Kí Ức Của Mưa

Chương 5: Lạc trong mơ hồ

1.

Học kỳ đầu tiên kết thúc sau những buổi thi căng thẳng. Sinh viên năm nhất được nghỉ một tuần trước khi vào trường quân sự học một tháng rồi về quê nghỉ Tết. Từng nhóm rủ nhau về chơi nhà các bạn gần thành phố. Cảnh Lam và các chị tíu tít bàn nhau đi Bình Phước. Kỳ Thư xộn rộn muốn báo cho Nam Phong biết để anh không phải tìm kiếm nhưng bị mọi người thúc hối nên đành xếp vài bộ quần áo đi ngay.

Cánh rừng xanh ngát dưới chân đất đỏ bazan, vách núi đá sừng sững lôm nhôm bên vệ đường. Nhóm thăm thú nơi sầm uất nhất của tỉnh, một thị xã nằm im nghiêng giữa núi rừng sơn cước. Về đến nhà Tài, trời sắp tắt nắng. Kỳ Thư cùng Trúc và Hoa tham quan vườn sau nhà. Xung quanh là rừng điều, rừng cao su và một bên xen kẽ giữa mía và sắn. Tia nắng nhấp nhánh trên lá đung đưa trong gió vu vu. Cả bọn ngồi vắt vẻo trên những cành cây to già cỗi tán gẫu một lúc lâu rồi kéo nhau vào nhà. Kỳ Thư nán lại tận hưởng không khí yên lành. Cô nhắm mắt lim dim. Trận gió thổi bay lớp lá dưới chân sột soạt đánh thức cô. Cô hít một hơi thật sâu thư thái. Cô mãi đi và hái vu vơ vài cành hoa dại. Đôi chân cô chựng lại khi chạm vào mép vực. Cô dõi mắt ra xa, thấp thoáng những ngôi nhà dưới chân thung lũng um tùm, làn khói trắng bốc lên không rõ là sương mù hay khói bếp nhà ai. Rồi cô chợt rùng mình nhận ra trời đã tối. Cô như chú ngựa chồn chân, lấy hết can đảm quay lưng lại. Trước mặt cô là một rừng điều bịt bùng không lối ra còn sau lưng là vực thẳm. Cô nhấc bàn chân cuống víu cố bước đi vừa nhẩm thầm bài hát. Cô vấp vào rễ cây nhằng nhịt rơi xuống hố, đầu ngập ngụa lá khô và bụi đất. Cô quờ quạng bám víu tứ phía, ngoi ngóp trèo lên. Tay cô nắm vào mô đất có chiếc ly hương cặm những cây nhang còn dang dở. Cô cố không khóc nhưng cô cảm thấy mình sắp chết vì sợ hãi. Cô bò dậy, gượng bước tiếp rồi lại vấp ngã và bò dậy không biết bao nhiêu lần. Cô không biết được sẽ đi đâu nhưng dù sao vẫn hơn đứng chờ sự kết thúc. Những chiếc áo mưa vắt trên cành cây phơ phất trong bóng tối mù mịt càng thêm ma mị. Gió rít đập vào cành lá phần phật. Cô bỗng nghe vọng vẳng tiếng hô gọi. Cô cố sức hét lên nhưng thanh âm tắt ngúm vào cánh rừng bạt ngàn. Một lúc sau, tiếng gọi tắt dần.

Kỳ Thư lầm lũi bước đi chệnh choạng, nhớ đến người thân trong tuyệt vọng và bóng tối dày đặc. Đi mãi, đi mãi rồi cô chợt nghe vọng lại tiếng còi xe, cô cuống cuồng bước thêm vài bước thì thấy nhấp nhoáng hai người đàn ông bên ánh đèn dầu leo lét. Một nỗi sợ hãi khác chạy qua, cô lùi lại, thậm thụt nấp sau bụi cây. Một lúc sau cô sung sướиɠ vỡ òa khi thấy nhập nhoạng bóng một người phụ nữ. Cô tiến đến gần, bà vừa nhìn thấy cô liền giật bắn người, đánh rơi ống nước.

- Cô.. cô ở đâu ra vậy? - Bà lắp ba lắp bắp hỏi.

- Con.. con đi lạc. - Kỳ Thư cũng hoảng hồn đáp.

Bà hớt hải gọi chồng và người con trai đến. Họ sửng sốt nhấc ghế cho cô ngồi. Bà mang cho cô ly nước nhỏ nhẹ nói:

- Cô đi đâu mà bị lạc tới đây? Gia đình nhà ai? Cô biết số điện thoại nhà không?

Kỳ Thư lắc đầu. Cô chỉ mơ hồ nhớ lại chiếc áo đồng phục của tụi học sinh khi đi lướt qua ban chiều. Người phụ nữ hét toáng lên:

- Vậy là cô đã đi lạc qua hai xã rồi. Có phải lạc trong rừng mấy tiếng rồi không?

