Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 4: Gặp gỡ

Ta gặp chàng năm ta mười ba tuổi.

Khi đó là cuối mùa hè.

Ta với hai thị nữ của mình sau khi bị ngã, bị bắt và bị phạt một trận nhừ đòn vì tội trộm ổi lần đó đã chừa không bao giờ dám giở mấy trò gian dối tương tự nữa. Nhưng những trò tai quái thì vẫn không thể thiếu và còn ngày càng tai quái, ngấm ngầm hơn.

Mùa hè năm đó chúng ta hay trốn ra một bãi bồi rất rộng ở ngay bên sông Càu Chày để chơi bời, chạy nhảy, thả diều và câu cá.

Một buổi chiều, bọn ta đang chơi trên bãi bồi. Câu cá, thả diều, chọi cỏ gà mãi cũng chán. Vừa lúc ấy thì nhìn thấy gia nhân trong nhà đang dắt hai con ngựa ra đồng cỏ gần đấy để thả. Ta bèn nảy ra một ý nghĩ điên rồ. Ta phi lên trước mặt gia nhân, bảo:

- Lý thúc, thúc cho tiểu nữ mượn con ngựa để tập cưỡi chơi cho vui được không? Ta đang hết trò vui rồi đây?

Lý thúc thúc là một lão nô bộc trông ngựa ở trong Trang, do đã già lại không có con cái, nhà cửa, nên người trong nhà ta hay gọi là thúc thúc vừa để tỏ lòng tôn trọng tuổi tác của thúc, vừa như là một cách gọi thân mật. Nghe ta nói vậy, Lý thúc thúc giật nảy mình, tái mặt:

- Tiểu thư nói thật hay dọa chơi lão già này vậy, mà người lại bảo là mượn ngựa để tập cưỡi chơi cho vui. Cưỡi ngựa có phải là việc đùa được đâu sao lại vui được? Mất mạng như chơi đó Tiểu thư!

- Mất mạng ta cũng kệ, thúc cứ đưa đây ta một con. Tội đâu ta chịu!

- Việc này tuyệt đối không được đâu Tiểu thư! Nếu Tiểu thư muốn học cưỡi ngựa, hãy về bẩm báo với Dương Công, người sẽ cho quan gia dạy cho Tiểu thư tử tế. Chứ không thì nguy hiểm lắm!

- Thúc lo rằng ngựa của thúc sẽ bị nguy hiểm hay sao? Ta cứng giọng.

- Ấy chết! Sao tiểu thư lại nói vậy! Ngựa này dám nào lại là của nô tài. Thần lo là lo cho tính mạng của Tiểu thư thôi!

- Tính mạng của ta tự ta lo, không phiền đến thúc. Được không? - Mặc dù biết tuyệt đối không nên hống hách với gia nhân, nhưng ta không còn cách nào khác, đành sẵng giọng quát lên.

Lý thúc thúc lúc này đã run lên như cầy sấy. Quả là rủi cho thúc chiều nay lại dắt ngựa qua đây để ta trông thấy. Nghe ta quát lên, thúc cứ đứng đó vân vê hoài cái dây cương ngựa mà không biết phải xử trí ra làm sao. Đành tiếp tục nhẫn nại cất lời:

- Nô tài không dám tranh cái với Tiểu thư. Nô tài biết tội rồi. Nhưng thực sự tập cưỡi ngựa mà không có người chỉ bảo nguy hiểm lắm..

- Thôi không cần thúc nói nhiều - Ta quát lên - Thúc hãy mau chóng đưa đây! Hay thúc muốn chết rồi vậy! Ta cố tình gào lên, dù thực sự ta chẳng có cách nào làm cho thúc thúc "chết" đâu nếu như thúc không nghe lời. Nghĩa phụ và nghĩa mẫu ta không phải là kiểu cha mẹ bênh con chằm chặp bất chấp mọi lý lẽ. Không chừng biết chuyện ta cố tình ra oai với người ăn kẻ ở, ta còn bị quở trách cũng nên. Nhưng vì đang quá ham chơi mà ta trở thành như vậy.

