Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 7: Nào hay xuân mênh mông

(Bản trước mình đăng bị mất một đoạn nên thiếu logic, mọi người xem bản cập nhật nha)

Ngày xuân con én đưa thoi, mới đây mà khắp trong ngoài Phượng thành đều bắt đầu đón những ngày năm mới.

Tôi kê một cái sập trúc nằm tắm nắng ngoài sân, trên mặt úp một quyển thơ của Lý Thanh Chiếu, khoan khoái hít khí trời cùng với ánh nắng nhè nhẹ buổi ban mai tiết đầu xuân. Nửa tỉnh nửa mê, mơ về một giấc xuân, hơi men chếnh choáng, giấc ngủ chập chờn, một vườn hải đường khoe sắc.

"Đêm qua mưa thưa, gió dữ,

Hơi rượu thơm nồng giấc ngủ.

Hỏi thử cô cuốn rèm,

Thưa rằng: "Hải đường như cũ"."

Hoa đào rơi lả tả đầy trên đất như một bức tranh, rơi đầy trên áo, trên tóc tôi, cánh hoa phớt hồng như gò má thiếu nữ mười sáu. Từng trận gió thổi qua, tạo thành những cơn lốc hoa nho nhỏ.

Chưa bao giờ tôi thấy việc ngủ li bì có lợi thế này, bao nhiêu phiền não cùng với suy nghĩ vẩn vơ cứ thế vứt ra sau đầu, mặc dù đôi lúc có mơ những giấc mơ không hề muốn và khi tỉnh lại thấy lòng lõm một vết sâu, nhưng cũng đỡ hơn việc hễ yên tĩnh một chút là mọi thứ cứ dồn vào trong óc. Nỗi ân hận trong tôi như cơn sóng cứ khoét sâu vào bờ, tôi đang sống cuộc sống dập dìu vô định, thỉnh thoảng suy nghĩ tới cũng không biết cuộc sống của mình có ý nghĩa gì. Thì thôi, có lẽ do tôi với Quốc Tảng hết duyên, hết duyên rồi nên chẳng thể có nỗi một tia hi vọng.

Chỉ khi tôi suy nghĩ như thế mới làm tâm trạng mình khá hơn.

Đan Thanh bê một giỏ cánh hoa đào khô từ ngoài sân bước vào, lúc đi ngang tôi còn lẩm bẩm:

- Phu nhân nhà người ta thì từ sáng đến tối đều nghĩ cách tranh đoạt, phu nhân nhà này thì ban ngày nằm ngủ đến chảy cả nước miếng.

Thuỵ Hương đang ngồi tỉa hoa gần đó nhịn không được mà trừng mắt:

- Này, em được chiều quá sinh hư hả?

Đan Thanh làm mặt quỷ với Thuỵ Hương rồi chạy biến.

Thuỵ Hương tuy mới mười tám, nhưng lại là cung nhân lớn tuổi nhất ở Quân Hoa cung, tính tình khôn khéo tỉ mỉ, được tôi giữ lại bên cạnh trông coi sự vụ trong cung. Trên cơ bản Đan Thanh mặc dù xuất thân từ vương phủ, nhưng tuổi còn nhỏ lại thêm chưa từng sống và làm việc ở đây nên cũng cần phải học hỏi. Giống như tính tình còn nóng nảy bộp chộp, không biết tính trước nghĩ sau.

Tôi lấy tay kê đầu, không lấy xuống quyển sách vẫn còn úp trên mặt mà trực tiếp hỏi:

- Cô Tô cung phi kia hôm nay lại gửi gì đến vậy?

Thuỵ Hương đến bên sập trúc, cúi người xuống gần sát tôi thưa:

- Là một bộ bình sứ người Chiêm tiến cống năm ngoái đấy ạ!

- Ồ, cùng lúc có thể dùng làm vò ủ rượu đào hoa.

Thuỵ Hương dạ một tiếng rồi lặng lẽ lui ra.

