Huyền Thoại Chưa Kể

Quyển 4 - Chương 4

Một chiều nọ khi tập võ xong, Thu Nữ ra bờ suối lấy nước và lặng nhìn bóng hình phản chiếu của mình đong đưa theo từng con sóng đang lăn tăn mặt nước. Cái hình bóng đấy chỉ hiện hữu khi nàng về quê nội hoặc ở nhà, ở nhà mấy kẻ sống quanh đấy đều thấy hình dáng nàng từ lâu, làm gì cũng vô dụng, chốn nhà nội thì nàng không đủ sức phản kháng tà khí, đành cam chịu lộ ra bộ dạng thật. Thỉnh thoảng người nhà cũng hiếu kỳ hỏi cớ chi võ công nàng đã quá cao cường mà cứ giữ mãi nguyên tắc, hay vẫn chưa hết ám ảnh chuyện cũ. Nhưng họ nào có hiểu, Thu Nữ thật ra đâu ám ảnh lâu đến thế chỉ là nàng còn nghi hoặc lòng người, lời ngọt ngào đầu môi ai biết thật giả ra sao, ngoại trừ người thân ai sẽ đối xử tốt với nàng không vì vẻ bề ngoài.

Quanh nàng đâu đâu cũng đầy nghi hoặc…

*

* *

Nàng từng đi rất nhiều nơi, ở quê nội, quê ngoại, người ta vì gia thế nàng mà nịnh hót, vì dung mạo nàng mà bám đuôi, những thứ vây quanh đều tạo cảm giác giả tạo vô cùng. Lộc nữ dần hiểu phần nào nguyên do cha nàng quyết giấu bản thân, giấu để sống một đời yên ổn, giấu để gặp được người thật lòng. Nhưng thân phụ nàng cũng là kẻ sống trong nghi hoặc, nghi hoặc chính mẹ nàng - người chung sống với ông vì nghĩa tình phu thê, dù bà yêu chân thành tới mức Thu Nữ phải kính phục…

Chúng tiên hữu hay nói cha nàng khổ vì lấy về một công chúa đỏng đảnh, ưa được nuông chiều nhưng họ chỉ nhìn một bề chứ đâu biết mẹ nàng từng tập làm quen cuộc đời nghèo khó như thế nào. Theo lời bác cả bên nhà ngoại, một công chúa sống trong nhung lụa như mẹ nàng mà phải về nhà tranh, ngủ trên giường tre sơ sài, một năm chỉ được mặc áo đẹp dịp đầu năm. Từng được cả mấy chục kẻ hầu người hạ cơm bưng nước rót, đến trà còn có người dâng tận miệng, nào ngờ từ ngày xuất giá mẹ lộc nữ phải học dùng bếp, học nhóm lửa, học pha trà… Mọi người hay đùa ngày đầu nhóm bếp mẹ nàng bị khói ám đen cả người, tưởng chừng đã từ hồ ly trắng hóa hồ ly đen. Rồi lúc bà mang tách trà ra mời tướng công, cha nàng đã suýt sặc chết vì trà quá đắng… Chuyện kể ngỡ đâu là chuyện vui trêu đùa mẹ nàng vụng về, riêng lộc nữ nghĩ khác, mẹ có thể vụng về, có thể không khéo léo bằng các nữ nhi khác thế nhưng những việc bà làm đều là chân tình. Với thân phận công chúa, mẹ nàng luôn dễ dàng sai bảo người khác hầu hạ mình, thậm chí ngồi không chỉ tay năm ngón, vậy mà vẫn tự tay đun nước pha trà để đưa lên cho người yêu thương.