Thấy ta cứ hùng hổ xông lại, Lý thúc thúc nhũn như con chi chi, đành buông cho ta dây cương của một con ngựa, xong rồi vội vã lôi con ngựa còn lại tránh đi thật mau cho khỏi tai ương.

Ta với hai thị nữ hí ha hí hửng, nghĩ cách bày trò vui. Ta phân công Ngọc Nhi giữ dây cương ngựa, còn ta với Lan Nhi chạy lung tung khắp nơi hái ít cỏ non đút cho nó ăn. Được một hồi thấy ngựa có vẻ đã quen người, ta bèn bảo hai nàng trông chừng để ta trèo lên tập cưỡi. Ngọc Nhi giữ chặt cương ngựa, còn Lan Nhi đỡ ta trèo lên ngựa, tiếp đó Ngọc Nhi cầm lấy cương ngựa khẽ chầm chậm dắt ngựa đi. Con ngựa dường như cảm nhận được người cưỡi nó không có kinh nghiệm, nên bắt đầu ngoan cố và tỏ vẻ chống đối. Sau đó nó bắt đầu quay vòng vòng xung quanh Ngọc Nhi. Ta bực mình bảo:

- Em sao thế? Dắt con ngựa mà cũng không nổi nữa! Em đưa dây cương đây cho ta!

Con ngựa bắt đầu hí vang vẻ bồn chồn. Ta cầm lấy dây cương giật mạnh một cái thô bạo - ta đâu có biết làm như thế nào để điều khiển một con ngựa cho đúng đâu - kèm theo đó ta bực tức hét lên:

- Đi mau! Đồ láo toét!

Thế là, như giọt nước làm tràn ly, con ngựa chợt hí lên một tràng dài và lao vυ't đi. Ta thiếu chút nữa là ngã ngửa ra sau, may sao chân quặp chặt được vào bụng ngựa và hai tay kịp thời túm chặt lấy dây cương mà không bị ngã. Tiếng ta la hét thất thanh, tiếng hai thị nữ hốt hoảng chạy theo càng làm cho con ngựa thêm điên loạn. Nó l*иg lộn tung vó trước, đá vó sau như muốn hất ta xuống. Ta túm chặt được vào cổ nó mà vẫn bị nó vật qua vật lại như bị bông.

Ta càng hoảng loạn, các thị nữ càng hò hét, thì con ngựa cũng càng trở nên điên cuồng. Sau cùng nó lượn vòng vòng trên bờ sông, gần ngay nơi mép nước, rồi bất ngờ nhấc bổng hai chân trước như thể chổng ngược lên, hất tung ta ra khỏi lưng nó trong một cú hất vó quyết định, dứt khoát. Và rồi.. tùm! Ta rơi xuống dòng Cầu Chày! Khốn thay, ta không biết bơi! Ta ngoi lên ngụp xuống mấy lần trong tiếng la hét thất thanh của hai thị nữ. Nước thộc vào mồm, vào mũi ta cay xè. Ta không thở được. Ta hét lên. Vẫy vùng. Nước lại thộc vào nhiều hơn, chặn ngang họng ta. Đắng ngắt. Bỏng rát. Tất cả mọi thứ xung quanh dần tối xầm. Ta chới với. Rồi ta không biết gì nữa!

Đến khi tỉnh dậy, ta thấy hai thị nữ nước mắt đầm đìa, vừa khóc vừa cười, vừa rèo hò nhảy múa ôm chầm lấy nhau như điên xunh quanh ta. Lý thúc thúc cũng đứng gần đó, không ngừng chấm nước mắt. Còn ngồi bên cạnh ta, đang nhìn ta chăm chú với nụ cười hết sức dịu dàng và nồng ấm - chính là chàng.