Quan gia lên ngôi chỉ mới hai năm, năm ngoái Tô cung phi được ban hẳn đồ tiến cống, tiếng tăm có lẽ là không nhỏ. Tôi chưa từng nhìn thấy mặt chị ta, nhưng có vẻ chị ta cũng xem trọng tôi lắm nên cứ cách vài ba bữa là đem đồ sang biếu, nhưng cũng không biết rõ chị ta xem trọng tôi theo kiểu nào.

Tô cung phi đến nay đã được tấn phong làm đệ tứ cung phi, trừ chị Trinh ra, cũng chỉ xếp sau mỗi Đặng cung phi và Lý Kiều phi ở cung Liên Hoa. Chị Trinh thì bầu bạn cùng kinh kệ, Đặng cung phi sức khoẻ yếu ớt, quanh năm không ra khỏi cung, rốt cuộc đến hiện tại chỉ có Lý Kiều Phi cùng chị ta hoành hành ngang dọc. Tôi vào cung làm phu nhân, chỉ riêng xuất thân của thôi là đã đủ ngồi ngang hàng với tất cả chị em ở đây rồi, vì lẽ đó nên có vẻ như chị ta khá là hấp tấp trong việc kết giao.

Tôi kể từ khi vào cung, ngoài hoàng hậu và thái hậu ra thì chưa từng gặp phải ai khác. Tôi không muốn gặp người khác, người khác cũng không dễ gặp được tôi. Vị quan gia ở cung Quan Triều cũng giống như mắt nhắm mắt mở cho qua, nhất thời Quân Hoa cung trở thành nơi bí ẩn nhất thành Phượng.

Đan Thanh phàn nàn với tôi:

- Chị làm giá thật ý, ngoài kia biết bao nhiêu người cầu còn không được, chị lại chẳng để quan gia vào trong mắt.

Tôi bỗng cả giận, Đan Thanh cũng đâu phải không biết chuyện của tôi cùng Quốc Tảng, cũng đâu phải không biết nỗi khổ tâm của tôi, mặc dù em ấy chỉ muốn tốt cho tôi nhưng tôi thì không tiếp nhận nổi ý tốt này.

- Vậy em muốn chị phải làm sao? - Quan gia không đến, chị phải tự mình mò vào cung Quan Triều à?

Hôm nay đã cận kề ngày năm mới, trong Quân Hoa cung cũng rộn ràng hơn mọi ngày. Cung nhân đều tất bật dán câu đối, cắt giấy hoa, làm bánh chưng bánh dày, làm thịt đông, bày mâm cỗ.

Dạo gần đây cứ cách vài ba ngày là quan gia lại ban cho trà sen thượng hạng, ướp từ sen trong chính tẩm cung của ngài, tôi chịu không nổi vị đắng của thứ trà đó, nhân lúc đào đơm hoa liền cải biến ra loại trà khác thơm ngọt hơn. Gửi đến cung vua, lại gửi sang cung Thuý Hoa của chị Trinh, đều rất được yêu thích.

Chị Trinh hôm nay đến đòi trà, thấy Quân Hoa cung náo nhiệt, cũng ngồi bên cạnh giúp đỡ cắt giấy hoa, đôi bàn tay khéo léo, trắng nõn như ngọc. Nghe thế, chị liền cười trêu:

- Trên danh nghĩa thì em bỏ người ta đi mười năm, người ta chỉ mới giận dỗi một tí, em dỗ người ta vài câu thì sẽ chết sao?

Tôi liền đáp rất dứt khoát:

- Đúng là sẽ chết, sẽ bị mình làm cho mắc ói mà chết!... Ui da...

Tôi vừa nói xong đã bị chị mình nhéo lỗ tai. Đan Thanh và Thuỵ Hương cũng không giấu nổi vẻ hả hê trên mặt. Phu nhân quả nhiên có trái tim sắt đá, uổng cho quan gia nhất kiến chung tình. Biết làm sao đây, tôi cũng không phải là Tĩnh, làm sao có cảm xúc của chị ta được.

