1.
Ngày cuối cùng ở Quân Đoàn, đứa nào cũng nước mắt ngắn dài nhưng nếu được ở lại thêm thì đều nguây nguẩy lắc đầu. Cái Tết đến gần khiến lòng ai cũng lao xao nỗi nhớ nhà. Nam Phong đã về quê theo chuyến xe của Đoàn trường.
Cảnh Lam cùng Kỳ Thư ngồi trên chiếc xuồng con dập dềnh ngắm vạt đước hai bên sông, xuồng ghe tấp nập rộn rịp mua sắm trên chợ nổi, vài chiếc xuồng chở khẩm ngấp nghía mặt nước cuộn đυ.c phù sa. Những ngả ba, đầu doi dường như vì xói lở mà rộng trơ ra. Vài cành cây mục gãy bập bềnh trôi nổi trên sông. Những mái nhà lưa thưa lẩn khuất trong khóm cây. Căn nhà mái lá liêu xiêu nằm sâu bên trong con đường mòn khiến mắt cô nằng nặng nước. Cô chạy vào ôm bà nội, cha mẹ cô nghe tiếng cũng bước vô hỏi han. Cô mở cửa phòng của em gái, con bé vùng chạy ra khiến cô bật ngả. Thằng út vẫn đang mê mải đâu đó trong xóm. Cô đi quanh một vòng. Tất cả không có gì thay đổi, chỉ có xờ xạc đi nhiều. Chiếc xuồng bé xíu vẫn nằm lặng lờ ở chân cầu sàn lảng, mặt nước gợn những làn sóng ngăn ngắt. Đêm đầu tiên cô trăn trở mãi không sao ngủ được, như một kẻ lạ xa nơi chốn quen thuộc. Gió đập vào vách nhà rào rạc, tiếng lá khua lạo xạo và tiếng gây gổ của cha mẹ về nợ nần, xích mích. Những thanh âm đó.. tựa hồ đong đầy tuổi thơ cô!
Sáng hôm sau Cảnh Lam mang quà sang biếu nội. Thằng út líu ríu mừng rỡ, Cảnh Lam cho nó chiếc rubik. Nó nhảy cỡn sung sướиɠ rồi cả buổi bám riết anh như cái đuôi. Cảnh Lam phụ cha cô bê đống đất đắp lên bờ đê bị sạt lở và bón phân tỉa tót cho vài ụ cây, rau trái quanh nhà.
Trưa ba mươi Tết, hai chị gái cô mới về đến nhà với những món đồ lỉnh kỉnh. Đó là những vật dụng trong nhà từ cái ly, thao chậu, xoong nồi, chén đĩa và ít bánh mứt. Chưa kịp vui đoàn tụ thì có hai người đến đòi nợ. Hai chị dốc hết túi, đếm đi đếm lại số tiền cũng chỉ trả được một phần lãi cho mỗi người. Cha mẹ cô hạ mình xin khất rồi nghe những lời nặng nhẹ. Cô cặm cụi nấu nướng phụ mẹ cho buổi cúng ba mươi tết. Tối đến, khi cả nhà đã ngủ, Kỳ Thư vẫn lặng ngồi trước hiên nhà nhìn vào bóng đêm u tịch nghe trận gió rít qua hoang hoải cõi lòng.
********
Ngày Tết, trẻ con chạy tung tăng ngoài bờ đê. Xóm giềng, họ hàng xúng xính cười vui. Họ hỏi han cô chuyện học hành nhưng dường như không mấy bận tâm câu trả lời.
Chiều xao xác lạnh, Kỳ Thư đang hái me sau hè thì mẹ Cảnh Lam chạy sang báo cô có điện thoại. Kỳ Thư ngẩn ngơ chợt nhớ lúc ở Quân Đoàn, cô đã cho Nam Phong số điện thoại nhà Cảnh Lam vì lúc này cả xóm không nhà nào có. Cô chạy thật nhanh, bồn chồn nhấc máy lên thì đầu dây bên kia đã ngắt. Cô hụt hẫng đứng lặng, thắc thỏm chờ đợi nhưng một hồi lâu vẫn không thấy tín hiệu. Cảm giác ngóng trông hoài mong rồi thất vọng khiến trái tim bé nhỏ chợt sợ hãi. Cô cùng mẹ Cảnh Lam trò chuyện một lúc rồi xin phép ra về. Cảnh Lam ngoài vuông vừa vào, mẹ anh liền kể lại sự việc. Anh đi ra đi vào lóng ngóng, cả buổi tối chỉ chèo queo nằm thừ.
