Tôi không biết chuyện gia đình của Công Minh giải quyết như thế nào, nhưng ngày hôm sau tôi thấy cậu bé bắt đầu chịu đi học lại và ôn thi rất đàng hoàng.
Qua thêm vài ngày thì kỳ thi chuyển cấp của chúng tôi cũng đến, may mắn làm sao mà bốn người chúng tôi đều thuận lợi vượt qua kỳ thi này.
Thi xong thì rất nhanh chóng đã tới cái mùa mà tụi học sinh thích nhất, chính là mùa Hè.
Thời kỳ của chúng tôi mùa Hè thật sự là một kỳ nghỉ trọn vẹn, không có học thêm cũng không có bài tập nặng trĩu đôi vai. Tôi nhớ lứa học sinh từ những năm 2010 trở về sau thì mùa Hè cũng chẳng có gì khác biệt với ngày thường, có chăng là đổi địa điểm từ trường học chính quy sang trường học thêm và làm bài tập ở nhà mà thôi.
Quả thật là một thế hệ khắt nghiệt.
Vừa vào kỳ nghỉ là tôi đã bắt đầu lên kế hoạch tìm việc làm thêm để nuôi sống chính mình và đóng học phí. Nhưng ở thời kỳ này việc làm thêm cũng không có nhiều, tôi chỉ có thể xin làm một ít công việc đồng án để kiếm tiền.
Hai ngày trước chị hai có gọi điện về nói chuyện với tôi, ngoài việc hỏi thăm sức khỏe thì cũng báo rằng đã gửi cho tôi hai trăm nghìn để trang trải sinh hoạt.
Hai trăm nghìn ở một vùng nông thôn những năm đầu 2000 quả thật là đủ để sống hơn một tháng, tính luôn cả chi phí học hành.
Nhưng tôi vẫn muốn tìm việc để làm thêm vì tôi hiểu rõ, công việc của cha mẹ và chị tôi cũng không ổn định mãi được.
Những ngày đầu Hè tôi đi làm cỏ, hái ớt ở những khu gần nhà, sau đó tôi được bà Út dẫn theo đi cắt lúa ở những vùng trong khu K2, tuy việc có chút nặng nhọc nhưng tiền công rất ổn, hầu hết mấy đứa nhỏ trong xóm tôi cũng đều tranh thủ nghỉ Hè để đi làm thêm phụ giúp gia đình.
Tôi vừa làm vừa tranh thủ ôn lại kiến thức trung học cơ sở, dù đã thi đậu nhưng tôi biết bản thân mình có một lổ hổng kiến thức rất lớn.
Cuối những ngày tháng 7 tôi kết thúc công việc rồi đi theo ghe trở về khu nhà mình, cầm trên tay số tiền rủng rỉnh mà tôi cảm thấy cuộc đời như đang muốn nở hoa vậy.
Sau đó tôi và ba người bạn nhỏ là Ngọc Hòa, Công Minh và lớp trưởng cùng hẹn nhau đi ăn chè ở một quán gần nhà bốn đứa.
Vừa gặp mặt thì Ngọc Hòa đã nói chuyện líu lo về kỳ nghỉ thú vị của cô bé, còn ba thằng con trai tụi tôi thì im lặng nghe cô bé kể chuyện.
Kể cũng lạ là chỉ sau một thời gian chơi với nhau thì Công Minh đã không còn cau có thì nghe Ngọc Hòa nói nhiều nữa, thỉnh thoảng chỉ buông vài ba câu chọc ghẹo khiến cô bé tức giận mà thôi.
Lớp trưởng thì vẫn nhiệt tình và năng động giống hệt như cũ, vừa nghe nói tôi cần việc làm thêm thì đã mở lời giới thiệu cho tôi:
“Nếu ông muốn thì đến làm cỏ giúp nhà dì tôi đi, khu đó chắc chỉ tầm hai công đất thôi, nếu ông làm thì tầm khoảng một ngày là xong, tui sẽ nói với dì là trả lương cao cho ông một chút nè!”
Tôi vui vẻ trả lời:
“Được vậy thì tốt quá rồi, nhưng mà dì ông trồng gì trên hai công đất đó vậy?”