Lộc nữ từng về nhà ngoại, từng thấy căn phòng mẹ ở thời còn son rỗi, căn phòng lộng lẫy một trời một vực với căn phòng nhỏ hẹp hiện giờ bà đang sống. Từ tấm gương soi mặt đến đồ dùng trang điểm, cả rèm cửa đều chẳng phải thứ tầm thường, hay nói cho đúng, đấy toàn là thứ trân quý dành cho bậc danh gia vọng tộc. Ông ngoại kể rằng xưa kia mẹ nàng rất thích ăn mặc đẹp, y phục, trang sức chất đầy cả tủ, quần áo chắc đếm đến hàng trăm, bốn mùa xuân hạ thu đông đều thay đổi kiểu áo lẫn màu sắc gần như chưa từng trùng nhau, trang sức cũng thế, thoa trâm xuyến hoặc hoa tai luôn phải thuộc loại đẹp nhất, chế tác độc đáo nhất để ai trông thấy đều trầm trồ, xuýt xoa… Lời ông ngoại kể là vậy, còn nay lộc nữ chỉ biết mẹ mình đang sống trong căn phòng đơn sơ che tấm rèm vải thô bị mưa nắng làm hao mòn biết bao mùa, tấm gương cũng là thứ mua từ ngày họp chợ, son phấn càng tầm thường, thứ đồ trang điểm đó chỉ vài đồng đã thừa sức mua về cả rương. Trâm cài tóc một năm mới mua cái khác, y phục dẫu đẹp nhưng đa phần đều là vải thường, mùa đông chỉ mặc thêm vài lớp áo dày hơn tí chứ chưa bao giờ lộc nữ thấy mẹ đòi hỏi mua lụa quý, vải tốt để tô điểm mình.

Cuộc sống cành vàng lá ngọc bị hóa thành thường dân mà mẹ nàng chưa một lần oán trách, bà tự nguyện, bà sẵn sàng đánh đổi địa vị để có tình yêu. Nhiều lần nàng ngỏ ý muốn cha mua cho mẹ lụa đào, mua thêm trang sức hay phấn son loại tốt, nhưng cha chưa kịp nói gì mẹ nàng đã phản đối. Theo lời bà, cha nàng làm việc cực khổ, tiền bạc trong nhà không bao nhiêu nên chẳng thể đua đòi giống các vị phu nhân quyền quý, hơn nữa với bà vải thường đã quá ấm, trang sức hay son phấn bình thường cũng đâu làm bà xấu đi.

Mấy tiểu tiên học việc với cha nàng còn kể lúc mới thành hôn, mẹ nàng đang thai, người có thai mà nằm giường tre ọp ẹp, nhiều đêm mất ngủ tới hai mắt thâm quầng mà không một lời than vãn. Các tiểu tiên bảo mẹ lộc nữ vì chọn tướng công địa vị quá thấp nên phải từ bỏ hết cuộc sống xa hoa, đến ngọc ngà châu báu từ nhà mình cũng không mang theo bởi lo quá phô trương sẽ bị người ngoài dòm ngó, sẽ gây lời thị phi liên lụy đến tướng công.

Đáp lại tình yêu đó, cha nàng cũng rất chiều chuộng mẹ. Thân lang y bổng lộc eo hẹp nhưng mỗi dịp xuân về, cha lộc nữ luôn mua thật nhiều y phục cho thê tử mặc đi chơi Tết. Không thể mua phấn son đắt tiền, phụ thân Thu Nữ trèo non lội suối tìm đủ loại thảo dược quý về giúp người thương dưỡng nhan. Biết thê tử hậu đậu chuyện bếp núc, cha nàng luôn cố giành hết việc nấu nướng về phần mình, mỗi phen mẹ lộc nữ thèm ăn món gì, ông ta đều chẳng ngại đường xa tìm về bằng được.