Sáng mùng ba Tết, Cảnh Lam ăn vận tươm tất rủ Kỳ Thư đi chúc tết thầy cô. Qua mỗi đoạn đường anh nhắc nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa. Bất chợt hai mắt cô nhòe đi, chiếc áo trắng tinh khôi Cảnh Lam đang mặc gợi lên hình ảnh quá đỗi quen thuộc. Cảnh Lam không thấy cô phản ứng gì, thoáng chạnh lòng.
Đêm về khuya, Kỳ Thư úp mặt xuống gối, nước mắt rơi tự vấn: "Có phải mình đã yêu anh ấy rồi không? Mình phải làm sao?". Những lời nói thiết tha, những quan tâm xót xa, ánh mắt say đắm tình si của Nam Phong vương vất chiếm ngự trái tim cô. Cô chợt sợ hãi khi cảm thấy mình không còn là riêng mình nữa. Mỗi hơi thở của cô lúc này đều là Nam Phong, tràn ngập hình ảnh anh trong chỉnh thể của cô.
2.
Sáng sớm tinh mơ, Kỳ Thư vừa về đến nhà ngạc nhiên thấy chiếc xe máy trước cửa.
- Ai tới nhà mình mà đi xe vậy cha?
- Con vô đi sẽ rõ, nó là bạn con đó.
Giọng cha cô lạnh tanh không nhìn lấy cô một cái. Ngày hôm qua Kỳ Thư ở lại nhà cô tư nên không rõ đã có chuyện gì. Cô đi thẳng ra sau nhà, thấy hai thanh niên đang hí húi nhặt rau, nhìn cô cười tở mở. Mất một hồi cô mới nhận ra:
- Sao anh đến đây được? Anh xuống khi nào ạ? Còn đây là..
- Nếu anh muốn thì ở đâu anh không đến được chứ. Đêm qua, anh đã uống bia trò chuyện với chú và ngủ lại nhà để đợi em đó. Còn đây là Thành bạn anh.
Đạt sấn rấn bước vội đến. Cảm giác bất tiện khiến Kỳ Thư lúng túng. Cô hiểu tại sao cha cô khó chịu ra mặt như vậy. Cô chưa biết làm thế nào thì chợt nghe tiếng Cảnh Lam từ ngoài sân. Cô thoăn thoắt đáp lời như thể được viện binh. Anh đưa cô hai con cá nâu to đùng mới đánh lưới để kịp nấu bữa sáng. Cô reo lên thích thú rồi rù rì:
- Ở lại nhà mình ăn cơm rồi hãy về nhé.
Cảnh Lam hiểu ngay sự việc. Anh gật gật lém lỉnh rồi bước tới chỗ Đạt xởi lởi nói:
- A, thì ra hai anh là người hôm qua suýt rớt xuống cống đây phải không? Chào nhé, em là Lam, hàng xóm bên cạnh.
- Ồ, trùng hợp quá. - Đạt sường sượng nói.
Cảnh Lam thoải mái tiếp chuyện rồi phụ Kỳ Thư dọn cơm lên bàn. Kỳ Thư tỉ mẩn gỡ xương cá cho bà nội ở giường bên. Cô bước sang thì Đạt vội chỉ tay vào ghế bên cạnh. Thằng út vô tư chạy ù ra lấp chỗ. Đạt nheo mày gượng cười nói:
- Sẵn nhà mình đông đủ chúng ta uống vài lon bia cho vui bác nhỉ?
