Mùa xuân, Thái Bình năm thứ mười một.
Vì là năm đầu tiên sau khi họ Đinh qua đời, nên người trong Cung ăn Tết rất đơn sơ. Đêm giao thừa chỉ chuẩn bị lễ lạt để cúng bái tổ tiên, trời đất và Tiên Đế vừa băng Hà. Sáng mùng Một tết người trong Hoàng tộc cùng các quan lại tập trung tại Ngự điện để chúc thọ ấu Chúa, xong xuôi lại đến Đàn Tế Thiên để tế trời đất, mong cho năm mới thuận hòa. Xong xuôi lại ai về cung, phủ người đấy, tự túc ăn tết, chứ cũng không tổ chức yến tiệc linh đình trong Cung.
Chính là vào sáng mùng Một tết mà ta gặp lại con người ấy – Lê Hoàn.
Trong đám tang hai cha con họ Đinh, ta có biết tin người ấy đã từ biên ải mang theo các tướng sĩ tâm phúc trở về tới viếng họ Đinh, sau đó thì túc trực bên linh cữu Nam Việt Vương. Nhưng ta và Toàn Nhi khi thì cùng các vị đại thần lo việc nước, khi lại lo liệu việc tang của họ Đinh nên cũng không gặp mặt. Ta cũng không có thời gian và tâm trí đâu để mà suy nghĩ về việc đó.
Những năm họ Đinh còn sống, Lê Hoàn đều vào chúc Tết sớm để những ngày đầu năm mới ở lại doanh trại với binh lính. Lý do đưa ra là năm hết tết đến, việc binh càng không thể lơ là, cần năng đi tuần tra để binh lính không mải rượu chè mà bỏ bê việc canh gác, luyện tập. Họ Đinh thấy thế cho là hết lòng vì việc nước, ban cho bạc vàng, quà bánh rồi cho lui. Bao năm nay như thế đã thành lệ.
Năm nay bỗng dưng lại vào chúc Tết vào ngày đầu năm mới, rồi ở lại cùng quần thần văn võ làm lễ Tế thiên. Khi chúc tết ở Ngự điện, ta ngồi buông rèm, Lê Hoàn không nhìn thấy mặt ta. Nhưng ta thì có thể thấy rõ mặt người.
Đến khi Hoàng thân quốc thích, văn võ bá quan tất cả tề tựu ở sân Đàn Tế Thiên, thì chính là đôi bên cùng thấy mặt.
Như mọi năm thì cũng không có gì chắc chắn là sẽ gặp mặt. Vì tuy cùng tề tựu ở sân Đàn, nhưng Hoàng thân quốc thích đều đứng hết về sân tả, còn quan lại văn võ đứng ở sân hữu. Nhưng năm nay vì Toàn Nhi còn nhỏ, ta phải đi theo hộ giá, phải xuất hiện trước mặt quần thần. Vì thế mà thấy mặt.
Ta với người chính là đi lướt qua nhau mà không dám nhìn thẳng. Nhưng vẫn có thể nhìn thấy những dấu vết của thời gian đã in hằn trên khuôn mặt.
Người khi đó đã ba mươi mấy tuổi. Bao năm lăn lộn xa trường cùng cha con họ Đinh gây dựng cơ đồ, bao năm miệt mài trên lưng ngựa, trên thao rường rèn binh luyện tướng. Cả những năm tháng rong ruổi ngoài biên ải.. Đã không còn nữa khuôn mặt thư sinh, tươi trẻ. Đã không còn nữa vẻ hiền hòa, dịu dàng khi xưa. Thay vào đó là nước da xạm nắng, dạn dày, đôi lông mày lúc nào cũng chau lại trên vầng trán suy tư. Hai khóe miệng không hàm chưa những nụ cười ấm áp, mà mím chặt lại nghiêm nghị. Đôi mắt lấp lánh vui vẻ khi xưa giờ vẫn sáng bừng trên khuôn mặt, chỉ có điều những ánh nhìn ân cần đã thay bằng những tia nhìn lạnh lùng, thản nhiên như nước, khiến người đối diện không đoán định được điều gì.
