Sao Huyện Bạch Sơn Vẫn Chưa Lên Hot Search

Chương 2

Tối nay, Cát Thăng Khanh kể cho bọn trẻ nghe câu chuyện về miếu Bạch Tiên. Mấy chiếc giường tầng ghép lại với nhau, lũ trẻ đứa nào đứa nấy hai mắt sáng lên mong đợi câu chuyện của y.

Rất lâu trước đây, trong núi Bạch Sơn có một cái thác. Hồ nước trong veo dưới chân thác là hàng đàn hàng lũ cá trắng sinh sôi nảy nở.

Ngày nọ, có một đứa trẻ bị lạc trong núi sâu. Chẳng biết con bé đã lang thang bao lâu, trước khi kiệt sức, nó nghe thấy tiếng nước chảy.

Lần theo tiếng thác nước, đứa nhỏ tìm thấy cái hồ trong vắt. Gặp nước, lại đúng lúc vừa đói vừa khát, con bé không ngần ngại lao đến vùi mặt húp lấy húp để. Bỗng nhiên, một cái bóng đỏ như màu lựu chín lướt qua trước mặt nó.

Giữa đàn cá trắng có một con cá màu đỏ đẹp đến chói mắt! Con cá đó không hề sợ người mà ngược lại còn bơi đến cạnh khóe miệng cô bé, nhả ra một đống bọt khí về phía đứa nhỏ. Mỗi một bọt nước có một từ, nối lại thành một câu….

“Ăn tA Đi Ăn tA đi ăN Ta đI….”

Đứa nhỏ há miệng ra, con cá bơi vào trong miệng, dọc theo cổ họng chật hẹp đi vào dạ dày nó. Thân cá nóng như lửa, trơn như nước, chẳng mấy chốc đã đốt cháy lục phủ ngũ tạng của cô bé kia.

Cơn đau thấu xương khiến nó hét lên rồi ngất lịm.

Không biết đã qua bao lâu, cô bé tỉnh dậy. Hồ nước đã không còn nữa, đàn cá cũng biến mất tăm, nó thức dậy nơi núi rừng hoang vắng, ngay trước mắt là con đường trở về làng.

Kể từ khi cô bé quay về làng, những chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra.

Nửa đêm canh ba, không một ai nghe thấy tiếng chó sủa nhưng lại nhìn thấy một đoàn người mặc áo choàng trắng đi qua con đường giữa thôn.

Đoàn người đó cúi đầu bước đi, không hề phát ra dù chỉ một chút tiếng động, hết Đông sang Tây, mãi cho đến khi tìm thấy nơi ở của cô bé. Họ vây quanh túp lều kia, hệt như đàn kiến bò quanh giọt mật.

Đến sáng, mọi người phát hiện ra cây cỏ trên đường đều đã khô héo, quanh nhà cô bé sót lại dấu vết như có rắn bò xung quanh.

Mấy bữa trôi qua, lúc cô bé đang làm cỏ ngoài đồng thì bỗng dưng bụng dưới đau nhói, kỳ hành kinh đầu tiên đã ghé thăm. Những chuyện xảy ra tiếp sau đó càng khiến người ta chỉ biết trố mắt nhìn không thốt nên lời.

Những giọt sữa màu trắng đυ.c không ngừng tiết ra từ ngực của con bé, nhiều đến nỗi chứa đầy một thùng, rồi hai thùng…. Hệt như hàng đàn hàng lũ cá trắng dưới cái hồ trong vắt kia không thể đếm nổi có bao nhiêu con.

Ngôi làng vùng núi này không thể cưỡng lại sự cám dỗ ấy, những kẻ đói khát bắt đầu dùng thứ sữa mà cô bé tiết ra để lấp đầy cơn đói bụng. Họ nhận ra đó không giống những loại sữa thông thường. Nó rất ngon rất ngọt, chỉ cần nhấp một ngụm thôi là có thể xua tan mệt mỏi tức thì, thậm chí còn chữa lành cho người bệnh…. Có người từng nghĩ đến việc đem ra ngoài bán, nhưng chỉ cần đi ra khỏi địa phận ngôi làng thì thứ sữa đó lại biến thành nước lã ngay.