- Em có tin là ta sẽ ném em vào cung Quan Triều hay không?

Tôi kêu lên trong lòng, này này, chị dù sao cũng là hoàng hậu trên danh nghĩa của người ta, còn có con chung với người ta nữa kia kìa. Đùng một cái phủi sạch liên quan hay sao?

Hoá ra mình không có nằm mơ một giấc mộng xuân, mà thật sự đã cùng tao ngộ. Thật là diễm phúc lắm thay.

Nội nhân cung kính cúi đầu thưa với tôi:

- Quan gia vừa viết xong đã vội sai thần đem đến cho phu nhân xem, nhờ người chép giúp một bản, sẵn tiện đề tên cho bài thơ luôn ạ.

Tôi có chút thụ sủng nhược kinh, cười gượng bảo:

- Tôi là kẻ ít học, làm sao dám múa rìu qua mắt thợ, vẫn là nên để quan gia điểm mắt cho rồng thì hơn.

Người nội nhân giống như biết trước được tôi sẽ từ chối, liền giải thích:

- Quan gia nói tài văn chương của phu nhân là nghìn người có một, phu nhân không cần phải khiêm tốn, cứ đề tên theo ý thích thôi. Đây cũng chỉ là một bài thơ ngẫu hứng viết tặng người.

Tôi lại kinh hỉ, hoá ra là để tặng tôi. Trời ạ, đúng là mưa móc ơn trên ban xuống luôn không thể nào lường trước được. Tôi trầm ngâm một hồi, thơ này xem ra không chép không xong.

Lúc nội nhân của Quan Triều cung rời đi, Đan Thanh liền cẩn thận cầm bài thơ lên, nét mặt ngạc nhiên khó giấu. Cô nhóc hết nhìn bài thơ lại xoay sang nhìn tôi, giống như chờ đợi một lời giải thích gì đó, lại như không dám. Tôi biết ý, bèn bảo:

- Tối qua quan gia có đến đây.

Đan Thanh và Thuỵ Hương đều giật mình:

- Quan gia đến lúc nào thế ạ, bọn em ngủ say không tiếp đón chu đáo, ngài có trách mắng không? - Thuỵ Hương nhỏ giọng lo lắng hỏi.

Đan Thanh cũng gấp gáp nói:

- Sao phu nhân không gọi bọn em dậy? Nếu lỡ quan gia trách mắng thì lại liên lụy đến cả phu nhân.

Tôi nhìn nét chữ tuyệt đẹp trên giấy mật hương, màu mực còn chưa khô hẳn, cảm thấy trong lòng dường như cũng có chút vui vẻ, cười khẽ:

- Nếu quan gia trách mắng, thì bây giờ chúng ta còn ở đây lý sự sao?

Đan Thanh dường như hiểu ra cái gì, vội nói:

- Ý chị là...đêm qua quan gia đến tìm chị là để....

Thuỵ Hương vội cắt ngang:

- Em chớ vô lễ, quan gia làm gì em có quyền suy đoán sao?

Thấy Đan Thanh im bặt, tôi cười cười nhún vai nhìn tôi giống như nói: làm sao chị biết?

Tôi xoa trán có chút đau nhức, có lẽ là do tác động của rượu để lại đêm qua, ký ức cứ hiện ra chập chờn như mộng như ảo, như một giấc mơ xuân vô tình đi qua giấc ngủ của tôi. Trong mơ tôi thấy một chàng trai tuấn mỹ dịu dàng, nhưng dung nhan thì chưa hề nhìn rõ. Người đó ngồi như vậy mặc cho tôi vô thức thϊếp đi trên vai mình.

Mãi sau này mỗi khi nghĩ lại, nhớ đến chàng trai si tình năm đó, xúc cảm vẫn nguyên vẹn y như lần đầu. Một đêm không trăng, hương hoa đào nhàn nhạt, cả hai ngồi cạnh bên nhau, giữa hai người như không hề có khoảng cách gì, đơn thuần là một đôi nam nữ bình lặng yêu nhau.

