Không thể phủ nhận, cái cách mà Trần Tĩnh Kỳ giảng dạy, so với hai vị Nguyễn Chánh và Trần Thừa Ân thì cụ thể, sinh động hơn nhiều. Ý tứ khuyên răn, sự nhắn nhủ chân thành của hắn, xét thấy cũng là một phần hảo tâm.
Tuy vậy, ngươi có hảo ý là việc của ngươi, còn tiếp thu hay không thì đấy lại là chuyện của người. Xét trong trường hợp này, với đối tượng là Hoàng phi Triệu Phi Yến, đáp án chính là "không muốn".
Tất cả những đạo lý mà Trần Tĩnh Kỳ đã giảng giải ra kia, Triệu Phi Yến dĩ nhiên hoàn toàn thấu hiểu. Song là, nàng không thích nghe. Triệu Phi Yến nàng muốn dạy con thế nào là việc của nàng, chẳng cần người khác phải xía vô. Bất kể Trần Tĩnh Kỳ có dụng ý thông qua con trẻ để nhắn gửi đến người làm mẹ như nàng hay không thì nàng đều thấy phản cảm, trong lòng khá là khó chịu.
Hoàng hậu Triệu Cơ?
Trên khuôn mặt nàng chẳng có chút biểu hiện nào đáng gọi hoan hỉ. Coi bộ nàng cũng không ưa.
Ở đây, trong bảy người, thiết nghĩ thực tâm đồng thuận, âm thầm tán dương bài giảng của Trần Tĩnh Kỳ duy cũng chỉ có mỗi Bình phi Lâm Thục Nhu.
Mới đầu, thật lòng mà nói thì Lâm Thục Nhu nàng đã khá lo ngại khi hay tin Hạng đế Lý Uyên chỉ định Trần Tĩnh Kỳ vào cung giảng dạy. Nàng lo một người trẻ tuổi phong lưu như Trần Tĩnh Kỳ sẽ khó có thể đảm đương, tri thức truyền đạt e phần nhiều mang tính chủ quan, sợ rằng sai lệch. Nhưng sau một thời gian lưu tâm nhòm ngó, từ miệng con trẻ và từ chính những điều mắt thấy tai nghe, nàng đã dần tin tưởng, cho tới hôm nay, sau khi nghe qua bài giảng này thì rốt cuộc chính thức an tâm giao phó. Trần Tĩnh Kỳ, vị An vương điện hạ của Trần quốc này, không những có học thức uyên thâm mà cốt cách làm người xem ra cũng rất ngay thẳng.
"Chính nhân quân tử", đấy là đánh giá của Lâm Thục Nhu nàng.
Tất nhiên đó cũng chỉ là Lâm Thục Nhu tự mình cảm thụ, bằng thực tế...
Trần Tĩnh Kỳ không nghĩ bản thân mình tốt đẹp tới như vậy đâu. Hắn chẳng phải tiểu nhân, nhưng nếu bảo chính nhân quân tử... Thực ra có những điều hắn dạy, chính bản thân hắn cũng không nhất định làm được đấy.
Như vậy tức là hắn giả trang?
Không. Trần Tĩnh Kỳ hắn nào có cố tình diễn kịch. Những gì hắn truyền đạt, gửi gắm, hết thảy đều là thật. Hắn khá chân tâm.
Ai cấm người xấu thì không được nói ra những điều tốt đẹp đâu này?
Huống chi, Trần Tĩnh Kỳ hắn tự xét thấy bản thân cũng không đến mức quá xấu xa nham hiểm. Bình thường, trong đối nhân xử thế, hắn cũng coi như là một người có lễ nghĩa.
...
Sau hôm ấy, Hoàng hậu Triệu Cơ rất hiếm khi xuất hiện ở Thái Bình Lâu, mà Hoàng phi Triệu Phi Yến cũng chẳng thường lui tới. Cao phi, Lương phi, Hạnh phi, Thuận phi bốn vị phi tần cũng đồng dạng. Hiện giờ, vẫn thường xuyên ghé qua duy chỉ có mỗi mình Bình phi.
Đương nhiên đây không phải do Trần Tĩnh Kỳ, thực ra đấy sớm đã trở thành thói quen của Lâm Thục Nhu nàng. Mỗi sáng nàng đều tự dắt tiểu công chúa Lý Long Tranh đến lớp, chờ khi cô bé học xong thì hai mẹ con sẽ cùng ra về. Tình cảm rất là khắng khít. Đến nỗi khiến cho Trần Tĩnh Kỳ cũng phải âm thầm cảm khái, không hiểu tại sao trên đời lại có một nữ nhân tốt bụng tới như vậy. Rõ ràng không phải con ruột của mình mà lại dành hết mọi sự quan tâm...
...
...
Đối với công việc giảng dạy, bất kể xuất phát từ nguyên do gì thì đều không thể phủ nhận sự nhiệt tâm của Trần Tĩnh Kỳ. Mỗi lần đứng lớp hắn đều cố gắng hỗ trợ tối đa cho các vị hoàng tử, công chúa, để họ hiểu được vấn đề một cách thấu đáo nhất.