Quần áo chàng ướt. Mặt chàng ướt. Mái tóc chàng cũng ướt. Nước từ tóc chàng nhỏ xuống, rớt cả vào mặt ta. Ta biết chính là chàng đã cứu ta. Mãi sau này ta mới biết, chiều hôm đó ta đã quá may mắn khi chàng đang trên đường từ nhà trở lại Võ đường, do trời nắng nóng, chàng muốn đi bộ qua cánh đồng để bơi trên dòng sông một lúc. Vừa hay khi gần đến nơi thì thấy cảnh ta bị ngựa hất xuống dòng sông.

Chậm một lúc nữa thôi chắc xác ta đã trôi theo dòng Cầu Chày rồi.

- Tiểu thư thấy trong người khỏe chứ? Hai thị nữ lúc này mới xúm lại hỏi han ta.

Ta chống tay nặng nhọc ngồi dậy, giọng thều thào:

- Ta vẫn thấy đau rát ở trong ngực và đầu thì biêng biêng. Nhưng chắc là một lát nữa sẽ ổn thôi.

- Tại cô nương bị sặc nước đấy! Vẫn nụ cười hiền hậu trên môi, cùng anh mắt chăm chú, chàng nói với ta rồi quay sang bảo hai thị nữ: Mau đưa Tiểu thư các ngươi về nhà thay quần áo, nghỉ ngơi một lúc là khỏe lại thôi.

- Vâng! Tiểu thư..

- Không được! Ta ngắt lời hai nàng, rồi quay sang chàng - Đa tạ Công tử hôm nay cứu mạng tiểu nữ. Chưa biết khi nào và làm sao báo đáp được. Vậy nên xin Công tử hãy nhận của tiểu nữ một lạy, ngày sau nếu có dịp xin báo đáp.

Ta nói rồi thụp xuống lạy. Hai thị nữ và Lý thúc thúc thấy vậy cũng vội vã quỳ theo. Ta chưa kịp hành lễ chàng đã đỡ ngay dậy:

- Cô nương đâu cần làm thế! Ai thấy hoàn cảnh như vậy cũng sẽ làm như hạ thần thôi. Xá gì đâu mà ơn với huệ. Xin Cô nương không cần bận tâm tới hạ thần, hãy mau chóng về nhà thay đồ, nghỉ ngơi đi.

- Phải đấy Tiểu thư, người ướt hết cả rồi! Hai thị nữ cũng chen vào.

Ta không thèm để ý đến các nàng, đưa mắt nhìn chàng. Không phải chàng cũng ướt hết từ đầu đến chân hay sao? Nghĩ vậy nhưng cũng không tiện nói gì cả, chỉ cất lời bảo hai thị nữ:

- Hai ngươi với Lý thúc thúc muốn chết rồi hay sao mà giục ta về nhà? Giờ về nhà mà cha mẹ ta truy ra, không phải hai ngươi và Lý thúc thúc nhừ đòn hay sao? Lý thúc thúc hãy mau mau đi tìm lại ngựa, nếu về cha ta có hỏi thì nói là sơ xuất để ngựa sổng mất. Còn Ngọc Nhi với Lan Nhi giúp ta hong tóc và quần áo cho khô, chỉnh chang lại chỉnh tề, rồi tối về nhà như thường. Chuyện này coi như chưa từng xảy ra, biết chưa?

- Đúng là giờ mà về thì bọn em chỉ có nhừ đòn. Nhưng ướt như thế này lỡ như tiểu thư ốm.. Ngọc Nhi lí nhí.

- Ngươi thấy ta hay ốm lắm hay sao? Ta ngắt lời - Lý thúc còn không mau đi tìm ngựa, định để nó chạy mất hay sao?

Lý thúc thúc run rẩy lẩy bẩy, cúi đầu:

- Vâng Tiểu thư! Rồi quay về phía chàng: Đội ơn Công tử ngàn vạn lần. Nô tài nghe thấy tiếng hò hét từ xa chạy lại đến nơi đã hay Công tử cứu được Tiểu thư rồi. Nếu hôm nay không có Công tử, chúng tôi chắc chỉ còn nước nhảy xuống sông mà đi với Tiểu thư thôi, chứ còn mặt mũi nào mà gặp Dương Công nữa.

