thiên Đồ Long Ký thấy hay hay, từ nãy đến giờ phóng thích thần niệm ra đọc ké.
oOo
Lý Thanh Vân đọc sách một canh giờ, nhoáng một cái đã xong đại chiến Quang Minh đỉnh, đến đoạn Trương Vô Kỵ đại chiến Khổ Đầu Đà thì dừng lại. Cậu chàng gấp sách, chỉnh lý lại hết thả những gì đã ngộ được, đoạn đứng dậy, nói:
“Chiến đài cho các người chọn, tại hạ xin phụng bồi tới cùng!”
Tuệ Lăng chân nhân cười gằn, nói:
“Thằng nhóc, khẩu khí cũng lớn lắm! Để bản tọa xem xem gió có thổi đứt lưỡi nhà ngươi hay không! Khởi trận!”
Lão vừa dứt lời thì chín tên đệ tử đi theo trợ chiến đã nhất tề dậm chân, quát lên một tiếng. Chỉ thấy từ dưới lòng sông lừ lừ dâng lên mười một cây trụ bằng đất.
Tuệ Lăng chân nhân đáp mây xuống một cây cột, nói:
“Tiểu tử, mau lên đây! Nhà ngươi đứng trên thuyền như thế bản chân nhân quả thực là không ra tay được.”
Lão nói câu này là có ý nói kháy Lý Thanh Vân lợi dụng năm người Tuyết Hoa công tử làm khiên thịt, cố tình kích động mâu thuãn giữa hai bên. Tuệ Lăng chân nhân không phải kẻ ngu, lão biết nếu như Quế Như Ngọc muốn giữ mạng cho Lý Thanh Vân thì cho lão thêm mười lá gan cũng không dám gϊếŧ cậu chàng.
Thành thử, muốn gϊếŧ Lý Thanh Vân, ắt phải khiến quan hệ hai bên xấu đi.
Cho dù chỉ là một chút nghi ngờ nhỏ nhoi cũng được.
Lý Thanh Vân cười dài, nói:
“Cầu còn không được!”
Nói đoạn, cậu chàng bình thản nhảy lên trên cọc đất, ánh mắt bình tĩnh đối đầu với trận thế của Ngọc Hư cung.
Tuệ Lăng chân nhân nhìn đối phương, thản nhiên cảm khái một tiếng:
“Một tên phàm nhân đứng đối diện trận thế do chín cao thủ đệ nhất, một tông sư đã vào Vụ Hải mà còn bình tĩnh được, không biết nên nói ngươi ngu dốt hay khen ngươi can đảm nữa.”
“Bất kể thế nào, cũng là chuyện nhân gian hiếm có, không phải sao?”
Lý Thanh Vân cười.
Thấy cậu chàng không muốn nói nhiều, nhân mã Ngọc Hư cung cũng không muốn phí lời thừa nữa. Tuệ Lăng hô một tiếng, tức thì chín tên đệ tử đồng thời xuống trung bình tấn, dán bùa vào chiếc la bàn rồi tung lên không, đoạn hai tay bắt quyết, miệng đọc chú rầm rầm. Tức khắc, từ từng nhành cây ngọn cỏ, giọt nước hòn đá đều xuất hiện từng điểm sáng nhỏ như hạt bụi, không ngừng bị thu hút vào mặt kính bên dưới tấm la bàn.
Tuệ Lăng chân nhân chân đạp phi kiếm, tay vung một cái, lật la bàn thành kính bát quái chiếu vào Lý Thanh Vân, quát lên:
“Thiên Địa Vô Cực, Càn Khôn Chánh Pháp, Ngũ Lôi Oanh Đỉnh!”
Lão vừa dứt lời thì trời nổi cơn giông, từng tia sét to như cái lu nước giáng xuống đầu Lý Thanh Vân. Thiên lôi chứa đạo vận, cơ hồ trực chỉ thần hồn, hung hãn dội xuống như muốn xé đối thủ làm hai nửa.
Bình Vân chi pháp có nói, Lý Thanh Vân không luyện võ đạo, thần hồn có thể là điểm yếu trí mạng. Tuệ Lăng chân nhân vừa ra tay đã sử dụng Ngũ Lôi Oanh Đỉnh chuyên công phạt thần hồn, đủ thấy là đã nghiên cứu đối phương rất kỹ, chẳng hề vì cậu chàng là một kẻ phàm nhân chưa từng giao thủ với cường giả Vụ Hải mà khinh địch.
