Ngục Thánh

Quyển 5 - Chương 19: Dọn dẹp vệ sinh

Sáu tiếng, năm mươi phút và Đa Lạt đang chờ đợi kim giây nhích lên số bốn mươi. “Sáu, năm, bốn” – ông học giả mong chờ một dãy số liền mạch như thế; nó không có ý nghĩa hay gợi nhớ sự kiện đặc biệt nào, chỉ đơn giản là thú vui cá nhân. Thói quen này xuất hiện từ ngày Đa Lạt chập chững vào nghề điều phối thương lượng. Với Đa Lạt, những con số khô khốc có cái hay riêng: tuân theo công thức, lớn nhỏ rõ ràng, tuần tự, chính xác, không phàn nàn về vai trò của mình. Chúng tao nhã duyên dáng hơn hẳn loài người vốn ưa tranh cãi đòi quyền lợi.

Sáu tiếng, năm mươi phút, bốn mươi mốt giây. Dãy số đẹp không còn. Đa Lạt thở dài. Khoảnh khắc đẹp chỉ tồn tại một giây, mà mớ bòng bong ở dinh thự Ẩn Lý Thị đã kéo dài hơn sáu tiếng đồng hồ.

Băng Hóa quốc nằm cách Diệp quốc một hoang mạc Đồng Gió cộng thêm một Bắc Thần quốc. Dù thuộc hai liên minh đối nghịch nhưng hai quốc gia hiếm khi đối đầu trực tiếp, họ cũng chẳng nói nhiều về nhau. Cùng là xứ tuyết nhưng người Băng Hóa thích quây quanh bàn rượu, còn người Diệp quốc thu mình trong góc nhỏ với ấm trà nóng. Trên bàn đàm phán, Đa Lạt ở con đường bên này, vợ chồng Ẩn Lý Điền Chức mãi tít ngả đường xa xăm bên kia; hai bên chẳng tìm được lối rẽ chung. Giống hệt thứ lịch sử nhạt nhẽo giữa hai quốc gia mà thậm chí nước lã vẫn đậm đà hơn.

Dù vậy, giữa cuộc thương lượng bế tắc nứt ra một kẽ sáng le lói là Ẩn Lý Thị tạm hủy cuộc báo thù. Vì quá thương tiếc cháu gái, ông bà Điền Chức đã bỏ sót hai chi tiết và chỉ khi nghe pháp sư Thôn Cơ cắt nghĩa, họ mới vỡ lẽ. Thứ nhất: họ cần Vô Phong sống nếu muốn nghe lời trăn trối từ cháu gái. Điều thứ hai: nhiều bằng chứng về thân phận của Mục Á đang nằm trong tay tên tóc đỏ. Danh hiệu “vũ nữ thần linh” thuộc về Ẩn Lý Thị, nhưng nó phải được thông qua bởi một hội đồng thẩm định gồm hoàng gia và đại diện các dòng họ lâu đời ở Diệp quốc. Ông bà Điền Chức không thể khơi khơi khắc dòng chữ “vũ nữ thần linh” lên bia mộ cháu gái – mọi thứ đều có luật.

“Hai người tuy già nhưng chưa đủ già với luật lệ Diệp quốc…” – Pháp sư Thôn Cơ nói với vợ chồng Điền Chức – “…Đừng quên Mục Á từng làm gái điếm, như vậy quá thừa để hội đồng hủy bỏ tư cách kế thừa danh hiệu của cô bé. Không phải mọi vũ nữ thần linh đều xuất thân cao quý trong sạch, song rất hiếm. Liệu Mục Á nằm trong số hiếm đó? Liệu hai người đủ sức chống lại hội đồng thẩm định? Tất nhiên hai người có thể phản kháng hội đồng và khắc danh hiệu lên bia mộ cô bé, nhưng các dòng họ khác sẽ nghĩ thế nào? Hai người có thể chịu đựng điều tiếng hay dị nghị? Hỡi ôi Vạn Thế, tôi không phải kẻ lắm điều, mà bởi xứ sở này lắm điều hơn cả mụ đàn bà ưa cằn nhằn nhất! Hai người đã hiểu hay vẫn muốn tiếp tục báo thù?”

