Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 77: Mưa Rơi Tháng Tư

Sau đó vào một trận mưa đầu mùa như trút cạn hết nước của trời, Trần Khâm khoanh tay đứng cạnh tôi tuyên thệ:

"Trong vòng ba tháng nữa, tôi sẽ đưa em trở lại Thăng Long!"

Tôi không biết Trần Khâm lấy tự tin từ đâu để nói ra câu nói đó khi quân ta vẫn áng binh bất động trước sự chắn giữ của Chiêu Minh vương. Nhưng trong suốt tháng tư, trời cứ lúc nắng gắt cháy da lúc thì mưa âm ỉ không dứt, khiến tôi cũng dần nhận ra được điều mà Trần Khâm đã nhìn thấy từ lâu.

Cũng trong tháng tư, tôi được tin Trần Kiện bị bắn chết bởi một gia tướng của cha tôi ở Chi Lăng, khi hắn ta đang được người Nguyên đưa về phương Bắc. Cái kết này là quá nhẹ nhàng cho lũ tham sống sợ chết, nếu như theo luật nhân quả thì anh ta có chết ngàn lần cũng không hết tội.

Đầu tháng năm có tin quân Nguyên vì những trận mưa lũ kéo dài mà dẫn đến ngập lụt trong doanh trại, thuyền chiến hư hại và binh sĩ phần lớn cũng rơi vào dịch bệnh. Tôi từng nghe qua phương Bắc vốn khô hạn, nước mưa quý như dầu, chắc là bọn chúng chẳng thể nào đón nhận được ơn huệ của trời đất phương Nam nên từ một con hổ trên chiến trường biến thành một con mèo ốm đói.

Hóa ra thời cơ mà cha tôi nói chính là lúc này đây.

Trong lúc quân Nguyên bị mưa đầu hè làm cho ốm đau bệnh tật thì tôi ở Thanh Hóa cũng rơi vào cơn sốt mê man. Với cái bộ dạng ốm đói của tôi bây giờ, không đổ bệnh mới là lạ đó.

Lúc tôi mơ màng tỉnh lại cảm giác bên cạnh có người, bên ngoài đã ngả sang màu đen sẫm.

Thằng bé Quốc Chẩn là người phát hiện ra tôi tỉnh lại đầu tiên, lập tức cười hô vang cả căn phòng. Tôi bám vào tay Thụy Hương nặng nề ngồi dậy, khẽ hỏi:

"Chiến sự thế nào rồi ạ?"

Mẹ tôi lau nước mắt rơm rớm, nhỏ giọng quở trách:

"Đừng mải quan tâm đến đấm đá ngoài kia nữa. Để cha và các anh con lo!"

Chiến sự như một tảng đá treo nặng nơi đầu quả tim tôi, cho dù đã quen với sự ác liệt của nó nhưng tôi vẫn không thể thả lỏng một giây một phút nào.

Chị Trinh bỗng đứng dậy bước về phía tôi, ngồi xuống bên cạnh tôi chậm rãi nói:

"Thắng rồi đấy em!"

"Nhanh thế ạ?"

Tôi thoáng vui mừng, chỉ không ngờ trong một lúc mê man tỉnh lại đã truyền về tin chiến thắng. Từ đầu trận đấu đến nay chưa có một chiến thắng nào nhanh chóng như thế cả.

Thì ra toàn quân chia làm hai hướng đông tây phản công lên doanh trại của Toa Đô và Ô Mã Nhi ở Tây Kết. Phía đông do cha tôi chỉ huy thuỷ quân vượt biển quay về Thiên Trường và Trường Yên len lỏi qua các sông. Phía Tây do Thượng hoàng và Trần Khâm cùng với Chiêu Minh chia làm hai đường thuỷ bộ đi dọc theo hướng sông Nhị Hà về kinh. Hiện giờ tạm thời cha tôi đã thắng ở ngã ba sông Nhị Hà.

Tôi "à" một tiếng, thì ra tất cả mọi người đều đã sẵn sàng hết cả, chỉ cần một hiệu lệnh là ngay lập tức ra tay. Ba tháng mà Trần Khâm nói sợ là quá dư dả rồi.