Hơn chục năm trước, khi ta mới về đất Hoa Lư này, ta đã từng khắc khoải mãi về việc rồi ta và con người ấy sẽ đối diện với nhau như thế nào? Thì đây chúng ta đã đến ngày đối diện với nhau.
Không còn dằn vặt đau đớn nữa. Tựa như người quen cũ mà cũng tựa như người xa lạ. Những chuyện khi xưa vẫn còn đó nhưng đã chôn chặt ở nơi nào sâu thẳm trong lòng. Giờ chỉ còn lại đây hai con người già cỗi, chơ chọi, đi lướt qua nhau.
Nếu đối diện nhau ở một nơi nào đó chỉ có hai ta, có thể còn bình thản mà hỏi thăm sức khỏe nhau không biết chừng.
Nhưng cũng không biết được. Có thể chỉ là riêng ta cảm nhận như thế. Ta là kẻ đã bội bạc, kẻ đã phản bội lời thề. Ta bao giờ chẳng dễ tha thứ cho mình hơn, dễ lãng quên mọi thứ hơn? Còn Lê Hoàn – con người ấy bấy lâu nay nghĩ gì ta có khi nào biết được?
Qua rằm tháng riêng, lúc ta và Toàn Nhi đang ở Ngự thư phòng để phê duyệt nốt tấu chương, ta đang ngồi ở trên bàn giấy có Lan Nhi bên cạnh hầu trà, còn Toàn Nhi đang cùng hai hầu gái ngồi chơi ở bàn trà bên cạnh, thì có người vào bẩm báo, Công chúa Phất Kim cùng hai thị nữ thân tín vừa từ vùng Hoan Châu trở về xin vào gặp gấp.
Ta lệnh cho cận vệ đưa nàng vào mà không dấu nổi băn khoăn. Công chúa Phất Kim trở về chắc để chịu tang cha và anh. Nàng ở tận vùng Hoan Châu nên việc nghe tin, cùng gia quyến trở về muộn như thế là điều không tránh khỏi. Nhưng tại sao nàng lại muốn gặp Hoàng Thượng, muốn gặp ta ngay? Tại sao chỉ có nàng và hai thị nữ trở về mà không có Phò mã Ngô Nhật Khánh đi cùng? Không phải là nàng gặp ta để oán trách, chửi bới điều gì liên quan tới cái chết của cha và anh đấy chứ?
Chưa dứt ra khỏi được suy nghĩ miên man thì nàng và hai thị nữ bước vào. Trang phục tuy trông nghiêm trang, chỉnh tề, nhưng cả tớ và chủ đều không dấu nổi vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Phất Kim công chúa nhìn gầy xọm, tiều tụy, một bên mặt còn dán hai miếng băng chéo nhau trông rất đáng sợ. Thiếu chút nữa là ta không thể nhận ra nàng nếu không phải nhờ đôi mắt to tròn không lẫn vào đâu được của nàng – dù đôi mắt ấy giờ đây không thể dấu nổi sự sợ hãi, khϊếp đảm lẫn đau buồn.
- Hoàng Thượng và Hoàng Thái Hậu vạn tuế, vạn vạn tuế!
Nàng cùng hai thị nữ đồng thanh cất tiếng rồi phủ phục xuống đất.
Ta vội vàng đỡ nàng dậy rồi bảo:
- Công chúa, nàng không cần đa lễ như vậy!
Chưa kịp nói gì thêm thì khuôn mặt vốn đã kì dị của nàng phút chốc co rúm lại, nước mắt nàng trào ra như thác lũ, rồi ràng nức nở:
- Thái Hậu, mau cùng các vị đại thần chuẩn bị binh lực để đối phó với giặc Chiêm! Ngô Phò mã.. Ngô Phò mã đã bỏ sang đất Chiêm để xúi giục vua Chiêm Thành đánh Đại Việt rồi!
