Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 98: Em Vẫn Không Tin Tôi

Tôi thúc ngựa dừng lại phía sau đám người đang quỳ, chỉ thấy ánh mắt không thể tin của Trần Khâm từ phía đối diện phóng tới, phía sau anh ta là Trần Khánh Dư và Trần Quốc Toản cũng đang cúi người khom lưng.

Nhìn thấy tôi, trái ngược với vẻ mờ mịt của Trần Khánh Dư thì ánh mắt của Trần Quốc Toản lại lóe lên vui mừng, sau lại giật mình tiếp tục cúi gằm mặt, nhưng khóe môi thì như đang nhếch lên.

Tôi xuống ngựa từng bước tiến tới trước mặt Trần Khâm, nhìn thẳng vào mắt anh thì thấy đủ loại biểu cảm, từ kinh ngạc ban đầu chuyển sang tức giận, rồi lạnh nhạt, cuối cùng là bất lực và cam chịu.

Tôi quỳ xuống trước mặt anh, ở phía sau tôi là bảy tám trăm Hoài Văn quân quỳ hàng hàng lớp lớp. Sau trận chiến với đội quân của Trà Luân năm đó Hoài Văn quân đã tổn thất hết ba phần, những người còn lại ở đây đều là những người thật sự tài giỏi và thiện chiến, chưa từng nao núng trước tên giặc nào.

Tôi quỳ một chân trên đất, tay bắt thành quyền dõng dạc nói:

"Khẩn xin quan gia cho Hoài Văn quân thêm một cơ hội để lấy công chuộc tội!".

||||| Truyện đề cử: TruyenHD |||||

Trần Khâm quay mặt sang hướng khác, lạnh giọng:

"Phạm phải sai lầm chỉ có lấy cái chết để đền tội, còn em đến đây khi chưa có quân lệnh, đã phạm phải tội gì nữa?"

Tôi nắm chặt nắm đất cát trong tay, thanh âm khô khốc:

"Ngày xưa đám Trần Lộng Trần Kiện phạm vào quân lệnh gặp trận vẫn được tha để đi đánh giặc, Hoài Văn quân đã lập biết bao nhiêu công lao sao lại không thể tha thứ? Đây không hoàn toàn là lỗi của họ!"

Trần Quốc Toản liếc mắt nhìn tôi, tôi bỗng nhớ tới ngày xưa lúc tôi xin ra chiến trường gϊếŧ giặc chính Trần Quốc Toản là người đã cho tôi cơ hội, sau đó là Hoài Văn quân cam tâm tình nguyện theo tôi. Lúc ấy cũng là tôi và cậu ta quỳ trước Trần Khâm nói khó.

Đến nay Hoài Văn quân gặp nạn, thật lòng mà nói tôi cũng đau xót, nếu có lòng mà không thể làm gì được thì bản thân cũng không hề hổ thẹn.

Trần Khâm hừ một tiếng, cất giọng nhàn nhạt:

"Chính là vì tha thứ cho chúng nên mới khiến chúng có cơ hội đem một vạn quân đi đầu hàng, đã phạm sai lầm một lần rồi làm sao lại để có lần thứ hai?"

Lúc này tôi cảm giác ở xung quanh đều vang lên tiếng thở dài khe khẽ, có lẽ Hoài Văn quân đã chấp nhận số phận rồi. Tôi lại nghe phảng phất bên tai mấy câu:

"Phu nhân không cần khó xử, chúng tôi cam lòng chịu phạt!"

Sau đấy càng lúc càng nhiều những âm thanh như thế vang lên. Trái tim tôi bỗng dưng thắt lại, cảm giác bất lực và buồn bực không thể thốt ra lời.

Tôi ngẩng đầu nhìn thẳng vào Trần Khâm, quả quyết nói:

"Thần đã nói với Thượng hoàng dùng tính mạng để bảo đảm, Thượng hoàng đã đồng ý rồi!"

"Nói xằng!" – Trần Khâm quát lớn.

