Tôi Bị Thống Đốc Đại Nhân Tỏ Tình

Chương 82: Hoa và người

Sáng hôm sau, khi Tư Mẫn Văn tỉnh dậy thì anh đã đi làm rồi. Cô day day trán cho đỡ nhức, thẫn thờ một lúc, bình tĩnh nhớ lại mọi chuyện hôm qua.

Dường như khi say cô hơi quậy, nghĩ lại, cô có chút ngại, không biết mình có gây phiền đến anh hay không. Còn làm mấy hành động ngớ ngẩn nữa chứ, cô thấy lần sau bản thân nên kiềm chế lại thì hơn!

Tư Mẫn Văn liếc mắt sang, bất ngờ thấy tủ đầu giường có đặt một lọ hoa sen. Những bông sen e ấp có màu hồng đẹp mắt, ngắm nhìn một lúc, khóe môi cô khẽ cong, trong lòng hạnh phúc khôn tả.

Không khí buổi sáng luôn khiến người ta dễ chịu. Đắm mình trong dòng nước mát, Tư Mẫn Văn thư thái nhắm mắt, cơn khó chịu do hơi men mang lại cũng đã dịu đi.

Lúc xuống dưới nhà, Tư Mẫn Văn thấy bà Phương Lan đang cắm hoa. Đó là những bông hoa sen còn tươi, bà cầm kéo tỉ mỉ cắt tỉa rồi cắm vào bình.

“Con chào dì!”

“Mẫn Văn à? Có thấy đau đầu không con?”

Tư Mẫn Văn ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng đáp: “Đỡ rồi ạ! Dì cắm hoa sắp xong chưa?”

Bà Phương Lan bỗng đưa một bông hoa sen cho cô, mỉm cười: “Sắp xong rồi, con có muốn thử không?”

Tư Mẫn Văn ái ngại nở nụ cười: “Xin lỗi dì… Con… không biết cắm hoa…”

Tuy xuất thân là khuê nữ danh gia vọng tộc nhưng Tư Mẫn Văn không hề có nhiều tài lẻ. May vá, thêu thùa, cắm hoa cô đều chỉ học qua loa và không có tài trong những chuyện đó. Cô cảm thấy bản thân không thể dồn hết sự tập trung, tỉ mỉ vụn vặt vào từng chi tiết như thế. Còn đối với sách và nấu ăn thì lại khác, bởi vì là đam mê nên cho dù có làm mãi cũng không thấy chán.

Tư Mẫn Văn từng xin Thừa tướng cho mở tiệm sách trong kinh thành, nhưng không được ông đồng ý. Ông cảm thấy thân nữ nhi không nên ra ngoài bươn chải, chịu khổ như vậy, ông cũng không muốn nữ nhi của mình phải tiếp xúc với sự đa đoan, phức tạp của thế giới bên ngoài.

Do đó, giấc mộng đầu tiên của thiếu nữ cứ thế tan biến.

Tư Mẫn Văn có chút e dè vì sợ bà Phương Lan sẽ đánh giá mình, nhưng không, sau khi nghe xong bà chỉ mỉm cười dịu dàng, nói: “Không sao!”

“Dì có thể hướng dẫn con.”

Dứt lời, bà đưa bông hoa vào tay Tư Mẫn Văn, chậm rãi cầm kéo, chỉ dạy từng chút một, rằng hoa phải cắt ra sao, hoa như thế nào là đẹp. Một hồi, bà bắt đầu nói về nghệ thuật cắm hoa.

“Người cắm hoa là một người nghệ sỹ, phải hiểu được hoa, khiến cho chúng trở thành một tác phẩm biết nói. Mỗi loài hoa đều mang một vẻ đẹp trời phú, tượng trương cho những điều thiện lành, mang đến hương sắc rạng rỡ cho cuộc sống. Mẫn Văn, con biết không? Hồi trẻ, vì biết ta thích hoa mà ông Tình đã tự tay trồng cả vườn hoa… Lúc ấy, ta liền đồng ý yêu ông ấy ngay!”

Tiếp tục một hồi nữa, bà Phương Lan lại kể về câu chuyện tình yêu của bà với ông Lý Tình bằng đôi mắt lấp lánh, tự hào.

Tư Mẫn Văn bật cười: “Chú ấy khéo quá!”

“Ừ, ta phải công nhận là khéo thật! Chẳng bù cho con trai ông ấy, gì mà cứ như đầu gỗ ấy!”

Bà Phương Lan thở dài ngao ngán rồi liếc nhìn Tư Mẫn Văn: “Tài Đô từng tặng hoa cho con bao giờ chưa?”

Bà bất an với cách tiếp cận con gái của con trai nên phải thăm dò xem sao, có gì chỉnh đốn còn kịp. Tuy hai đứa đã yêu nhau, nhưng một quãng đời dài còn ở phía trước, không thể thiếu đi sự lãng mạn nên có.

Nghe bà hỏi, Tư Mẫn Văn chậm rãi nhớ lại, nhớ cái ngày mà anh đột ngột tỏ tình với cô, không hoa, không có sự lãng mạn mà lãng xẹt thì đúng hơn. Cái cách mà anh tỏ tình nhanh, đột ngột đến mức khiến cho người ta nghi ngờ rằng đó chỉ là một lời trêu đùa bình thường. Hoặc nếu không phải là đùa thì lại làm cô không muốn tin!

Tâm lý lúc ấy của Tư Mẫn Văn chính là kháng cự chuyện tình cảm!

