Trường Dạ Vô Ninh - Đêm Dài Không Yên

Chương 10: Trường Ninh (2)

“Rõ ràng ta đã chờ lâu như thế, từ năm bảy tuổi quen biết hoàng thượng, chàng cưỡi ngựa tre lại, chạy quanh giường nghịch ném quả mơ xanh. Ta một lòng chờ đợi, đợi từ tóc trái đào tóc để chỏm rồi đến khi trổ mã thành thiếu nữ tuổi trăng tròn, chỉ đợi hoàng thượng dâng tấu xin cưới ta về làm vợ. Nhưng cuối cùng ta đợi được cái gì đây?” Ta muốn đẩy hắn ra nhưng hắn lại dùng hết sức, ta mệt mỏi, cả người xụi lơ, chỉ có thể bất lực dùng lời lẽ lên án hắn: “Đợi được một tờ giấy minh hoàng, những tưởng là thiên ân đại thưởng, ban cho ta phú quý tột bậc, ai ngờ được thánh chỉ viết sẽ gả ta cho thái tử làm thái tử phi! Rõ ràng là từ bảy tuổi ta đã nghĩ rằng, ta sẽ là…” Ta đấm mạnh vào ngực hắn, “Sẽ là tân nương của ngũ hoàng tử Lý Thừa Mục!”

Nỗi tiếc hận này đã đeo bám cả hai chúng ta quá lâu rồi.

“Được, nếu ngươi đã trơ mắt đứng nhìn, nếu ta phải gả cho thái tử, vậy thì tại sao, tại sao sau khi xảy ra chuyện… tại sao khi thái tử chết ngươi lại cứu ta, tại sao không để ta đi theo chàng luôn đi…”

“Bởi vì ta không nỡ!” Hắn nâng mặt ta lên, “Nhiều năm như vậy, Vinh quý phi hung hăng càn quấy, thế nhưng trẫm vẫn cho qua mà ban cho nàng ấy quyền thế tột bậc, nàng có biết lý do vì sao không?”

Ta không nói.

“Bởi vì nàng ấy giống mẫu phi của trẫm, từ lần đầu tiên gặp trẫm đã như được nhìn thấy hình ảnh một phi tần không được sủng ái của mẫu phi khi xưa. Trẫm thích Tình nhi tranh sủng ương ngạnh, không từ thủ đoạn, mỗi lúc như thế trẫm đều sẽ nghĩ, nếu năm đó mẫu phi cũng làm vậy thì biết đâu người đã là Dung quý phi tôn quý rồi, có thể lọt vào mắt xanh của phụ hoàng, và trẫm cũng chẳng cần làm ngũ hoàng tử bị người người hắt hủi. Hơn cả là trẫm sẽ có đủ dũng khí để đến nói với phụ hoàng, nói rằng trẫm muốn cưới con gái của Đồng đại nhân trong tay nắm trọng quyền.” Hắn chăm chú quan sát từng đường nét trên khuôn mặt ta, “Nhưng bao năm trôi qua, trừ nỗi oán giận luôn âm ỉ thì trẫm chẳng làm được gì cả, oán mẫu phi không chịu tranh giành, chôn vùi cả nửa đời trong cung mà đến cuối cùng cũng chỉ là một Dung tần không đáng để vào mắt, khiến cho trẫm ngay đến người mình yêu cũng không thể có được!”

Ta nhớ tới lời Dẫn Diên từng nói, tính tình của Vinh quý phi vốn dĩ không kiêu ngạo bướng bỉnh như vậy, ngược lại từ khi nàng ta thay tính đổi nết, bắt đầu tranh đoạt danh lợi thì mới được hoàng thượng để ý đến rồi sủng ái đủ kiểu, thăng vị liên tiếp. Lý Thừa Mục cũng là con người đáng thương, cả đời của hắn chỉ dành để bù đắp lại những nuối tiếc, nuối tiếc với mẫu phi Dung tần của hắn, và cả nuối tiếc với ta.

Tiếng chuông điểm giờ Tý vang rõ mồn một, hôm nay là ngày giỗ của phế thái tử Lý Tử Du.

Ta không biết Uyển phi có đợi được người đã nhấn chìm nàng trong hối hận cả đời này hay không.

Lý Thừa Mục in một nụ hôn lên mi mắt ta, nhẹ nhàng cất giọng hỏi: “Dục nhi, nàng có hận không?”