Chỉ thấy Lý Thanh Vân vung song chưởng lên chống đỡ. Đối chọi với những dòng sét như thác nước đổ từ chín tầng trời, thân ảnh có đôi chút gầy gò của thiếu niên có mấy phần đơn bạc yếu ớt. Thế nhưng trước uy lực của trời đất, sống lưng kia vẫn thẳng tắp như ngọn thương.
Tuệ Lăng chân nhân đương nhiên không phải kẻ chờ đối thủ đón đỡ chiêu thứ nhất rồi mới đánh bồi thêm. Lão vung tay bắt quyết, tức thì chín tên đệ tử lật gương, rọi những điểm sáng thu hút được từ nãy vào người lão. Pháp lực trong người thoáng cái tràn đầy, Tuệ Lăng chân nhân lại chu miệng, bắt quyết, lấy ngón tay chấm máu viết lên mặt kính một đạo bùa chú, đoạn quát:
“Thái Cực Lưỡng Nghi, Ngũ Hành Tá Pháp, Địa Hỏa Phần Thần!”
Lão vừa dứt lời, thì dưới chân Lý Thanh Vân đã có vô vàn lưỡi lửa đủ cả màu sắc bốc lên ngùn ngụt.
Giữa ánh lửa rừng rực, cậu chàng không hề núng thế, đưa tả chưởng xuống dưới, hữu chưởng vẫn giơ lên, một tay chống thiên lôi, tay kia trấn địa hỏa, thoạt nhìn cũng oai hùng chẳng kém gì thần linh hạ phàm.
Tuệ Lăng chân nhân nghiến răng, quát:
“Cũng có chút bản sự bàng môn tả đạo, nhưng chỉ đến đây thôi! Âm Dương Ngũ Hành, Sâm La Hữu Pháp, Âm Phong Hủ Cốt!”
Lão dùng đến thần thông này thì cả đám đệ tử đều nhao nhao phun ra một ngụm máu, thần sắc uể oải thấy rõ, cảnh giới cũng lung lay thiếu điều muốn hạ xuống.
Trong khoang thuyền, bốn tì nữ nghe lão niệm chú mà nghiến răng, nói thầm:
“Tuệ Lăng này cũng ác thật, thế mà lại sử dụng Tam Tai để đối phó với Lý thiếu hiệp.”
“Lần này không biết thiếu hiệp có thể chống đỡ được hay không.”
Đạo môn muốn từ ngũ cảnh đặt chân Vụ Hải, thì thần hồn phải trải qua ba nạn: thiên lôi, địa hỏa, âm phong, từ đó gọi là tam tai. Pháp chú khống chế tam tai mà Tuệ Lăng chân nhân cũng được liệt vào hàng tuyệt kỹ của Đạo gia.
Đạo môn dựa vào ba tuyệt kỹ này, lấy yếu thắng mạnh, áp đảo các nhà khác không biết bao nhiêu lần, thành thử uy danh của ba pháp này cũng lẫy lừng Huyền Hoàng giới. Nếu không phải tiêu hao cực lớn, phản phệ nặng nề, thì có lẽ Đạo gia dựa vào ba môn này đã đủ để xưng bá Ngũ Lộ Triều Thiên.
Quế Như Ngọc cũng đang băn khoăn không biết nên can thiệp hay chăng, thì bỗng nhiên trố mắt, chỉ ra ngoài thuyền, chỉ biết nói lên hai tiếng:
“Nhìn kìa!!!”
Chỉ thấy Lý Thanh Vân một tay gom thiên lôi, tay kia vớt địa hỏa, kẹp âm phong vào giữa ngưng tụ lại thành một. Nói đoạn, cậu chàng cười gằn, quát:
“Ngọc Hư cung, ta đã nhường các người ba chiêu, giờ xin trả lại một chưởng!”
Đoạn vung tay, tống cả tam tai về phía Tuệ Lăng chân nhân.
Bấy giờ trong thuyền, Tu Hoa kinh hãi kêu lên:
“Là Càn Khôn Đại Na Di!!!”
oOo
**Vài lời chia sẻ về quan điểm sáng tác của nhóm tác**
Trước hết thì nếu bà con cô bác đọc đến tận chương này rồi thì nhóm tác xin gửi lời cảm ơn sự ủng hộ và đồng hành của mọi người bao lâu nay. Và bọn mình cũng hy vọng có thể tiếp tục đồng hành cùng các bạn.