Ít nhất là có tiến bộ! – Đa Lạt tự động viên. Nhưng ông không dám chắc lệnh hủy nhiệm vụ đã đến tai đội hộ giả dòng họ Ẩn Lý. Vương Quốc Cũ xa xôi cách trở, sóng điện thoại kém, e chừng mệnh lệnh chưa đến nơi thì tên tóc đỏ đã cứng xác dưới tuyết. Mới hưởng chút lạc quan, ông học giả lại nhận cục bất an to đùng.

Một thứ bất an to tướng khác là gia đình họ Thát, sự xuất hiện của họ chỉ khiến Đa Lạt thêm lạc lõng. Bên kia bàn đàm phán, vợ chồng Điền Chức có gã doanh nhân Đổng Ngư mau mồm mau miệng biết nhiều thứ về Mục Á, và gã chỉ là tình nhân. Trong khi gia đình họ Thát – những người đằng nhà chồng của Mục Á – lại im như hến và để Đa Lạt chống đỡ mọi thứ, bởi lẽ vốn liếng từ ngữ mà họ dành cho cô con dâu vốn chỉ loanh quanh “con điếm” hoặc “Sukka”. Không khó để pháp sư Thôn Cơ nhận ra mối quan hệ tồn tại mà không tồn tại giữa Mục Á và họ Thát. Con đường đưa di hài Mục Á về phương bắc lại càng xa hơn, hệt khoảng cách từ Diệp quốc đến Băng Hóa.

Cốc trà trong tay ông học giả đã nguội mà chưa vơi nổi một giọt. Ông không uống vì suy nghĩ đã lấp đầy dạ dày và đang ợ lên thực quản. Vừa lúc đó, người Ẩn Lý Thị thông báo cuộc đàm phán sắp tiếp tục. Đa Lạt uể oải gật đầu đoạn ngó đồng hồ. Ở Diệp quốc đang là trưa ngày 6 tháng 4, nhưng ở Vương Quốc Cũ đã đêm tối và chỉ vài tiếng nữa là kết thúc hạn định mà đại thống lĩnh Khai Y đặt ra từ ngày 7 tháng trước[1]. Tuy còn rất ít thời gian nhưng Đa Lạt bỏ ngay ý nghĩ xin thỏa thuận lại. Bởi ông không nghi ngờ gì Khai Y sẽ rộng lượng đồng ý làm thỏa thuận mới cùng vô số điều kiện kèm theo. Ấy là bản sắc người Băng Hóa. “Người Băng Hóa không bao giờ tốt!” – Ông tự nhủ.

Các bên trở lại bàn đàm phán. Ông học giả thôi ngó đồng hồ. Ông không muốn người Ẩn Lý Thị phát hiện mình bị áp lực thời gian đè nặng. Phía bên kia, hai vợ chồng Điền Chức vẫn bình thản như đã chuẩn bị cho một cuộc thương lượng dài hơi mà người chiến thắng cuối cùng là họ. Đa Lạt dự cảm mình sẽ mắc kẹt ở chốn này tận đêm khuya rồi bất lực nhìn Khai Y lật lọng thỏa thuận với gã tóc đỏ. Nghĩ tới đó, nỗi xấu hổ nghề nghiệp bên trong Đa Lạt tăng dần đều.

Những ngả đường xa xăm chẳng bao giờ chạm mặt nhau, nhưng người ta có thể đào một lối rẽ hoặc xây một cây cầu gắn kết chúng. Vấn đề là người ta muốn làm hay không. Mà ở cuộc thương lượng này, chẳng ai chịu đứng ra. Như đã quá chán nản trước đám người thiếu thiện chí, pháp sư Thôn Cơ lên tiếng:

-Các vị giải lao đủ rồi chứ? Rất tốt, tôi cũng giải lao đủ rồi và tôi đã có suy nghĩ riêng. Chúng ta không thể tranh cãi như thế này, khi mà các vị luôn cho rằng Mục Á phải thuộc về bên này hay bên kia. Các vị nghĩ đúng, nhưng các vị chưa bao giờ hỏi ý kiến gia đình Mục Á. Tôi không nói ông bà Điền Chức, các vị đã từng là gia đình của Mục Á. “Đã từng” thôi! Xin hiểu cho! Gia đình của cô bé bây giờ là họ Thát, họ là người cuối cùng có liên hệ với Mục Á.