Đối lập với dịu dàng của hắn, giọng điệu của ta vừa thản nhiên vừa lạnh lùng: “Hận ai?”

“Còn ai nữa đây?” Hắn cười khổ.

“Hận.” Ta gật đầu. “Hận hoàng thượng, cũng hận thái tử.”

Miệng hắn lẩm bẩm lặp lại lời ta nói: “Hận thái tử…”

“Đúng vậy, năm ấy binh cách mãn đạo, nhung mã sinh giao*, quân đội nổi loạn đều do thái tử phát động, mà ta cũng không phải kiểu người không hiểu lý lẽ, tất nhiên biết việc hoàng thượng xuất binh tận trung là điều bất đắc dĩ, cũng chẳng phải sai trái.” Cái tình cái lý ta đều hiểu rất rõ ràng, thế nhưng nỗi lòng bâng khuâng, đau thương khó dằn. “Ta cũng biết, thái tử cưới ta là vì binh quyền trên tay cha ta. Bảo cái gì mà đồng mưu với thiên hạ, nhưng kết quả thì sao? Công lao và thành tích cả đời của cha ta, vậy mà rốt cuộc đi theo thái tử khởi binh bức vua thoái vị, rơi vào kết cục đầu mình hai nơi, cả nhà Đồng gia bị tịch thu tài sản gϊếŧ kẻ phạm tội, đứa bé con vẫn còn bọc trong tã lót của huynh trưởng nhà ta ngã chết dưới nền đất lạnh như băng, thậm chí người hầu trong nhà vô tội cũng bị gϊếŧ sạch, gánh trên lưng tội danh bất trung bất nghĩa, sao ta có thể không hận được đây?”

*Binh cách mãn đao, nhung mã sinh giao: Chiến tranh bùng nổ gây thương vong.

Ta túm lấy tay áo của hoàng đế, nắm chặt đến mức như muốn xé ra thành trăm mảnh: “Đến tận bây giờ ta vẫn nhớ rất rõ, hoàng hôn ngày hôm đó, cha ta chết, thái tử bị bắt, ta và nương ở trong phủ thái tử chờ xử lý. Cuối cùng lúc được ban rượu độc ta đã hỏi nương có hận cha ta không, bà ấy nói lòng cha ta có gia đình cũng có đất nước, tự ông ấy có suy tính riêng, dù cho cha ta chết không chỗ chôn, nằm dưới một nắm hoàng thổ thì bà cũng phải tìm cha ta cho bằng được, tiếp tục làm thê tử kết tóc của ông…”

Ký ức vẫn luôn mới mẻ vẹn nguyên như ban đầu.

Ngày ấy, Đồng gia chết sạch, phủ thái tử nhuộm đỏ máu tươi, duy chỉ có mình ta sống sót.

Ta dốc cạn chén rượu độc vào bụng, thế nhưng khi tỉnh lại thì phát hiện mình đang nằm trên xe ngựa của ngũ hoàng tử, Lý Thừa Mục nói với ta, hắn nhất định sẽ bảo vệ ta an toàn.

Ta hỏi hắn tính bảo vệ ta kiểu gì.

Hắn nói, nếu hắn có thể kế thừa nghiệp vua thống nhất đất nước, đợi thời cuộc đi vào quỹ đạo thì sẽ nạp thϊếp, nếu hắn vẫn là vương gia thì sẽ dắt ta cao chạy xa bay quên đi chốn kinh đô hỗn loạn.

Ta nói, chàng có thể bảo vệ được tính mạng cho ta, nhưng chàng bảo vệ được trái tim ta không? Năm tháng mênh mông, cứ cho là ta sẽ sống khỏe mạnh thì chắc gì trong lòng đã thấy thanh thản?

Đây là thực tế tàn khốc mà chúng ta không thể không đối mặt, mẫu phi Dung tần của hắn vì bảo vệ tiên hoàng đã chết trong tay tướng sĩ dưới trướng cha ta, phụ thân ta là đô hộ Đồng úy, cũng bởi vì Lý Thừa Mục hắn mà thất bại thảm hại phải chọn con đường tự sát. Cộng thêm mối huyết thù của cả nhà ta, phu quân ta chết, món nợ rối mù này sẽ vĩnh viễn là thứ ô uế theo chúng ta suốt cả cuộc đời.