Chị Trinh cười nói với tôi:

"Tin tức của quan gia cũng truyền tới rồi, toàn bộ vùng đất từ Thanh Hóa đến Khoái Châu chúng ta đã kiểm soát được. Em hãy mau khỏe lại rồi cùng trở về Thăng Long thôi!"

Trong cái oi nóng đang dần xuất hiện của tiết trời Thanh Hóa, tôi bỗng thấy được mùa sen tháng sáu rực rỡ.

Hai ngày sau tôi cùng đoàn quý tộc bắt đầu lên đường trở về kinh kỳ. Tôi cùng Trần Thì Kiến cưỡi chiến mã đi trước, mặc dù giữ trọng trách đưa người an toàn về kinh nhưng không phủ nhận trong lòng có cảm giác bị bỏ rơi. Trần Thì Kiến cưỡi ngựa song song với tôi, giở giọng châm chọc:

"Không tin được ngoài kia đang binh hoang mã loạn mà em Tĩnh vẫn bình tĩnh ở đây sóng vai với tôi!"

Tôi liếc anh ta, đáp:

"Dù sao tôi vẫn không hoàn toàn tin tưởng anh được!"

"Tiếc cho chúng ta đã vào sinh ra tử bao phen!" – Trần Thì Kiến giả bộ thở dài.

Tôi vô thức thúc ngựa nhanh hơn, bên tai như có tiếng hô hào sát Thát của quân binh cùng tiếng va đập vào nhau của đao kiếm. Việc đưa tất cả mọi người an toàn trở về cũng là một nhiệm vụ lớn được đặt ra, mặc dầu so ra tôi vẫn muốn cùng Hoài Văn quân sống chết có nhau ở chiến trường hơn là nhàn tản dong ngựa như thế này.

Buổi hừng đông đoàn người nhổ trại tiếp tục lên đường, tôi bỗng thấy phía xa xa có đoàn người ngựa rẽ gió rầm rập lao tới. Nhưng từ khẩn trương tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, trong lòng còn tràn ngập nỗi hân hoan.

Đúng là cầu được ước thấy, phía xa kia chính là đội quân với lá cờ thêu sáu chữ vàng. Thấy tôi đứng sững người nhìn về một hướng, Trần Thì Kiến lại nói:

"Hoài Văn quân không bỏ rơi em nhỉ?"

Đúng là Hoài Văn quân đã trở lại, chàng trai trẻ dong ngựa chạy đằng trước chẳng ai khác chính là thủ lĩnh của Hoài Văn quân – Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Cậu ta hiên ngang dừng ngựa trước tôi, giọng điệu có chút gấp gáp lẫn vui mừng, không chần chừ nói:

"Chiêu Văn vương sai tôi đến báo tin, chúng ta đại thắng ở Hàm Tử, thắng vô cùng vẻ vang và sảng khoái. Cả Hàm Tử quan và Tây Kết đều treo cờ Đại Việt rồi, chị không thấy được bọn Toa Đô và Ô Mã Nhi cuống cuồng chạy trốn thế nào đâu. Toa Đô cất quân từ Tây Kết đến Hàm Tử chi viện, Hoài Văn quân bèn đưa người phục kích Tây Kết, lần này Hoài Văn quân của chúng ta lập công to rồi!"

Tôi như được bước vào câu chuyện đáng tự hào của Trần Quốc Toản, trước mắt tôi là cảnh khói lửa chém gϊếŧ nơi sa trường, Trần Nhật Duật mặc chiến bào màu bạc sáng choang cầm thương cưỡi ngựa chiến chỉ huy ba quân gϊếŧ giặc.

Trần Quốc Toản cũng oai phong không kém, trong vài chiêu đã chém được đầu chục tên. Hoài Văn quân trên người nhuốm máu địch không chút nao núng hay run sợ. Tất cả quyện lại thành một bức tranh nhuốm màu bi tráng hiện trong đầu óc tôi.

Trần Quốc Toản vẫn còn đang chìm trong hồi ức, lại tiếp tục thao thao bất tuyệt:

"Chiêu Văn vương chỉ cần dùng vài mũi tên giấy ly gián đám người Tống chiến đấu trong hàng ngũ quân Mông Cổ đã khiến bọn chúng nội bộ lục đυ.c rồi, đa phần chuyển sang đầu hàng quân ta. Lần này kể ra Triệu Trung và Triệu Ngọc Hoa cũng đóng góp công lao không nhỏ."