Nói tới đó nàng liền khóc òa lên, người mềm như một sợi bún rồi lả đi trong cánh tay ta. May có Lan Nhi và hai nàng thị nữ kịp chạy lại cùng ta đỡ nàng lên, nếu không cả hai đã theo nhau ngã sóng soài trên sàn nhà rồi.
Toàn nhi đang cùng hai hầu gái ngồi chơi ở bên bàn trà, nhìn cảnh tưởng ấy lại trông thấy hình dung rất đáng sợ của Phất Kim công chúa bèn khóc toáng lên. Ta quát bảo người hầu đưa vào buồng rồi cùng các nàng đỡ Phất Kim lại đặt trên tràng kỷ.
Trong khi Lan Nhi tất tả chạy đi sai thị vệ mời Ngự y, để cho Thiều Liên ngồi bên chăm sóc Phất Kim, ta ngoắc tay Thiều Hoa, là một người hầu thân cận của công chúa từ tấm bé lại rồi bảo:
- Thực hư như thế nào hãy mau nói cho ta biết?
Thiều Hoa vội vã quỳ xuống đất rồi nói:
- Bẩm Thái hậu..
- Ngươi hãy đứng lên và nói đi, không cần đa lễ!
Nghe vậy nàng lại vội vã đứng dậy, lặng lẽ rút chiếc khăn lụa trong tay áo ra, lau nhanh hai hàng nước mắt đã đầm đìa trên mặt, rồi bảo:
- Những gì Công chúa nói đều là sự thật thưa Thái hậu. Sau khi nghe tin Đinh Tiên Đế băng hà, Phất Kim công chúa đã rất đau lòng, khóc lên khóc xuống mấy ngày liền. Người đã bảo Ngô phò mã chuẩn bị ngựa xe để cả gia quyến cùng trở về Hoa Lư chịu tang Tiên Đế. Ngô phò mã đồng ý, bèn thu xếp nhà cửa, chuẩn bị tiền bạc, đồ đạc, vật dụng cần thiết rồi mấy ngày sau cả đoàn bảy, tám xe ngựa xuất phát, ngày đi đêm nghỉ. Phất Kim công chúa dọc đường đi không ngừng khóc lóc vì thương xót vua cha và anh trai qua đời mà không kịp nhìn thấy nhau lần cuối; bọn chúng thần thì phải ở bên chăm sóc, an ủi, cộng thêm không hề nghĩ rằng lại có chuyện tày trời như vậy xảy ra nên không hề để ý đường đi, lối lại. Mãi đến khi đoàn người đã đi được gần nửa tháng, áng chừng đã phải về đến Kinh thành, lẽ ra phải thấy nhà cửa san sát, thì lại chỉ thấy đường đi ngày càng hiểm trở, rừng hoang núi thẳm điệp trùng. Để ý thì thấy người dân ít hỏi gặp trên đường nói được cả tiếng Việt và một ngôn ngữ lạ, chính là tiếng của người Chiêm La, mới giật mình hỏi ra thì thấy mình đã đến sát biên giới nước Chiêm tự bao giờ.
- Tại sao chúng ta lại đi về hướng Chiêm Thành? Tướng công có bị nhầm lẫn gì hay không? Phất Kim công chúa đã hỏi Ngô phò mã như vậy.
Ngô phò mã nghe nói cười ha hả rồi bảo:
- Ta không nhầm lẫn gì cả! Ta chưa bao giờ thờ họ Đinh thì sao phải về Hoa Lư chịu tang họ Đinh? Ta đang định cứ để nàng sang đến Chiêm Thành rồi nói cho nàng biết, nhưng nàng đã biết rồi thì ta nói luôn cho nàng hay: Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn cùng nhau qua đời đúng là cơ hội ngàn năm có một, ta đang định sang xin người Chiêm Thành cấp viện binh để tiêu diệt triều đình Hoa Lưa đó nàng biết không? Rồi đây ta sẽ làm vua của nước Đại Việt, còn nàng sẽ làm mẫu nghi của thiên hạ, ở trên muôn người, nàng hiểu không?