Dòng sữa ấy nuôi sống tất cả dân làng qua nạn đói và hạn hán. Để bày tỏ sự cảm kích, dân làng đã thu thập xương của gia súc và bùn đất trát thành một ngôi miếu, gọi là “Miếu thờ Bạch Tiên nương nương”.

Nói đến đây, Cát Thăng Khanh giơ tay hướng ra cửa sổ, chỉ xuống cây liễu dưới sân.

Y nói, cây liễu này chính là cây liễu xưa trước cổng miếu Bạch Tiên. Ngôi trường này được xây dựng trên chính vị trí của miếu Bạch Tiên ngày ấy.

Câu chuyện này đến đây kết thúc. Cát Thăng Khanh kéo chăn đắp cho một đứa nhóc đã ngủ say, giục mấy đứa còn lại mau đi ngủ; còn có nhiều đứa chưa ngủ lắm, bọn nó càng nghe càng hứng khởi, hai mắt sáng quắc háo hức nhìn về phía thầy mình.

Cát Thăng Khanh vỗ nhẹ mấy cái vào đầu Chu Tiểu Thu: Tiểu Thu, mau đốc thúc mấy đứa kia đi ngủ. Muộn rồi.

Chu Tiểu Thu gật đầu, bắt chước theo thầy giáo vỗ đầu mấy đứa nhóc nghịch ngợm chưa chịu đi ngủ, bắt bọn nó chui hết vào chăn.

Ngôi trường này tên là Trường Bạch Sơn, vật liệu xây dựng tòa nhà đã có tuổi từ lâu, mặc dù ngôi trường mới được quyên góp xây dựng nhưng thực ra nó được cải tạo lại từ khối kiến trúc cũ của miếu Bạch Tiên. Tính đến giờ, cả trường chỉ có duy nhất một thầy giáo Cát Thăng Khanh và hơn chục đứa học sinh.

Trong mắt những đứa trẻ đó, Cát Thăng Khanh còn đáng tin hơn cả cha mẹ chúng. Những người trẻ trong thôn lần lượt vào thành phố tìm việc, để lại người già và trẻ nhỏ ở nhà. Các cụ gửi bọn trẻ vào trường nội trú, một năm chỉ đón chúng về nhà vài bữa là cùng.

Ngoài trời đổ mưa xối xả. Dưới ánh sáng lắt léo, thầy Cát cầm theo đèn pin rời khỏi ký túc xá của học sinh. Y xuống tầng dưới, dường như cảm nhận được thứ gì đó đang đến gần, rảo bước đến cổng chính.

Đêm xuống, cổng chính của trường đã chốt khóa từ lâu. Mưa gió không ngừng đập vào cánh cổng màu xanh, phát ra tiếng thùng thùng dồn dập; Cát Thăng Khanh lấy chìa ra mở khóa, ngay lúc cánh cửa sắt được mở ra, một bóng người ướt sũng theo mưa gió xô vào…

Vĩnh Quý: Thăng Khanh, anh đây! Cho anh mượn bảy trăm…



Những nơi khác trong trường đều tối om, chỉ có nhà ăn là sáng đèn. Phó Vĩnh Quý nằm bò lên bàn, miệng nhồm nhoàm ăn mì gói. Cái bàn đó là để cho học sinh dùng, so với dáng người của anh thì nó đúng là hàng mini.

Giọng Cát Thăng Khanh đều đều hỏi anh: Anh ra lúc nào thế?

Vĩnh Quý đáp vỏn vẹn “tháng trước” rồi tiếp tục vùi đầu ăn. Bụng anh đói mốc đói meo rồi, từ chỗ ở trong huyện đến ngôi trường Bạch Sơn nằm tít trong núi này đi mất cả một ngày của anh.

