Ai Đó Cứu Tui Với

Chương 48: Cuộc sống nông nhàn

Ở lại biên giới phía Tây được một tháng, tôi hỏi Man Di có muốn rời đi không. Suy cho cùng đây là nơi y trải qua trăm năm đau thương, rời đi rồi nói không chừng tâm trạng sẽ khá hơn.

Man Di đồng ý, với điều kiện không được quay lại Thanh Sơn phái. Tôi biết y vẫn mang định kiến, cũng không ép buộc y phải thay đổi suy nghĩ ngay.

Suy cho cùng người được nhận vào Thanh Sơn phái, trải qua trăm năm trong đó là tôi chứ không phải y. Tôi xem nơi đó như mái ấm, Man Di lại chỉ thấy một nhà tù tiên khí ngăn cách tôi với y.

Tôi muốn y vui vẻ nên đề nghị xuôi Nam về rừng U Minh. Miễn không cần là Thanh Sơn phái thì Man Di vô cùng dễ chịu, gật đầu ngay tắp lự.

Đặt chân tới thôn U Minh, lòng tôi bỗng bồi hồi. Tại nơi này trăm năm trước tôi đã tỉnh dậy bắt đầu một cuộc sống mới, cũng là nơi tôi tìm thấy Man Di, và là điểm khởi đầu cho hành trình dài đằng đẵng sau này của mình. Nếu khi đó có ai nói với tôi một trăm năm sau tôi đã trở thành tu sĩ Trúc Cơ kỳ, còn bái nhập được vào môn phái lớn, tôi khẳng định sẽ cười to không tin.

Một trăm năm với tu sĩ như cái chớp mắt, đối với phàm nhân lại đã qua cả đời. Những người dân tại U Minh năm đó, từ người già tám chục đến đứa bé mới lên ba, hiện tại không còn ai có thể làm chứng tôi từng xuất phát từ nơi này nữa.

Ngẫm cũng thật buồn cười, sự tồn tại của con người hoá ra mong manh là thế. Vui sầu đau khổ, qua trăm năm đều tan thành cát bụi cả.

Thôn U Minh so với những thôn trấn khác vẫn khá vắng vẻ, nhưng chí ít không heo hút như năm đó. Lúc chúng tôi đến thôn, người dân cũng niềm nở hơn đôi chút, không quá e dè đề phòng như xưa.

Tôi không biết mình sẽ ở đây bao lâu, lại lo lắng cho Man Di không thích ồn ào tấp nập, vì vậy bèn dựng nhà tại bìa rừng U Minh. Ban đầu tôi hỏi mua đất từ thôn trưởng, song ông bảo đất gần rừng U Minh đều vô chủ cả, chúng tôi không sợ thì cứ thoải mái xây nhà làm vườn.

"Lúc trước ta tìm thấy ngươi ở kia." Tôi chỉ tay vào bên trong rừng, "Khi đó ngươi bé lắm, chỉ cao tới đầu gối của ta. Hỏi gì ngươi cũng không biết, phải mất mấy tháng mới nghe hiểu được tàm tạm."

Đối với tôi đây là loại xưng hô khinh nhục Man Di. Nhưng y dường như rất thích nó, mỗi khi tôi không chú ý tới y sẽ lại treo lên miệng để gọi.

Tên ma tu xảo quyệt này biết thừa tôi thương y, ôm hối hận với y, nên cứ canh lúc lòng tôi nảy sinh hoài nghi sẽ dùng chiêu trên để đánh vỡ khoảng cách.

Tôi biết hết chứ, nhưng biết rồi thì có thể làm gì đây.

Ngày ngày trôi qua nhàn nhã, cuộc sống của chúng tôi càng lúc càng giống phàm nhân.

