Trương Công Án

Chương 76

Khi nước trong chén của tượng đồng tử đã phân phát xong hết thì tiếng chuông lại vang lên. Tất cả mọi người đều đổ xô vào trong miếu. Trương Bình đợi mấy nha dịch và đạo sĩ đi rồi mới tiến tới chỗ tượng đồng tử nhìn ngó. Bức tượng này giống hệt như bức tượng ở dưới chân núi, cũng đã được đúc khoảng bốn, năm năm, hai chân, bụng và vành tai của đồng tử đều bị người ta rờ đến nhẵn bóng cả lên.

Tên chính xác của miếu Mụ Mụ là Từ Thọ quan, điện các tuy tráng lệ lộng lẫy nhưng cũng giống như bức tượng đồng tử, hoàn thành chưa đến mấy năm.

Trương Bình thả bước vào trong miếu, ở chính tiền viện lại có một hương đỉnh lớn bằng đồng, một đám người đang chen chúc đốt hương cúng bái. Chính điện tên gọi Phúc Thọ điện, một pho tượng lão bà với nụ cười hiền hoà, mày mỏng mắt thiện ngồi ngay ngắn trên điện, đầu đội thái chân bảo quan, chân mang giày như ý, váy nâu áo tím, người quấn áo tơi có hoa văn kiểu chữ Phúc làm từ gấm đỏ do khách hành hương dâng cúng, trái phải mỗi bên một đồng tử đứng hầu, trái ôm cá chép, phải ôm như ý.

Trên cờ gấm rủ ở hai bên thần đài thêu hình hạt sen táo đỏ.

Chái nhà ngoài điện có bán chuỗi hạt đeo tay làm từ hạt táo đã được làm phép, hai miếng bài chữ Lễ đổi được một vòng tay.

Trương Bình dạo một vòng trong miếu rồi lại ra ngoài miếu, nhìn thấy bên trong tiểu phòng bán hương cúng có một biển hiệu vẫn chưa có hoa văn chữ Lễ, đồ đạc so với các tiệm xung quanh cũng ít hơn rất nhiều. Ông chủ ngồi trong tiệm ngủ gà gật.

Trương Bình bèn đi đến trước tiệm đó, móc ra một miếng bài chữ Lễ nói: “Ông lão, đổi một bó nhang.”

Ông lão mở to mắt, cười bảo: “Khách quan, chỗ này vẫn chưa thông qua với nha môn, không thể lấy bài đổi đồ được, mời đi sang bên cạnh.”

Trương Bình nhìn thấy trên quầy có vài cái hồ lô hoa văn sặc sỡ mà những chỗ khác không có, bèn lấy xem: “Cái này giá bao nhiêu?”

Ông lão nói: “Sáng sớm vẫn chưa mở hàng, thôi thì tính cho cậu mười văn vậy.” Trương Bình lấy ra mười văn tiền, lại lựa qua một lượt khắp đống hồ lô, lấy cái viết chữ Thuận, ông lão cười bảo: “Khách quan hình như là trên đường đi qua đất này, những người đi đường rất thích điềm tốt thế này.”

Trương Bình gật đầu, lại nói: “Nghe nói chỗ này linh nghiệm nên mới đến cúng hương. Có vinh dự được đọc qua thạch bích đó, vô cùng cảm động. Thạch cữu của Mụ Mụ hoá ra lại hiện hữu trên mặt nước. Đá lại lướt trên nước, quả nhiên là thần tích!”

Ông lão cười bảo: “Những điều được viết trên thạch bích là do Tri huyện đại nhân mời người đến viết đấy, thiên chân vạn xác, là từ trong giếng mà ra. Trước thần miếu lão già ta không dám nói láo đâu.”

Trương Bình vái chào: “Mong được ông chỉ giáo thêm.”