Mấy ngày Tết trôi qua sẽ cực kì bình lặng nếu như không có sự kiện Tô cung phi cố ý đến tìm tôi. Cái không khí hòa thuận vui vẻ ở Quân Hoa cung khiến tôi quên bẵng đi chuyện của chị ta, ấy thế mà hôm nay chị ta lại đích thân đến tìm tôi gây sự

Nhưng cũng không thể nói là gây sự, bởi sự thật thì chị ta vốn là đến để kết thân.

Tôi đang ngồi luyện chữ, thì thấy trước mặt hiện ra hai người một chủ một tớ, một người trong đó có gương mặt tái xanh, hoảng hốt đến rơi cả áo choàng. Tôi cũng bàng hoàng không tin được, bởi gương mặt quen thuộc đó không ai khác chính là người chị cùng cha khác mẹ với mình mà tôi từng thấy trong cơn ác mộng khi xưa. Hoá ra tất cả không phải một cơn mộng mị, mà chính là sự thật, thật như vàng.

Chị ta có vẻ cũng nhận ra tôi, gương mặt không còn chút máu.

Tôi khó khăn cố lấy lại bình tĩnh, khẽ mỉm cười, vén áo đứng dậy hướng đến trước chị ta ung dung nói:

- Hôm nay trận gió nào đưa chị đến đây thế?

Tôi thấy tôi ta vẫn đứng sừng sững ở đó, lại thêm phần chắc chắn mọi chuyện xảy ra trong giấc mơ. Tôi càng bước tới gần, chị ta càng lùi về sau, đến khi đυ.ng vào tường cung mà chị ta hình như vẫn không ý thức được.

- Sao chị lại sợ em như vậy? - Tôi hỏi.

Chị ta như nhìn thấy quỷ, không nói không rằng vùng chạy khỏi Quân Hoa cung trong cái nhìn kỳ lạ của toàn bộ cung nhân, bước chân nhanh như bôi mỡ.

Thuỵ Hương tiến tới đỡ lấy tôi, tôi mới đứng vững vàng được trên đất. Tôi cũng không ngờ bản thân mình lại dễ dàng bị kích động như thế, những tưởng thứ chớp nhoáng trong đầu chẳng qua chỉ là ký ức vô tình bị đào lên, ai mà ngờ nó cũng giống như cái cây từ lâu đã mọc rễ nảy mầm, đến khi nhổ lên thì để lại một lỗ trống không hề nhỏ.

Tôi đỡ ngực ngồi xuống, cảm giác vết thương trên vai lại âm ỉ đau.

Theo lời cung nhân thì chị ta tên là Tô Ngọc Lan, anh cả của Tô Ngọc Lan là Tô Bình hiện tại đang giữ chức thủ lĩnh quân cấm vệ. Tôi chợt nhớ ra có lần chị Anh Nguyên bảo tôi Phạm Ngũ Lão cũng được bổ nhiệm làm cấm vệ quân, xem ra Tô Bình làm chức này cũng không được tính là suôn sẻ.

Nhưng làm sao tôi có thể tiếp cận hai người họ rồi tra ra danh tính của mình và cả nhà mình đây.

Mặc kệ nỗi trăn trở của tôi, mồng mười tháng giêng, Hiếu Hoàng Trần Khâm lại cho tổ chức đấu hổ ở thềm Vọng Lâu. Đây là một hoạt động thường niên, hằng năm thường sẽ có ba bốn bận, quân sĩ sẽ đánh nhau với hổ, hoàng thượng sẽ ngự trên đài để xem. Do giống hổ dữ thường cướp phá gia súc nhà dân, nên đấu hổ được xem như một hoạt động vừa mang tính giải trí, vừa mang tính rèn luyện thể lực, sự khéo léo và kỹ năng chiến đấu đối với quân sĩ.