Lý thúc thúc nói rồi xá xá mấy cái liền, xong lục cục chạy đi.

Chàng quay sang ta, bảo:

- Thì ra đây là Tiểu thư nhà Chương Dương Công. Hạ thần đã nghe danh từ lâu nay mới có vinh dự được gặp mặt. Nếu có gì thất thố xin Tiểu thư bỏ quá. Giờ hạ thần xin phép được cáo lui.

- Xin cho tiểu nữ được biết tên họ để tiện xưng hô về sau?

- Hạ thần họ Lê, tên Hoàn, hiện đang là môn sinh trong Võ đường Dương Xá nhà ta.

- Ra đây là Công tử Lê Hoàn. Ta cũng nghe danh đã lâu, nay mới được gặp.

Chàng nhìn ta mỉm cười không nói gì, rồi lẳng lặng cúi xuống nhặt tay nải quả mướp và thanh đoản kiếm vứt trên mặt đất - có lẽ chàng vứt vội xuống đó khi lao mình xuống cứu ta.

Đang định dợm bước đi, đột nhiên chàng quay lại:

- Số Tiểu thư có thần linh phù trợ, nên hôm nay mới ngã xuống sông như vậy. Chứ nếu cú hất đó của ngựa mà không phải là rơi xuống sông, thì e giờ này chắc Tiểu thư không còn lành lặn như vậy để mà giấu diếm Dương Công được đâu. Thêm nữa, lần sau cưỡi ngựa, Tiểu thư nhớ bảo người nhà lắp yên vào. Không ai lại cưỡi ngựa mà không có yên như vậy đâu trừ khi là một cao nhân chuyên đi thuần ngựa! Thôi, hạ thần xin phép cáo từ.

Ta đỏ mặt nhìn chàng, khẽ gật đầu cúi chào. Ta chợt nghĩ, chẳng biết nếu không ngã xuống sông thì như thế nào, chứ trong trường hợp này thì chàng mới chính là thần hộ mệnh của ta. Không phải nếu hôm nay không có chàng thì ta đã về chầu hà bá, diêm vương rồi hay sao? Cứ vừa ngẫm nghĩa như thế vừa đứng ngẩn nhìn theo chàng. Bóng dáng đã khuất rồi mà ta vẫn đứng nhìn theo..

Đột nhiên nghe tiếng cười rúc rích của Lan Nhi bên cạnh, kèm theo đó là cái thúc nhẹ cùi trỏ của nàng vào cánh tay ta:

- Tiểu thư, người hóa đá rồi đấy hả? Haha..

Nói rồi nàng phá lên cười. Ta nguýt nàng một cái, rồi đánh trống lảng:

- Tên giặc non nhà ngươi còn đứng đó mà cười đến tối đi. Không lo hong tóc và quần áo cho ta, định để ta cứ thế này mà về cho các người nhừ đòn nát đít hay sao?

Lúc ấy hai nàng mới cuống cuồng giúp ta xõa tóc ra phơi nắng. Rồi cả bọn nghĩ ra đủ trò vui chơi, chạy nhảy, cốt chỉ để cho quần áo của ta nhanh khô. Xong xuôi tới chiều tối mới dám mò về nhà. Kết quả ta và hai nàng bị mắng vì tội mải chơi về muộn, không biết liệu giờ về. Lý thúc thúc thì bị mắng một trận vì tội chăn ngựa không cẩn thận để ngựa xổng ra. Còn lại nghĩa phụ và nghĩa mẫu không hề hay biết về những chuyện xảy ra.

Rồi thời gian cứ thế thấm thoát qua. Ta cũng không nghĩ gì về buổi gặp gỡ đó nữa cho tới khi gặp lại chàng ở sân chùa Giáp Mau. Đến lúc đó ta mới hiểu được trái tim mình.