Ông lão nhìn Trương Bình vẻ đánh giá, cười khà khà nói: “Khách quan hẳn là văn sĩ đến từ kinh thành, muốn đem chuyện này viết thành kịch? Nếu thật sự có ý này thì có thể đi đến chỗ Lễ phòng huyện nha hỏi quan gia, văn chương thơ ca viết về phong tục của bản huyện đều viết rất hay, đặc biệt là những người từ kinh thành đến, từ trước đến nay trong huyện đều có trả tiền nhuận bút cả, nhưng Tri huyện đại nhân xui xẻo bị giáng cấp, không biết chuyện này có còn được áp dụng nữa hay không.”

Trương Bình nói: “Vãn bối không viết văn gì cả, chỉ là hiếu kỳ.”

Ông lão đáp: “Vậy khách quan có thể đi nghe ngóng thêm, về chuyện miếu này linh nghiệm thì có rất nhiều, nếu không có thì hương khói cũng chẳng nhiều thế này đâu. Đến mấy người đi kinh thành làm ăn, ngang qua nơi này cũng đến thắp nén hương đấy.”

Trương Bình cầm hồ lô, lại lên núi đi một vòng, sáp lại gần đám khách hành hương thì liền có thể nghe thấy mấy sự tích linh nghiệm nọ.

Một người sinh liền một mạch sáu cô khuê nữ, sau khi uống xong bát linh lộ, chưa đầy hai tháng đã có thai rồi sinh ra một đứa con trai.

Người nọ thì toàn sinh con trai, muốn có một đứa con gái, ngày mười lăm đốt một đấu hương, tối về liền thấy mộng, trong mơ nhìn thấy mặt trăng trên trời, vừa to lại vừa tròn. Không bao lâu sau thì biết chắc đã có thai, bé gái lên hai ba tuổi đã biết giúp mẹ thêu thùa may vá, vừa giỏi giang lại vừa thông minh lanh lợi.

Con gái nhà kia đã mười chín tuổi nhưng vẫn chưa gả đi được, đã lên tới kinh thành cầu từ đường Nguyệt Lão nhưng cũng không có tác dụng gì, thế là thân mẫu bèn đến dâng hương cho Mụ Mụ. Dập đầu xong, ra khỏi đại điện thì liền gặp một phu nhân tướng tá phúc hậu tuổi lại sàng nhau, vừa nhìn đã thấy thân thiết vô cùng, giống như đã quen nhau ở kiếp trước rồi vậy. Thế là liền đến hỏi han nhau, phu nhân từ đâu lại, đến đây làm gì. Người nữ kia nói, là đến cầu nhân duyên cho con trai, không biết tại làm sao mà bên nhà gái đều không chịu. Thế phu nhân đến đây làm chi? Đáp, tôi đến cầu duyên cho con gái mình. Rồi coi ngày sinh tháng đẻ, vừa hay lại hợp nhau! Lập tức quyết định, hành lễ lựa ngày thành hôn. Hai bên nhà đều có cửa tiệm ở kinh thành, cô gia trung thực, cô nương điềm đạm nho nhã, quả đúng là ông trời tác hợp cho.

Làm ăn mà cứ thua lỗ suốt, đến kinh thành nhờ thầy xem giúp cho, thầy bảo trúng phải năm hạn. Ngày một tháng ba năm trước đến thắp hương cho Mụ Mụ, sáu ngày tế rượu, đốt ba mươi ba cặp đồng tử đã làm được làm phép. Đêm đó nằm mộng thấy một nhóm đồng tử béo tốt tay cầm nguyên bảo chạy nhảy vui vẻ ở khoảnh đất trống. Chưa đến hai hôm đã nhận làm công cho quan nha, vừa lúc Thượng thư đại nhân bên hành dinh của công bộ tuần tra bờ sông yêu cầu số lượng lớn bình phong, lượng vải bố tích trữ trong kho lại đột nhiên tăng lên, từ đó thường hay cung cấp hàng hoá cho quan phủ.

….

Trương Bình cưỡi ngựa lặng lẽ trở xuống núi.

