Ý - Tình Yêu Và Đam Mê

Chương 28

Suốt một tháng hè, tôi chỉ có thể đi đi lại lại trong phòng bệnh của mình mà không hề biết được bên ngoài kia, cuộc sống mỗi ngày đều một thay đổi.

Đứng lặng bên khung cửa sổ, tôi cứ ngẩn ngơ đảo mắt nhìn xuống dưới con đường nhỏ của bệnh viện, hai bên là những hàng cây vừa xanh um lại cao lớn. Dưới những hàng cây đó có một số người đang ngồi cạnh nhau mà nhỏ to tâm sự.

Tôi đứng từ trên lầu cho nên có thể nhìn bao quát khắp một khuôn viên bệnh viện. Phía đằng xa kia đang có một bà cụ lưng hơi còng xuống, tay chống gậy. Tưởng chừng bà cụ sẽ có một khuôn mặt rầu rĩ sầu não vì căn bệnh loãng xương của mình nhưng không, bà cụ ấy cứ mỉm cười suốt vì bên cạnh bà còn có cô cháu gái nhỏ.

Tôi đoán kia là cháu gái của bà cụ. Một đứa bé gái cột tóc đuôi gà, quần áo giản dị đến đơn sơ, một tay luôn nắm lấy tay bà mình, bản thân thì đi về phía trước muốn dẫn bà mình đi khắp nơi.

Lại đảo mắt qua chỗ khác, tôi nhận ra có một dãy hành lang hơi khuất tầm nhìn tôi một chút đang có không ít người trải chiếu ra ngồi chờ đợi. Tôi nghĩ họ là những người nhà của bệnh nhân, cũng có thể chính là bệnh nhân đang cần khám bệnh.

Việc trải chiếu ngồi nép ở bên hành lang thế kia đủ nói lên việc gia cảnh khốn khó đến thế nào rồi.

Khẽ nhíu mày, tôi còn muốn đứng nhìn thêm một chút nữa thì ở phía sau, Như bỗng đi tới vỗ vai tôi một cái.

Như nghiêng đầu, cười nhẹ nhàng, " Đã hết sợ cửa sổ rồi sao?"

Tôi thu lại tầm mắt của mình, không nói gì, chỉ chậm rãi vén tấm rèm ra thêm một khoảng nữa, để lộ được khung cửa kính đang bị dán đầy những bức tranh khó hiểu.

Như liếc nhìn chúng, hồi sau phì cười:

" Như quên mất. Mấy hôm trước Khải Tâm có nói, cứ tích cực vẽ tranh rồi dán lên khung cửa sổ để khiến Ý có cái nhìn khác hơn về nó. Hiện tại.."

Như mỉm cười, một tay đưa lên muốn tháo gỡ nhưng bức tranh đó, " Hiện tại có lẽ cũng không cần thiết nữa nhỉ?"

Đôi mắt tôi nhẹ nhàng lướt theo từng động tác tay của Như, hồi sau không hiểu sao lại ngăn cậu ấy lại, thấp giọng nói:

" Cứ để đi. Ý thấy chúng dễ thương lắm."

Như quay đầu, " Ý vẫn chưa đủ dũng khí nhìn thẳng vào cửa kính à?"

Tôi hạ mi mắt, mấy khớp tay hơi co lại.

Không phải tôi không đủ dũng khí, chỉ là tôi thích nhìn ngắm những bức tranh trẻ con này thôi. Vì nó khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của chính mình thường vẽ ra những thứ đáng yêu hồn nhiên như thế này.

Quay về giường nằm, tôi lôi cuốn vở bí mật của mình ra, không cần nhiều thời gian để nghĩ ngợi thì đã phác họa được một khung cảnh rất cảm động.

Đó là hình ảnh một người bà cùng một đứa cháu gái đang nắm tay nhau dạo quanh một khuôn viên đầy lá hoa.

Như bước tới cúi xuống nhìn một chút, sau đó a một tiếng:

" Có phải là bà cụ bên dưới kia không?"

Tôi ngẩng mặt, cười khẽ, " Ừ, đúng rồi."

Như cũng chỉ hỏi nhiêu đó rồi nhanh chóng đi đến chỗ giường dành cho người nhà bệnh nhân, nằm nghỉ ngơi, nghịch điện thoại một chút. Còn tôi thì vẫn ung dung ngồi vẽ vời cho đến khi cảm thấy khát nước.