Hôm đó là ngày mùng một tháng Tám. Bình thường nghĩa mẫu sẽ là người mang lễ lên chùa. Ta vốn tính tình hiếu động, nên những chốn linh thiêng, tich mịch đó ta không mấy hứng thú. Nhưng hôm đó nghĩa mẫu bị cảm lạnh. Thế là ta phải thay người lên chùa lễ Phật.

Ta nhớ hôm đó đã ăn mặc khá là chỉnh tề và chỉn chu. Bên trong thì mặc chiếc áo yếm và váy màu trắng, bên ngoài khoác chiếc áo dài màu xanh có thêu những bông hoa nhỏ li ti màu vàng trên viền áo. Tóc ta vấn cao, bên ngoài đội chiếc mũ miện nhỏ bằng bạc hình hoa sen được chạm trổ cầu kỳ. Hai dải dây buộc miện màu xanh lam đậm ta cố tình buông xuống sau gáy để chúng tự do tung bay trong gió, cho thêm phần yểu điệu. Xong xuôi tự ngắm mình trong gương, cũng thấy xinh đẹp, nghiêm trang, ra dáng con nhà có học hơn những ngày khác bội phần.

Buổi sáng mùa thu trong lành nắng vàng như giót mật. Hương hoa đại thanh khiết trùm phủ khắp không gian. Văng vẳng bên tai là tiếng tụng kinh, gõ mõ đều đều. Khung cảnh ấy làm người đi lễ Phật tự dưng cũng thấy mình trở nên sâu lắng và thanh tịnh. Đến như ta và hai thị nữ hàng ngày chạy nhảy, nô đùa, nghịch ngợm là thế, mà khi bước qua cổng chùa một cái, liền trở nên cẩn trọng và nhẹ nhàng.

Thong thả vào chùa, dâng lễ, cùng hai thị nữ đọc một bài kinh, lạy tạ trước ban thờ Phật. Rồi ta và các nàng vòng ra sân sau chùa, ngồi trên các ghế đá bên hồ sen ngắm cảnh, nghỉ ngơi. Đang ngồi nhìn Ngọc Nhi trêu đùa mấy chú các vàng ở trong hồ tiểu cảnh, nghe hương sen nở muộn cuối mùa đưa vào hết sức tinh khôi, tao nhã thì ta nhìn thấy chàng. Chàng và chừng năm, sau bạn đồng môn trong Võ đường có lẽ vừa lễ phật xong, đang tiến ra đây để nghỉ ngơi trước khi trở về. Trong khi các bạn đồng môn cười nói, trêu đùa hết sức nhí nhố, thì chàng vẫn một cái phong thái đĩnh đạc, điềm tĩnh. Khuôn mặt sáng ngời với hai nét lông mày rậm, vυ't cao đầy cương nghị. Nụ cười ấm áp và hiền hòa vẫn nở ở trên môi.

Cái khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc nhìn thấy khuôn mặt ấy giữa vô vàn khuôn mặt, mà rồi ta không thể nào rời mắt đi được, ta chợt hiểu rằng từ giờ tới mãi mãi về sau, sẽ chỉ có khuôn mặt ấy, nụ cười ấy, hình dáng ấy chiếm trọn tâm trí và con tim ta.

Có lẽ thấy ái ngại vì ta vẫn ngẩn ra nhìn chằm chằm vào chàng, Lan Nhi lại khẽ huých cùi chỏ vào mạng sườn ta, nói:

- Tiểu thư!

Ta bừng tỉnh, bối rối mỉm cười rồi bước lại phía đoàn người, cúi chào rồi hỏi:

- Lê Công tử cùng các huynh đệ đây cũng đi chùa lễ Phật sao?

Việc ta tiến lại chào và hỏi thăm làm các đồng môn của chàng xôn xao như ong vỡ tổ. Người thì thốt lên "Tiên nữ giáng trần", người thì bảo "Con cái nhà ai xinh đẹp vậy mà giờ ta mới được gặp, hầu như tháng nào ta cũng đi chùa cơ mà", người khác lại nói "Thì ra đây là lí do các huynh chăm đi chùa hả? Giờ đệ mới biết đấy!", lại nghe tiếng đáp lại "Đệ đừng nói bậy, bọn ta đây cũng là lần đầu tiên gặp cô nương này mà".