Kế đến thì xin vào chủ đề chính luôn, bài chia sẻ này sẽ nói với bà con về quan điểm sáng tác của nhóm bọn mình, cụ thể là trong vấn đề điểm danh cho có (name drop) hay sử dụng các nhân vật truyền thuyết hoặc nhân vật có thực trong lịch sử trong truyện. Đúng là một phần lý do của lần chia sẻ này là do hôm qua có độc giả thắc mắc về việc truyện không l*иg ghép yếu tố thần thoại của Việt Nam vào. Nhưng chia sẻ này không phải nhằm vào ai cả, mà bọn mình đơn giản cho rằng nếu độc giả bình luận gì mà chúng mình cũng hứa suông kiểu bảo sẽ rút kinh nghiệm xong quay đi lại vẫn đường ta ta đi thì không được tôn trọng các bạn lắm. Thế nên, bọn mình bây giờ chia sẻ những điều này để tất cả độc giả biết rõ bộ truyện này sẽ có gì, không có gì, và định đi về đâu. Hay nói cách khác là viết mấy dòng để cho thông tin minh bạch, ai cũng biết, cũng hiểu. Đương nhiên bọn mình không mong muốn có ai vì thông tin sắp chia sẻ này mà quyết định bỏ truyện, nhưng nếu ai mong muốn điều gì mà bọn mình không hề có ý định làm và thấy cần drop truyện thì cũng đành chịu thôi. Và cuối cùng, đương nhiên tất cả những điều bọn mình nói tiếp đây chỉ là quan điểm sáng tác của nhóm, nếu ai không đồng tình, hay thậm chí là phản đối cũng không sao. Bọn mình không hề yêu cầu độc giả hay các tác giả khác phải chia sẻ các quan điểm này.
Kỳ thực, bọn mình nghĩ name drop thì ai cũng làm được. Và có nhiều người cũng chỉ cần thấy vài cái tên thần thánh trong truyền thuyết, cổ tích, thần thoại là vui rồi. Thế nhưng, nếu nhân vật mà chỉ có mỗi cái tên giống nhân vật trong truyền thuyết gốc, còn tính cách, ngoại hình, và các loại đặc điểm nhận dạng khác chả liên quan thì liệu có thể tính là nhân vật gốc đó nữa hay không? Mà nếu tất cả đặc điểm đã khác biệt như đạo hàm n lần rồi, thì tại sao ko đặt quách một cái tên mới, khác biệt hẳn đi mà còn phải bấu víu vào tên nhân vật gốc làm gì? Ké fame à? Nếu thế thì hành động này nó bị kiểu... không tự đứng được trên đôi chân của mình nên phải trèo lên lòng đại gia ngồi vậy. Còn nếu tự đứng được mà vẫn làm vậy thì vì mục đích gì? Bêu xấu tác phẩm gốc à?
Ví dụ thì nhiều lắm:
1. DC với Marvel của Mỹ là hai hãng truyện tranh nổi tiếng đấy, cơ mà Hercules của DC thì là nhân vật phản diện, của Marvel thì tuy là siêu anh hùng đấy, nhưng tính tình thì hữu dũng vô mưu, não bị thịt, chỉ biết đánh nhau. Cả hai đều chả có tí phong phạm nào của Hercules trong thần thoại Hy Lạp.
2. Còn mấy nhân vật của Á trong truyện của Mỹ, như Tôn Ngộ Không chẳng hạn, thì bỏ đi mà làm người, nát không thể nát hơn. Nhiều khi đọc mà chỉ thấy hình như bọn nó mượn nhân vật Á chỉ để thượng đẳng với người Á hay sao ấy. Như hồi 2021 bên Mỹ có một bộ truyện cũng đình đám lắm, name drop nào là Tô Đắc Kỷ, nào là Khương Tử Nha, nào là núi Võ Đang, nào là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, xong con tác còn trả lời phỏng vấn các kiểu nào là nhân vật chính dựa vào Mao Trạch Đông, nào là tiểu thuyết dựa vào chiến tranh thuốc phiện, báo chí Mỹ cũng quảng cáo chị tác ấy là tác giả gốc Hoa, có 2-3 bằng PhD về văn hóa Trung Quốc, Á Đông các kiểu con đà điểu. Cơ mà... cái xã hội trong truyện nó còn chả ra một xã hội Á. Còn nói thẳng một câu, Mao mà ngu như con nữ chính của truyện ấy thì chết từ khi còn là trẻ con rồi.