Giống như con hổ hôm nay nghe đâu là vừa bắt được ở lộ Trường Yên sau một thời gian nó cướp phá hoành hành, vừa gây thiệt hại về người, vừa tổn hao gia súc. Nó dũng mãnh khôn ngoan, là một đối thủ đáng gờm.

Tôi đối với sự kiện này không một chút hứng thú, cho dù là con hổ này hung hăng gian xảo nhưng cũng không có nghĩa là nó sẽ bị đem ra hành hạ làm trò tiêu khiển như vậy. Đang thơ thẩn chợt cảm giác có gì níu tay áo mình, nhìn xuống quả nhiên chính là Trần Thuyên bốn tuổi đang mè nheo với tôi.

Được rồi tôi thừa nhận chị Trinh đối với tôi như chị em ruột, nhưng bổn phận của tôi đối với đứa cháu này hình như có hơi lớn, tỷ như đi học ở Quốc Tử Giám cũng là tôi đưa đi, ăn cơm cũng là sang nhà tôi ăn chực, thỉnh thoảng lại còn len lén trộm rượu của tôi. Tôi mặc dù cũng mang nỗi niềm có ân tất báo, nhưng cũng không có nghĩa là tôi đã chuẩn bị tâm lý làm mẹ trẻ.

Nhưng cái thằng nhóc thái tử này hiện đang mè nheo đòi tôi bồng đi xem hổ.

Chị Trinh thấy tôi chần chừ không muốn đi, nhẹ giọng trách:

- Mang tiếng là dì người ta mà thế đấy, uổng công nhóc Thuyên một tiếng cũng dì, hai tiếng cũng dì.

Ấy ấy, nói thế hóa ra tôi sai à?

- Chị đừng chiều theo nó kẻo hư, trẻ con mà xem đánh đánh gϊếŧ gϊếŧ không tốt đâu. - Tôi biện bạch.

Trần Thuyên lại nắm tay áo tôi giật giật, mở to đôi mắt long lanh ra, nói:

- Con muốn xem, con muốn học người ta đánh trận, con muốn giúp cha.

- Con hổ đáng sợ lắm, nó to thế này này, mồm nó to thế này này, nó mà sổng ra thì...he he he..

Tôi vừa diễn tả cho Trần Thuyên vừa cười dọa nó. Trần Thuyên ngay lập tức nấp sau lưng mẹ nó kêu:

- Mẹ, dì dọa con!

- Đàn ông con trai lại đi mách mẹ, ha ha ha, kiểu này gặp con hổ dì cá con sẽ tè ra quần mất thôi!

- Không, con không sợ!

Cuối cùng tôi cũng phải đầu hàng sự mè nheo của nó, đồng ý cùng nó đến Vọng Lâu xem đấu hổ. Ông con này với cái má lúng phúng sữa cùng đôi mắt to tròn khiến người ta khó lòng mà từ chối, tương lai đúng là một mầm họa.

Đấu hổ vào sáng sớm nên tôi cùng hoàng hậu đều tranh thủ chải chuốt gọn gàng, cho nhóc Thuyên ăn sáng rồi cùng nhau ngồi kiệu đi đến Vọng Lâu.

Cái gọi là Vọng Lâu thì cũng chỉ đơn giản là chuồng hổ to to ở giữa sân, kế đó là bậc thềm để lên lầu. Lầu này tương đối thấp, tôi phỏng chừng con hổ mà có sổng thì cũng chỉ một cú nhảy của nó là đến được đây. Kẻ thiết kế cái lâu này chắc chỉ mong nhìn hổ được cận kề nhất chứ không hề lo tới sự nguy hại, hoặc giả cái lâu này ban đầu không được dùng mới mục đích như hiện nay.

Lúc này cái chuồng hổ được trùm vải đen im thin thít, có lẽ là nó đang ngủ say.

Tôi tìm chỗ cách xa con hổ nhất, định bụng nếu xảy ra sự cố cũng có thể bảo vệ thằng nhóc an toàn, ai ngờ nó cứ nằng nặc đòi ngồi ở trước để xem cho rõ, tôi chỉ hận rèn sắt không thành thép. Thế gian có đứa trẻ nào hiểu rõ lòng cha mẹ không cơ chứ?