Lan Giác và Tiết Mộc Lâm lại đi đến cung Bửu Hoa, vẫn chưa gặp được vương tử Sát Bố Sát Lý Khắc, tuỳ tùng sứ thần cũng cà kê dê ngỗng nửa ngày mới thong dong xuất hiện.

Tiết Mộc Lâm thấp giọng nói bên tai Lan Giác: “Đám phiên tử này, nhường chúng ba phần thì thực sự cho rằng thiên triều ta xem trọng bọn chúng rồi.”

Lan Giác ngậm cười đứng thẳng dậy, khẽ nói qua kẽ răng: “Đám man di vẫn chưa được giáo hoá, làm sao hiểu được chữ lễ.”

Vĩnh Tuyên đế trách phạt Đại vương nặng nề, cũng đồng nghĩa rằng, không chỉ vì chuyện này, mà ở những phương diện khác đều nhượng bộ rất nhiều. Nhưng đám phiên tử này lại không biết điều, còn cho rằng bản thân đã chiếm thế thượng phong, cứ một mực vênh vênh váo váo.

Đợi mấy sứ thần ngồi yên ổn rồi, Lan Giác và Tiết Mộc Lâm đều hoà nhã nói vài câu an ủi.

Cuối cùng Lan Giác nói: “Lễ bộ cũng sẽ biên sách tạ lỗi với Khả Hãn. Xin vương tử cứ an tâm tĩnh dưỡng. Tâm trạng cần phải hồi phục từ từ.”

Người đứng đầu sứ thần là Ôn Mộc Lý được xem là người am hiểu khôn khéo về cách hành xử của thiên triều trong sứ đoàn Tháp Xích, nhìn thấy thái độ Lan Giác và Tiết Mộc Lâm chậm rãi thản nhiên, lại nghe thấy câu nói này, biết có ý nghĩa sâu xa.

Khả Hãn không đoạt được rồi, cái gọi là gửi thư cho Khả Hãn chính là gửi thư cho đại vương tử Đô Nhĩ Cố Đô.

Ôn Mộc Lý bèn nói đầy kiên định: “Mấy ngày nay điện hạ đã không ăn gì, không biết cơ thể của ngài ấy có chịu nổi không.”

Lan Giác đáp: “Tinh thiện ti sẽ chọn đầu bếp chuẩn bị thức ăn cho vương tử, thực đơn ngày mai đã quyết định xong, bản bộ viện đã mang đến để các vị cùng tham khảo.”

Một vị sứ thần khác, mắt đỏ lên nói: “Lỡ như vương tử không trụ được đến ngày mai…”

Lan Giác đáp lại: “Y quan của Nội y viện lát nữa sẽ đến bắt mạch cho vương tử, không cần phải thấy mặt vương tử.”

Tiết Mộc Lâm nói tiếp: “Bi lự quá độ sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, tuỳ tiện ăn uống cũng sợ không ổn. Cứ chậm rãi là được.”

Hai người liền cáo từ rời đi.

Lan Giác đã hiểu được biểu cảm của Ôn Mộc Lý trước khi rời đi, lòng thầm nghĩ có lẽ không bao lâu nữa, vương tử có thể khỏi bệnh rồi.

Sau khi Trương Bình xuống núi, hắn lấy ra tấm bản đồ huyện chí đã mua ở hiệu sách trong thành, lật tìm vị trí rồi lại đi về hướng Nam. Hắn phóng ngựa đi được mười dặm hơn thì nhìn thấy thôn xóm ruộng vườn, hỏi thăm chú bé mục đồng thì đây chính là địa giới của thôn Từ Thọ.

Trương Bình chuyển sang đường lớn, đi được vài dặm lại nhìn thấy nhà cửa từng cụm, khói bếp lượn lờ, đã đến địa giới của thôn xóm gần thôn Từ Thọ.

Trương Bình chọn một con đường bằng phẳng tiến về phía thôn đó. Đương quan sát nhà dân ở bên đường thì nhìn thấy phía trước, ở đằng xa có một lá cờ, trên viết chữ Trà, dưới lều chỉ có một ông cụ đang ngồi quạt cạnh bếp trà.

