Thấy vẫn chưa đè ép được đối thủ, quận chúa Đông Kha mới ra thêm vế đối, và lần này thì mùi khói lửa đã bốc lên ngùn ngụt:
- Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố.
(Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng.)
Hình ảnh mà quận chúa Đông Kha sử dụng thật tinh tế lắm thay. Mặt trăng xuất hiện ban ngày hoàn toàn có thật. Khoảnh khắc ấy, khi ngẩng đầu lên xem thì quả thấy nó giống như đang bị mặt trời thiêu đốt, sắp sửa lụi tàn.
Ý tứ đe doạ kia, Trần Tĩnh Kỳ sao lại không hiểu. Đông Kha chính là muốn nói cho hắn biết rằng kẻ mạnh sẽ thắng kẻ yếu, với khí thế của Đại Liêu hôm nay thì nước Hạng khó lòng chống trả nổi.
Y hϊếp ư?
Trần Tĩnh Kỳ âm thầm cười lạnh. Qua những buổi cùng Lý Uyên thảo luận, hắn khẳng định vị Hoàng đế này tuyệt đối không phải loại người hèn nhát. Đại Liêu nếu thực muốn đánh, Lý Uyên chắc chắn sẽ sẵn sàng nghênh chiến.
Chiếu theo tâm ý của Lý Uyên, hắn hiểu là lúc này mình cần phải truyền đạt cho quận chúa Đông Kha được rõ về ý chí và sức mạnh quật cường của người dân nước Hạng.
- Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rơi mặt trời.)
Hoàng hôn buông xuống, khi mặt trăng nhô lên cũng chính là lúc mặt trời phải lặn. Thế nên bảo mặt trăng bắn rơi mặt trời thì chẳng có gì là không thoả. Vế đối lại này của Trần Tĩnh Kỳ thật rất giỏi về nghĩa về chữ. Ví trăng lưỡi liềm như cánh cung, những vì sao tròn như viên đạn, đây là sự hình dung hết sức thú vị. Song, hay hơn cả là vế đối tỏ rõ sự cứng rắn của người nước Hạng, không lời đe dọa nào có thể làm cho run sợ, sẵn sàng đối phó với kẻ thù.
Vế đối lại hình tượng sắc sảo, khí phách quật cường. Nếu quận chúa Đông Kha dùng “lửa mặt trời” (nhật hoả) để đốt cháy “trăng Đại Hạng” (thiêu tàn ngọc thố) thì dân Đại Hạng sẽ dùng cái “cung mặt trăng” (nguyệt cung) để bắn rụng “mặt trời phương Bắc” (xạ lạc kim ô).
Nghe xong vế đối, các vị sứ thần nước Liêu ai nấy đều tức giận. Quận chúa Đông Kha dù không nói ra, song trên gương mặt xinh đẹp của nàng, nhìn vẻ âm trầm kia thì cũng đủ hiểu. Nàng đang rất là bất mãn.
Những sự thách đố mà nàng đã và mới vừa đưa ra, mục đích vốn dĩ là để xem phản ứng của triều đình nước Hạng, coi thử Hạng quốc hiện giờ có nhân tài hay không, tâm chí tới đâu, mạnh yếu thế nào. Nếu nước Hạng nhân tài thiếu hụt, vua quan hèn nhát, như vậy Đông Kha nàng sẽ lập tức trở về bẩm báo với Đại đế Bạt Đài, xin được lãnh binh chinh phạt. Nhưng là bây giờ... Đông Kha biết, những lời đáp trả đanh thép của Trần Tĩnh Kỳ cũng chính là tâm tư của Hạng đế Lý Uyên. Hắn bất quá thay Lý Uyên đứng ra truyền đạt mà thôi.
Khẽ liếc nhìn vị quân chủ ngồi trên ngôi cao, quận chúa Đông Kha cúi đầu im lặng...
Không lâu lắm, sau vài ba nhịp thở, nàng ngẩng đầu, tập trung ánh mắt vào Trần Tĩnh Kỳ, kế đó nở một nụ cười khó hiểu.
Cảm giác thật là quái lạ. Nụ cười kia của Đông Kha rõ ràng rất không hợp thói thường. Trần Tĩnh Kỳ lại càng thêm cảnh giác. Hắn biết, vị quận chúa cao ngạo này còn chưa chịu từ bỏ.
Quả vậy, sau khi uống vào một ngụm rượu Miên Lý nồng cay thì Đông Kha liền cất giọng ngâm:
- Thập khẩu tâm tư, tư quốc tư gia, tư phụ mẫu.
Sắc mặt Trần Tĩnh Kỳ tức thì biến đổi. Mà ngự ở ngôi cao, Hạng đế Lý Uyên và Hoàng hậu Triệu Cơ cũng đồng loạt nhíu mày.
Vế ra của quận chúa Đông Kha dùng phép chiết tự, chữ thập (十), chữ khẩu (口), chữ tâm (心) gộp lại thì thành chữ tư (思) có nghĩa là nhớ: nhớ nước, nhớ nhà, nhớ cha mẹ.
"Nước" này là nước nào, "nhà" này là nhà nào?
Đại Trần quốc!