Hết thảy mọi người ngạc nhiên rồi hướng cái nhìn chằm chằm vào nữ pháp sư, nhất là vợ chồng Điền Chức. Nhưng họ không cắt ngang, chỉ lặng im đợi vị quan tòa nhấp ngụm trà nóng. Thôn Cơ xuýt xoa một hồi, tiếp lời:

-Mục Á đã cưới Thát Khan, cô bé là người nhà họ Thát. Đàn bà Đông Thổ lấy chồng tức là thành người nhà chồng và không còn liên hệ với gia đình cũ. Tất nhiên chúng ta không thể sống mãi cùng mớ cũ kĩ như rêu mọc vách nhà đó, nhưng với các dòng tộc ở Diệp quốc, truyền thống là tất cả và các dòng tộc phải tôn trọng dù ít dù nhiều. Xin lỗi ông bà Điền Chức nhưng tôi phải nói rằng họ Ẩn Lý tạm thời không thể lưu giữ di hài Mục Á. Nếu hai người vẫn coi trọng tôi, xin hãy hiểu cho!

Vợ chồng Điền Chức nhìn nhau song chẳng nói câu gì, sau rốt cùng cúi đầu trước nữ pháp sư. Thôn Cơ liền quay sang Đa Lạt:

-Mục Á có liên hệ với Băng Hóa quốc, là hậu duệ trực hệ của Biệt Liên Đại Đế; bởi vậy Băng Hóa có quyền giữ di hài cô bé. Nhưng đến giờ vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào ngoài gia phả và lời đồn đại về Biệt Liên Đa Xuyến – người duy nhất sống sót sau vụ thảm sát cách đây hơn bảy mươi năm. Các ngài cũng không thể chứng minh bà ấy là mẹ đẻ Mục Du Cổ, cha ruột Mục Á. Các ngài cũng không hề có tin tức về Mục Du Cổ vì anh ta đã chết ở Cội Gió. Cho tới khi chứng minh được quan hệ huyết thống giữa Mục Á với họ Biệt Liên, Băng Hóa quốc cũng không được phép giữ di hài Mục Á. Ta cần bằng chứng, và ta tin rằng hoàng gia Băng Hóa cũng cần bằng chứng để xác nhận vị nữ hoàng của họ. Ông bằng lòng chứ?

Hàm răng Đa Lạt mở ra như vừa có vật gì chẹn vào. Ông học giả muốn nói. Nhưng thương lượng là thế, kết quả cuối cùng luôn khiến mỗi bên kém hài lòng một chút. Vả lại ông cần một kết quả để thông báo với Khai Y. Không mất nhiều thời giờ, Đa Lạt gật đầu đồng ý. Vị nữ pháp sư bỏ qua gã doanh nhân Đổng Ngư rồi chuyển sang gia đình họ Thát:

-Từ đầu đến giờ, các vị không hề nói, không phản đối, không đồng tình. Nhưng tôi không coi đó là sự bàng quan, mà tôi nghĩ các vị khó xử. Thật khó chấp nhận rằng con trai mình đã mất, rằng người con dâu là hậu duệ Biệt Liên Đại Đế, rằng các vị là thông gia với dòng họ cổ xưa nhất Diệp Quốc. Cũng giống lúc tôi nhìn đứa con của mình già đi, bệnh tật, không thể tự đi vệ sinh, không biết nấu ăn, luôn đánh đổ mọi thứ trong nhà bếp; nó chẳng biết làm gì ngoài chơi với lũ mèo. Nhưng thế giới Tâm Mộng luôn đối xử với con người chúng ta như vậy, các vị sẽ hiểu. Giờ đây, các vị mới là người quyết định số phận di hài Mục Á. Chúng ta không thể để cô bé trong phòng lạnh, giữ sắc đẹp trường tồn bằng phép thuật lẫn hóa chất. Người Băng Hóa khác người Diệp quốc, chúng ta khác nhau, nhưng tôi tin chúng ta đều không bất kính với người chết.