3. Nhật thì tuy rất nhiều bộ hay, ổn đấy, nhưng cũng chẳng thiếu những bộ như những nồi lẩu thập cẩm đem nhét đủ các loại văn hóa đông tây vào cho có, nhưng chả cái nào ra hồn cả.
4. Rồi thì truyện của tác giả Việt, cũng không thiếu các bộ cho Lạc Long Quân vào để câu views, nhưng ngoại trừ những gì ai cũng biết trong sự tích đánh tam yêu và sự tích bọc trăm trứng, liệu có được bao nhiêu tác giả tìm hiểu kỹ về Lạc Long Quân đủ để biết những điều sau:
a. Sau sự kiện bọc trăm trứng, nhiều trăm năm về sau, Lạc Long Quân và Âu Cơ còn có thêm một người con gái. Nàng ta là nhân vật chính trong chuyện cổ tích *Sự tích núi Ngũ Hành* kể về Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng (chứ không phải Ngũ Chỉ Sơn nhốt Tôn Ngộ Không đâu nhá).
b. Lạc Long Quân tên thật là Sùng Lãm thì có thể tra google được. Nhưng Sùng ở đây không phải họ của ông, vì thời ấy không có khái niệm họ. Còn nếu muốn cho Lạc Long Quân một cái họ ấy, thì theo sử gia phong kiến, nó phải là họ Hồng Bàng. Tức là, Lạc Long Quân tên đầy đủ phải là Hồng Bàng Sùng Lãm.
c. Lạc Long Quân theo đúng như những tích dân gian không bị ảnh hưởng bởi tôn giáo mà ông cha ta nghĩ ra, nếu phân tích theo góc nhìn của thần thoại học, thì nói trắng ra là chả sợ hay ngán bố con thằng nào trong truyền thuyết, thần thoại của Tàu cả, bao gồm cả Hồng Quân với Như Lai Phật Tổ. Có thể đánh thắng được hay không thì không dám chắc nhưng cũng sẽ không thua.
d. Đa số các thông tin về cha của Lạc Long Quân cũng như các tình tiết kết nối ông với thần thánh của Tàu khả năng cao là tư tưởng Nho giáo thời xưa ở mình coi Việt Nam là nước nhỏ, muốn có chính danh nên gán cho ông là con cháu Viêm Đế. Dùng tham khảo thôi.
e. Sự kiện bọc trăm trứng, và quan niệm người Việt là "con rồng cháu tiên" có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Việt Nam. Dân ta không có thái độ bài xích, khinh khi con lai hay đề cao huyết mạch tinh thuần như rất nhiều nền văn hóa khác. Cũng nhờ thế mới không bị Tàu đồng hóa, còn đồng hóa ngược chúng nó trong thời gian ngàn năm Bắc thuộc. Tương tự, vì lý do này mà các tích truyện về tình yêu giữa tiên và phàm của Việt Nam cũng thường có kết cục có hậu hơn so với các nền văn hóa khác.
Nhưng mình hỏi thật, có bao nhiêu truyện các bạn từng đọc đưa được ít nhất một trong năm điểm kể trên vào nội dung? Hay đa số các truyện có Lạc Long Quân thì ông cũng chỉ rất mờ nhạt, chung chung, xuất hiện kiểu cho có, không có gì đặc biệt, cũng chả cung cấp thêm được tí ti thông tin nào được lấy từ truyền thuyết và sử liệu mà người đọc ít biết về ông?
5. Nhân nói về Lạc Long Quân, nói tiếp về thần thánh khác của Việt Nam mình đi, bao nhiêu truyện của chúng ta biết việc hệ thống, thể chế chính trị thiên phủ của Việt Nam khác hẳn thiên đình của Tàu hay việc một số vị thần dù tên giống nhau nhưng chức vụ và quyền năng khác hẳn? Ví dụ rõ ràng nhất là Nam Tào - Bắc Đẩu, ở trong truyền thuyết Trung Quốc chỉ là hai chức quèn, hai trong 28 vị tinh tú. Nhưng ở trong thần thoại Việt Nam thì sao? Chức có khác gì tả hữu thừa tướng của Ngọc Hoàng, dưới một người trên vạn người không? Sổ sinh tử cũng thế, bản của Việt Nam do Nam Tào, Bắc Đẩu giữ trong "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" xịn sò hơn hẳn cái đống sách rách bị Tôn Ngộ Không đem gạch trong Tây Du Ký. Hay bản thân Ngọc Hoàng đi, Ngọc Hoàng của Việt Nam tính xuề xòa hơn, bỉ hơn, nhưng cũng chính nghĩa, công bằng hơn ông Ngọc Hoàng đạo mạo nhưng vô tình của Trung Quốc. Nhưng... có bao nhiêu truyện Việt nói được những điều này?