Lúc chưa biết về nhà nội, Thu Nữ ngưỡng mộ tình yêu của cha mẹ lắm. Mỗi phen nhìn mẹ lui cui pha trà cho cha, nhìn cha nhăn mặt mà vẫn cố uống bằng hết tách trà đắng, lộc nữ chẳng thể giấu được nụ cười trên môi. Lúc thấy cha mặt mũi lấm lem mang về bao thuốc quý chỉ để giúp mẹ dưỡng nhan sắc, hay dịp đầu năm, cha nàng dành dụm tiền bạc mua cho nương tử mấy tấm áo giao lĩnh thêu hoa trong khi bản thân còn đang bận tấm áo cũ đượm mùi thuốc, Thu Nữ đều thầm ước mai sau tìm được tình yêu chân thành y như thế. Một tình yêu không phân sang hèn, chỉ cần hiểu nhau, nhường nhịn nhau, sống vì nhau là đủ. Với Thu Nữ khoảnh khắc đẹp nhất thế gian chính là lúc cha mình tranh vào bếp nấu cơm, là trời trở rét cha nhường mẹ từ tấm áo tới tấm chăn… Tình yêu đấy đã khơi được niềm tin nơi trái tim lộc nữ, nàng tin thế gian mênh mông sẽ có người thật lòng với mình chứ không vì gia thế hay dung nhan.

Nhưng tiếc thay cái gì đẹp quá thường không thực, mơ mộng nhiều rồi cũng nhanh chóng sụp đổ và Thu Nữ đã sụp đổ khi gặp ông nội…

Từ ngày biết gia cảnh nhà nội, nàng mới hiểu khi gả về căn nhà tranh này vị thế mẹ nàng không hề hạ xuống mà còn cao hơn. Cha nàng có thể làm được nhiều gấp bội những gì mọi người thấy, cha thừa sức mang về cả kho lụa là gấm vóc, kim ngân châu báu, cả phấn son quý giá nhất với ông cũng chẳng đáng bao nhiêu. Cha đủ tiền để dựng lên căn nhà gạch ngói khang trang hơn bất kỳ căn nhà nào chốn Thiên Cung, hô lên một tiếng sẽ lập tức có muôn vàn kẻ hầu người hạ, cha dễ dàng cho mẹ nàng cuộc sống đầy quyền quý nhưng lại không làm.

- Không thể nào! Tốc độ nhanh là lợi thế trong đấu võ, sao có chuyện thua vì ra đòn nhanh. – Nam Khuê cố phản đối.

Lộc nữ bình tĩnh giải thích.

- Nhanh ở đây là chàng ép mình di chuyển nhanh thành ra tự tạo áp lực tâm lý, càng áp lực càng căng thẳng, cuối cùng hóa tác dụng ngược, muốn nhanh rốt cuộc kéo mình chậm lại. Chàng nghe lời ta, thoải mái thôi, đừng ép mình xuất chiêu nhanh nữa, cái trôi chảy khác cái nhanh. Đánh trôi chảy khi từng chiêu thức nhẹ nhàng uyển chuyển, không cần tự ép mình mà thế võ cứ tự nhiên diễn ra. Chàng thấy người cao tuổi tập Thái Cực Quyền bao giờ chưa, họ tập động tác đâu cần quá nhanh nhưng hỏi hiệu quả không thì hiển nhiên là có. Giờ thử ra đòn chậm thôi, để rõ tác dụng từng chiêu rồi từ từ sẽ nhuần nhuyễn trôi chảy. Chính bởi chàng cứ cố tâm niệm xuất chiêu nhanh mới thành mất tập trung, chần chừ, chiêu thức nơi chàng quá miễn cưỡng trong khi cao thủ thật thụ sẽ xuất chiêu từ ý.

Điều này Thu Nữ cũng học từ lão bà hầu tiên, hầu tiên cao tuổi thường kể về nam nhân bà yêu nhất trên đời, qua những lời chấp vá, lão bà mô tả nhân tình của mình oai phong, tài hoa, lại rất giỏi dụng đao. Theo lời bà người ấy xuất chiêu như nước chảy mây trôi, đối phương thậm chí còn không biết thứ gì vừa tấn công mình, tuy nhiên cái nhanh của người ta do tập nhuần nhuyễn mãi thành ý niệm chứ chẳng phải do cố miễn cưỡng thúc đẩy nhanh chiêu võ.