- Lam, con vào trong buồng lấy thùng bia hôm qua hai cháu đem xuống, uống với các anh đi con. – Cha cô đằng hắng nói. Kỳ Thư tái mét mặt mũi.
- Dạ, để con tiếp hai anh được rồi. Hai anh không biết chứ chú nào giờ không uống bia rượu, ở đây ai cũng biết cả. – Cảnh Lam hợm hỉnh nói.
Đạt mãi nhìn đăm đắm Kỳ Thư khiến cha cô khó chịu. Ông im im bỏ ra sau nhà..
Một đêm dài tịch mịch ưu phiền, căn nhà lá im phăng phắc giữa sông nước cô liêu. Cha cô giận dữ gọi cô lại rồi nghiêm khắc nói:
- Con chỉ mới đi học có vài tháng đã đua đòi chuyện tình cảm rồi hả? Cha mẹ nghèo khổ, nợ nần gần hết cuộc đời, ăn không dám ăn, mặc không có mặc. Hai chị con phải nghỉ học đi làm công nhân cả ngày đêm được vài đồng bạc, tết cũng chỉ được nghỉ hai ngày. Con Ni ốm đau triền miên, bà nội già yếu bệnh tật, thằng út bị còi xương nặng lại không được sáng sủa như con. Tương lai của gia đình phụ thuộc vào con đó. Việc học của con là quan trọng nhất với cả nhà. Con coi làm sao để xứng đáng với những hy sinh và kỳ vọng mà gia đình dành cho con. Còn nữa, con đừng làm cho gia đình phải mang tai tiếng vì những chuyện trai gái trăng hoa.
Kỳ Thư chết lặng, cổ họng nghẹn cứng, nước mắt trực trào cố nén vào trong. Cô không thiết tha giải thích. Cô chạy ra sau hè, dòng sông nằm im trong bóng đêm cùng những cơn gió đùa lạnh buốt. Có những điều tưởng chừng như hiển nhiên đời thường nhưng đôi lúc lại quá cao xa vời vợi..
Mấy ngày Tết qua nhanh, Kỳ Thư khăn gói lên thành phố. Nước mắt của bà nội như những giọt nước rỉ ra từ con suối khô cằn. Cô không dám ngoảnh đầu lại nhưng cô biết cả nhà đang ngồi trước cửa dõi theo. Kỳ Thư và Cảnh Lam ghé phòng trọ hai chị đợi chuyến xe lên thành phố. Căn phòng nhỏ xíu ẩm ương mùi mốc do mương nước phía sau thấm vào tường loang lổ. Toilet dùng chung cho tất cả công nhân thuê trọ đóng một màu đen hoắc kinh dị. Trong phòng chỉ toàn những bộ đồ bảo hộ lao động ám mùi tanh tôm cá nồng nặc. Ngồi trong phòng cũng ngửi được mùi hôi từ trong nhà máy sộc vào mũi tanh tưởi. Hai chị gói ghém chiếc quần jean và áo thun mua được ở chợ xổ bỏ vào cặp đồ xẹp lép của cô. Mười một giờ đêm xe đến cũng là lúc các chị vào ca hai. Khi xe lăn bánh, hai chị vẫn đứng trông theo vừa quệt nước mắt.
Ký túc xá nhộn nhịp không khí Tết. Cả phòng quây quần bên những món quà quê, kể nhau nghe về cái tết của gia đình rồi ngủ mê man vì thấm mệt sau chặng đường dài. Kỳ Thư ngồi tựa lưng vào tường, nhìn vào mông lung nghe gió xuân hây hẩy rít qua khe cửa. Cô nhớ đến phòng trọ của hai chị như chiếc hộp bẩn thỉu, nhớ đến mái lá lụp xụp nơi che chắn cho người thân đã qua tuổi xế chiều và trong cơn bệnh tật. Cô nén tiếng thở buôn buốt. L*иg ngực cô nhói lên khi nghĩ đến một ảnh hình viễn mộng nào đó. Mộng đẹp đến mấy rồi cũng sẽ tan nhưng cớ sao tim cô ngụt ngạt chân thực đến vậy!