Trương Bình bỗng cảm thấy vui vẻ bất ngờ, khi đến trước sạp trà liền xuống ngựa: “Ông lão, cho một bát trà.”

Ông cụ cười bảo: “Vừa hay mới pha trà xong, ba văn tiền một bát, mời công tử vào trong ngồi.”

Trương Bình vào sạp, ngồi xuống chỗ bàn con.

Ông cụ rót trà nóng cho hắn, nói: “Chỉ có một mình công tử đi du ngoạn à?”

Trương Bình đáp: “Cháu vừa đi đến miếu Mụ Mụ thắp hương, nên cũng muốn đến thôn Từ Thọ xem một chút.”

Ông cụ nói: “Vậy thì công tử đi lố đường rồi, phải vòng lại đi mấy dặm mới thấy thôn Từ Thọ, còn chỗ này là thôn Đại Hồ Lô.”

Trương Bình liền phì cười. Hắn lớn lên với gương mặt không ưa cười. Cái cười này thật khiến ông cụ cảm thấy bất ngờ, liền hỏi: “Công tử cười gì thế?”

Trương Bình chắp tay: “Xin ông đừng trách, chỉ là tên của hai thôn đều rất thú vị.”

Ông cụ cười khà khà bảo: “Thôn Đại Hồ Lô của bọn ta tên độc quá hả, không bằng thôn Từ Thọ có điềm lành nhỉ? Thật ra Tri huyện đại nhân đã tính đổi tên thôn của bọn ta thành thôn Phúc Lộc, nhưng còn chưa thảo luận xong thì ngài ấy lại gặp vận rủi rồi. Hồ lô trong kinh thành đa phần là do nơi này cung cấp, nuôi dế mèn cũng giỏi nhất nên được gọi là thôn Đại Hồ Lô, đừng xem qua quýt, vừa nghe đã liền biết.”

Trương Bình đáp: “Vâng.”

Lần này hắn không cười nữa, ông cụ cảm thấy hắn rất thành khẩn, bèn nói tiếp: “Thôn Từ Thọ ấy hả, lúc trước không phải gọi thế này đâu, gọi là thôn Đại Uyển (Bát to) vì nơi đó trước đây hơi bị lõm xuống, địa thế rất giống hình cái bát. Kế tiếp lại đổi tên lần nữa, vì vị Mụ Mụ kia được đem từ dưới giếng ra nên thế là đổi tên thành thôn Cổ Tỉnh (giếng cổ). Sau này Tạ đại nhân nhậm chức, chỉnh lý chỗ này chỗ kia, hương khói trên núi dần thịnh rồi bèn theo đó đổi tên lần nữa là thôn Từ Thọ. Mấy đứa trẻ trẻ đều không biết tên ban đầu của nó đâu. Công tử đi đến đó làm gì? Đốt hương bái Mụ Mụ thì đi miếu là được rồi.”

Trương Bình đáp lại: “Cháu muốn đi xem cái giếng nơi thần tích linh quan của Mụ Mụ đã trồi lên có còn hay không.”

Ông cụ trả lời: “Còn, ban đầu đã niêm phong, còn xây một cái miếu nhỏ nữa. Năm ngoái khi dâng một đôi đồng nam lên núi cũng khởi hành từ cái miếu nhỏ đó. Không biết Tạ đại nhân dự định xây cái gì, nói là muốn dỡ ra, đào một cái giếng mới, nhưng ông ấy còn chưa bắt tay làm thì gặp họa rồi, nên việc này đành gác lại. Công tử có thể đi xem xem có coi được không, hình như người ngoài đến coi phải đóng mười hai quan tiền.” Nói đoạn liền cười hai tiếng khà khà.

Trương Bình nói: “Cháu nghĩ chắc cái giếng đó phải to lắm, nếu không thì cái quan tài đá sao có thể nổi lên chứ? Cho dù là dựng đứng thì…” Rồi hắn giơ tay hoạch vài đường.

