Con Đường Trở Thành Cáo Mệnh Của Mẹ Chồng Nông Thôn

Chương 6.1: GIAO THÔNG CHẬM CHẠP THỜI CỔ ĐẠI

Trúc Lan kêu:

- Vợ lão Đại đâu, vợ lão Đại đâu rồi?

Lý thị đang nằm lười trong phòng thì nghe thấy tiếng mẹ chồng la lên hết hồn, suýt nữa là ngã xuống giường rồi, vội ôm con

- Mẹ ơi, có chuyện gì thế?!

Trúc Lan đỡ chồng nằm lên giường, nói với Lý thị:

- Đi kêu lão Đại lão Nhị về đây, bảo bọn chúng tới nhà lý trưởng* mượn xe bò về đưa cha các con vào trấn khám bệnh."

(*Lý trưởng là chức danh do làng xã bầu ra, phụ trách quản lý sổ sách, đất đai, thu thuế, đốc thúc làm đê điều, đường sá vào thời xưa.)

Lúc này Lý thị mới thấy cha chồng đang đau đớn, cuống quýt chạy đi.

Trúc Lan đứng dậy đi múc nước thấm ướt khăn để lau trán hạ nhiệt độ cho chồng, đến lúc này vợ lão Nhị mới ưỡn bụng thong thả tới muộn, đứng ở cửa rơi nước mắt như đang khóc tang, khiến Trúc Lan tức đến nỗi gào thét:

- Không giúp được gì thì về phòng đi, khóc cái gì mà khóc, xúi quẩy!

Trúc Lan thét lên mà không khống chế âm lượng, Triệu thị lau nước mắt rồi ra ngoài, Trúc Lan chẳng buồn quan tâm nữa, chắc chắn cái danh mẹ chồng hung dữ lại vang dội thêm rồi.

Toàn bộ sự chú ý của Trúc Lan đều đặt lên người chồng nguyên thân, không cần nói cũng biết trong lòng thấy phức tạp thế nào, nếu chồng nguyên thân chịu không nổi mà qua đời thì cô sẽ thấy nhẹ nhõm trong lòng, nhưng cũng để lại một cái gai ở đó, dù sao cũng là một mạng người sống sờ sờ mà.

Đổi khăn liên tục vài lần thì trán chồng mới bớt nóng đi, nhưng miệng thì cứ lẩm bẩm, "Nước, nước."

Trúc Lan vội đổi khăn rồi đứng dậy ra ngoài phòng khách rót nước, may mà trời vừa vào thu nên có sẵn nước ấm chứ không giống như mùa hè, trong ấm trà có nước nóng mới đun vào buổi sáng, bây giờ đã nguội thành nhiệt độ vừa phải, cẩn thận đút một ly nước xong, thấy chồng dễ chịu hơn cô mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó cô vội vàng leo lên giường, lấy chìa khóa để mở hòm tiền ra, bây giờ không còn thời gian để quan tâm tài sản nữa nên cô lấy mấy lượng bạc vụn và mấy chục đồng tiền, rồi nhanh chóng khóa hòm lại.

Cô đã có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh, lúc ông bà nội nằm viện, vì cha bận nên cô luôn là người theo chăm. Sau khi lấy chăn ra và chuẩn bị xong mọi thứ thì lão Đại và lão Nhị đánh xe bò về tới. Trải cỏ trên xe bò rồi trải thêm một lớp chắn lên, Trúc Lan chỉ huy dựng cỏ cao lên hai bên để chắn gió, sau khi xác nhận không còn sai sót gì thì cô giao lương thực của buổi trưa và buổi tối cho Lý thị, khóa cửa lại và lên xe đi.

Đi xe ở cổ đại vô cùng cực khổ, đường quê gồ ghề xóc nảy, bánh xe còn không được giảm xóc nên lắc lư cả đường đi, vì không phải kiểu người bị say xe nên Trúc Lan không thấy buồn nôn, đi khoảng nửa canh giờ mới vào được trấn. Thôn Chu gia không xa trấn lắm, Trúc Lan không dám nghĩ, chừng đó thời gian mà gần thì bao lâu mới tính xa. Trúc Lan tò mò quan sát xung quanh, ký ức và tận mắt thấy là không giống nhau, dựa theo vị trí địa lý thì chỗ Trúc Lan ở cũng khá gần với kinh thành, nhưng dù có gẫn cỡ nào thì cũng phải đi xe non nửa tháng, giao thông thời cổ đại đúng là chậm chạp mà.