- Sao chàng có thể làm như thế? Cha thϊếp đâu có làm gì sai! Xưa nay cha thϊếp lúc nào cũng yêu chiều chàng hết mực, sao chàng lại đang tâm cõng rắn cắn gà nhà?
Ngô phò mã nghe nói vậy nổi đóa lên, rút kiếm ra khỏi vỏ, chĩa về phía Phất Kim công chúa rồi bảo:
- Còn sao ư? Bởi vì ta chưa bao giờ quên mối thù với Đinh Bộ Lĩnh Cả! Chính là hắn đã cậy quyền cậy thế ức hϊếp mẹ góa con côi. Nếu không phải vì cha con nhà hắn, em trai ta sao phải chết oan uổng? Nếu không phải vì hắn ta đã làm Đế vương của nước Việt này rồi. Ta chỉ hận không thể tự tay đâm cho hắn thịt nát xương tan ra mà thôi!
- Tướng công! Người như vậy là sai rồi! Dù cho là cha thϊếp không tốt, nhưng chỉ vì thế mà đưa người Chiêm Thành về gây cảnh binh đao máu lửa cho dân đen, con đỏ, chàng nỡ lòng nào!
- Đó không phải là việc của ngươi! Không cần lắm lời nữa! Ngô Phò mã quát lên và kề sát lưỡi kiếm vào cổ Phất Kim công chúa: Niệm tình vợ chồng má ấp tay kề bao năm qua ta cho ngươi một cơ hội, hoặc đi với ta sang đất Chiêm, rồi sau này hưởng vinh hoa phú quý, hoặc chết! Chọn đi!
Phất Kim công chúa quỳ xuống, khóc lóc rồi năn nỉ một hồi. Nhưng chẳng những không làm cho Ngô phò mã thay tâm đổi ý, mà chỉ làm cho hắn điên loạn hơn. Hắn gầm lên như sấm vang lên giữa núi rừng, bảo:
- Thôi nhà ngươi hãy câm mồm đi! Giờ thì nhà ngươi không còn lựa chọn nào khác nữa! Ta sẽ cho nhà ngươi nhanh chóng về đoàn tụ với cha, anh mình!
Nói rồi vung gươm lên định chém. Nhưng may thay vào giây phút cuối cùng, có lẽ tình nghĩa vợ chồng hàng chục năm trời đã lay động lòng hắn, hắn không chém mà chĩa thẳng kiếm vào mặt Phất Kim công chúa, vạch hai đường lên má rồi đuổi Công chúa và bọn hạ thần đi. Rồi đoàn người lại tiếp tục nhằm hướng Chiêm Thành thẳng tiến.
Bọn chúng thần đã phải mất mấy ngày mới tìm được phủ quan ở vùng gần đó để lo chạy chữa cho Phất Kim Công chúa. Vì mất máu và lang thang đói khát nhiều ngày liền mà người đã bất tỉnh mấy ngày liền. Đến khi tỉnh dậy vội vàng xin ngựa xe để về báo cho triều đình. Phất Kim Công chúa phần vì đau lòng vì cái chết của cha anh, phần đắng cay ê chề vì người chồng bội bạc, phần vì thương xót hai người con nhỏ đã bị Ngô Phò mã dẫn theo sang đất Chiêm Thành, lại thêm vết thương không được chăm sóc chu đáo, nên cứ ốm sốt mãi dọc đường đi. Vì vậy xe không thể về nhanh hơn được. Tính đến nay, khi Phất Kim Công chúa và bọn chúng thần về đến đây, thì Ngô Phò mã cũng đã sang đất Chiêm được vài ngày rồi. Vậy nên Thái hậu và các vị đại thần hãy mau chóng bàn cách ứng phó đi là vừa.
Nghe Thiều Hoa nói xong xuôi câu chuyện, mà ta đã lạnh toát cả toàn thân. Chỉ còn biết đứng như hóa đá ở giữa phòng.