Dĩ nhiên, khiến hắn lưu tâm hơn cả vẫn là Hoàng tử Lý Long Cân và tiểu công chúa Lý Long Tranh. Càng tiếp xúc, hắn càng nhận ra sự đối lập của hai đứa trẻ. Chính ở bản tâm, tính cách. Nếu như tiểu công chúa Lý Long Tranh ngoan ngoãn, hiểu chuyện bao nhiêu thì Hoàng tử Lý Long Cân lại kiêu căng, khắc nghiệt bấy nhiêu.
Trần Tĩnh Kỳ thực rất không vui. Nói thật, nếu thằng bé Lý Long Cân này mà là con của hắn, khẳng định đã bị hắn nghiêm khắc dùng roi đòn trách phạt rồi.
"Hừm..."
Đang giảng dạy, ngó thấy Lý Long Cân đứng lên tỏ ý ngờ vực, rồi tự trình bày luận điểm của bản thân, trong lòng Trần Tĩnh Kỳ ít nhiều cũng sinh bực. Hắn đưa mắt nhìn nó, trầm ngâm một đỗi, chợt hỏi:
- Long Cân, trò hãy cho ta biết: Từ xưa đến nay, trăm họ rơi vào đạo tặc là vì nguyên do gì?
Câu hỏi có phần bất ngờ nên trong nhất thời đã khiến cho Lý Long Cân bối rối. Nhưng cũng chẳng kéo dài quá lâu, rất nhanh nó đã đưa ra được câu trả lời:
- Thưa thầy, theo Long Cân nghĩ, từ xưa đến nay, trăm họ rơi vào đạo tặc, nguyên nhân chủ yếu chính là bởi do pháp luật quá khoan, không đủ răn đe.
- Có đúng như vậy?
Trần Tĩnh Kỳ khẽ mỉm cười.
- Vậy ta lại hỏi trò: Hạng quốc trong thời Cao Tông và Hạng quốc hôm nay, pháp luật của Cao Tông nghiêm khắc hơn hay pháp luật của Hoàng thượng nghiêm khắc hơn?
Vấn đề này Lý Long Cân sớm đã được học qua nên chẳng thấy có gì khó khăn, liền đáp:
- Thưa thầy, pháp luật của Cao Tông nghiêm khắc hơn.
- Thế, Hạng quốc dưới thời của Cao Tông và Hạng quốc của hôm nay, thời nào ổn định hơn, ít đạo tặc hơn?
- Cái này...
Trần Tĩnh Kỳ cười nhạt, tự trả lời luôn:
- So sánh giữa hai thời đại, tin tưởng bất cứ một học giả nào của Đại Hạng đều sẽ thấy được là dưới sự cai trị của Hoàng thượng, số lượng đạo tặc đã giảm đi rất nhiều. Thế nhưng lúc nãy theo như lời trò nói, rằng nguyên nhân khiến trăm họ rơi vào đạo tặc là bởi do pháp luật quá khoan... Có phải rất mâu thuẫn?
Hắn lắc đầu:
- Từ xưa đến nay, trăm họ rơi vào đạo tặc, không phải là do pháp luật quá khoan, mà là vì thuế khóa quá nhiều, lao dịch nặng nề, quan lại tham ô xem thường pháp luật, ức hϊếp dân chúng. Trăm họ đói rét, bất chấp liêm sỉ, nên mới rơi vào đạo tặc. Cho nên muốn ngăn chặn đạo tặc, mấu chốt là phải giảm nhẹ thuế khóa, bớt nhọc sức dân, thực hiện các chính sách khoan hồng, giống như những gì mà Hoàng thượng đã và đang làm.
"Ừm, lời này quả thật không sai."
Ngay sau khi Trần Tĩnh Kỳ vừa dứt câu thì liền có một cái gật đầu đồng thuận. Nó không đến từ Lý Long Cân, Lý Long Tranh hay các học trò còn lại. Cái gật đầu này là của Bình phi Lâm Thục Nhu. Suốt từ nãy giờ nàng vẫn luôn ngồi bên trong Thính thất, chăm chú lắng nghe bài giảng. Việc này nàng đã xin phép qua Hoàng hậu Triệu Cơ và Hoàng phi Triệu Phi Yến rồi.
Trước đây, Lâm Thục Nhu nàng đến thì đến chứ trong lòng cũng không mấy hứng thú với việc nghe giảng. Bởi theo nàng cảm nhận, cách thức giảng dạy của hai vị Đại học sĩ Nguyễn Chánh, Trần Thừa Ân quá đỗi khô khan, văn phạm. Nhưng Trần Tĩnh Kỳ lại khác, cách diễn giải và truyền đạt vấn đề của hắn khá mới lạ, đôi khi còn có phần tùy hứng, chẳng hề rập khuôn. Chính điều ấy đã khiến cho Long Tranh của nàng càng thêm hứng thú học tập. Phần mình, nàng cũng bị thu hút...