Ta chút nữa đã phì cười vì mấy huynh đệ này. Nếu gặp ở ngoài cánh đồng, chắc ta và các thị nữ đã phải đấu khẩu với các huynh một trận vì ăn nói linh tinh hàm hồ rồi.

Thấy thái độ của ta như vậy, chàng nhẹ nhàng quay sang các huynh đệ, bảo:

- Các huynh đệ đừng nói bậy nữa! Đây là Dương Tiểu thư, con gái của Chương Dương công, ở trang Đông Lỗ đấy.

Nghe đến đây thì các chàng đều im bặt, đưa mắt liếc nhìn nhau. Rồi không ai bảo ai, người trước người sau lại nhao nhao lên tiếng:

- Chào Dương Tiểu thư! Thật thất lễ quá! Xin tha tội.

- Thôi các huynh không cần đa lễ như vậy!

Một huynh đệ bạo mồm hỏi:

- Chúng tôi và Lê huynh đây hay đi chùa lắm, mà sao giờ mới gặp Tiểu thư ở đây nhỉ?

- Tiểu nữ cũng không thường xuyên đi chùa, chỉ thư thoảng mới theo mẹ lên đây nên các huynh ít gặp là phải.

Thấy ta trả lời như vậy, các huynh lại nhốn nháo cả lên với nhau "Thể nào!", "Bảo sao!", "Từ rày về sau Tiểu thư phải chăm đi chùa hơn mới được", "Chúng ta cũng nên đi chùa nhiều hơn thôi!".

Lan Nhi và Ngọc Nhi đứng gần đó thấy các chàng bạo mồm như vậy thì nguýt dài một cái, rồi quay sang bảo ta:

- Ta về thôi Tiểu thư, kẻo lát nữa nắng lên là nóng lắm đó. Mà cũng về mau không Dương công và Phu nhân lại mong.

Chưa kịp nói gì thì một huynh đệ lại bảo:

- Hôm nào Tiểu thư và các nàng sang võ đường thăm chúng tôi một chuyến nhé!

Một người khác lại chêm vào:

- Sắp tới Trung thu rồi đấy, Tiểu thư và các nàng đây có vào thành Tư phố chơi không? Nghe bảo ở trong đó có hát hò với nhiều trò diễn sướиɠ vui lắm, lại có cả mua lân, múa rồng đẹp lắm đó!

Nghe thấy nói tới trung thu, hát hò diễn sướиɠ, Ngọc Nhi quay lại reo lên:

- Thật vậy sao? Vậy các huynh đây có đi không?

- Đương nhiên là có rồi! Một huynh đệ nào đó bạo dạn trả lời - Các nàng mà cũng đi thì vào thành ta đi chung cho vui!

Ngọc Nhi chưa kịp đáp lời thì Lan Nhi đã lém lỉnh quay lại phía các huynh đệ:

- Vậy Lê Công tử có đi không?

- Tất nhiên là có rồi! Các huynh đệ nói rồi người đá chân, người huých cùi chỏ vào chàng ra hiệu: Có phải vậy không Lê huynh?

Chàng phì cười, nụ cười hiền khiến trái tim của bất kỳ cô gái nào nhìn thấy cũng tan chảy, rồi quay sang bảo các huynh đệ:

- Thôi đừng đứng ở đây nói bừa nữa, chúng ta mau về luyện tập thôi! Nói rồi chàng quay sang ta: Tiểu thư và hai nàng cũng nên về đi kẻo Dương công và phu nhân lại lo.

Ta gật đầu cúi chào, bảo:

- Vậy tiểu nữ xin cáo từ trước. Đang định dợm bước đi thì chợt nhớ ra, ta quay lại chàng: Một lần nữa đạ tạ Lê công tử về chuyện lần trước. Xong cùng hai thị nữ rời đi.