Theo phản xạ quay đầu lại, tôi với lấy cốc nước thủy tinh, lúc này mới ngỡ ngàng khi thấy xung quanh chiếc cốc đều được dán bằng giấy màu cắt dán rất khéo léo.

Tôi định hỏi Như những thứ này ở đâu ra nhưng rồi chợt nhớ đến nhà tâm lý học Khải Tâm, thế là bật cười một tiếng.

Việc uống nước của tôi càng lúc càng trở nên thật đáng yêu và không có gì đáng sợ hãi nữa. Những chiếc cốc này mỗi ngày đều có những hình dáng khác nhau, làm cho tôi có cảm giác thích thú không ngừng ngắm được.

Tôi không rõ hành động nhìn chăm chú một vật của mình có khiến Như chú ý hay không, chỉ biết rằng sau đó tôi đã dùng tay muốn gỡ bỏ đi lớp giấy màu kia.

Nắm lấy một phần giấy ở miệng ly, tôi khẽ nhíu mày, tinh thần bỗng căng thẳng khi mà mảnh giấy càng lúc càng bị xé rộng hơn. Một phần thủy tinh đã được lộ diện.

Tôi dừng tay, cảm nhận được trái tim mình đang đập thình thịch. Mảnh giấy uốn cong lên, làm lộ ra một phần lớn của chiếc cốc. Nhờ vào ánh sáng của ngọn đèn phía trên chiếu xuống, tôi nheo mắt lại, nửa muốn nhìn thẳng vào nó, nửa lại không muốn.

Mất đến hai phút, tôi mới có thể cử động khuôn mặt của mình, chiếu đến vết sẹo thật lớn ở một bên má.

Vết sẹo này tạm thời đã khô lại, nhưng nó lan rộng đến bên tai của tôi, tuy không dính đến mũi và bọng mắt nhưng...kích cỡ này cũng đủ làm tôi kinh hãi.

Hạ mi mắt, tôi nhìn vào phần thủy tinh kia, nhận ra được vết sẹo đã nhanh chóng được phản chiếu lên mặt ly, tạo thành một hình ảnh mờ mờ ảo ảo, nửa thực nửa hư.

Ngón tay đang giữ lấy cốc nước của tôi khẽ run lên, rốt cục tôi cũng có thể nâng bàn tay còn lại lên, chậm rãi che đi một bên mặt, hình ảnh trước kia dần hiện ra.

Chỉ tiếc rằng, nó đã bị khuyết hết một nửa.

Nhắm mắt lại, tôi mệt mỏi đặt cốc nước về vị trí cũ rồi nhanh chóng nằm xuống giường. Vừa định ngủ một giấc để tinh thần được thả lõng thì Như bỗng ngồi bật dậy một tiếng, tiếng bước chân vội vã đi lại chỗ tôi.

Mở mắt, tôi nhìn cô nàng khó hiểu. Sau đó mới để ý đến chiếc laptop kia cùng với giờ giấc trên đồng hồ.

Ba giờ chiều.

Ngồi dậy, tôi thì thầm, " Đừng bảo lại..."

Như cười hì hì, " Phải. Đến giờ chúng ta gặp chuyên gia tâm lý Trần Khải Tâm rồi~"

Người bên cạnh hoàn toàn mặc kệ vẻ mặt khó chịu của tôi mà thản nhiên đặt chiếc laptop kia lên bàn mini, mở máy, kết nối với chuyên gia tâm lý.

Giống hệt với nhiều ngày trước, chuyên gia tâm lý riêng của tôi vẫn luôn chào hỏi bằng một khuôn mặt đầy biểu cảm, nụ cười hóm hỉnh đó đôi khi làm tôi chỉ muốn mắng một tiếng.

Nhưng mà...hôm nay hình như có hơi khác biệt một chút.

Khải Tâm, cậu lại dùng chiêu khác rồi sao?

Tôi khó hiểu nâng tầm mắt nhìn vào màn hình, chợt nhận ra có một chú thỏ với cái mông bự đang hướng thẳng đến mặt tôi.

Chú thỏ cứ ngọ nguậy cái mông của mình mà không biết đang có kẻ như tôi nhìn lén nó nãy giờ. Hai phút sau, chuyên gia tâm lý mới xuất đầu lộ diện, cười một tiếng:

" Thế nào? Thỏ của tôi đẹp không?"

Tôi lại nhìn mông thỏ, hỏi, " Thỏ cậu nuôi à?"

" Ừm, gọi nó là Pho nhé."