Hơn nữa, Nam Khuê còn khá giống một trường hợp nữa gọi là học được mà không áp dụng được vào giao đấu. Ông nội nàng dạy rất kỹ càng và nghiêm khắc, học võ phải gồm ba bước tập gió, tập đối luyện và giao đấu kiểm chứng. Tập gió là tự tập từng phần, từng chiêu nhiều lần cho thành thục, tập đối luyện là luyện tập cùng một người tấn công để thành thục phản xạ né, đỡ, phản đòn,… còn giao đấu kiểm chứng là đấu thực tế cùng người ngang sức. Nhờ rèn luyện theo ông nội từ nhỏ, phụ thân của lộc nữ khi cần vẫn khai triển được võ nghệ vô cùng lợi hại, không thua bất kỳ cao thủ nào. Thu Nữ phỏng đoán Nam Khuê chắc chỉ tập gió và tập đối luyện là nhiều, dạng công tử này hẳn chả mấy ai giao đấu kiểm chứng đâu, tố chất không thiếu chỉ thiếu cơ hội.

Chưa kịp nói rõ cho thế tử nghe, trời bỗng đổ cơn mưa, cả hai đành phải chạy vào hang trú, lộc nữ đứng nhìn mưa rơi ào ạt trắng xóa một vùng, mèo nhỏ thì lấy giấy bút ra vẽ cảnh mưa. Mưa thật đẹp, mưa như tấm áo lụa từ trời cao buông xuống cánh rừng, màn mưa trắng phủ mờ không gian, đằng sau ẩn hiện màu xanh tự tại từ cây cối, chỉ tiếc rằng Nam Khuê vẽ mãi cũng chẳng ra được cái thần khung cảnh trước mặt.

Hươu sao đứng nhìn tranh bất chợt nhắc chuyện xưa.

- Mưa đôi lúc không chỉ là mưa, mưa là nỗi niềm, mưa là ảo giác, là nước mắt khóc cho một cuộc tình.

- Bà lão hầu tiên kể với cô à? - Thế tử hỏi.

Nàng gật đầu thừa nhận đồng thời nói thêm.

- Mưa cũng là kỷ niệm nhắc lại chuyện vui buồn, nhắc lại tiếc nuối xen lẫn ân hận. Ký ức như mưa vậy, sờ sờ đó mà nhưng toàn trôi tuột qua kẽ tay, tất cả những gì còn lại chỉ cảm giác ướt lạnh cả bàn tay.

Nhìn lộc nữ với cặp mắt rưng rưng như sắp khóc, Nam Khuê nói tới.

- Chuyện lão bà ấy buồn nhỉ.

- Không phải! Chuyện này của ông bà nội ta.

- Ông bà nội cô bị việc gì mà nghe não lòng thế?

Tới đây lộc nữ mới giật mình vì vừa phạm cấm kỵ, nàng từ lâu luôn dặn bản thân không tiết lộ gì về nhà nội, thế mà nay lại nhỡ miệng nói ra. Nàng liền viện cớ chuyện quá đỗi đau lòng nên chẳng muốn nhắc. Mèo nhỏ cũng là kẻ hiểu chuyện, hiểu trên đời có nhiều nỗi buồn chớ khơi lên, thêm người ta đã cố ý tránh né hắn cũng không hỏi tới.

Hắn tiếp tục vẽ mưa, cố tìm cái tình trong mưa, cái tình ấy là gì, liệu có giống lộc nữ nói, mưa là nước mắt khóc cho cuộc tình, mưa là ký ức lạnh buốt bàn tay.

Mèo nhỏ quay sang hỏi Thu Nữ tiếp.

- Tình trong mưa là nỗi buồn sao?