Đi một quãng rồi vẫn thấy các huynh đệ huyện náo ở phía sau "Chuyện lần trước là chuyện gì hả Lê huynh, kể cho bọn đệ nghe đi", "Nhà Dương công có Tiểu thư xinh đẹp vậy mà sao giờ ta mới biết nhỉ?", "Hai nàng thị nữ của nàng ấy cũng xinh đẹp chẳng kém", "Mà biết rồi thì làm sao chứ?

Bụm miệng cười mà không dám bình luận gì vì sợ các chàng phía sau nghe thấy. Ta và hai thị nữ im lặng đi một mạch ra khỏi chùa rồi lên xe ngựa về nhà. Lúc đã yên vị trên xe, Ngọc Nhi bèn bảo:

- Các chàng này nghịch ngợm quá! Nhưng cũng có vẻ vui tính. Có các chàng ấy chơi cùng chắc cũng sẽ vui đấy! Từ giờ có lẽ ta nên chăm chỉ sang Võ đường hơn Tiểu thư ạ.

Ta lúc này chỉ muốn được yên tĩnh để đắm chìm trong những hình ảnh của chàng, nụ cười của chàng, ánh mắt của chàng, trong một thứ tình cảm rất ngọt ngào đang dâng lên ở trong lòng nên chẳng thèm đáp lời tiểu nữ ngốc ấy.

Lan Nhi thì lườm Ngọc Nhi một cái rồi nói:

- Ta thấy các chàng ngốc đó chả có gì mà hay. Chuyện hay là chuyện về một số người đã bị hớp mất hồn rồi cơ!

- Chuyện gì? Ngọc Nhi ngơ ngác.

Ta đỏ bừng mặt, nguýt nàng một cái mà không nói gì, vì biết nàng đã đi giày cỏ vào bụng ta rồi nên đấu khẩu với nàng có ích gì.

Nàng xích lại gần ta, khẽ kéo tay áo rồi bảo:

- Chàng cũng bị vẻ đẹp của Tiểu thư hớp hồn rồi. Em dám chắc với Tiểu thư như thế. Lúc bất ngờ trông thấy tiểu thư ở bên hồ, chàng đã sững sờ mất một lúc, nhưng rồi che dấu được ngay. Có lẽ chàng không thể tưởng tượng được cái cô Tiểu thư ướt lẹp nhẹp, tả tơi hôm đó lại có thể trở nên kiều diễm đến vậy. Ha ha..

- Thôi em đừng có nói lăng nhăng nữa! Ta cố tình đánh trống lảng. Nhưng tự mình cũng thấy hai tai và hai má của mình nóng bừng lên.

- Hai người nói chuyện gì vậy, sao em không hiểu? Ngọc Nhi vẫn ngơ ngác.

Lan Nhi dí tay vào trán Ngọc Nhi nói:

- Cái đồ tiểu yêu nhà ngươi chỉ có nói chuyện ăn chơi là nhanh thôi!

- Thật vậy chứ không à? Ngọc Nhi chu môi lên: Tiểu thư, Trung thu này mình xin phép Lão gia và Phu nhân cho vào thành Tư phố chơi đi. Nghe các huynh kể đã thấy đông vui tấp nập rồi.

- Ngươi có giỏi đi mà xin cha mẹ ta! Khéo mà lại nhừ đòn!

- Đúng vậy đấy cái đồ ngốc nhà ngươi ạ! Lan Nhi chêm vào - Ngươi thấy có năm nào chúng ta được vào thành Tư Phố chơi trung thu chưa? Đời nào Lão gia và Phu nhân cho chúng ta đi chơi đêm, lại còn vào tận trong Thành như vậy chứ?

- Phải đó! Em đừng có ở đó mà nói lung tung nữa. Ta hùa vào với Lan Nhi cho xong chuyện.

Ngọc Nhi nghe đến đó thì xìu mặt xuống.