Bởi vì đây là lần đầu tiên tôi xuất hiện trước mặt đám đông, nên thu hút không ít ánh nhìn. Tương tự như thế, ngoài hoàng hậu ra thì đừng nói là đám cung phi, ngay cả mặt vị quan gia nọ ra sao tôi cũng không biết.

Tôi ngồi bên phải chị Trinh, nhóc Thuyên ngồi giữa hai tôi, còn cái ghế khắc rồng ở bên trái cao cao chắc là chỗ của quan gia. Còn lý do tại sao thằng nhóc này không ngồi cạnh cha nó mà ngồi cạnh tôi vì đơn giản là do nó thích.

Chừng nửa khắc sau thì cung nhân cũng bắt đầu lục tục kéo nhau vào lâu, kẻ trước người sau thành hàng như con rắn đầy màu sắc. Tôi nhìn thấy có vài người phụ nữ nhan sắc có vẻ nổi bật hơn cúi đầu chào hoàng hậu thì cũng đoán ra được đây chính là đối thủ trên danh nghĩa của mình. Chị Trinh lần lượt rỉ vào tai tôi thân phận của mỗi một cung nhân đi qua, đối với họ tôi cũng chỉ gật đầu cho có lệ, bởi họ phẩm cấp căn bản cũng không thể vượt qua tôi. Biết làm sao được, tôi đường đường chính là người vợ được cưới hỏi đàng hoàng của quan gia, xuất thân từ gia tộc đứng đầu nước Việt.

Hậu cung của Hiếu hoàng cũng tương đối tối giản, lên ngôi cũng đã gần hai năm mà vẫn chỉ có được một mụn con, không biết là do công vụ bộn bề hay do mấy cung phi này không có năng lực. Người đến đầu tiên mặc đối khâm màu xanh nhạt là Đặng Cung phi, Đặng cung phi dung mạo đoan trang nhưng có phần xanh xao gầy gò, đúng theo lời đồn thì là một người sức khỏe yếu ớt.

- Năm ngoái em ấy lại bị một trận ốm liệt giường, đến bây giờ vẫn chưa hồi sức - Chị Trinh nói.

- Đúng là hồng nhan bạc phận - Tôi trả lời.

- Cái gì là hồng nhan bạc phận hả dì?

Tôi giật mình đưa tay che miệng nhóc Thuyên, nhìn lướt qua Đặng cung phi thấy chị không chú ý mới bỏ tay xuống.

- Thuyên ngoan không được làm loạn. Nhỏ tiếng một chút. - Tôi vội vàng trấn an.

Chị Trinh hừ mũi một tiếng, mỉa mai:

- Chỉ giỏi làm gương xấu cho con nít.

Tôi cười hì hì, thì cũng là chị bày ra thôi còn gì.

- Em chào chị!

Tôi đang cười thì bị một giọng nói lanh lảnh làm cho giật mình, ngước lên thì một bộ cung trang màu đỏ làm chói mắt. Kẻ đang đứng kia miệng thì chào hoàng hậu, nhưng ánh mắt lại đưa đẩy về phía tôi, từ trên nhìn xuống đầy vẻ ngạo mạn và xét nét. Chị ta cũng thuộc dạng sắc nước hương trời, nhưng sự kiêu ngạo cùng lớp trang điểm đậm kia đã làm phai nhạt đi nét xinh đẹp vốn có. Đợi tới lúc chị ta rảo bước đi để lại một cỗ mùi hương nồng nặc trong không khí thì chị Trinh mới nhỏ giọng bảo tôi:

- Cô ả là người ghê gớm nhất ở đây đấy! Có lần Thuyên vô ý làm đổ canh lên người cô ả liền bị cô ả mắng một trận ra trò, quan gia biết thế nên cũng ít lui tới, thành ra làm cho bản tính cô ả ngày càng xấu đi.