Sau cùng, Lý Thừa Mục đưa ta tới chùa An Nguyên, đứng dưới chân núi hắn đã cầu xin ta hãy quên đi hết thảy mọi thứ, hắn nói hắn sẽ luôn chờ, chờ cho đến khi mọi thù hận vướng mắc hóa thành thóc mục vừng thối, gói ghém lại rồi chôn chặt xuống tận đáy lòng.

Ta nói như vậy phải mất rất nhiều thời gian.

Hắn hỏi ta bao lâu.

Ta thuận miệng bảo chắc là cần bảy năm gì đấy, bảy năm sau chàng hẵng đến tìm ta. Từ đó trên thế gian này đã không còn Dục nhi nữa, cứ coi như biển rộng cá chìm* không chỗ hỏi, dẫu cho bảy năm sau gặp lại, cũng chớ quay đầu nhìn lại chuyện năm xưa.

*Trích Ngọc Xuân lâu kỳ 2 - Âu Dương Tu

Lý Thừa Mục đồng ý với ta, nhưng sau đó hắn đã nuốt lời.

Từ khoảnh khắc hắn gọi lên một tiếng “Dục nhi” là ta liền biết, cái gọi là lãng quên chẳng qua chỉ là trò chơi tự lừa mình dối người mà thôi.

“Ngày ấy chia tay dưới chân núi, chàng nói chàng đã không còn mong muốn gì hơn, mà ta chỉ có hai ước nguyện, một nguyện chàng mộng đẹp, hai nguyện chàng trường ninh, từ nay về sau Trường Ninh sẽ là tên của ta. Ta lại hỏi chàng nên lấy họ gì bây giờ, chàng nói ban ngày thường náo nhiệt, còn có thể lừa gạt chính mình, chỉ sợ nhất là ban đêm vừa dài vừa lạnh lẽo, trằn trọc giấc ngủ chẳng yên, lại sợ gối chiếc chăn đơn, việc cũ hóa mộng, không bằng lấy họ Diệp đi. Phát âm giống nghe rất giống chữ “dạ”*, “dạ dạ trường ninh” (hằng đêm bình yên).”

*(Dạ - đêm; 叶 (diệp) và 夜 (dạ) đều phát âm là yè)

Trong miệng ta như có hai vị đắng chát và ngọt ngào trộn lẫn vào nhau, “Nhưng chúng ta không làm được, bảy năm đó, ta chỉ có đêm dài không yên, hoàng thượng, chung quy vẫn phụ mất một tấm lòng thành tâm thật ý.”

“Làm sao nàng biết đó là thành tâm thật ý?” Hắn hơi gật đầu rồi nhướng mày nhìn ta, động tác tuy lơ đãng nhưng lại ẩn chứa vô vàn cay đắng.

Mưa rơi mỗi lúc một nhỏ dần, bóng dáng Vệ công công chắc biết đã biến mất lúc nào.

Gần vua như gần cọp, thế nên những người hầu cận cạnh hoàng đế phải là những người biết xem xét tình hình, lâu dần cũng tạo thành thói quen. Nếu một ngày nào đó bọn họ đánh mất đôi mắt sáng suốt của mình, hoặc hóa ngây hóa dại - ví như Uyển phi bị thái tử và hoàng thượng đẩy vào ranh giới giữa yêu và hận, ngần ngừ mãi mà chẳng thể quyết định, hoặc phát điên - chẳng hạn như vị Hầu Uyển Doanh đó lúc biết người thân ruột thịt của mình một đi không trở lại, hoặc thật sự biến thành kẻ đầu óc u mê - điển hình là Nhu sung nghi.

Ta chẳng quan tâm đó là thật lòng hay mặt nạ giả dối, chỉ là tự nhiên muốn quay về chùa An Nguyên, còn nhớ ngày này năm ngoái ta đang nương theo ánh nến lay lắt mà đốt cho Thừa Du một phong thư nhà.

Ngày hắn chết là một ngày rét đậm.