Ngoài lề tí, nếu ai xem lại Táo Quân thẳng một mạch từ 2003 đến giờ, mà để ý, thì anh Hoàng ngày càng bỉ, ngày càng củ chuối. Nên thực ra có thể nói là anh Hoàng của mấy năm đầu giống Ngọc Hoàng của Tàu hơn, nhưng mấy năm gần đây đã đúng chất Ngọc Hoàng Việt Nam rồi. Tất nhiên, mình cũng chả biết biên tập với đạo diễn của Táo Quân biết những gì, tìm hiểu ra sao, nên đây cũng chỉ là cảm nhận cá nhân thôi.
6. Chương trình "Quà tặng cuộc sống" chiếu trên VTV3 buổi tối cũng từng có một quả trộn văn hóa như lẩu thập cẩm rồi: "sự tích cái mai rùa" ấy. Thần tối cao thì của Hy Lạp (Zeus), dưới trướng lại có thiên sứ (Thiên Chúa giáo là tôn giáo Độc Thần, tức là thiên sứ sẽ coi tất cả những ai không phải Chúa, bao gồm cả Zeus, là một trong các con quỷ dưới quyền của Satan), xong tổ chức cuộc họp ở Thiên Cung (tức là địa điểm của Á, cụ thể hơn là Việt Nam hoặc Trung Quốc), nhưng lại họp muôn loài muông thú (chuyện chỉ thường xảy ra trong văn hóa Á hoặc một số văn hóa bộ lạc thổ dân ở Âu - Mỹ). Name drop kiểu này nó chả ra đâu vào đâu cả, và nó xúc phạm tất cả các nền văn hóa mà nó lôi vào.
Nhìn chung, đưa ra 6 ví dụ trên để nói cá nhân bọn mình thấy nếu chỉ viết cho có, điểm danh nhân vật để câu views nhưng không lột tả được tinh túy nhân vật là hành động rất vô nghĩa, lại còn đầu độc bạn đọc với sự tìm hiểu nửa vời. Mà bọn mình cũng chẳng có nhu cầu khoe bọn mình đã đọc bao nhiêu cổ tích, truyền thuyết, thần thoại của Việt Nam rồi hãy bỏ bao nhiêu giờ ra nghiên cứu sâu hơn, việc này cũng khá là vô nghĩa. Đọc nhiều nhưng chả hiểu nổi bản chất câu chuyện là gì, bài học ra sao, hay tính cách nhân vật như thế nào, mà chỉ nhớ được tên nhân vật để đem khoe "mình đã đọc rồi" thì còn không bằng đọc ít nhưng đọc cái nào hiểu kỹ cái ấy và có thể áp dụng, biến tấu nó đi thành những câu chuyện vừa mới vừa cũ, có hơi thở cổ xưa mà vẫn mang tính thời đại.
Nhân vật truyền thuyết, cổ tích, nhân vật lịch sử là tài sản chung, ai cũng có quyền sử dụng. Nhưng quyền nào thì cũng phải đi kèm với nghĩa vụ tương ứng. Mà nghĩa vụ ở đây, theo bọn mình, là thể hiện đủ sự tôn trọng đối với tích gốc, với tác phẩm gốc, hay với danh nhân lịch sử.
Thế nên, nhìn chung, khi sáng tác, bọn mình thường là sẽ tạo hẳn nhân vật mới, của riêng bọn mình, nhưng lấy cảm hứng từ một hoặc nhiều nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích, lịch sử. Như vậy, nhân vật có thể khác hẳn đi, tìm kiếm một sự sống riêng. Bộ này là như vậy. Mặc dù không dùng thẳng tên bất kỳ một vị thần thánh hay bê nguyên si một truyền thuyết hay cổ tích của Việt Nam vào truyện, nhưng nếu để ý kỹ thì thực ra có rất nhiều sự tham khảo, đối chiếu, so sánh. Cụ thể thì:
Truyền thuyết sáng thế của Huyền Hoàng giới là biến tấu của sơn tinh - thủy tinh.
