Giọng Anh Có Màu Gì?

Chương 26: Ngày 20 Tháng 11 Năm 2013

Đó là lần đầu tiên Tường Vy gặp mẹ mình sau hai năm. Căn nhà trước đây của cô vẫn y nguyên—vẫn còn những mảnh vụn nằm lổn nhổn trong các góc, vẫn đó những vết bẩn cũ kỹ phủ kín bốn bức tường, và vẫn không có đồ đạc. Đôi mắt cô hướng về phía cửa để tìm cây chổi đã từng ở cạnh lối vào. Màu vàng nghệ của tiếng chổi đã biến mất từ lâu, cũng như màu cam đào của tiếng nước máy từ vòi. Tất cả chỉ còn lại một màu xám xịt với những đường viền trắng ngà.

Nhưng ít ra không có vũng nôn nào cả.

Mẹ Vy gầy nhom, chân tay chậm chạp, đôi mắt khắc khoải. Nhìn thấy cô bước vào, bà vội bật dậy khỏi chiếc ghế đẩu, đôi mắt rơm rớm nước mắt. "Vy... Vy! Có phải... có phải con đó không... Sao con bỏ đi? Con biết rằng mẹ đã tìm con khổ công thế nào hay không?"

Bà ôm chầm lấy cô trong lòng, khóc sướt mướt tới khi áo cô thấm sũng nước mắt và mùi cơ thể đã vài hôm không tắm của bà. Vy không biết cô có nên đẩy bà ra hay không. Suốt hai mươi năm cuộc đời cô, cô đâu có thấy bà ôm cô mà khóc lần nào trong đời. Tại sao phải bây giờ mới ôm?

Sau khi mà băng đảng Gấu chột sụp đổ, món nợ của mẹ Vy không mất đi mà được bàn giao qua một công ty thu nợ hợp pháp. Vy nghe rằng tinh thần mẹ cô đã không còn minh mẫn nữa sau hàng bao nhiêu năm phải căng đầu với nỗi sợ phải trả nợ.

Vy muốn tin điều họ nói. Rằng bà không muốn đối xử tàn tệ với cô. Chỉ là do áp lực tài chính mà thôi... Bà ấy chỉ đã trải qua một cuộc sống khó khăn thôi... và cả trăm ngàn lí do khác nữa.

Nhưng chẳng có cách nào tự dối bản thân nữa.

Có những người chọn chìm trong nợ nần. Có những người chọn đánh đập, chọn chì chiết con mình. Tất cả đều là lựa chọn cả. Nợ nần không phải là cái cớ.

Cô chọn đẩy mẹ mình ra. Từ trong túi, cô rút ra một bọc tiền. "Cầm lấy mà trả nợ." Giọng cô đắng chát. "Bố sẽ ghét nhìn thấy bà thế này lắm đấy."

Phần lớn trong số đó là những gì cô tích góp được suốt cả năm làm việc bẩn thỉu của mình. Ai mà biết được bà sẽ tiêu vào việc gì chứ? Trả một phần nợ của mình? Hay cố công ném chúng vào cờ bạc, vào rượu bia?

Bà vội vã xé bọc ra. Số tiền trong đó không hề nhỏ. Đôi mắt đẫm lệ của bà như ráo hoảnh, miệng bà cong vêu lên, trông vui vẻ lắm.

"Cảm ơn, cảm ơn con... Này, Vy! Con đi đâu đấy? Vào đây, vào ăn tối với mẹ đi chứ? Con thích món gì, mẹ đi chợ mẹ mua mẹ nấu cho!"

Khi bước đi khỏi bà, Vy nhận ra một điều. Suốt hai mươi mốt năm trời, mẹ cô còn không biết cô thích ăn gì.

Chỉ sau khi Vy rời khỏi con hẻm, cô mới quay đầu nhìn lại. Tấm băng rôn tuyên truyền ố vàng vẫn treo giữa các cột điện, thủng một lỗ khổng lồ ngay chính giữa như bị đá tảng chọi thủng. Một người phụ nữ trung niên bán nước giải khát ven đường dựa lưng bên cột điện, tay phe phẩy quạt giấy, vừa ngáp vừa than vãn với khách hàng về tình trạng mất điện triền miên. Bà nhận ra tấm lưng Vy và hỏi với giọng pha chút ngạc nhiên và khó chịu, "Tại sao mày còn dám quay lại?"

"Bác vừa nói gì?" Vy giật mình quay lại, không nghĩ tới việc có người sẽ bắt chuyện với mình.

“Mày có biết bao lần mẹ mày chạy khắp phố đợi mày về không? Làm thế nào mày có thể rời đi mà không nói một lời như vậy? Mẹ mày phát điên lên vì mày đấy!” Giọng nói của bà ghim hàng tá những kim châm hình xanh rêu, che kín tầm mắt Vy, phóng thẳng tới mặt cô.

Đôi mắt của mấy vị khách ngồi quán đổ dồn vào Vy, nửa tò mò, nửa phán xét. Cô không quen bị soi mói, đặc biệt là khi cảm giác tội lỗi và băn khoăn đang ăn mòn cô từ bên trong. Điều người phụ nữ đó nói có đúng không? Có phải mình luôn là vấn đề không? Có lẽ mẹ đã sống tốt hơn nếu không có mình.

Không.

Mọi thứ không phải lỗi của mình.