Tôi đột nhiên thấy thương cảm cho Trần Khâm, vỏn vẹn mấy người vợ, người thì hướng phật, người thì đau ốm, người lại dữ như chằn, thảo nào Tô Ngọc Lan kia lại được lợi.

Nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới, Tô Ngọc Lan cùng với cô hầu của mình cũng nối đuôi theo tới Vọng Lâu, gặp tôi trong mắt liền lóe lên, sau đó cũng điềm đạm chào hỏi hoàng hậu chứ không tỏ ra khác lạ gì, có điều bước chân lại nhanh hơn đôi chút. Chị ta chọn góc khuất để ngồi, chỉ thỉnh thoảng len lén ngước lên nhìn tôi một cái.

Phân theo cấp bậc thì danh phận phu nhân chính thất chỉ có mỗi hoàng hậu và tôi, tiếp đến là đệ nhị cung phi Lý Kiều Phi, đệ tam Đặng cung phi và đệ tứ Tô phi. Còn một vị cung phi nữa nhưng theo như hoàng hậu nói thì chị ta vốn là kẻ ở ẩn, mỗi năm chỉ thấy mặt được vài ba lần vào lễ lớn, bình thường chỉ quanh quẩn trong cung, chị ta cũng là kẻ không được để mắt tới.

Xem ra Tô Ngọc Lan sống quá thoải mái trong cái hậu cung giống như trúng lời nguyền này.

Vọng Lâu có hai cánh tả hữu, ngoài chỗ ngồi của hoàng thượng ở giữa, thì bên phải là đám hậu phi, bên trái là một số vị quần thần, vương công quý tộc cùng thân quyến, được ngăn lại bởi một bức mành tre. Tuy vậy, Tôi vẫn nghe được loáng thoáng những tiếng xì xào bình phẩm về tôi.

Đám hậu phi và quần thần ngồi an vị đã lâu nhưng vẫn chưa thấy quan gia xuất hiện.

- Có lẽ quan gia đêm qua bận công vụ nên hôm nay dậy trễ chăng? - Tôi phỏng đoán.

- Không đâu, con chưa từng thấy phụ hoàng dậy trễ! - Trần Thuyên lập tức phản bác.

Thằng nhóc này là kẻ chuyên phản bác lại tôi, tôi thấy nó là trẻ con nên nhiều bận cũng không thèm chấp nhất, ấy vậy mà nó luôn biết cách được nước làm tới, tôi mở miệng là nó lại chặn họng tôi ngay.

Tôi đang ngồi ngủ gà ngủ gật trên ghế dựa, thì nghe tiếng hô to "quan gia tới", chị Trinh bên cạnh theo bản năng kéo áo tôi, cũng may thân thủ tôi không tệ, nếu không là ngã chỏng vó lên rồi. Tôi bận rộn đứng dậy rồi cúi đầu, vị quan gia kia đã ngồi an toạ trên ghế, mà tôi chỉ nhìn thấy bóng lưng quen thuộc của anh ta.

Tôi không dám ngẩng mặt lên nhìn, chỉ sợ anh ta nhìn ra vẻ hoa nhường nguyệt thẹn của tôi mà tương tư mất, thế thì lại ảnh hưởng cuộc sống thanh tu của tôi, ha ha.

Tôi ngồi phía sau thấy Trần Khâm phẩy tay một cái, tức thì tấm vải đen được mấy anh lính kéo ra, tôi thấy một con hổ to đùng đang nằm dài trong cũi. Con hổ này phải dài cỡ một trượng, bộ vuốt sắc bén, hai cái nanh chỉa ra trông dữ tợn vô cùng. Dường như ánh sáng làm nó thức giấc, nó mở choàng đôi mắt, gầm lên một tiếng vang động.

Lính tráng đều đã vào sân, giáo gươm chỉnh tề, con hổ cũng được thả ra khỏi xích sắt. Nó chậm rãi tiến lên trước ánh nhìn e dè của tất cả mọi người, nó quét mắt qua mọi thứ, ngạo nghễ và ngông cuồng.