Tôi quệt nước mắt, mắt tròn mắt dẹt hỏi:

"Triệu Ngọc Hoa? Là ai vậy?"

Trần Quốc Toản giật mình nhìn tôi, trông bộ dạng có chút ngơ ngác, hình như cũng không ý thức được mình nói gì.

Trần Thì Kiến bỗng ho khụ khụ mấy tiếng, cảm thán:

"Bao giờ cho gạo bén sàng?

Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh?"

Lúc này Trần Quốc Toản mới hoàn hồn, đỏ mặt quát:

"Ăn nói xằng bậy!"

Tôi dùng ánh mắt đồng cảm nhìn Trần Thì Kiến, cảm thấy anh ta chỉ tiện miệng đọc hai câu ca dao không đầu không đuôi cũng chẳng quá đáng gì, chỉ có kẻ có tật giật mình là Trần Quốc Toản là đang chột dạ thôi. Ái chà, không nói không nhớ, thiếu niên này năm nay cũng đến tuổi lấy vợ rồi.

Nói một hồi hoá ra Triệu Trung là hoàng tử nước Tống đã vong quốc, anh ta cùng tàn binh được Trần Nhật Duật giữ lại ở vương phủ. Còn Triệu Ngọc Hoa thì là em gái của anh ta, cũng chính là công chúa nước Tống.

Đúng là cùng sinh tử trên chiến trường thật dễ nảy sinh tình cảm với nhau.

Trần Quốc Toản trở về tuy nói để báo tin chiến thắng và giúp tôi hộ tống quý tộc về kinh, nhưng theo lời Trần Thì Kiến nói thì Hoài Văn quân tuy là đội quân của Trần Quốc Toản nhưng mất tôi như thiếu nửa linh hồn. Tôi cảm động nhìn Trần Quốc Toản thấy cậu ta ngoảnh mặt sang bên, nhưng cả đội quân đều hướng về phía tôi chắp tay cúi đầu thật làm người ta dâng trào xúc cảm.

Đoàn người ngày đi đêm nghỉ rồng rắn thêm hai ngày thì đến được chỗ đóng quân ở Khoái Châu. Lúc này Hàm Tử và Tây Kết đều đã không còn bóng giặc, bọn chúng đều mạnh ai nấy chạy về phía đông toan rút ra ven biển.

Lúc tôi tới nơi thì cha tôi đã đưa quân ngược về Vạn Kiếp, chuẩn bị đón quân Nguyên rút chạy. Không phủ nhận trong lòng tôi vẫn có chút gì đó bất ngờ, bởi mới ngày nào bọn chúng còn ráo riết truy đuổi quân ta, mà hiện tại mọi thứ gần như đảo ngược. Tôi tự hỏi Thoát Hoan sẽ có biểu hiện gì.

Tôi dong ngựa dọc bờ sông Nhị Hà nhìn quân binh đang thu dọn tàn cuộc. Giữa ánh tà dương tịch mịch loang loáng dưới mặt sông, xác người ngựa chồng chất và mùi máu tanh vẫn còn thoang thoảng nơi đầu mũi, tôi bỗng bắt gặp một hình ảnh thân quen.

Trần Khâm đang dong ngựa về từ phía đối diện, thần sắc sáng ngời, khí thế toả ra trên người anh sắc bén đến kỳ lạ. Giữa tiếng sóng vỗ ì ạch vào bờ thời gian như ngưng đọng, dường như lúc này thế gian chỉ còn lại chúng tôi. Ánh mắt anh nhìn tôi, chứa muôn vàn thâm tình cô đọng lại.

Tôi trìu mến nhìn anh, cười nói:

"Lần này chàng không ngăn cản em lập công nữa nhé!"

Trần Khâm ấy vậy mà lại gật đầu:

"Nghe theo em cả!"

Tôi và Hoài Văn quân theo Chiêu Minh vương tiến quân giành lại kinh thành. Lần này Chiêu Minh vương được cử làm chánh tướng, Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản làm phó tướng. Tôi liếc Phạm Ngũ Lão cười cười, xem ra trong năm nay, tôi và Trần Khâm phải vét sạch quốc khố để đi ăn cưới.