Đảo quỷ và hải thú lấy cảm hứng từ cây nêu ngày Tết và đám quỷ bị đày ra biển đông.
Ngày lễ đạp thanh lấy ý tưởng từ truyện cổ tích lưỡi dao thần. Chả có bản ngưu - chức nào nhà chồng xách dao lên xiên thiên đình như truyện dân gian Việt Nam cả.
Thành Cổ Long là pha trộn của Cổ Loa và Thăng Long.
Chiến Hổ lấy ý tưởng từ bài thơ tả Phạm Nhĩ: trời sinh hùm vốn có vây / hùm mà có cánh hùm bay về trời. Cái tính nóng lên là chiến của cno cũng từ y mà ra luôn.
Phản Thiên Chi Chiến lấy cảm hứng từ Cường Bạo Đại Vương.
Trong truyện cũng xuất hiện một tổ chức với Quận Rắn, Quận Rết, Quận Cú trong truyện cổ kể trên.
Lê Dực, Lê Tam Thành với Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông ra sao thì chắc chả cần nói đến nữa.
Tao Đàn đình lấy ý tưởng từ hội thơ Tao Đàn.
Bạch Vũ Ngưng lấy cảm hứng từ truyện cây gạo trong Truyền Kỳ Mạn Lục và truyện yêu quái ở Xương Giang, đương nhiên đã có biến tấu đi rồi.
Quỷ Rừng lấy trong tích hai cô gái và cục bướu.
Và tất cả thơ, đối trong truyện đều là thơ, đối của tác giả Việt, trừ những bài tự biên tự diễn ra thì đều được mình chọn cẩn thận để giới thiệu cho anh em bạn đọc. Không có bất cứ một bài nào có trong chương trình phổ thông
Vụ cấm thịt trâu, bò nó cũng là luật có thật được ra bởi nhiều đời vua Việt Nam.
Và còn rất nhiều thứ khác chưa nói, nếu muốn liệt kê hết ra thì có viết hẳn thành cuốn sách khác cũng được, nhưng bấy nhiêu cũng đủ dài rồi.
Nói như vậy không có nghĩa là bọn mình không dám hay không bao giờ sử dụng nhân vật truyền thuyết, cổ tích, hay nhân vật có thật trong lịch sử. Vì thực ra bọn mình đã, đang, và sẽ làm điều ấy rồi: Trong rất nhiều tác phẩm ngắn dài khác nhau từ suốt 2017 đến giờ và sẽ còn tiếp tục trong tương lai cơ. Nếu ai chưa biết thì Nghịch Tử là fan ruột của Kim Dung, nên thực ra thể loại sở trường là kiếm hiệp dã sử cơ. Hai bộ "Thuận Thiên Kiếm - Rồng không đuôi" và "Long Ngư diễn nghĩa" đều có rất nhiều nhân vật lịch sử. Còn về tác phẩm của mình thì cái "Truyền Kỳ Xứ Mộng" đang được đập đi xây lại nhìn chung kể về một thế giới mà tất cả các nhân vật truyền thuyết, cổ tích, và không ít danh nhân lịch sử có thể gặp gỡ, giao lưu. Hay nếu ai lên trang Facebook của Cổ Thuyết (Cổ Tích được kể thành Tiểu Thuyết) bọn mình thì có thể tìm được một truyện ngắn bọn mình kể lại tích Lạc Long Quân đánh Ngư Tinh thành tiểu thuyết võ hiệp/tiên hiệp. Hay như bộ linh dị "Đất Ma/Đất độc rừng thiêng" thì yếu tố cổ tích, thần thoại cũng rất nhiều và đôi khi các nhân vật trong những câu chuyện đó hay vong hồn của các nhân vật có thực trong lịch sử cũng xuất hiện. Thậm chí, ngay cái dự án kịch bản game mà Nghịch Tử đang chủ bút cũng tập trung rất nhiều vào danh nhân lịch sử thời Lý - Trần.