Vì khi nãy đang bận chú ý đến mông thỏ nên tôi không để ý mấy đến câu nói của Khải Tâm.

Nhưng sau đó tôi đảo mắt nhìn cậu ta thì nhận ra, ánh mắt của cậu ta có chút buồn bã thì phải.

" Pho à? Tên lạ nhỉ."

Khải Tâm ôm lấy Pho trên tay mình, không cho bé con ăn mấy món vụn trên bàn nữa. Bàn tay dịu dàng vuốt lông thỏ, miệng lại nói liên hoàn:

" Hôm nay cậu trễ hẹn với tôi tận hai phút mấy nhé."

"... Mạng kẹt." Tôi hờ hững đáp.

Kỳ thực, đâu phải là do mạng kẹt. Là chính tôi còn không nhớ mỗi ngày đúng vào ba giờ chiều đều phải nói chuyện với chuyên gia tâm lý cơ.

Khải Tâm hôm nay đeo cái kính gọng đen trông cực kỳ tuấn tú, rất ra dáng một giáo sư về tâm lý học. Buông Pho xuống, cậu ấy chống cằm lên hai tay, khóe môi cong nhẹ lên:

" Hết trùm chăn rồi à?"

Tôi quay đầu nhìn nhìn, chợt phát hiện mấy hôm nay tôi không còn dính với tấm chăn bông nữa.

" Ừm, nóng lắm."

Khải Tâm gật gù, " Tốt lắm. Đã ăn gì chưa?"

" Có ăn súp rồi. Còn cậu?"

" Một lát tôi mới ăn."

Nói xong, Khải Tâm lại ô lên một tiếng, ngón tay chỉ sang phía bên trái:

" Chiếc cốc đẹp thế?"

Tôi giật mình quay đầu nhìn chiếc cốc vừa nãy bị mình xé đi một lớp giấy màu. Nghe Khải Tâm bảo muốn nhìn qua, tôi chần chừ giây lát liền cầm lên đưa sát vào màn hình.

Ngay lập tức, cậu ta ô lên:

" Nó bị rách rồi này. Cậu xé đấy à?"

Tôi thu chiếc cốc về phía mình, ậm ừ gật một cái.

Khải Tâm không kinh ngạc nữa mà bình thản nói:

" Sao cậu lại xé nó?"

Tôi nhíu mày, im lặng một lúc mới đáp:

" Vì muốn nhìn thấy bên trong."

Khải Tâm lại hỏi tiếp:

" Có phải hiện tại trông nó không còn dễ thương không?"

Tôi nhìn tờ giấy màu bị xé đi một nửa, để lộ một phần thủy tinh, trong đầu thầm thừa nhận, lúc này nhìn chiếc cốc không có chút thẩm mỹ nào cả.

Thấy tôi im lặng, Khải Tâm lại trầm ngâm lên tiếng:

" Vậy xé một nửa rồi, cậu thấy cái gì bên trong?"

Tôi cúi thấp đầu, nhìn vào phần bị lộ ra bên ngoài, không nhanh không chậm bảo:

" Tôi nhìn thấy khuôn mặt của mình."

Nói xong, tôi ngẩng mặt nhìn Khải Tâm, giống như chờ đợi cậu ta nói ra một lời gì đó để khiến tôi phải kinh ngạc và ngưỡng mộ hệt mấy hôm trước đó.

Và đương nhiên Khải Tâm không làm tôi thất vọng.

Cậu ta đưa bàn tay ra, ý bảo tôi đưa chiếc cốc sát vào màn hình. Tôi làm theo cậu ta bảo, hồi lâu nghe cậu ta nói thế này:

" Tôi có thấy mặt Ý đâu. Tôi thấy có một thằng đang đeo kính này, ừm, nó còn luôn miệng nói nữa."

"..."

Không làm tôi thất vọng, chính là làm tôi quá thất vọng.

Thu cốc về, tôi lạnh nhạt lườm Khải Tâm một cái.

Không nghĩ rằng ngay sau đó Khải Tâm dẹp bỏ cái bộ dạng dư mứt hài hước của mình mà nghiêm chỉnh nói:

" Ý thấy không? Chỉ có duy nhất một chiếc cốc bị xé mất giấy dán bên ngoài, nhưng mỗi người nhìn vào lại có những hình ảnh khác nhau. Nó có ý nghĩa gì?"