Lúc này Tô Thức đang quỳ phía sau tôi bỗng bước tới quỳ xuống bên cạnh, không hề run sợ khẳng định:

"Thần cũng dùng tính mạng để đảm bảo là có việc này!"

Tính mạng của anh ta sẽ đáng giá bao nhiêu đây, anh ta cũng là người tham gia cuộc chiến lần này và cũng chính là kẻ mang tội. Trần Khâm đã cố bác bỏ việc này ấy vậy mà Tô Thức còn muốn đối đầu, thật đúng là khờ hết chỗ nói.

Không ngờ Trần Khánh Dư phía trước tôi lại đột ngột lên tiếng:

"Thất bại này thần cũng có lỗi, cũng mong quan gia khoan hồng với Hoài Văn quân!"

Tôi nhìn anh ta, người này với tôi từ trước giờ hình như cũng không được tính là hòa thuận lắm.

Nhưng Trần Khâm nào phải kiểu người dễ thỏa thuận, anh ta nhướng mày nói:

"Chính anh cũng phải về kinh thỉnh tội, thôi nói giúp người khác đi!"

Lúc này mọi thứ trở nên im bặt, đến tiếng xào xạc của lá rơi cũng nghe thật rõ ràng, nhưng dường như xung quanh không ai có ý định thay đổi lòng dạ. Ở đây nhìn về xa xa chỉ thấy thuyền bè muôn đội, cờ bay phấp phới, ba quân tuy có tổn thất và mệt mỏi nhưng vẫn uy nghiêm.

Lát sau chợt nghe tiếng thở dài, Trần Khâm bất đắc dĩ nói:

"Đứng lên hết đi."

Bên tai tôi ong ong một chốc thì vang lên tiếng hò reo như sấm dậy, lẫn trong đó là tiếng lạy tạ phấn khởi, có kẻ còn khóc lóc sụt sùi. Đến cả tôi cũng thấy khóe mắt cay cay, vui sướиɠ đến bất ngờ khiến tôi không thể nào đứng dậy nổi.

Bỗng nhiên một cánh tay chìa ra trước mặt tôi, ngước lên chỉ thấy ánh mắt chăm chú của Trần Khâm.

Lúc này tôi mới nhớ ra đã hơn một tháng không gặp, bỗng dưng nhìn thấy ở khoảng cách gần như thế lại tưởng như trong mơ.

Dưới chân tê cứng, tôi loạng choạng đứng dậy, đột nhiên cảm thấy nhiệm vụ của mình cũng xem như là hoàn thành, liệu Trần Khâm sẽ lệnh cho mình trở về chứ?

Chưa kịp lên tiếng thì Trần Quốc Toản đã giành nói trước:

"Thần tài hèn sức mọn phạm phải sai lầm, nay phu nhân đã tới, dù sao..."

Dù sao tôi cũng là một vị chủ tướng của Hoài Văn quân trước đây, nên thay cậu ta gánh vác trọng trách dẫn dắt đội quân này. Đáng tiếc chỉ nói tới đó đã bị Trần Khâm lườm cho một cái nín bặt.

Trần Khâm không hổ là một vị quan gia, tuy không nói nhiều nhưng đã áp chế được khí thế hừng hực của Trần Quốc Toản. Anh ta nhìn một vòng xung quanh, trầm giọng nói:

"Chúng đã chiếm được Vạn Kiếp rồi, Quốc công dàn trận bên bờ sông Đuống, chúng ta trở về giữ kinh thành thôi."

Không nói rõ là có chấp nhận để tôi lãnh trọng trách hay không mà chỉ yêu cầu tất cả trở về, cái kiểu lửng lửng lơ lơ này thật khiến người ta khó chịu. Nhưng Hoài Văn quân sẽ trở về được sao, nếu như chưa lập được công lao nào để chuộc tội khi trở về có phải sẽ bị người ta chế giễu?