Nhưng nói xong như vậy, ngẫm nghĩa lại lại thấy chính mình cũng buồn phiền vì điều đó. Chàng và các huynh đệ có vào thành chơi mà! Giá ta và hai nàng cũng được vào thì vui biết mấy! Đi chơi cùng chàng trong đêm Trung thu ngắm đèn l*иg, ngắm đèn hoa đăng khắp nơi, ngắm trang sáng trên bầu trời thì còn gì tuyệt bằng nữa?

Nhưng đúng là từ bé tới giờ ta chưa bao giờ được đi chơi Trung thu ở trong thành cả.

Năm xưa từ Chương Dương ấp chuyển về cố hương lập nghiệp, nghĩa phụ đã quyết định sống một cuộc đời nhàn tản, không màng thế sự. Bởi vậy người đã cho xây trang Đông Lỗ như một trang trại khép kín trên vùng đất rộng lớn, màu mỡ ngay tại Ấp Giáp mau, bên sông Càu Chày. Tứ bề xung quanh đều được trồng tre hàng hàng lớp lớp tạo thành một bức tường thành tự nhiên, kiên cố, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bên trong Trang, người họ Dương và gia nhân canh tác, cấy cầy, trồng lúa, nuôi gà tự cung tự cấp phần lớn mọi nhu cầu trong Trang. Bởi vậy hoạt động giao lưu và mua bán với bên ngoài rất ít, trừ những vải vóc và một số mặt hàng không thể tự sản xuất được. Bản thân nghĩa phụ không giao du với bên ngoài. Nơi duy nhất người hay lui tới chính là võ đường Dương Xá của dòng họ Dương do tổ phụ Dương Đình Nghệ năm xưa dựng lên. Thời Tổ phụ còn sống Võ đường được chuyển từ ấp Giáp Mau về gần Thành Tư Phố cho dễ bề quản lý. Nhưng sau khi người họ Ngô thay nhau nắm quyền lực, nhất là sau khi nghĩa phụ ta về đây sinh sống, Võ đường lại được chuyển về Giáp Mau, bên cạnh trang Đông Lỗ để tránh phiền hà với các thế lực quan lại trong thành. Hiện Võ đường do thúc thúc Dương Nhị, em họ của nghĩa phụ cai quản.

Chính vì thế mà bản thân ta cũng không được khuyến khích giao lưu với bên ngoài. Ngày thường, nếu có vào các xóm chơi hay là ra cánh đồng chạy nhảy, nghịch ngợm đều là trốn đi mà thôi. Đầu năm mới hoặc vào các dịp đặc biệt trong năm như Tết Thanh minh, Tết Trung thu.. chúng ta cũng có thể tới các lễ hội, chùa chiền để vui chơi, nhưng cũng hết sức hạn chế, chỉ loanh quanh trong ấp Giáp Mau mà thôi. Ngay như thành Tư Phố bản thân ta cũng chỉ đi vào đó có vài lần cùng nghĩa mẫu và gia nhân để mua một số trang sức và vải vóc. Nhưng cũng chỉ là ngồi trên xe ngựa tới thẳng tiệm hàng của người quen rồi về, chứ nào được vui chơi la cà ở đó?

Bởi vậy tối trung thu mà muốn vào tận thành chơi quả là điều không tưởng.

- Chà, như vậy thì buồn lắm đây! Ngọc Nhi bỗng nhiên thở dài một tiếng.

- Cái gì mà buồn? Ta và Lan Nhi cùng đồng thanh.

- Thì không được vào thành Tư Phố chơi trung thu ấy. Bao năm nay rồi mình đã đón trung thu ở tại Đông Lỗ. Năm nay lớn rồi phải khác chứ nhỉ!

Ta chút nữa phì cười vì cái ý nghĩ" năm nay lớn rồi"của nàng. Nhưng vẫn ra vẻ nghiêm nét mặt:

- Thôi hãy quên chuyện đó đi kẻo cha mẹ ta mà nghe thấy thì ta và Lan Nhi không chịu đòn chung với người được đâu.