Năm trước gió lạnh tràn về, đã thế lại còn thổi rất mạnh, đến nỗi phá hư cả khung cửa sổ giấy, dập tắt chút ánh sáng yếu ớt vàng vọt từ ngọn đèn cầy, ta đứng dậy châm lại thì một lần nữa bị gió thổi tắt lịm. Mồng một năm trước gió lạnh thấu xương, lúc ta đốt thư tàn tro bị gió cuốn bay loạn, suýt chút nữa đốt cháy cả tấm mành đã ngả màu. Tiểu hòa thượng trong chùa thấy có ánh lửa phát ra từ phòng ta, lại nghe tiếng kêu cứu điên cuồng của ta thì chạy đến dập ngọn lửa tí thì gây ra hỏa hoạn.

Nhặt mấy mảnh giấy vụn dưới đất lên, tiểu hòa thượng nhìn mấy dòng chữ nhỏ mà ta không thể nói cho Thừa Du rồi hỏi: “Diệp cô nương, sao lại viết ‘nguyện kiếp sau không gặp lại’?”

Ta nhận lấy mảnh giấy, nhìn thoáng qua dòng chữ: “Nghĩa là, kiếp sau, kiếp sau sau nữa, kiếp sau sau sau nữa, cũng sẽ không tái ngộ.”

“Nếu không gặp thì còn viết cho người đó làm gì?” Tiểu hòa thượng bày ra dáng vẻ muốn giảng giải, “Nếu người đó ở dưới cửu tuyền thực sự nghe được những lời này của Diệp cô nương, có thể bỗng dưng thấy phiền não, nhưng lại càng không quên được. Hay thôi Diệp cô nương đừng đốt, cũng đừng nói gì nữa.”

Ta bảo tiểu hòa thượng nói rất chí lý rồi nhanh chóng mở cửa đẩy người ra ngoài, phút cuối còn nói thêm một câu: “Vậy thì nguyện được gặp lại, chỉ xin duyên nặng, không cầu tình nhạt, người có duyên có tình, cả đời chỉ gặp được một lần duy nhất, đó chính là chuyện tốt đẹp nhất…”

Gió hôm nay vẫn chẳng bớt khắc nghiệt, ta quấn tấm áo mỏng ho hai tiếng, hoàng thượng nói muốn tiễn ta về, ta nhìn hắn gật đầu.

Trên đường đi ta hỏi hắn ngày hôm đó xuất cung rốt cuộc Lâm hoàng quý phi đã xảy ra chuyện gì.

Ta hỏi một đằng hắn trả lời một nẻo, hắn bảo Uyển phi từng có một đứa con gái.

Ta nói mình biết lâu rồi, con bé tên là Ngọc Hoàn.

Hắn lại tiếp tục ông nói gà bà nói vịt, bảo Thục Nghi hoàng quý phi từng mang thai, được bảy tháng thì không giữ được đứa nhỏ, bản thân nàng ta khi ấy cũng được dịp dạo một vòng quỷ môn quan.

Việc này ta chưa nghe bao giờ vì thế thức thời ngậm miệng.

Hắn nói cái tên Hựu Khanh đúng là thú vị, trước kia trẫm hỏi nàng ấy tại sao lại có tên này, nàng nói cha mẹ nàng gắn bó tình thâm. Lúc đó sinh nàng khó khăn, nàng vừa chào đời là bà ấy cũng trút hơi thở cuối cùng, dung mạo của nàng rất giống với bà, và là niềm mong chờ lớn nhất của bà lúc còn sống. Mỗi khi nhìn nàng là cha nàng lại cảm thấy như vợ mình đang hiện hữu trước mặt, bởi vậy nên mới đặt tên cho nàng là Hựu Khanh*.

*(“Khanh” là tiếng gọi thân mật giữa vợ và chồng, “hựu” là có. Vì vậy Hựu Khanh hàm ý là dù vợ mình đã khó sinh mà mất, nhưng đối với người cha thì bà vẫn còn sống mãi bên cạnh ông, trường tồn trong tim ông)

Hắn cười rộ lên, nói: “Nàng rất giống Hựu Khanh, không chỉ một mà có nhiều nét vô cùng giống, giấu cái khôn giả vờ hồ đồ cũng giống, vừa nhìn thì có lẽ là người thẳng thắn thành thật, biết đâu tính cách sẽ làm cho người khác quý mến.” Dứt lời, vẻ mặt của hắn đột nhiên sa sầm, “Thế nhưng ai ngờ được, bên trong lại là nọc độc chết người!”