Ông cụ hừ một tiếng: “Gì mà nổi lên, cái đó là do Tri huyện đại nhân mời văn sĩ kinh thành đến viết trau chuốt hơn thôi. Đá thì làm sao mà nổi lên được, đúng ra là móc lên thì có.” Ông cụ nheo mắt nhìn Trương Bình, “Chắc công tử không phải là người từ kinh thành đến để viết truyền kỳ kịch hát đâu nhỉ.”

Trương Bình đáp: “Không phải, chỉ là hiếu kỳ mà thôi. Nghe cách ông nói dường như ông biết rõ ngọn nguồn. Ông có thể kể chi tiết được không?”

Ông cụ lại nheo mắt đánh giá Trương Bình một lát rồi mới nói tiếp: “Hỏi về lai lịch ngôi miếu này, công tử hỏi đúng người rồi. Ở trong huyện này không ai biết nhiều như lão đây đâu. Đúng rồi, già đây tệ họ là Quách.”

Trương Bình nói hắn không phải là người viết truyền kỳ kinh kịch nhưng dường như ông cụ không tin lắm lời hắn nói, cho nên mới cố ý xưng danh như thế. Ngộ nhỡ Trương Bình thực sự viết thành sách rồi thì không chừng trong sách sẽ đề, ngày này tháng này năm này, lục hương tẩu Quách ông có nói…, cũng xem như có cái mà phỏng mũi.

“Những lời già đây nói tuyệt đối không phải quá lời đâu. Nhà ngoại già là người của thôn Đại Uyển, là hàng xóm cũ của Tiêu gia. Lúc Tiêu lão nhị móc cái quan tài đó lên, già cũng ở đó xem tới xem lui. Nói ra thì là chuyện của năm Đồng Quang rồi. Lúc đó già đây cũng chỉ là một tiểu hậu sinh thôi. Năm đó Tiêu gia là một họ lớn trong thôn, Tiêu nhị sinh ra là một người què, không thể làm được mấy việc tốn sức lực, chỉ có một người anh.”

Tiêu nhị là con của vợ kế. Đợi sau khi cha ông ta qua đời, chị dâu của ông ta mới tố lên huyện, bảo lúc sinh ông ta, cha đã quá sáu mươi, có khả năng không phải con ruột, ngoại hình cũng chẳng giống người Tiêu gia, nói không chừng là do mẹ ông ta thông da^ʍ với tên lái buôn nào đó rồi đẻ ra. Rồi lấy lý do này đuổi ông ta ra khỏi nhà, một xu cũng chẳng cho.

Nhà mẹ đẻ của Tiêu nhị cũng chẳng có nhiều tiền, cha vợ mẹ vợ đều đã qua đời, không nhà không đất, thân không xu dính túi, lại không thể vào thành làm công. Thôn trưởng tội nghiệp ông ta nên đã đem vài mẫu đất dưới danh nghĩa trưởng làng cho ông trồng trọt, rồi cho ông ít tiền. Vợ của Tiêu nhị vào thành làm việc lặt vặt, qua vài năm tích cóp được chút tiền. Cạnh cánh rừng đầu thôn có hai ba gian nhà rách, không chủ cũng chẳng có dấu tích người ở, đợi quan phủ thu hồi, thôn trưởng đã nói giúp cho, xin huyện bán mấy gian này cho Tiêu nhị nương thân.

Tiêu nhị có chỗ ở rồi thì vô cùng vui mừng, lấy cỏ tranh quấn lại sửa sang tu bổ nhà cửa. Sau nhà vốn có một cái giếng cạn, Tiêu nhị muốn vét giếng để có nước dùng.

“Nhưng chẳng biết sao, vét cỡ nào cái giếng đó cũng không trào ra nước, rồi lại vét lại móc, cuối cùng móc ra một cái quan tài đá.”

