Ngày mười lăm trôi qua, đến mười sáu là phải lên đường. Lúc cáo biệt Thần Hà, Liên Đăng cảm thấy hơi ngại, cô khiến mẹ anh ta bị thương như thế, sợ anh ta sẽ nảy lòng oán trách.
Thần Hà là người biết phân biệt đúng sai, mặc dù xót vương phi nhưng anh ta cũng hiểu cho hành động của Liên Đăng. Dẫu sao mối thù gϊếŧ mẹ còn đó, nếu hai người đổi vị trí cho nhau thì anh ta e chẳng rộng lượng được bằng nửa cô. Anh ta lấy bọc quần áo từ tay tì nữ rồi đưa cho cô, nhìn cô mặc nam trang mà lòng phấp phỏng lo lắng: “Em theo a gia xuất chinh là đạo hiếu phận làm con. Nhưng em cũng phải chú ý sức khỏe và an toàn. Anh em ta thất lạc hơn mười năm, nay đoàn tụ chưa được một tháng em đã phải đi, anh thực không đành lòng.”
Thần Hà tuy tập võ từ nhỏ nhưng bản chất vẫn là văn nhân. Thấy mắt anh ta rơm rớm, Liên Đăng bèn nắm chặt tay anh ta: “Anh yên tâm, em sẽ cẩn thận hơn. Anh cũng phải bảo trọng, đợi đại quân khải hoàn, anh em ta sẽ nâng ba ly lớn.”
Anh ta gật đầu nói được, lại nói: “Trong quân toàn là người thô lỗ, bên cạnh a gia không có người thân thiết chăm sóc, phải phiền em để ý rồi. Lần này đi Trường An tất không yên bình, cũng chẳng biết phải mất bao lâu. Nếu có chuyện gì em hãy viết thư sai người chuyển lời, báo tin cho anh.”
Anh ta cứ dặn đi dặn lại, chẳng sợ phiền hà. Liên Đăng vâng vâng dạ dạ, buồn cười rồi lại thấy cực kì cảm động.
Thần Hà nhìn về phía đội quân, quốc sư là người vô cớ thì không xuất hiện, chẳng biết giờ lại trốn tận đâu rồi. Có vài chuyện truyền ra từ viện của cô, lẽ ra phận làm huynh trưởng như anh ta không nên xen vào nhưng An Ninh không còn mẹ, anh ta sợ cô chịu thiệt nên đành lén dặn: “Lòng dạ đàn ông rất lớn, cho dù có yêu muội thì cũng chưa chắc tình nguyện để muội khống chế, nhất là kiểu người như quốc sư… Anh không tiện hỏi hai người tiến triển đến đâu nhưng giống như lần trước em khuyên a gia phải đề phòng vậy, bản thân em cũng phải phòng bị. Đương nhiên nghe lời a gia quan trọng như điều tiên quyết là không làm tổn thương em, nhất định phải nhớ kĩ.”
Liên Đăng đoán anh ta nghe được chuyện quốc sư ngủ lại đêm qua nên hôm nay mới nói nhiều như thế với cô. Mặt cô nóng bừng lên, vô cùng xấu hổ nên chỉ đáp qua loa: “Vâng. Anh dừng bước ở đây thôi, em ra tập hợp với a gia đây.” Nói rồi, cô vung roi đánh ngựa, phi về phía đại quân.
Lần hành quân đường dài này không thể nói là không mạo hiểm. Từ khi bọn họ rời khỏi Trường An đến nay đã gần năm tháng, nghe nói Trung Nguyên đã dấy binh qua, là cuộc chiến giữa Dung vương và Tín vương vốn được phong đất rời khỏi kinh thành từ lâu. Thế mới thấy, thuở khai quốc, Đại Lịch không phân đất phong hầu quả là nhìn xa trông rộng, “con phượng cháu rồng” gì đều nuôi hết ở thành Trường An, trong tay không có binh lính, không tích được thế lực thì tất không có chuyện huynh đệ tương tàn. Kết quả từ đời Cao Tông hoàng đế bỗng dưng lại noi theo nhà Hán, phong đất cho hoàng tử ra ngoài, khiến vây cánh chư vương ngày một lớn mạnh, dần dần thay đổi cục diện.
Đương kim hoàng thượng nằm liệt giường quá lâu, không khỏi được mà cũng chẳng ch3t ngay được, năm hoàng tử không chờ nổi đến khi có chiếu lập trữ* nên tự khắc nảy lòng riêng. Đại sự trong triều đều do Lương vương nắm giữ chỉ vì Lương vương là con hoàng hậu ư? Lương vương không tài không đức, tật xấu đầy mình. Những người có tài có đức ắt không phục, những người có binh có mã cũng không phục. Thế mới xảy ra chuyện đại hoàng tử Tín vương và tam hoàng tử Dung vương vì chuyện con ngỗng ngọn cỏ ở ranh giới lãnh địa mình mà sinh cãi cọ, từ tranh cãi dẫn đến đánh nhau thật, cuối cùng cả hai hợp quân với nhau, tiến thẳng vào kinh thành.