Đông Kha nàng đây rõ ràng là muốn nói với Trần Tĩnh Kỳ rằng: "Ngươi vốn là hoàng tử Đại Trần, sống trên đất Hạng, lẽ nào không nhớ cha mẹ, quê hương, trong lòng ngươi liệu có còn nghĩ về cố thổ?"
Đây giống như một lời chất vấn lương tâm của Trần Tĩnh Kỳ. Trần - Hạng hiện nay tiếng đang giao hảo, nhưng kẻ có đầu óc thì đều biết đấy chỉ là tạm thời, chiến tranh tùy thời đều có thể nổ ra. Nói cách khác, Trần với Hạng không phải bằng hữu mà chính là kẻ thù. Trần Tĩnh Kỳ thân là một vị hoàng tử Đại Trần, vậy mà hôm nay lại đứng trên đất Hạng, ra sức vì người Hạng, như thế chẳng hổ thẹn với quê hương lắm ư?
Rất thâm. Vế ra lần này của quận chúa Đông Kha quả thật là một câu hỏi hóc búa dành cho Trần Tĩnh Kỳ, ép hắn phải thể hiện lập trường. Nếu Trần Tĩnh Kỳ đáp hắn vẫn hoài niệm quốc gia, vẫn nghĩ về cha mẹ, như vậy thì sau này Hạng đế Lý Uyên khó có thể trọng dụng, trái lại sẽ càng thêm cảnh giác đề phòng, thậm chí là xuống tay trừ khử. Còn nếu hắn trả lời mình đã thôi thương tưởng, thật dạ chân tâm với Hạng, há chẳng phải đã tự nhận mình là kẻ bất trung, bất hiếu?
Một con người như vậy, làm sao xứng để cho người ta kính nể?
Đáp án sẽ là gì? Hết thảy đều đang trông đợi. Quan tâm nhất, dĩ nhiên hai nước Hạng - Trần. Trước nay, thân phận hoàng tử ngoại bang của Trần Tĩnh Kỳ vẫn luôn là lý do để người Hạng hoài nghi, lưu tâm phòng bị. Chính ngay Thái tử Lý Long Tích và Hoàng hậu Triệu Cơ - những người hắn đang phò tá, đã góp nhiều công lao - cũng chưa một phút giây nào dám quên bỏ. Còn Trần, cái này lại càng khỏi phải nói. Nếu Trần Tĩnh Kỳ vẫn chỉ là một phế hoàng tử hèn nhát vô năng như trước thì cũng thôi, nhưng hắn rõ ràng không phải. Đại Trần quốc đã biết vị nhị thập tứ hoàng tử này là nhân tài, một kỳ tài với trí lực vượt xa tất thảy những huynh đệ còn lại, làm sao có thể thờ ơ?
Bọn họ rất quan tâm. Thiên Đức Hoàng đế rất bận lòng. Trong bảy năm này, chính Thiên Đức đã không ít lần cử sứ thần đến kinh đô nước Hạng để thương thuyết, ý đồ muốn đưa Trần Tĩnh Kỳ quay trở về cố thổ. Song, Lý Uyên trước sau như một, nhất quyết không chịu nhả người.
Trần Tĩnh Kỳ tài ba như vậy, nếu mà đem trả về Trần quốc, đấy khác nào thả hổ về rừng? Ngày sau ắt thành đại hoạ...
"Muôn người chú mục, loại cảm giác này vẫn cứ là thú vị như vậy." Trần Tĩnh Kỳ thoáng đảo mắt xem chúng nhân, thầm nghĩ. Hắn chẳng thấy có áp lực gì cả. Đúng là ban đầu hắn đã khá bất ngờ trước vế ra của Đông Kha, nhưng cũng chỉ là bất ngờ như vậy, vài ba giây ngắn ngủi.
Các ngươi muốn biết lập trường của ta ư? Vậy ta sẽ tiết lộ cho các ngươi một nửa.
Kèm với nụ cười nhàn nhạt, hắn đáp lời quận chúa Đông Kha:
- Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương.
Chữ thốn (寸), chữ thân (身), chữ ngôn (言) gộp lại thành chữ tạ (謝) có nghĩa là cảm ơn: cảm ơn trời, cảm ơn đất, cảm ơn vua.
"Trời" này là trời nào? "Đất" này là đất nào? "Vua" này là vua nào?
Trần Tĩnh Kỳ, hắn hiện đang sống ở nước Hạng!
Như vậy, ý tứ trong câu đối có thể hiểu là: Những năm qua Trần Tĩnh Kỳ hắn sống ở nước Hạng, được Hạng đế chiếu cố, trong lòng rất cảm kích; bởi thế cho nên hắn vì Đại Hạng làm chút việc để báo đáp cũng là cái lẽ thông thường, phù hợp đạo lý người quân tử.
Lời đáp trả vô cùng khôn khéo. Cái hay ở chỗ nó chỉ nêu ra một hướng, làm rõ một nửa, phân nửa còn lại thì hắn vẫn bỏ trống.
Tâm tư của Trần Tĩnh Kỳ hắn đối với Đại Trần ra sao? Hắn không đề cập. Mà hắn không đề cập thì lấy gì để đánh giá?
Bắt bẻ ư?
Vế đối của hắn đã rất chỉnh rồi!