Lớp trưởng hút một ngụm nước rồi lắc đầu nói với tôi:
“Không có trồng gì hết, dì ấy làm sạch đất để cất nhà đó.”
Tôi gật gù tỏ vẻ đã hiểu, nhưng lớp trưởng rất hưng phấn nói thêm với chúng tôi:
“Dì ấy ở thành phố nhưng muốn xây nhà ở đây nè, mấy ông bà có biết vì sao không?”
Công Minh không mấy hào hứng nên không trả lời, Ngọc Hòa thì chú tâm lấy mức chùm ruột trong ly nước trái cây nên cũng chỉ qua loa gật đầu. Tôi không nỡ làm lớp trưởng buồn bã nên tỏ vẻ rất hứng thú mà nói:
“Muốn chứ, sao lại xây ở đây vậy?”
Tôi thấy gương mặt của lớp trưởng đỏ bừng vì phấn khích, dáng vẻ của cậu bé làm tôi nhớ lại mấy cảnh cố tình phóng đại cảm xúc của nhân vật trong Anime sau này vậy, thật sự có chút buồn cười.
Nhưng lớp trưởng có lẽ không biết điều này, cậu chàng hùng hổ tuyên bố nói với chúng tôi:
“Xây nhà cho anh họ tui về đây ở đó nha, anh tui sẽ về đây làm giáo viên trong trường cấp ba của tụi mình sắp học rồi đó!”
Nghe vậy tôi cũng có chút hứng thú về anh họ của lớp trưởng, vì tôi cảm thấy quan điểm sống của người này cũng thuộc kiểu rất thú vị.
Ngọc Hòa vừa ăn mức quả vừa hỏi lớp trưởng:
“Nhà dì ông ở thành phố anh ấy ở đó không phải càng có tương lai hơn hả? Sao lại về quê mình?”
Lớp trưởng hình như cũng không rõ lắm, cậu chàng đưa ra vài suy đoán qua loa như kiểu muốn lấy kinh nghiệm, hoặc là muốn về đây để đem lại một sự giáo dục mới gì gì đó.
Chúng tôi chỉ xem đây là một câu chuyện phiếm nói xong rồi quên đi, sáng hôm sau tôi được lớp trưởng dẫn đến nơi mà cậu ấy cần tôi dọn sạch cỏ.
Càng đi càng thấy con đường có chút quen thuộc, tôi cố lật lại ký ức mơ hồ của mình về con đường này, tôi hỏi lớp trưởng:
“Sao tui thấy đường này hơi quen ông nhỉ?”
Lớp trưởng nhìn tôi có chút cạn lời, cậu vỗ nhẹ vào trán tôi rồi nói:
“Đây là đường xuống trường cấp 3 mình đó! Ông ngơ ghê á!”
Cũng không thể trách tôi được, vì tôi có học cấp 3 bao giờ đâu mà.
Nhưng cảm giác quen thuộc này không giống như chỉ đi qua đó một hai lần, tôi càng ngày càng cảm thấy xao động.
Có chút bất an, nhưng càng nhiều hơn là sự trông ngóng.
Đến khi thấy được mảnh đất mà tôi phải dọn cỏ, trái tim tôi thật sự như muốn nổ tung vì hưng phấn.
Nơi này chẳng phải sẽ là nơi có ngôi nhà gỗ mà tôi và “anh” đã có những ngày tháng tuyệt đẹp đó sao? Tại sao lại là nơi này nhỉ?
Tôi ngơ ngác hỏi lại lớp trưởng:
“Này… anh họ của cậu tên gì vậy?”
Lớp trưởng xoay mặt nhìn tôi, sau đó nhe răng cười:
“Hoài Ân đó, anh ấy tên là Đinh Hoài Ân!”
Đinh Hoài Ân… Đinh Hoài Ân…
Tôi lẩm bẩm cái tên thân thương trong lòng, đột nhiên lại thấy vừa vui vẻ lại vừa bi thương.
Ký ức về căn nhà gỗ bị cháy tan tành dần dần kéo về trong tôi, anh ấy… anh ấy sắp đến đây rồi.
Tôi… thật sự có thể được gặp lại anh ấy sao?