Lần này e là mấy người ở đây cũng khó lòng giải thích cho cặn kẽ mọi chuyện với Thượng hoàng, huống hồ nghe đâu Thượng hoàng còn chỉ đích danh Trần Khánh Dư phải bị xiềng xích áp giải về kinh vấn tội.

Trần Khánh Dư nghe Trần Khâm nói thế vừa mới đứng dậy đã lập tức quỳ xuống phủ phục:

"Thần xin chịu lấy quân pháp xử tội, nhưng xin bệ hạ cho khất vài ba ngày để thần mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn."

Có lẽ Trần Khâm cảm thấy đây dù sao cũng là kẻ mà mình từng thật lòng thật dạ chiêu dụ quay về, cho dù có thất bại cũng không hẳn hoàn toàn là do anh ta nên nghĩ ngợi một chút liền đồng ý. Tôi bèn cũng kéo Trần Quốc Toản quỳ xuống, tát nước theo mưa xin được ở lại lập công.

Trần Khâm rất thẳng thừng từ chối. Sau khi cho tất cả trở về ai làm việc nấy, lúc chỉ còn tôi và anh ta đứng với nhau mới nghe anh ta hòa hoãn dịu dàng với tôi:

"Thật hết cách với em!"

Tôi đứng cúi đầu nhìn mũi chân, trong lòng vô cùng rối rắm. Trần Khâm lại chộp hai bả vai ép tôi ngẩng đầu lên:

"Nếu như không phải tôi quá quen với cái dáng vẻ bồng bột này của em, chỉ e sẽ bị em làm cho tức chết. Bao nhiêu năm rồi, nói bao nhiêu lời rồi em vẫn không hiểu lòng tôi."

Tôi trợn tròn mắt nhìn anh ta, chẳng hay ý anh là gì?

Trần Khâm xoay người đi về phía trước, tôi cúi đầu lủi thủi đi theo sau lưng anh ta, không khí ngượng ngùng chỉ nghe độc tiếng gió thổi và tiếng bước chân trên nền đất.

Trần Khâm đột ngột dừng lại, tôi đâm sầm vào tấm lưng rộng của anh ta, trán va vào bộ giáp nghe "cộp" một tiếng. Anh ta quay về phía sau nhìn tôi không khỏi bật cười.

Đột nhiên lúc này trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ, cùng lúc đó Trần Khâm đã thở dài nói:

"Tôi không định lấy mạng họ."

Quả nhiên tôi đã bị thằng nhãi Quốc Toản này dắt mũi. Cái tên này dám rào trước đoán sau ý của quan gia, có điều là lại đoán sai bét.

Tôi bỗng lúng túng, đầu ấp tay gối bao năm mà tôi vẫn không tin tưởng Trần Khâm. Tôi vụng về nắm lấy tay áo anh ta, anh ta vẫn điềm nhiên cười nói:

"Không sao, tôi biết tính em mà."

Thu xếp xong xuôi, tôi và Trần Khâm cùng số ít quân binh lên đường trở về. Thấy Trần Quốc Toản có điều muốn nói, tôi bèn làm vẻ mặt nguy hiểm với cậu ta:

"Cái đồ ngốc nghếch nhà chú, ý quan gia thế nào còn không rõ thì thật hổ thẹn cho cái danh thống lĩnh Hoài Văn Quân. Hại tôi phải khổ sở một phen."

Thấy Trần Quốc Toản còn giữ cái vẻ mặt mờ mịt, tôi lại nghiến răng trợn mắt nói:

"Quân lệnh này tôi giữ, cậu phải giúp Nhân Huệ vương giành thắng lợi, làm cho Hoài Văn quân khôi phục lại mặt mũi."

Trần Quốc Toản hoảng hốt gật đầu.

Trên đường trở về kinh tôi lại vô tình biết được mấy chuyện đồn đại về Trần Khánh Dư ở Vân Đồn, lúc đấy mới hiểu ra lời thú tội mà anh ta đã từng nói khi cầu xin cho Hoài Văn quân.