*trữ: đế vương tiếp theo
Bọn họ đã suy tính chu toàn, ví dụ về loạn An Sử năm xưa khởi phát rồi dẫn đến “Mày ngài trước ngựa phải hi sinh*” còn đó. Thế nên bọn họ không trực tiếp đề cập tới vấn đề người kế vị mà mục tiêu chỉ có một, là phế Chu hoàng hậu đương làm mê hoặc triều cương. Chu hoàng hậu đã ngoài năm mươi, dù thuở xuân thì có là mĩ nhân thì đến năm mươi cũng tàn phai nhan sắc, dùng hai từ mê hoặc quả thật có phần gượng ép. Song đây lại là chiêu cách sơn đả ngưu**, một thủ đoạn chính trị rất hữu dụng. Hoàng hậu rớt đài ắt kéo Lương vương xuống, có khi mẹ con họ còn có cơ hội vào đại lao trong Lệ Cảnh Môn ăn cơm tù cùng nhau.
*Câu gốc“Uyển chuyển nga mi mã tiền tử”, trích trong bài “Trường ca hận” của Bạch Cư Dị, ý chỉ việc Dương quý phi ch3t trong loạn An Sử thời Đường. Bản dịch trên thivien
** Cách sơn đả ngưu (Cách núi đánh ch3t trâu): Một chiêu thức võ công trong truyện Kim Dung, có thể hiểu là hành động gián tiếp gây hại.
Đại quân của Tín vương và Dung vương đuổi tới, Sở vương vốn phòng thủ đạo Sơn Nam vâng mệnh chặn đánh, kết quả vị vương gia này lại là cao thủ, lấy bộ mặt hòa giải giả dối ra để nói chuyện với hai người anh em. Thùng rỗng kêu to, đánh xong hai bận thì lời răn dạy “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” đều bỏ hết ngoài tai. Trường An như con gà trụi lông, không có chi viện từ bên ngoài nên đành tự vật lộn.
Cũng may trong tay hoàng đế vẫn có binh quyền, hai nha nam bắc cộng với phủ binh, ít nhất cũng cầm cự được hai ba tháng. Đúng lúc này Định vương đưa mật báo đến Trường An, muốn phân ưu giúp vua, trấn an bốn bề, dẹp loạn chư vương. Thật ra Trường An chưa đến mức hết đạn cạn lương, hoàng đế biết mấy thằng con mình đánh nhau, dù ai thắng thì vẫn là lọt sàng xuống nia. Nhưng nếu Định vương cũng tham gia thì mối uy hϊếp sẽ lớn hơn, có khi còn đến mức giang sơn đổi chủ.
Trung Nguyên rối loạn, bệnh tình hoàng đế lại càng thêm nặng. Đợi lúc thở được ra hơi thì ông ta vội vàng sai Trung thư tỉnh viết chiếu, hạ lệnh cho Định vương án binh bất động, tiếp tục trấn giữ quan ngoại. Kết quả khi chiếu thư đến thì đại quân Định vương đã đến Biển Đô Khẩu.
Bấy giờ Định vương lại bắt đầu do dự giữa đánh và lui. Nếu cả năm vương gia bỗng nhiên tỉnh ngộ mà hợp sức chĩa mũi giáo vào người ngoài thì kế hoạch của ông ta sẽ đổ bể. Ông ta hỏi quốc sư, lại nhận được đáp án rất đơn giản: “Tướng ở bên ngoài có thể không nhận được lệnh vua. Điện hạ chỉ cần chờ, chờ khi hai quân và phủ binh cùng bị tổn thất thì điện hạ có thể làm ngư ông đắc lợi.”
Định vương cuối cùng cũng an tâm hơn, Trung Nguyên đã ngay trước mắt, ông ta như nghe thấy tiếng vọng quê hương xa cách bấy lâu. Quả thật không nên do dự nữa, ông cuốn tấm lụa vàng ấy lại, vứt lên bàn trà: “Vậy theo quốc sư, đại quân ta nên tiến vào lúc nào?”
Quốc sư đong đưa cây quạt, nhìn về rặng núi phía xa, thời tiết ở đây thay đổi rất nhanh, phải đi qua con đường hiểm yếu này càng nhanh càng tốt. Chàng ta nói: “Trong vòng ba ngày nhất định phải vượt qua Biển Đô Khẩu. Sau khi qua cửa ải thì chỉnh đốn lại ở Võ Uy rồi bình tĩnh quan sát. Điện hạ hãy ra lệnh cho ba quân, chuẩn bị quần áo chống rét, than củi, chăn nệm, áo giáp. Đợi khi cần mới chuẩn bị thì không kịp nữa.”
Định vương nghe vậy có hơi nghi ngờ, ngẩng đầu lên nhìn trời, chỉ thấy vầng dương chói chang, nếu phơi nắng thì chưa đầy ba khắc đã khô nứt. Thời tiết như vậy mà vác quần áo đông hành quân thì đúng là gánh nặng không nhỏ cho binh sĩ.
Ông ta nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn sai đô úy đi làm. Sự thật chứng minh quốc sư quả nhiên liệu sự như thần, đêm sau hôm đại quân vào hẻm núi thì bỗng có bão tuyết, mười ba vạn người ngựa bị vây khốn, nếu không có quần áo ấm và lửa than thì e là ch3t mất hơn nửa.
*An tức hương: Loại hương làm từ nhựa cây Cánh kiến trắng. Tên khác: An tức hương, Bồ đề, Mệnh môn lục sự, Thoán hương, Tịch tà, Tiện khiên ngưu, Thiên kim mộc chi, Chiết bối La hương. Tên khoa học: Styrax Tonkinensis (Pier.) Craib
- -----oOo------