Quan tài đá rặc một màu đen, có những vân lộ mảnh mảnh như sợi mây, cũng không biết rốt cuộc là đá gì. Cái hoa văn đá giống như mây ấy còn khắc thành hình nào là điện các, nào là tiên hạc nữa.

“Tiêu nhị sợ hãi vô cùng, thông báo cho thôn biết, nhờ thôn quyết định.”

Trương Bình hỏi: “Tiêu nhị tự mình kéo cái quan tài đó ra khỏi giếng ư?”

Ông cụ lắc đầu: “Tất nhiên không phải rồi, lúc đó ông ta đào được một cái quan tài. Trong thôn cử vài người khoẻ mạnh cùng đào mới có thể lôi nguyên cái quan tài lên. Tiêu nhị hoảng hồn, muốn bảo thôn hãy mang đi đi nhưng vài họ lớn trong thôn Đại Uyển thấy quan tài này ghê gớm nên không ai dám để nó vào trong từ đường của nhà mình. Thôn Đại Uyển có Diêu lão quải biết chút môn đạo, nói rằng tốt nhất đừng xê dịch, cứ để nguyên vị trí cũ. Lúc đó già cũng đi theo xem, dựng một cái lều trước nhà của Tiêu nhị, để quan tài vào trong đấy. Náo động vô cùng, rất nhiều người thôn Đại Hồ Lô cũng qua xem.”

Thôn trưởng thôn Đại Uyển báo chuyện này cho xã biết, người trong xã cũng đến, cảm thấy quan tài này có chút thần đạo nên đã mời một vị tiên sinh trong huyện đến đoán định.

“Vị tiên sinh đó xem xong rồi nói, văn lộ khắc ở đầu và cuối quan tài này là chữ, chữ ở đầu quan tài là ngộ giả khai (gặp thì mở), chữ cuối quan tài là kiến giả bái (thấy thì bái), phải mở quan tài này ra.”

Trước tiên thôn mời vài pháp sư đến để niệm kinh, rồi lựa ngày lành giờ lành mới mở quan tài ra. Trong quan tài đá có một người phụ nữ đang nằm, tóc bạc trắng, da như thiếu nữ, dung nhan nhược sinh. Người vận áo gấm la quần, cổ tay đeo vòng ngọc kim xuyến, trên đầu là đồ trang sức quý hiếm.

“Nhìn thì thấy y như người sống đang say ngủ vậy, ai cũng không dám động chạm gì. Nắp quan tài còn viết mấy câu thơ, nói vốn là thần tiên gì gì đấy, hạ phàm kinh qua kiếp nạn, thần kỳ hơn là, đến việc cái quan tài đó bị Tiêu nhị đào lên cũng có viết nữa. Những người trong thôn sống hơn trăm tuổi đều nói chưa từng nghe qua chuyện gì giống như thế này.”

Trương Bình hỏi: “Chữ lớn hay nhỏ? Là thể chữ gì? Viết bằng mực hay được khắc lên?”

Ông cụ đáp: “Màu đỏ, cong cong quẹo quẹo, giống như chữ trên quan tài ấy. Vị tiên sinh kia nói là viết bằng chu sa. Vị Mụ Mụ này vốn là thần tiên trên trời, đầu thai hạ thế, là vật tiên thoát xác dưới lòng đất để lại. Lần này Tiêu nhị thật có duyên, do ông ta đào lên được, để cho thế nhân chiêm ngưỡng cung phụng.”

Thôn Đại Uyển lại chọn ngày lành tháng tốt, mời thầy pháp đến làm phép rồi đem Mụ Mụ lên núi nhập táng.

Trương Bình thắc mắc: “Sao lại là trên núi?”

Hắn lớn lên trong đạo quán, biết một chút môn đạo phong thuỷ. Điều cấm kỵ lớn nhất của mộ táng chính là chôn cất trên đỉnh núi trơ trụi.

Ông cụ đáp: “Là do tự Mụ Mụ chọn lấy.”