" Chính là mỗi người chúng ta khi nhìn vào một đối tượng, không nhất thiết phải có cùng một nhận xét đánh giá, hay là cảm xúc. Người A ghét người B, không có nghĩa người C cũng ghét người B."

Tôi nhíu mày, muốn phản lại:

" Cái này không thể tuyệt đối được."

Khải Tâm bật cười, còn bình thản bóc một nắm bỏng ngô bỏ vào miệng:

" Có cái mẹ gì mà tuyệt đối đâu? Đúng không?"

" Tuyệt đối ấy, là cái giới hạn mà một số người bị ảo tưởng tự vạch ra thôi. Con người, làm sao có cái gọi là tuyệt đối hoàn hảo được chứ?"

" Minh tinh trên thảm đỏ lung linh lộng lẫy, nhưng ở nhà, họ nhếch nhác thì mình có biết không?"

" Quay lại với chiếc cốc, điều mà hôm nay tôi muốn nói với Ý, chính là...chúng ta nên biết chấp nhận hình ảnh mà nó truyền lại cho mình. Giống như khi nãy cậu bảo cậu thấy khuôn mặt của mình, còn tôi lại thấy một thằng đeo kính nói nhiều. Quan trọng là, tôi chấp nhận cái thằng nói nhiều kia chính là mình."

Khải Tâm nói liên hoàn một trận, cuối cùng cũng dừng lại, nhìn tôi cười đầy dịu dàng:

" Còn cậu? Cậu có chấp nhận kia là khuôn mặt của mình không?"

Tôi lặng thinh nhìn Khải Tâm đang chờ đợi câu trả lời của mình, nhưng rất lâu sau đó, tôi cũng không cho cậu ấy một câu trả lời thỏa đáng.

Nhưng không phải là tôi không nghĩ ngợi về câu hỏi đó. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, còn luôn nhìn xuống chiếc cốc thủy tinh kia nữa.

Sau cái màn bàn luận về chiếc cốc đó, Khải Tâm lại dạy bài mới, định nghĩa cuộc sống.

Cậu ta mở đầu bằng câu nói:

" Cuộc sống tựa như một chuỗi màu sắc thú vị với những cung bậc cảm xúc."

Tôi đáp lại:

" Cuộc sống giống như một bức tranh. Bức tranh chỉ đẹp khi được hòa trộn nhiều gam màu với nhau, cũng như cuộc sống phải có đủ mọi loại cảm xúc."

Khải Tâm gật gù, bật ngón cái:

" Tuyệt. Tiếp nào. Cuộc sống tựa như...việc mua bánh tráng ở trường cấp hai. Chúng ta nếu lỡ một giây có thể sẽ không có bánh tráng ăn hôm đó."

Tôi tròn mắt nhìn Khải Tâm, đầu lưỡi đắng chát, không muốn cùng cậu ta học cái bài nhảm nhí này nữa. Nhưng rồi tôi cũng ngồi suy nghĩ ra một kiểu cuộc sống khác.

" Cuộc sống tựa như việc đi xe đạp. Mình phải luôn cân bằng, nếu muốn cân bằng thì không ngừng vận động."

Khải Tâm cười ha ha đầy cảm thán, cuối cùng chốt hạ một câu thế này. Mà về sau, tôi nghĩ cậu ta dùng chiêu trò bắc cầu xong cả rồi mới lấy món vũ khí cuối cùng đó ra.

Khải Tâm bảo:

" Cuộc sống tựa như một tấm gương. Nếu Ý mỉm cười với nó, nó sẽ mỉm cười với Ý."

Cuộc trò chuyện hôm đó của chúng tôi kết thúc tương đối sớm, nhưng đã để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ.

Suy nghĩ về việc tôi có chấp nhận khuôn mặt trong chiếc cốc kia là của mình hay không?

Suy nghĩ về việc nếu mỉm cười với tấm gương, thì có thật nó sẽ mỉm cười với mình không?

Sau bữa ăn tối, Như phải về nhà, thay vào đó là chị Thư đến bệnh viện. Thật ra tôi từng bảo với họ không cần trông chừng tôi vào buổi tối, vì tôi lớn rồi, nếu có chuyện gì vẫn đủ khả năng gọi bác sĩ.

Nhưng chị Thư nói hiện tại tâm lý tôi chưa ổn, nên cứ tốt nhất là ở lại trông chừng.

Buổi tối ở trong bệnh viện khá là ảm đạm, bầu không khí tịch mịch làm cho lòng người cũng phải chùng xuống.