Thế nhưng, điểm chung của các tác phẩm nêu trên là chúng cần rất nhiều tinh lực và trách nhiệm. Để khắc họa ra những nhân vật ấy ở mức mà nhóm bọn mình có thể tự thấy chấp nhận được, có thể không thẹn với lòng, có thể thấy nhân vật trên trang giấy đó không làm xấu mặt nhân vật trong tích gốc hay nhân vật lịch sử, thật sự tốn rất nhiều thời gian, công sức, và chất xám. Nó cũng yêu cầu bọn mình tra cứu, đọc lại nhiều nguồn, bàn bạc, thậm chí cãi nhau rất nhiều. Nên nếu xác định theo hướng ấy thì tác phẩm ấy sẽ phải là project chính của bọn mình, chứ không phải chỉ là một project phụ, rảnh tay thì viết, bận thì nghỉ như bộ tiểu thuyết "Xuyên qua làm nhân vật quần chúng..." này. Và nếu đã làm một project theo hướng kia thì bọn mình cũng không thể đảm bảo viết và đăng với tốc độ 3-5 chương/tuần, xong lễ tết còn có thêm chương đâu.
Túm cái váy lại, bộ tiểu thuyết này sẽ không bao giờ chơi trò điểm danh cho có hay để nhân vật truyền thuyết, cổ tích, lịch sử trực tiếp xuất hiện đâu. Nên là, nếu bà con mà ngồi chờ nhân vật truyền thuyết hay lịch sử lên sàn diễn trong truyện này thì xin lỗi, chờ đến hết truyện cũng không gặp đâu. Cùng lắm thì thi thoảng có thể tên giống nhau như trường hợp nhà Trư Đế thôi, nhưng nhìn chung thì đều sẽ mang hẳn tên khác và có sự biến tấu rất nhiều. Ví dụ như Lý Huyền Thiên có thể tính là Thánh Gióng bản rated R vậy, không phải tự nhiên cho Thanh say xong kể chuyện ở tiệc cưới đâu. Không về trời được nên phải đối mặt với rất nhiều vấn đề của thời bình: gia tộc nội đấu, ai cũng muốn lợi dụng hoặc hãm hại, stress quá đi xả vào gái gú, và hậu quả là cuộc đời bi kịch của Lý Thanh Vân (cho đến khi gặp được Thanh). Hay tục săm mình của người dân Đại Hàn được nhắc tới trong đoạn người cổ viện đến Kiếm Trì tham gia bí cảnh là lấy cảm hứng từ văn hóa Văn Lang. Mấy cái chi tiết kiểu này, ai nhận ra được thì tốt, còn không nhận ra thì cũng chẳng sao, nó dù gì cũng không ảnh hưởng đến câu chuyện bọn mình muốn kể. Nhưng nếu các bạn mà không nhận ra được thì cũng đành chịu thôi, vì nhóm tác bọn mình cũng không thể chương nào cũng thêm một phần chú thích còn dài hơn nội dung chương chỉ để đi giải thích cặn kẽ, phân tích kỹ càng xem cảm hứng là gì, so với tích gốc giống ở đâu, khác thế nào được. Bởi vì đọc và cảm thụ văn học nó là đường hai chiều, đến từ hai phía. Bọn mình bây giờ mà lại đi nói các bạn nên hiểu ra sao, cảm nhận thế nào thì quá bằng… tự sướиɠ, mà thế còn tước quyền được có những cảm nhận riêng về truyện của độc giả.
Cơ mà nếu các bạn nghĩ truyện không đưa hay ít đưa yếu tố cổ tích, thần thoại, hay lịch sử vào thì bọn mình xin khẳng định luôn là những truyền thuyết, phong tục tập quán, hay thậm chí cuộc đời của nhiều nhân vật tại Huyền Hoàng giới đều là lấy cảm hứng từ một hoặc nhiều truyền thuyết, cổ tích khác nhau của các dân tộc anh em trên khắp rải đất hình chữ S. Đâu cần cứ phải chỉ mặt gọi tên thì mới là l*иg ghép vào? Và chỉ mặt gọi tên nhưng ngoại trừ cái tên ấy ra chả còn gì khác của nhân vật thì liệu có thể thật sự tính là đã đưa nhân vật vào truyện được hay không?
Và bà con coi nhóm tác là dở hơi, hay bảo thủ, cổ hủ cũng được, cơ mà bọn mình có quy tắc riêng của bọn mình, có quan điểm riêng của bọn mình, và những cái ấy thì sẽ không thay đổi đâu.