Một mỹ nhân vui vẻ như Lâm hoàng quý phi, qua miệng hoàng đế thoắt cái đã thay đổi hoàn toàn.

Lý Thừa Mục nói rằng hắn vẫn biết Lâm Hựu Khanh làm ra những chuyện này, vì để củng cố ân sủng, không ít người trong hậu cung đã phải hứng chịu thủ đoạn của nàng.

Lâm hoàng quý phi trong truyền thuyết vừa phúc hậu lại vô hại, dịu dàng đoan trang, nhận hết ba ngàn sủng ái, nhưng chỉ nàng và hoàng đế mới biết người chung chăn chung gối với mình dường như luôn tạo ra một cảm giác xa cách lạnh lùng không thể nói rõ, lòng hắn ngổn ngang trăm mối tâm sự nặng nề, muốn nhìn thấu mọi thứ nhưng chẳng sao làm được. Tết trung nguyên hằng năm hắn vẫn giả vờ thành tâm cầu phúc, đến chùa An Nguyên ở suốt một đêm.

“Lúc đầu trẫm không có ý định loại trừ nàng ấy, tuy rằng không yêu nhưng ít ra nàng ấy ở bên thì lòng trẫm còn có nơi để gửi gắm.” Hắn thở dài một hơi não ruột, “Chỉ là nàng không nên hao tổn tâm trí tìm hiểu bí mật trẫm cất giấu ở chùa An Nguyên mới phải.”

“Chuyện của Hoàn nhi trẫm đã nhắm một mắt mở một mắt tha cho nàng. Đến chuyện của con gái Hầu gia thì trẫm không thể giữ nàng lại được nữa rồi.” Khẩu khí của hắn tàn nhẫn vô tình, như thể Lâm Hựu Khanh đó cũng chỉ là cơn gió ngắn ngủi thoảng qua bên đời hắn mà thôi, “Nếu nàng ấy đã muốn tới chùa An Nguyên nhìn tận mắt thì trẫm sẽ để nàng được toại nguyện, trẫm còn muốn để Tình nhi đi cùng nàng nữa kìa. Sợ một mình nàng nhìn không hiểu, hiểu rồi chắc cũng chẳng tin, thế nên phải có người tới giải thích mới được.”

“Vậy là Vinh quý phi luôn biết…”

Hắn gật đầu: “Tình nhi dáng dấp phong nhã, tư thái lả lướt, tuy nhiên không phải người trong lòng trẫm, nhưng trẫm vẫn quý trọng nàng ấy.”

Ta chợt hiểu ra thứ gì đó, bước chân khựng lại, quay sang níu chặt tay áo hắn: “Không đúng, không phải hoàng thượng không giữ được nàng ấy, mà là hoàng thượng đã bán đứng nàng. Chỉ sợ việc đó đã được hoàng thượng sắp xếp từ sớm, khiến Lâm quý phi sinh lòng ghen tị, đồng thời cũng đả kích Thục Nghi hoàng quý phi mình mang long thai, đúng là một công đôi việc. Vừa diệt được huyết mạch Hầu gia cũng xóa sổ luôn Lâm hoàng quý phi.”

Hắn không nói mà đã cắm đầu đi thẳng.

Ôi, thật không hổ là ngũ hoàng tử mà ta quen biết.

Dung tần không được sủng, Lý Thừa Mục từ nhỏ tâm cơ thâm trầm, vẻ ngoài dễ bắt nạt nhưng giấu một bụng binh giáp, người như vậy, quả là một tay hoàng đế lão luyện. Chẳng qua vị trí này phải đánh đổi bằng máu của người thân và nửa đời tiếc nuối. Nếu để Lý Thừa Mục tự lựa chọn thì chắc hắn không muốn đâu, nhưng số phận có bao giờ trao quyền cho người chọn lựa cũng như vãn hồi, nó cho được, thì cũng cướp lại được.

Ta rảo bước chậm rãi về Thái Bình điện, khép cửa cung lại, nghiêng đầu không nhìn hắn rồi khẽ nói: “Xin hoàng thượng quay về đi.”

“Không giữ trẫm lại sao?”

Ta vẫn thẳng thắn thừa nhận như mọi khi: “Ngày giỗ của Thừa Du, nếu chàng tới tìm ta thì sẽ không muốn gặp ngươi đâu.”

Hắn gật đầu sau đó xoay người rời đi.