Một tháng qua tôi không gặp mặt những người gánh hát thường xuyên, vì mọi người đang bận rộn trong việc tìm nơi khác để gầy dựng lại nhà cửa. Nhưng tôi có nghe nói, chị Tracy vẫn nằm ở phòng gần đó, cách tôi một phòng.

Chỉ tiếc rằng, tôi vẫn chưa một lần bước ra khỏi phòng bệnh của mình để đi thăm chị ấy nữa.

Trong lúc chị Thư vừa mới ra ngoài mua một ít đồ ăn vặt thì tôi cảm giác muốn đi vệ sinh. Trong suốt một tháng hơn kia, tôi cứ mãi đi vệ sinh bằng cái cách khó đỡ nhất là đi vào...một cái chậu.

Tôi không bước chân vào phòng vệ sinh vì tôi thấy rất ám ảnh cảnh tượng hôm nọ, ngày mà tôi phát hiện được sự thật về khuôn mặt của mình.

Nhưng hôm nay tôi đã bước xuống giường, đôi chân cẩn trọng đi đến trước cánh cửa phòng vệ sinh. Tôi bật công tắc lên, ánh sáng vụt lên soi khắp một gian phòng nhỏ.

Nhắm mắt lại, tôi đẩy cửa đi vào, những ngón tay lại bất giác run rẫy theo thói quen. Một khoảng không tĩnh lặng làm tôi nghe được cả tiếng tim mình đập thình thịch.

Chỉ có tiếng tim đập, ngoài ra không còn bất kỳ âm thanh nào khác.

Tôi nhẹ mở mắt, nhìn bao quát phòng vệ sinh một lượt rồi mới chú ý đến phía tay trái của mình đang có một vật kỳ lạ hiện hữu.

Tôi quay người, nhìn thấy một ông mặt trời thật lớn được vẽ bằng chì màu. Bên dưới là dòng chữ, " Tới đây nào. Ta sẽ tỏa sáng cho các bé con."

Giây phút đọc dòng chữ đó, tôi đã cong môi lên cười đầy nhẹ nhõm. Sau đó tôi hiểu được, phía sau bức tranh ông mặt trời kia chính là tấm gương.

Tôi nghĩ, việc này là do Khải Tâm bảo Như làm thế. Tuy việc này đã được làm lâu lắm rồi, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi bước vào phòng vệ sinh.

Bước chân lại nhích lên một chút, tôi nâng tầm mắt, ngón tay giữ lấy mép giấy phía trên cao, dùng một ít dũng khí và dứt khoát còn sót lại của mình mà xé mạnh nó xuống.

Âm thanh xoạt một tiếng ở bên tai cứ như văng vẳng không ngừng.

Ông mặt trời bị xé làm đôi, thế nhưng ông ấy vẫn còn mỉm cười, cười nửa miệng. Tôi ngẩng đầu, nhìn thấy được một nửa khuôn mặt bị bỏng của mình.

Lại dùng tay xé nốt một nửa ông mặt trời bên kia, tôi đã có thể nhìn thấy cả khuôn mặt của mình. Từ trên đỉnh đầu xuống đến giữa ngực, tôi nhìn không sót một điểm nào trên cơ thể mình.

Lúc này tôi bỗng nhớ lại giấc mơ hôm nọ của mình, cảm thấy chiếc gương không hề giống màn hình của rạp chiếu phim. Nó không chuyển cảnh, nó không quái dị, nó không khiến tôi sợ hãi.

Nhưng nó cho tôi thấy hiện thực.

Hiện thực về nhan sắc của tôi.

Đưa tay lên chạm vào vết thương, tôi nhớ lại lời của Khải Tâm bảo, thế là lại cong môi lên đầy gượng gạo. Càng cười, tôi càng cảm nhận được rõ vết thương kia nó cũng sẽ nhăn lại một chút.

L*иg ngực lần nữa phập phồng lên xuống, mắt tôi không rời khỏi tấm gương, bàn tay lại chậm rãi hạ xuống từng chút từng chút một.

Nhắm mắt lại, tôi nghe được trái tim mình đang run rẫy lên tiếng. Một hồi sau, tôi dần hé mắt, hai môi mấp máy tạo thành tiếng.

Nhớ rõ đêm hôm đó, tôi đã nhìn vào gương, hai bàn tay chắp trước ngực, đôi mắt ướt nhòa.

Rồi tôi bảo, đây...chính là mình.