Cô không khỏi bật cười rồi ngại ngùng trước ánh mắt của bà Phương Lan, cô khẽ khàng gật đầu: “Anh ấy có tặng hoa ạ! Lúc theo đuổi cháu, ngày nào anh ấy cũng tặng hoa, rồi nói thích cháu…”

Bà Phương Lan thở phào: “Lúc đó chắc chắn Mẫn Văn của chúng ta sẽ cảm thấy phiền đúng không?”

Tư Mẫn Văn gật đầu xác nhận.

Bà Phương Lan nắm tay cô: “Tình yêu là như vậy đấy! Bình thường thì thấy phiền hà, yêu vào rồi lại không thể thiếu. Không nói ra làm sao đối phương biết được mình thích, mình yêu người ta? Tài Đô không uổng là mang họ Lý, ít ra thì còn biết dỗ dành con gái!”

Lý Tài Đô biết chủ động là bà yên tâm hơn rồi.

Hai người vừa ngồi tâm sự vừa cắm cho xong bình hoa, hoa này được vận chuyển đến từ lúc sáng sớm nên vẫn giữ được mùi thơm nhất định. Cánh hoa mướt, cong cong uyển chuyển, Tư Mẫn Văn nhìn mà bất giác cay cay sống mũi, nhớ về hồ sen trong phủ Thừa tướng mà mình rất thích.

Thầm ấm lòng vì sự quan tâm chu đáo của Lý Tài Đô, cô lau khóe mắt.

Lúc này, Lý Vân Phúc đã đi học về. Cậu bé chạy nhanh vào trong nhà, sà thẳng vào lòng Tư Mẫn Văn với bà Phương Lan, lễ phép chào.

“Cháu cưng của bà mới đi học về đấy à? Hôm nay có vui không nào?”

Bà Phương Lan nựng má cậu bé, Tư Mẫn Văn thì tháo cặp sách giúp cậu. Không biết cặp sách chứa gì mà có vẻ nặng, cô mở ra kiểm tra, thì ra là một đống đồ chơi bằng gỗ.

Lý Vân Phúc vui vẻ cười: “Cô giáo bảo chúng con xếp gỗ, nhưng mà Vân Phúc làm chưa xong, cô cho con về nhà làm ạ!”

Nói rồi, cậu bé hí hửng lấy từng khối gỗ nhỏ ra.

Tư Mẫn Văn xoa đầu cậu bé, kể cả khi cô khỏe mạnh hay lúc mất trí nhớ, bằng một cách thần kì nào đó, cô luôn có thiện cảm mãnh liệt với cậu, dễ dàng thân thiết với cậu hơn.

Vì vậy mà khi cô nói rằng mình nhớ ra cậu là ai, cậu nhóc đã vui sướиɠ đến nỗi nhảy cẫng lên, niềm vui hiện lên trong đôi mắt trẻ thơ ấy vẫn in hằn trong tâm trí cô.

Vuốt mái tóc ngắn của Lý Vân Phúc, nhéo nhẹ gò má phúng phính, trắng trẻo của cậu, chăm chú nhìn dáng vẻ ngây ngô của một đứa bé chỉ vừa mới qua cái tuổi thứ 6.

“Vân Phúc, để thưởng cho con thì cô sẽ làm một món bánh. Con có muốn cô làm ngay bây giờ không?”

“Có ạ!” Hai mắt Lý Vân Phúc sáng rực nhưng vẻ như còn điều băn khoăn: “Vì sao con lại được thưởng hả cô?”

“Vì con ngoan đó! Ngoan ngay cả khi cô bị ốm và không chăm sóc được con. Cô cảm ơn con nhiều lắm!”

“Đó là điều con nên làm!”

Bà Phương Lan hài lòng trước sự tương tác đầy đáng yêu giữa hai cô cháu.

Sau đó, bà với Tư Mẫn Văn cùng vào bếp lo bữa trưa. Bà sẽ phụ trách những món chính, còn cô thì làm những việc lặt vặt, tập trung vào món bánh của mình.

Bánh nướng xong, mùi đường dậy lên ngào ngạt, bánh được làm từ bột mì, cán mỏng, nướng vàng hai mặt trông rất ngon. Khi ủ bột, sau đó nướng bánh, Tư Mẫn Văn đều rắc cánh hoa sen vào, để một lúc cho thơm. Trước khi nướng thì đem bột ra nhào nặn, tạo hình lại, ép mấy cánh hoa sen đều ra năm góc của khối bột tròn cán mỏng, vừa mới lạ lại vừa đẹp nữa.

Đây là công thức cải tiến mà cô vừa mới nghĩ ra từ công thức của món bánh gốc được mẫu thân thường xuyên làm cho cô ăn.

Miếng bánh giòn ở bên ngoài, mềm ở bên trong, vị ngọt nhè nhẹ, lành tính, vẻ như Lý Vân Phúc đã khoái món này, cậu nhóc ăn liền hai cái còn muốn ăn tiếp. Tư Mẫn Văn phải cản lại để cậu ăn cơm, dù sao cũng chỉ là món ăn vặt mà thôi, trẻ con không nên ăn nhiều.

Bà Phương Lan cắn một miếng bánh mà ngạc nhiên: “Mẫn Văn khéo đấy chứ! Bánh ngon như vậy hẳn là mở bán được rồi!”

“Dì thấy ngon là con vui rồi, lát nữa con sẽ đem cho Tiểu Tán cùng với mọi người một ít.”