Kỳ Thư gật gật đầu, không dám khóc chỉ ngồi lịm chân. Cái lạnh mùa đông về đêm nơi núi rừng kèm thêm những hạt mưa lâm thâm khiến cô run bần bật. Cô ngồi thất thần dưới mưa gió lạnh. Bỗng có tiếng hô hoán từ xa vang dội. Người phụ nữ vồn vã hỏi:

- Có phải họ gọi cô không? Chắc là bạn cô phải không?

- Dạ. - Kỳ Thư nghèn nghẹn đáp.

Bà cùng chồng con liền hô lại thật to. Người con trai leo lên cành cây cao, khua gõ vật dụng inh ỏi và bên kia cũng đáp lại thứ âm thanh không rõ lời nhưng ngày càng rõ rệt. Cảnh Lam và mọi người băng qua đường rừng kéo tới còn cô ngồi bất động thất kinh quên cả lời cảm ơn. Suốt đêm, tai cô vo vo tiếng kêu của côn trùng hay rừng rú thâm u. Mọi người thay phiên nhau ngồi bên cạnh rủ rỉ đến khi cô chìm vào giấc ngủ mệt nhoài.

Ngày sau cả nhóm vẫn vui vẻ leo núi và tắm thác. Chiều xuống nhanh cùng cơn mưa như trút nước. Cả bọn dầm mưa quanh cung đường đất đỏ lầy lội, vừa ca hát âm vang dưới mưa, tiếng cười giòn tan hòa vọng khắp núi rừng. Tối đến, cả bọn túm tụm kể chuyện, chơi bài bên bếp lửa phù phù lách tách. Ngoài hiên mưa tuôn rả rích..

2.

Mỗi ngày Nam Phong đều thấp thỏm đến Ký túc xá hỏi tin của Kỳ Thư nhưng mãi chưa thấy cô về. Anh thần thừ ở khuôn viên trường, tình cờ Yến đi tới. Từ sau hôm họp đồng hương cô đã thầm tìm hiểu về tin đồn của mọi người. Cô ngậm ngùi hờn trách anh vô tâm vô tình. Nam Phong hững hờ chào rời đi thì Yến lật đật đề cập đến Kỳ Thư khiến anh chựng lại. Anh biết Yến là đồng hương với Kỳ Thư nhưng không ngờ trước đây giữa hai người khắn khít như vậy. Yến thẳng thắn thuật lại hoàn cảnh của Thư theo những gì cô biết, có thể vì thế Nam Phong thấy khó mà lui.

Cha Kỳ Thư là người miền Trung trôi dạt vào Nam trong thời chiến tranh rồi lập gia đình. Ông bà nội và mẹ cô không hòa hợp còn cha mẹ cô cũng xung khắc. Đến khi người anh trai đầu của cô qua đời do tai nạn từ đó những mâu thuẫn càng lớn. Ông của cô đau lòng mà qua đời, bà nội khóc quá nhiều dẫn đến mắt mờ nay không còn đi lại được. Bốn năm sau mẹ cô sinh em trai. Cũng năm đó em gái cô bị bệnh, nhà không có xuồng ghe lại quá nghèo chỉ đưa ra trạm y tế xã. Họ không chẩn đoán đúng bệnh nên đến khi lên thành phố đã biến chứng teo não và bị điên loạn từ đó. Vì để chữa trị cho em gái cô, gia đình phải bán đất đai còn phải đi vay vàng của hàng xóm và bỏ bê đứa em trai mới sinh ở quê. Vuông tôm không có, vàng tăng giá, lãi chồng lãi. Em trai cô suy dinh dưỡng trầm trọng và có vấn đề nhẹ về tâm lý. Còn ba mẹ cô ngày càng căng thẳng, cũng từng ly thân một thời gian. Sau đó, tuy về ở với nhau nhưng cũng không còn một ngày nào yên ổn, chỉ có tiếng cãi vã, đôi khi là đánh đập nhau. Có lúc cha cô đã khủng hoảng tinh thần mà loạn trí gần cả tháng trời, may sau ông tỉnh lại. Từ nhỏ, cô cả ngày trầm mình dưới sông mò cá bắt ba khía kiếm ăn còn đi bộ hơn hai tiếng đến trường một mình. Khi cô vào cấp ba, hai chị gái phải nghỉ học, làm công nhân ở tỉnh để phụ giúp gia đình. Cha cô cũng bị thôi việc theo chính sách mới của Chính phủ. Cô là niềm hy vọng duy nhất của người thân. Những hằn học, đỗ vỡ trong cuộc sống gia đình đã thấm thía vào tâm hồn vốn nhạy cảm của cô nên dần dà cô khép kín đời sống nội tâm với tất cả mọi người. Cảnh Lam là người bạn thanh mai trúc mã với Thư, kinh tế gia đình khá giả và có mối thân tình hứa hẹn kết thông gia với nhà Thư..

Nam Phong lê bước chân nặng trĩu, thả mình xuống sàn nhà, gục đầu vô thần. Cổ họng anh nghẹn lại, rấm rứt khóc như một đứa trẻ.. Anh không nghĩ ngợi được gì, chỉ muốn bước đến trước mặt người con gái trong lòng anh và ôm chặt cô vào lòng, để xoa dịu những thương tâm của đời cô bằng những nát tan dằm trong anh. Không biết tại sao anh lại đau như thế!