Cát Thăng Khanh vốn định hỏi anh tại sao không đến tìm mình ngay khi ra tù, nhưng lời đến đầu môi lại nuốt ngược trở lại, y hỏi: Anh mượn tiền làm gì?

Vĩnh Quý còn thiếu vài trăm mới đủ mua điện thoại mới. Ngồi tù bấy lâu khiến anh mất đi nhận thức về vật giá của thế giới bên ngoài, hôm nay đến cửa hàng mới bị giá cả thời nay làm cho hết hồn một phen.

Anh nghĩ thôi đành chạy xe một ngày nữa rồi mua sau, nhưng khổ nỗi không có điện thoại thì cũng không thể đăng nhập vào tài khoản cho tài xế được.

Cát Thăng Khanh ngờ vực: Anh mới ra tù mà cũng có thể lái xe công nghệ à?

Vĩnh Quý nháy mắt cười khì, hiển nhiên là đã dùng mánh khóe gì đó.

Mưa vẫn xối xả không ngừng, trong phòng có tiếng ăn ngấu nghiến, chẳng ai nói chuyện với ai. Thầy Cát châm điếu thuốc, ngồi phía đối diện phì phèo hút.

Cùng là hút thuốc, có người trông như du côn, nhưng đến lượt thầy Cát vận đồ chỉnh tề hút thuốc nói là để giảm bớt áp lực công việc nghe có vẻ hợp lý lắm, trông lại còn nho nhã điềm đạm khỏi nói.

Người kia buông đũa, đánh ợ một cái rõ to. Anh hỏi người trước mặt xin điếu thuốc, thầy Cát nhíu mày, đưa cả hộp thuốc cho người kia.

Vĩnh Quý cười hì hì nhìn bộ dạng chỉnh tề của y từ trên xuống dưới: Lúc anh còn ở trong kia vẫn cứ lo cho mày mãi, sợ mày không thi vào đại học, không làm thầy giáo được.

Cát Thăng Khanh không đáp.

Vĩnh Quý: Có lịch sử phạm tội thì không được làm thầy giáo nữa mà. Thế nên năm ấy anh mới một mình gánh hết….

Cát Thăng Khanh ngắt lời anh, không muốn nhắc lại chuyện xưa. Vĩnh Quý vào tù rất nhiều năm vì tội danh cố ý gây thương tích khiến đối phương bị thương nặng và tàn tật, lúc ra tù ba mẹ đều đã qua đời, tiền bạc trong nhà cũng đã đem đi bồi thường hết sạch.

Vĩnh Quý biết y không muốn nghe về chuyện đó nữa, im lặng một lát lại cười: Chuyện hậu sự của ba mẹ anh cảm ơn chú mày đã giúp nhé. Tro cốt giờ để đâu rồi?

Cát Thăng Khanh: Chuyện nên làm mà. Tro cốt ở “Nam Đình” ngoài huyện, tủ số 603, hai cụ đều ở một chỗ. Từ lò thiêu xác đi về phía Nam, chỗ trạm tiếp tế mà hồi nhỏ mình từng đi nhặt vỏ dưa hấu ấy.

Vĩnh Quý ăn uống xong xuôi, định cầm bát đũa ra bồn rửa; Cát Thăng Khanh nhanh hơn một bước, vén tay áo sơ mi trắng lên cầm bát đũa đi.

Y vừa rửa vừa nói với anh đường đến phòng nghỉ đi thế nào, quần áo sạch để ở đâu, phòng tắm ở chỗ nào…. Bên ngoài trời mưa to quá, chắc hẳn đêm nay Vĩnh Quý phải ở lại qua đêm rồi.

Vĩnh Quý: Khăn thì dùng cái nào? Chắc chắn chú mày không cho anh dùng của mày rồi, cái đồ mắc bệnh sạch sẽ.

