Qua một hồi trầm mặc nghẹt thở, hắn sa sầm sắc mặt hỏi "Nàng nói gì? Nói lại lần nữa."
Đáng tiếc Tiêu Hề Hề lại ngủ say, không nghe thấy hắn hỏi, huống chi là nhìn thấy khuôn mặt anh tuấn đầy tức giận của hắn.
Ngày hôm sau.
Tiêu Hề Hề vừa dậy, đã thấy Thái tử ngồi ở mép giường, không mấy thiện cảm nhìn chằm chằm nàng.
Nàng nở nụ cười đáng yêu "Chào buổi sáng, Điện hạ."
Lạc Thanh Hàn lạnh lùng hỏi "Nàng còn nhớ tối qua nàng đã nói gì không?"
Tiêu Hề Hề chả hiểu gì "Gì cơ?"
"Ngày, tháng, còn, dài!"
Tiêu Hề Hề chớp mắt "Ngày tháng còn dài thì sao?"
Lạc Thanh Hàn không nói gì, cứ nhìn chằm chằm vào mặt nàng.
Tiêu Hề Hề mờ mịt, hai sợi tóc dựng đứng trên đầu, trông nàng càng vô tội.
Lạc Thanh Hàn quả thật thấy ngại khi lặp lại mấy lời của nàng tối qua, đành đen mặt ném lại một câu.
"Duy nhất lần này, không có lần sau!"
Nói xong phất tay áo bỏ đi.
Hắn vừa đi, Tiêu Hề Hề lập tức ôm ngực thở dài nhẹ nhõm một hơi.
Cũng may nàng có tài diễn xuất tốt, xoay xở thoát thân, bằng không thật sự chẳng biết nên giải thích thế nào với Thái tử về mấy lời nói nhăng nói cuội tối qua.
Tối qua nàng ngủ mê man, nói năng không suy nghĩ, gần như nghĩ gì nói đó, bây giờ nghĩ lại, nàng không dám nghĩ tới vẻ mặt lúc đó của Thái tử.
Nhất định rất đặc sắc.
......
Gần đến giờ ăn trưa, Ti Trúc đến hỏi Thái tử và Tiêu lương đệ ăn gì?
Tiêu Hề Hề nói "Bữa trưa hôm nay ta muốn ăn bún qua cầu."
Ti Trúc chưa từng nghe tới món bún qua cầu.
"Không biết bún qua cầu này nấu thế nào?"
"Ngươi không cần nấu, Bảo Cầm biết nấu, cứ để em ấy nấu. Ngươi pha trà cho chúng ta đi, trà ngươi pha hôm qua rất ngon, nhất là sau khi cho thêm sữa vào, uống càng ngon."
Ti Trúc nghĩ đến chuyện Tiêu lương đệ làm hỏng trà thượng hạng mà nàng dày công pha hôm qua, trái tim nàng như rỉ máu.
Tiêu lương đệ nhất định là cố ý!
Sợ mình được Thái tử sủng ái nên Tiêu lương đệ cố ý dùng cách này để lấn áp nàng, không cho nàng có cơ hội nổi bật trước mặt Thái tử.
Không ngờ nữ nhân này trông ngốc nghếch, tâm cơ lại thâm trầm như vậy!
Ti Trúc nghiến răng oán hận trong lòng, nhưng vẫn cố duy trì nụ cười trên môi.
"Vâng, bây giờ nô tỳ đi pha trà."
Dưới sự chỉ huy của Bảo Cầm, các tiểu cung nữ đặt hai nồi đất to nặng lên bàn, hàng chục món ăn phụ đặt bên cạnh nồi đất, giống như đám sao vây quanh mặt trăng, thoạt nhìn khá phong phú.
Một nồi là canh gà, một nồi là canh cá.
Khi nắp nồi mở ra, mùi thơm nồng nàn lan tỏa.
Tiêu Hề Hề rướn cổ nhìn.
Bảo Cầm xắn tay áo, lần lượt cho bún, rau và các món thịt vào nồi đang sôi.
Đây là lần đầu tiên Lạc Thanh Hàn ăn thế này.
Hắn khá tò mò "Nàng học cách ăn này ở đâu vậy?"
Tiêu Hề Hề đắc ý "Nói về ăn uống, thần thϊếp là chuyên gia đó!"
Lúc này, Ti Trúc đi tới, lần lượt đặt hai tách trà nóng bên cạnh Thái tử và Tiêu lương đệ.
Tiêu Hề Hề đổ một ít sữa và mật ong vào, khuấy đều rồi nếm thử.
"Ủa, trà này không ngon bằng hôm qua."
Ti Trúc giải thích "Trà hôm qua được pha bằng sương sớm, nên hương vị dĩ nhiên ngon hơn trà pha bằng nước giếng."
"Vậy hôm nay sao không dùng sương sớm pha trà?"
Ti Trúc bị giọng điệu như đúng rồi của nàng làm đau cả ruột gan.
Ngươi nghĩ sương sớm dễ hứng vậy à?
Hôm qua trước khi trời sáng ta đã phải dậy, còn tốn rất nhiều công sức mới hứng được một bình sương như vậy.
Nếu không phải ta muốn lấy lòng Thái tử, ta có cần liều mạng thế không?
---------
过桥米线 - Bún qua cầu
Không chỉ là món ăn truyền thống có lịch sử lâu đời của vùng đất Vân Nam, món bún qua cầu ngày nay còn là một món ăn nổi tiếng thu hút đông đảo người dân cũng như khách du lịch khi đến với bất kỳ thành phố nào của đất nước Trung Quốc.
Một phần bún thông thường gồm có một tô canh nóng hổi với lớp mỡ gà béo ngậy, đĩa đựng thịt gà, thịt lợn còn tươi sống cùng với rau, hành, nấm đặc sản của Vân Nam, một quả trứng vàng ươm và một tô bún sợi to được chế ra từ bột gạo đặc biệt. Thực khách sẽ tự mình cho thịt, trứng, rau vào bát canh vẫn được giữ nóng hổi bởi lớp mỡ trên mặt và chỉ sau chưa đầy một phút mọi thứ sẽ vừa chín tới.
Món bún qua cầu không chỉ dễ ăn, ngon miệng mà còn gắn với câu chuyện về tình nghĩa uyên ương. Tương truyền rằng, năm xưa có một đôi vợ chồng nhà nông nghèo rất yêu thương nhau. Hàng ngày, người vợ thường nấu bún từ nhà băng qua cây cầu dài để mang cho chồng đang bận ôn thi ở một hòn đảo nhỏ. Vì đường dài nên bát bún thường bị nguội. Tình cờ một lần, đứa con ở nhà cho thịt vào bát canh, gắp ra thấy vừa nóng vừa ngon, người vợ liền nghĩ ra làm bún cho chồng bằng cách nấu nước dùng trước, để lại lớp váng mỡ trên mặt giữ nước nóng lâu, đến nơi mới cho thức ăn tươi ngon vào. Cái tên Bún Qua Cầu ra đời từ đó.