Man Di bảo tôi lấy linh thạch hoặc mấy món pháp bảo tầm thường đem đi đổi tiền, tôi lại không muốn lắm. Sư phụ tôi đã từng dạy giữa trần gian và tu chân giới luôn có một khoảng cách nhất định, đem đồ tu chân giới bán dưới trần gian quá nhiều sẽ không tốt, dễ nảy sinh tranh đấu cướp đoạt. Nếu tôi đã dự định sống ở nơi này lâu dài, vậy thì phải tự cố gắng kiếm tiền bằng sức mình.

Vì thế tôi học những người khác ở thôn U Minh trồng một vườn rau nhỏ.

Ai ngờ Man Di phát hiện tôi cày xới sau vườn liền tức giận, mặt mũi đen xì. Tôi không hiểu vì sao y lại giận, chẳng lẽ vì mùi phân bón khó ngửi sao.

Y bực bội hỏi: "Có phải ở Thanh Sơn phái bọn họ cũng bắt nạt ngươi, bắt ngươi đi trồng rau không?"

Nếu là đệ tử ngoại môn mới vào phái, quả thật sẽ phải nhận những công việc linh tinh nhỏ nhặt như thế. Nhưng trường hợp của tôi hơi đặc biệt, sau khi gia nhập Thanh Sơn phái đã bái luôn Lãn Nhàn chân nhân làm sư phụ, được hưởng đặc quyền của đệ tử chân truyền, đã bao giờ bị "bắt nạt" như Man Di nói đâu.

Thế nhưng tôi có giải thích thế nào Man Di cũng không tin, còn cho rằng tôi ở Thanh Sơn phái chịu khổ.

Tôi đành lấy cớ mình buồn chán, không có gì để làm cả, trồng rau xem như giải trí thôi. Man Di lúc này mới chịu tin tưởng đôi chút, thế nhưng chỉ cần tôi làm gì hơi nặng nề, y sẽ tranh giành để y làm.

Qua được một tháng, vườn rau vốn của tôi biến thành của y luôn rồi. Y trồng rau còn thạo hơn tôi, thành thử tôi chẳng có lý do gì để phàn nàn cả.

Vì thế tôi đành mua vài con gà mái về, thầm nghĩ chỉ là nuôi gà hẳn không đến nỗi nào.

Ai dè y nước mắt lưng tròng nhìn tôi kêu to: "Bọn họ còn bắt ngươi nuôi cả gà! Thật quá đáng!"

Những công việc như dọn phân gà hay cho gà ăn, y cũng giành nốt. Tôi chỉ được phép nhặt trứng gà, mà sau khi tôi bị gà mổ một lần thì y không cho tôi nhặt luôn.

Lần đấy không có tôi cản, con gà mái đáng thương kia đã bị y cho vào lò nướng rồi.

Qua được một tháng, bầy gà của tôi cũng biến thành bầy gà của y nốt.

Tôi lờ mờ nhận ra rằng nếu tôi còn cố kiếm thêm việc để làm, Man Di sẽ lại tìm cách để giành lấy.

Cứ với đà này, chúng tôi sẽ thành quan hệ chủ tớ theo đúng nghĩa đen mất.

Khi tôi đem suy nghĩ trên nói với Man Di, y ồ lên một tiếng: "Cũng đúng nhỉ. Nếu nhận thêm vài mảnh ruộng thì Huyên trông giống như phú ông vậy."

"Nếu ta là phú ông thì ngươi là gì?" Tôi đoán chắc y sẽ nói nông dân hay tệ lắm người hầu thôi.

Nào ngờ Man Di chớp lông mi, thẹn thùng đáp: "Chắc... là bà cả nhỉ? Hay là bà ba xinh đẹp trẻ trung mới được bá hộ Huyên cưới về, bị hai người vợ trước ghen tỵ bày mưu kế hãm hại đây?"

Tôi: "..."

Với trí tưởng tượng phong phú này, năm đó nếu y không tu tiên cũng có thể đi viết sách kể chuyện dạo, không sợ không nuôi sống được bản thân đâu.