Cát Thăng Khanh hất nước đọng lại trong bát, quay lưng về phía anh: Anh cứ dùng của em đi. Chăm bọn trẻ lâu em cũng chẳng quan tâm cái nào với cái nào nữa rồi.

Phó Vĩnh Quý rời đi, cả người anh ướt sũng, tiếng bước chân cứ bẹp bẹp tiếng nước không thôi, bóng người khuất dần ngoài hành lang.

Ánh đèn vàng của nhà ăn cứ chập chờn miết, soi sáng từng giọt nước còn đọng lại trên bục rửa. Cát Thăng Khanh dứt khoát lấy giẻ lau dọn chúng, y phải kiếm ít việc để làm cho đỡ rảnh tay, ngăn mình không được suy nghĩ những chuyện lung tung.

Bỗng nhiên, ngọn đèn trên đỉnh đầu mờ dần – đèn đã bị tắt.

Y cứ nghĩ đó là trò đùa của người kia, định quay lại bật đèn, nhưng đúng vào khoảnh khắc y xoay người, một cú đánh nặng nề của kim loại đập vào đầu y – mắt kính vỡ văng ra ngoài, người ngã rạp xuống, đánh một tiếng thụp ra đất.

Sau lưng, Tiểu Cát – người vừa xuống tay – giờ đang lắc lư chiếc gậy sắt, đắc ý huýt sáo với cô chị đứng bên cạnh. Mặc dù trước khi ra tay, chẳng hiểu sao nó có cảm giác đã đánh sai người.

Hai chị em đã đi theo Phó Vĩnh Quý cả một ngày, cuối cùng cũng đến đây. Điều ngạc nhiên là dù ở đây là trường học nhưng do quá hẻo lánh nên toàn bộ khu này không hề có camera giám sát.

Thụy Thụy hỏi em trai: Hắn ta chết chưa?

Tiểu Cát lắc đầu, nó cảm giác như cần phải đập thêm vài cái nữa. Chỉ với một gậy thì khó mà đánh chết được một người trưởng thành, tính ra thì đánh một con chó còn phải đập mấy lần cơ mà.

Nó lấy gậy thọc xuống đất, muốn xác nhận lại xem chỗ “Phó Vĩnh Quý” ngã xuống vừa nãy, nhưng gậy sắt chạm đất chỉ phát ra vài tiếng lanh lảnh chứ không hề thọc trúng người.

Thụy Thụy cười nhạo thằng em: Làm gì đấy? Xé nháp trước à?

Bỗng nhiên, cô nghe được một tiếng hự, Tiểu Cát im bặt.

Cô không kịp quay người đã bị một lực rất mạnh giữ chặt khớp bả vai. Tiếng “rắc” đầu tiên vang lên, gậy sắt rơi xuống đất; tiếng “rắc” thứ hai vang lên, cánh tay Thụy Thụy mất sạch cảm giác.

Cô bị ấn chặt trên sàn, khóe mắt nhìn thấy nửa khuôn mặt người kia được ánh chớp chói lòa ngoài cửa sổ chiếu sáng – không có kính che, đôi mắt mảnh của Cát Thăng Khanh như chứa đầy ánh nhìn lạnh băng, khóe mắt bị mảnh vỡ xoẹt qua để lại vệt máu rực rỡ.

Y không nói bất cứ điều gì, chỉ nhìn chằm chằm vào cô, giống như một con rắn đang quan sát chú chuột bị quấn chặt, hay giả như một đứa trẻ đang ngủ gật trong giờ.

Cô hít thở khó khăn, dùng chút oxi cuối cùng trong phổi gặng hỏi, anh là ai?

Không có câu trả lời. Ánh mắt y thậm chí còn không thay đổi dù chỉ một chút, cùi chỏ đặt lên sau gáy cô ta.

Tiếng “rắc” thứ ba vang lên, mọi thứ chấm hết.