Họ Đinh và Nam Việt Vương vừa mất được ba tháng, ta với Toàn Nhi mẹ góa con côi phải chật vật lắm mới cáng đáng được mọi việc ở Hoa Lư, nay lại đến cái họa này ập đến. Mà đâu phải là thiên tai, là cướp bóc thông thường. Mà là địch họa! Là đầu rơi, máu chảy, mất nước trong gang tấc. Ta vốn không biết gì về thao lược binh quyền, con ta thì chưa đầy bảy tuổi. Biết tính toán sao đây?
Mới nghĩ được như thế, giữa ngày tháng giêng giá lạnh, mà mồ hôi đã toát ra ướt đầm toàn thân.
Vừa khi ấy Lan Nhi cùng Ngự y tất tả chạy tới.
Trong khi Ngự y đang bắt mạch, châm cứu cho Phất Kim công chúa, ta quay ra bảo Lan Nhi:
- Mau chóng báo với Lý Công Công cho thị vệ đi triệu tập gấp tất cả văn võ bá quan trong chiều đến Ngự điện gặp ta. Tất cả, không trừ một ai!
Lan Nhi chạy đi thì Ngự y lại bảo:
- Bẩm Thái hậu, Phất Kim Công chúa chính là quá lo lắng đau buồn, lại thêm đi đường dài liên tục trong tâm trạng bồn chồn, thiếu ăn thiếu ngủ mà sinh ra kiệt quệ vậy. Thêm vào đó vết thương ở trên má, do không được chăm sóc cẩn thận nên đã bị lở loét rất nặng. Thời gian tới cần cho Công chúa nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể. Thần cũng sẽ cắt thêm thuốc lá để Công chúa đắp trị vết thương.
- Được, cần cho uống thuốc gì, đắp thuốc gì, bồi bổ ra sao, ngươi hãy kê đơn chi tiết và cho người mang thuốc sang Cung Đan Gia chu đáo, ta sẽ sai thị vệ đưa Phất Kim Công chúa về bên đó để tiện chăm sóc. Giờ người lui về nghỉ ngơi đi.
Ta tiến lại phía Phất Kim lúc này đã được Ngự y châm cứu cho tỉnh lại, đứng bên nàng bảo:
- Việc quốc gia đại sự giờ đã có ta và các vị đại thần lo liệu Công chúa không cần phải lo lắng nữa. Hãy về Cung Đan Gia nghỉ ngơi, tẩm bổ cho khỏe đi. Hãy nghĩ tới sức khỏe của mình một chút. Và nghĩ tới Đan Gia Hoàng Hậu nữa, thời gian gần đây người cũng đã thương nhớ, lo lắng cho nàng nhiều rồi. Tiên Đế thì vừa băng hà, Hoàng hậu rất cần người làm chỗ dựa.
Phất Kim vẫn bơ phờ như người mất hồn, không nói năng gì cả, chỉ khẽ gật đầu rồi nước mắt lại lăn dài trên má.
Ta gọi bốn thị vệ khỏe mạnh lấy kiệu tay đến đưa Phất Kim về Cung Đan Gia tử tế.
Xong xuôi thì phục trang lại chỉnh tề rồi ra ngự điện chờ các quan đại thần.
Lo lắng bồn chồn trong bụng làm ta đứng ngồi không yên. Cứ đi đi lại lại giữa sảnh. Lan nhi chỉ còn biết đứng nhìn ta mà lắc đầu. Cuộc đời nàng thị nữ này cũng vì ta mà trải qua bao thăng trầm, biến cố, nhưng lần này đâu phải là việc đơn giản. Nên nàng ta cũng chẳng biết khuyên bảo điều gì.
Một hai canh giờ sau thì các quan theo thứ tự gần xa lần lượt tề tựu về Ngự Điện. Vị nào cũng mồ hôi lấm tấm vì đi vội vàng. Thi lễ xong lại đứng ở một bên chờ.