Vy nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu. Khi mở mắt ra, cô đã tìm thấy đủ can đảm bên trong mình để đáp lại. "Cô biết gì không? Cô đã bao giờ đi bộ vào ngõ và nói chuyện với những người hàng xóm của cháu chưa? Có lẽ ông Minh có thể kể cho cô nghe bao nhiêu lần ông bị đánh thức bởi tiếng mẹ cháu mắng chửi cháu giữa đêm. Có lẽ cô Huệ có thể kể cho cô biết bao nhiêu lần cháu phải đến xin băng để băng vết bầm mà mẹ cháu gây ra cho mỗi lần bà lấy cán chổi đánh đập cháu.”

Bà bán trà không nói nên lời trong giây lát. Bà với lấy ấm trà của mình và lặng lẽ rót một tách ra. Tiếng rót nước chuyển từ màu xanh thẫm sang xanh nước biển, rồi sang màu hạnh nhân, rồi sang màu cam đào trước khi tan biến khi bà đẩy chiếc cốc về phía khách hàng của mình.

Vy tưởng cuộc nói chuyện sẽ kết thúc ở đó, nhưng bà nói, “Có lẽ mày nên cư xử đúng mực và mẹ mày sẽ không đánh mày. Dù thế nào đi chăng nữa, mày không thể vô trách nhiệm như vậy. Mẹ mày đã sinh ra mày để mày có thể là một đứa con gái hiếu thảo. Có phải mày láo lắm nên mẹ mày mới đánh mày không?" Nhưng nọc độc màu xanh rêu không còn trong câu nói của bà nữa.

Vy khịt mũi. "Cô nói sao cũng được." Cô biết có những người sẽ không bao giờ lắng nghe. Cô đã nói quá đủ, và cô không cần phải giải thích thêm bất kỳ điều gì với một người lạ.

Khi Vy bước khỏi khu phố nơi cô từng sống, những âm thanh trầm lắng, trang nghiêm, vàng óng của tiếng chuông chùa từ xa vang lên, cứ nửa phút lại lặp lại một lần. Cô mới bắt đầu đi chùa gần đây. Ngay cả khi cô ấy ghét sự quá tải màu sắc mà cô luôn phải chịu từ những tiếng ồn ào cnơi đông người, cô chỉ mới bắt đầu một thói quen mới thôi và không thể từ bỏ sớm vậy được.

Chuông lại reo; lại reo; lại reo. Tiếng chuông làm tê liệt các giác quan của cô, và cô tưởng tượng thấy mùi trầm hương Tây Tạng phảng phất, êm dịu. Một lời cầu nguyện mà cô đã nói, một lời thì thầm với Đức Phật rằng cô sẽ làm tốt hơn. Cô đã làm tốt hơn rồi; cô vẫn làm chưa đủ tôi. Chuông reo; gần đây cô hầu như không chạm vào cây cọ vẽ. Có lẽ cô sẽ vẽ bức tranh đẹp nhất tối nay, một bức tranh với những con sóng, mặt trời, mặt trăng và đại dương. Màu hổ phách sẽ tô bầu trời; màu tím điểm đại dương. Đẹp; sẽ đẹp và đơn giản. Chuông reo; vàng óng; ngừng lại.

Có lẽ nếu cô cầu nguyện đủ nhiều, cô sẽ tin vào phép màu. Có lẽ nếu cô cầu nguyện đủ nhiều, cô sẽ có thể tha thứ cho mẹ mình. Có thể nếu cô cầu nguyện đủ nhiều, Trường sẽ sống.

***

Đồng hồ điểm mười giờ tối. Lần đầu tiên sau hai năm, Vy ngồi trước tấm vải bạt. Trong cô thấp thỏm hi vọng, tới mức cô còn khẽ mỉm cười khi cầm cây cọ vẽ lên. Nếu cô có thể gặp lại mẹ mình, cô có thể cầm được cây bút vẽ, hay đó là những gì cô đã nghĩ.

Nhưng cô đã nhầm.

Cô đã thử mọi cách. Cô dội nước lạnh vào mặt. Cô hít thở sâu. Cô cắn giấy, cô ngâm mình trong nước nóng, thứ chất lỏng thần kỳ. Vô tác dụng. Đôi tay cô vẫn như là của người khác. Chúng sẽ bỏ cuộc, buông thõng sau khi bong bóng màu quýt đầu tiên hiện lên trên tấm bạt.

Mình không thể.

Cô đã nghĩ gì vậy? Nếu cô không thể làm được, vậy thì cô hứa với gã làm gì cơ chứ? Cớ gì phải hứa những lời bồng bột như vậy?

Không thể. Không thể. Không thể. Những lời đó cứ vang đi vang lại trong đầu cô.

Có lẽ, cô cần thêm thời gian. Hẳn đó phải là vấn đề rồi. Cô muốn bức tranh cô cho gã xem phải thật đẹp đẽ. Đẹp nhất có thể. Đẹp nhất trong đời. Những bức tranh như thế phải tốn hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm. Cô không có hàng năm; Cô còn chẳng biết mình có tới một tuần hay một tháng để hoàn thành nó hay không.

Nhưng cô cần nhiều thời gian hơn.

Điện thoại của cô bỗng chốc rung lên. Khi cô nhấc máy, cô nhận ra giọng nói ở đầu dây bên kia là một người cô đã từng nói chuyện với đôi lần.

Đó là cuộc điện thoại từ viên quản ngục già.

"Đáng lẽ ra tôi không được phép thông báo cho cô đâu," ông nói. "Nhưng tôi nghĩ rằng cô nên được biết... Chiều ngày mai..."