Thiên Hướng Người Mù, Liếc Mắt Đưa Tình

Chương 20.4

“Thầy Mục, Chiêu Chiêu?”

Sở Chiêu Chiêu cố gắng tỏ ra tự nhiên nhất có thể, “Điềm Điềm, hay là cậu đi trước đi? Tớ vẫn đang có vài câu muốn hỏi thầy.”

Cam Điềm càng mờ mịt, “Hả? Hỏi ở đây á?”

Nhưng cuối cùng cô cũng không nói gì, chào Mục Tế Vân rồi ra ngoài trước.

“Từ sân bay MUK xuất phát, mỗi lần đều chọn một sân bay đáp xuống với thứ tự chữ cái nhỏ nhất, tiến hành bước tìm kiếm tiếp theo. Tìm kiếm điều kiện kết thúc, vì…Sở Chiêu Chiêu!” Mục Tế Vân đột nhiên lớn tiếng, dọa Sở Chiêu Chiêu giật mình.

Nãy giờ cô vẫn luôn nhìn theo hướng Cam Điềm rời đi, căn bản không hề nghe Mục Tế Vân đang nói gì.

“Hôm nay em làm sao thế?” Mục Tế Vân hiện đã có chút tức giận, giọng nói cũng lạnh hơn.

“Em…” Sở Chiêu Chiêu dường như vừa nhìn thấy bóng dáng của Phương Trạch, bọn họ đang đứng ngoài nói gì đó, tạm thời chưa có ý định rời đi.

Sở Chiêu Chiêu càng hoảng hơn: “Em vẫn chưa hiểu rõ lắm, thầy Mục, thầy viết code ra giúp em được không ạ?”

Nói rồi, cô lấy giấy bút từ trong balo ra.

Viết tay?

Mục Tế Vân nhíu mày, thế mà cô cũng nghĩ ra được.

“Thầy Mục….được không ạ?” Sở Chiêu Chiêu dè dặt hỏi anh.

Mặt mày Mục Tế Vân đã đen ngòm rồi, anh nhìn chằm chằm Sở Chiêu Chiêu, không nói lời nào.

Một lúc sau, anh thở dài, “Đưa đây.”

Nói vậy nhưng anh không đợi Sở Chiêu Chiêu đưa qua mà trực tiếp giành lấy giấy bút, đi đến chiếc bàn gần đó, cúi người xuống viết lệnh.

“Cái tôi vừa nói là thuật toán DFS*, với sinh viên bình thường thì vậy là đủ dùng rồi.” Anh ngừng lại rồi tiếp tục nói, “Nhưng em có thể thử áp dụng thuật toán tối ưu hơn là thuật toán đồ thị Euler*, đó là thuật toán kinh điển của lý thuyết đồ thị*.”

*Thuật toán DFS (dfs算法): Tìm kiếm ưu tiên chiều sâu hay tìm kiếm theo chiều sâu (tiếng Anh: Depth-first search – DFS) là một thuật toán duyệt hoặc tìm kiếm trên một cây hoặc một đồ thị. Thuật toán khởi đầu tại gốc (hoặc chọn một đỉnh nào đó coi như gốc) và phát triển xa nhất có thể theo mỗi nhánh.

*Thuật toán đồ thị Euler (求图欧拉路径算法): trong lý thuyết đồ thị, một đường đi trong đồ thị G = (X, E) được gọi là đường đi Euler nếu nó đi qua tất cả các cạnh của đồ thị, mỗi cạnh đúng một lần. Đường đi Euler có đỉnh cuối cùng trùng với đỉnh xuất phát gọi là chu trình Euler. Khái niệm chu trình Euler xuất phát từ bài toán bảy cây cầu do Euler giải quyết vào khoảng năm 1737. Đường đi Euler có thể tìm thấy trong các bài toán vui vẽ một nét (vẽ một hình nào đó mà không nhấc bút khỏi mặt giấy, không tô lại cạnh nào hai lần).

*Lý thuyết đồ thị (图论): Trong toán học và tin học, lý thuyết đồ thị (tiếng Anh: graph theory) nghiên cứu các tính chất của đồ thị. Một cách không chính thức, đồ thị là một tập các đối tượng được gọi là các đỉnh (hoặc nút) nối với nhau bởi các cạnh (hoặc cung). Cạnh có thể có hướng hoặc vô hướng. Đồ thị thường được vẽ dưới dạng một tập các điểm (các đỉnh nối với nhau bằng các đoạn thẳng (các cạnh).