Ngoại giáp Đinh Điền, Đô hộ Phủ sĩ sư Lưu Cơ, Vệ úy Phạm Hạp, Khuông Việt Đại sư, Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng, Phó tướng Đinh Cung Linh.. và các vị văn võ bá quan khác đều đến đủ cả. Chỉ thiếu có Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, vì từ doanh trại bên Tràng An sang nên không thể nhanh chóng như các vị khác ở Hoa Lư được. Ta biết vậy nên bảo tiếp tục chờ.
Thấy việc triệu tập hết sức đột xuất, lại chỉ có ta ở Ngự điện mà không có Toàn Nhi, các vị đại thần ai nấy đều tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng trông thấy vẻ lo lắng, bồn chồn của ta ai cũng lấy làm ái ngại, không ai tiện hỏi, chỉ túm tụm với nhau thì thầm to nhỏ, lắc đầu, vò tai bứt tóc.
Ta cũng chẳng thèm quan tâm, cứ mặc kệ mọi người như vậy. Nước đã ngập đến cổ rồi, cần giữ phép tắc mà làm gì? Sự có mặt danh chính ngôn thuận của một đứa trẻ lên bảy vào lúc này phỏng có ích chi?
Cuối cùng Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn cũng tới. Lê Hoàn đi vào Ngự điện như một cơn gió. Áo choàng đỏ bay vun vυ't theo nhịp bước chân gấp gáp, khuôn mặt không giấu nổi sự ngỡ ngàng kín đáo khi đích thân ta triệu hồi chàng vào Ngự điện đột ngột như vậy.
Nhưng ta cũng chẳng tâm trí đâu để ý tới việc đó. Chỉ quay lại bảo các vị đại thần:
- Đã đông đủ văn võ bá quan rồi, chúng ta bắt đầu thôi.
Dứt lời các quan đại thần nhanh chóng xếp theo thứ tự văn võ, cao thấp chỉnh tề, rồi nhất loạt quỳ xuống thi lễ:
- Hoàng Thái hậu thiên tuế!
- Các khanh không cần đa lễ. Ta nuốt nước bọt rồi thu hết sức bình sinh từ từ kể lại vắn tắt chuyện của Phất Kim Công chúa cho họ nghe. Cố gắng để không ai nhận thấy mình đang lo sợ đến khô cả họng, vậy mà vẫn suýt hụt hơi mấy lần.
Quả đúng như dự đoán, vừa nghe xong tin ấy, cả triều đình ai nấy đều choáng váng. Không phải vì họ hoảng sợ. Đất nước chính là được dựng nên từ cơn can qua và họ chính là lớn lên bên nhau cùng họ Đinh mà lập cơ đồ trên lưng ngựa. Nếu bất quá mà lại phải ngồi trên lưng ngựa một lần nữa, suy cho cùng cũng không có gì đáng ngại. Cái làm cho họ choáng váng chính là cái tin Phò mã Ngô Nhật Khánh cõng rắn cắn gà nhà.
Bao năm nay để thu phục con ngựa bất kham này, họ đinh đã đủ cách yêu chiều. Sau khi Thái tử Hạng Lang qua đời, vì có thái độ xúc phạm đến cha con họ Đinh, và để giữ kỷ cương, luân thường, họ Đinh đã để Ngô Phò mã cùng gia quyến chuyển về vùng Hoan Châu. Nhưng họ Đinh vì quá thương yêu hai người, nên hàng tháng vẫn cho chuyển vào đó bao bạc vàng, gấm lụa, của ngon, vật lạ. Bởi vậy mới có tiếng đưa về Kinh thành rằng, gia quyến Ngô Phò mã sống vương giả có khi còn hơn của Hoàng Đế ở Hoa Lư. Nhưng họ Đinh đâu có so đo gì. Miễn thấy Ngô Phò mã cùng gia quyến vui vẻ là được. Thế mà nay Tiên Đến vừa băng hà, Ngô Phò mã đã lập tức lật lọng, lại đặt cả muôn dân Đại Cồ Việt vào thế ngàn cân treo sợi tóc như thế này.