- Còn tùy chàng nghĩ, có những nỗi buồn trong mưa do số phận đẩy đưa, chẳng thể đổi thay, cũng có những nỗi buồn do chính mình gây nên, để rồi ân hận muộn màng. - Thu Nữ trả lời.

Nàng nói rồi thẫn thờ nhớ lại chuyện tình của lão bà hầu tiên, cả chuyện tình của ông bà nội, những mối tình chết không lời báo trước. Ai khi yêu mà không mộng ước chuyện lâu dài, ai không muốn tình bền lâu, tiếc thay số phận đôi lúc quá tàn nhẫn... Lão bà hầu tiên hay kể đời lắm việc trái ngang, mới hôm trước tình còn trong tay, hôm sau chỉ còn hình bóng nhạt nhòa trong mưa, đến khi sực tỉnh mới biết chỉ còn một mình đơn côi. Ông nội nàng thì nhắc chuyện tình bằng niềm hối hận khôn nguôi, ông tự trách bản thân tại sao lời cuối cùng nói cùng người thương lại là lời cay đắng. Một chiều mưa đã mang đến cho ông bà nội nàng hài tử đầu tiên, đứa con trai mang tên Thanh Bình nhưng những tháng ngày sau đó chẳng bao giờ thanh bình, cơn mưa tình yêu hóa ra bão tố chôn vùi hết ước ao. Tuy thế khi hỏi bà lão hầu tiên rằng có hối hận chăng, bà luôn bảo với Thu Nữ là không, dù thời gian có quay ngược, dù có biết trước kết cục bi thảm thì vẫn muôn đời chẳng muốn đổi thay vận mệnh. Còn khi hỏi ông nội có muốn quên người thương không, lộc nữ nhận về một câu trả lời rằng ông ấy không muốn quên vì ông vẫn còn yêu, ông nội đã yêu bà nội nàng từ vạn năm trước, yêu đến tận hôm nay và sẽ mãi yêu đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

- Cô đang nghĩ gì thế? - Thế tử cắt ngang dòng suy nghĩ nơi lộc nữ.

- Ta đang nghĩ về chuyện từng được nghe, chuyện mưa buồn khóc tình thương đau.

Nàng nói rồi cất giọng nỉ non hát lời ca quen thuộc.

“…Nhưng nay thấy đâu người thương

Thương nhớ ai mỏi mòn

Cố nhân biết tìm nơi đâu.”

Bài hát này nàng từng hát cho ông nội nghe, và người đàn ông tàn bạo ấy đã rơi lệ, bởi lời hát giống chuyện tình ông, cố nhân của ông cũng chẳng biết lạc về nơi đâu, cả quãng đời còn lại ông đành chôn vào thương nhớ mỏi mòn. Gặp ông nội rồi Thu Nữ mới hiểu phụ thân và mình có năng khiếu chơi đàn tranh là từ đâu... Ông nội nàng gửi gắm bao ký ức lẫn nỗi buồn vào dây tơ đàn, mười sáu dây đàn tấu lên tiếng tơ lòng chất chứa nỗi sầu, tơ đàn như dệt bằng lệ tình, hệt như lời ông từng nói nhiều lần.

"Đàn tranh lệ đúc nghìn xưa

Tay ai khơi mạch bây giờ lệ tuôn." (*)

Biết lộc nữ cũng thích chơi đàn, ông nội đã dạy nàng điệu Nam Ai não nùng, điệu Nam Bình tha thiết trường tương tư. Ông thích toàn nhạc buồn, tới độ Thu Nữ không phân biệt nổi đâu là cung đàn đâu là lời tâm sự. Có phen nàng đàn thử cho ông nghe điệu Phụng Cầu Hoàng bi thiết nhưng lại bị các bác ngăn cản vì tên điệu nhạc lẫn giai điệu đều khơi niềm đau, phụng và hoàng mà bi thương, mà phải chia ly, nào có khác chi chuyện tình ông nội.

(*) Trụ Vũ.