Tôi xem hết một hiệp mà cảm thấy máu cứ dồn lên óc, chỉ sợ xảy ra sơ sót gì thì mấy người lính phía dưới kia cũng chẳng được toàn thây. Một con thú dữ say mồi, chẳng ai biết nó sẽ làm được những gì trong lúc nóng giận, mà lính tráng tuy đông, chung quy cũng chỉ là những con người nhỏ bé mà thôi.

Cũng may bọn họ ai ai cũng giỏi võ nghệ, thành ra con hổ kia tuy to nhưng cũng chẳng chiếm được chút tiện nghi nào, nó bị vây vài lần, trên người cũng dần xuất hiện những vết sẹo lớn nhỏ. Tôi không biết con súc sinh kia đã gϊếŧ bao nhiêu người, nhưng nhìn nó vô lực chống chọi cũng đột nhiên cảm thấy có chút thương cảm.

Đột nhiên nó quay ánh mắt về phía tôi, tôi nhìn ánh mắt sắc lẻm của nó mà rùng mình sởn cả gai ốc, theo bản năng liền ôm chặt lấy thằng nhóc Thuyên bên cạnh, trống ngực đập binh binh, cảm giác có điềm chẳng lành. Quả nhiên chỉ trong chốc lát, con hổ đã chuyển hướng nhảy phốc một cái lên khán đài, hiên ngang đứng trước vị quan gia đức cao vọng trọng kia mà gầm gừ mấy tiếng.

Tôi thầm kêu thôi xong, hỏng bét, vội tay nhanh hơn não ôm nhóc Thuyên thoái lui về sau năm bước. Đáng hận là đám cung nhân theo hầu lúc này đã chạy tán loạn mỗi người mỗi nơi, chỉ chừa độc mỗi vị quan gia vẫn còn điềm nhiên ngồi đó như không hề xảy ra chuyện gì.

Tôi nhìn bóng lưng anh ta, chợt nhận ra có điểm quen mắt, lại không nhớ là từng gặp ở đâu, phần vì bồng nhóc Thuyên ở phía xa cũng không thấy rõ mặt. Thôi trước mắt cứ bảo hộ thái tử an toàn trước đã, chuyện gì thì tính sau. Nghĩ vậy, tôi ôm thằng bé đến ngôi đình phía xa, căn dặn Đan Thanh trông chừng cho kỹ, rồi ba chân bốn cẳng trở về chuồng hổ. Đan Thanh nắm tay tôi khóc mếu:

- Chị ơi chị đừng đi..

Tôi vội giằng tay ra, không nói lời nào liền vụt chạy, chị Trinh tôi vẫn còn chưa thấy, tôi không thể bỏ chị lại một mình, cho dù có xảy ra chuyện gì tôi cũng không thể để thằng bé mồ côi. Thằng nhóc Thuyên cũng rất hiểu chuyện, chỉ mếu máo dặn tôi cẩn thận, tôi nhìn sắc mặt nó tái xanh, hẳn là kinh sợ không ít.

Tôi nghe tiếng gầm nơi chuồng hổ, chạy càng nhanh hơn, trên đài đã vắng lặng không còn một bóng, dưới đài binh lính cũng dàn thành hàng, nhưng chẳng ai dám tiến lên, chỉ sợ nhất thời vọng động làm con hổ giật mình làm bậy. Từ cách đó mười trượng tôi đã thấy chị Trinh đứng trước quan gia, cách con hổ không đầy năm bước, tay cầm dao dài chỉa vào con hổ, nó cũng yên lặng trừng lại chị. Vì con hổ quay mặt về phía tôi nên tôi nhìn ra vẻ mặt hung tợn của nó, máu trên mắt trái của nó rơi trên đài thành một vũng to.

Tôi cảm thán một câu, đúng là hoạn nạn mới thấy chân tình.