Rồi nghĩ lại thương cho thân phận Công chúa Phất Kim, cha mất, anh mất, chồng lại bội bạc, còn thân thì mang trọng bệnh. Không ai không khỏi chạnh lòng, xót xa.
- Cũng chính là tại lão thần khi xưa đã tư vấn cho Tiên Đế việc để Công chúa Phất Kim thành thân với Ngô Nhật Khánh nên giờ mới ra nông nỗi này. Quả là nuôi ong tay áo! Xin Thái hậu cứ giáng tội! Khuông Việt Đại sư rẫu rĩ quỳ xuống giữa Điện bảo.
- Khi xưa Đại sư cũng là có ý tốt mà hiến kế ấy cho Tiên Đế. Biết người biết mặt làm sao biết được lòng bụng nông sâu. Chính Tiên Đế vốn là người sáng suốt như vậy mà cũng không thể nhìn thấu tâm ý phản trắc của hắn, thì Đại sư tự trách mình mà làm gì. Chi bằng hãy cũng nhau nghĩ cách đối phó với họa ngoại sâm đang cận kề có phải tốt hơn không!
Các quan đại thần cùng xúm lại bảo "phải đấy, phải đấy".
Ta đưa mắt nhìn một loạt các vị đại thần. Cố gắng để ý xem phản ứng của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn ra sao. Nhưng nhìn người vẫn không hề nhúc nhích, khuôn mặt không để lộ một tia cảm xúc, không khỏi cảm thấy băn khoăn. Nhưng chưa kịp nói gì thêm thì Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng đã bước lên phía trước mà bảo:
- Thưa Thái hậu, quân Chiêm thành mà nói về lực lượng so với quân Đại Cồ Việt, cũng chỉ như một Sứ quân thuở trước, nên bất quá việc chiến tranh xảy ra cũng phải không là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng việc tối quan trọng bây giờ thần nghĩ cần phải nhanh chóng chặn đường, tiêu diệt trước khi quân địch vào đến lãnh thổ của Đại Cồ Việt để tránh việc can qua gây bất ổn cho cuộc sống của muôn dân, trăm họ. Về việc bài binh bố trận, thần có thiển ý như thế này xin Thái hậu cùng các vị đại thần xem xét: Trước hết cần nhanh chóng lập hai đội quân tiền trạm hỏa tốc đi ngay, một tiến về vùng cửa bể, một tiến về vùng đất liền để nghe ngóng tình hình. Ngay khi có tin tức về hướng tiến công của quân địch sẽ cấp báo cho quân tiếp viện. Về phía quân tiếp viện chiến đấu, mười Đạo quân của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn hãy lấy hai Đạo quân tiến về vùng cửa bể, hai Đạo tiến về vùng biên giới phía nam, và hai Đạo quân bố trí dọc các tuyến đường huyết mạch xung quanh Hoa Lư để bảo vệ Kinh thành. Các hướng tiến công cần giữ liên lạc chặt chẽ để kịp thời ứng cứu cho nhau. Các Đạo quân còn lại luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời ba nghìn cận vệ của Triều đình cũng sẽ được huy động toàn bộ, sẵn sàng bảo vệ kinh thành.
Nghe Phạm Tướng quân nói vậy ai cũng cho là phải, bèn cùng nhau tiếp tục bàn bạc xem ngày giờ xuất phát, hướng tiến quân cụ thể như thế nào, ai lãnh đạo các mũi tiến công..
Các đại thần bàn bạc xong ta cứ theo đó mà chuẩn y. Xong xuôi ai việc nấy chia nhau ra để thực hiện.
Các quan đại thần đi rồi, còn mình ta đứng ở Ngự điện, đã thấy lòng bớt hoang mang đi nhiều. Tuy chẳng hiểu gì về việc binh đao, trận mạc, nhưng như vậy cũng là đã có phương án giải quyết rồi.