Trước vị pháp sư nhỏ bé, ông Thát Hãn bệ vệ bỗng rúm ró như cục giấy vò. Người đàn ông giàu có, uy quyền nhất Hoàng Hôn Cảng bỗng quay sang vợ và con trai tựa thể tìm kiếm lời khuyên. Rồi ông ta vuốt ngực áo như dằn xuống sự bỡ ngỡ, sau trả lời rành rọt:

-Thưa bà, là chúng tôi?! Việc này thật kỳ lạ, nhưng nếu phải vậy thì chúng tôi đồng ý. Nhưng chúng tôi có thể giúp gì cho Mục Á? Giúp thế nào?

-Không phải giúp mà là “quyết định”. Cũng không phải “Mục Á”, vì cô bé là con dâu của các vị, là thành viên gia đình họ Thát. Cô bé là con gái của ông bà. – Nữ pháp sư nhẹ giọng – Là cha mẹ, ông bà phải quyết định sẽ chôn cất con cái mình ở đâu.

Gia đình họ Thát nhìn nhau ần hai. Dường như họ bối rối chưa biết xử lý thế nào trước một khái niệm mới. Pháp sư Thôn Cơ tiếp lời:

-Họ Thát có hai lựa chọn. Thứ nhất: nếu thực sự coi Mục Á là con dâu, ông bà hãy đưa di hài cô bé về Hoàng Hôn Cảng, cử hành lễ tang trọng thể và thông báo rộng rãi. Người Diệp quốc chúng tôi coi trọng tính chính danh. Lựa chọn thứ hai: nếu cảm thấy cuộc hôn nhân miễn cưỡng và rằng thân phận của Mục Á làm tổn hại họ Thát, ông bà có thể gửi trả di hài cô bé về Ẩn Lý Thị; những chuyện sau này của cô bé, Ẩn Lý Thị sẽ toàn quyền quyết định, không phiền tới họ Thát nữa. Trước khi vấn đề huyết thống tỏ tường, Mục Á vẫn mang danh gái điếm hoặc “Sukka” như người phương bắc gọi. Việc xác định danh phận cho Mục Á có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, liệu họ Thát có thể chờ đợi ngần ấy thời gian? Liệu họ Thát có thể chịu đựng tai tiếng? Xin tùy ông bà quyết định.

Người Băng Hóa lẫn Diệp quốc cố nhiên không thích ý tưởng này. Đa Lạt lên tiếng trước tiên:

-Chôn cất Mục Á ở Hoàng Hôn Cảng? Vậy khi xác định danh phận Mục Á, chúng tôi phải làm sao?

-Hãy hỏi họ Thát. Di hài Mục Á đến Băng Hóa hay ở lại sẽ do họ Thát quyết định, các ông phải tôn trọng ý nguyện của gia đình cô bé. – Thôn Cơ đáp – Vả lại Hoàng Hôn Cảng thuộc phương bắc, vốn dĩ chẳng khác biệt so với Băng Hóa.

Nữ pháp sư dứt lời, bà Điền Chức liền nói:

-Chúng tôi coi trọng truyền thống, thưa pháp sư. Chỉ là tôi nghi ngờ quyền hạn của họ Thát. Dù không mắt thấy tai nghe nhưng tôi biết cháu gái mình bị họ Thát xua đuổi. Họ từ chối để con bé bước lên thềm nhà mình, từ chối đối xử với Mục Á như một vị khách. Tại sao chúng tôi phải phó mặc số phận cháu gái mình cho những người như thế?

Thôn Cơ chắp tay trên đùi, đôi môi khẽ mím lại vì khó xử. Ngay cả Đa Lạt cũng không thể phản bác trước sự thật rành rành. Cả căn phòng đương im lặng, bà Thát Hãn – vốn im lặng suốt buổi – chợt lên tiếng:

-Chúng tôi đã chấp nhận cô gái đó. Không… không… ý tôi là Mục Á! Gia đình tôi đã chấp nhận Mục Á là con dâu. Năm ngoái, Vô Phong đi tìm con trai tôi và tôi đã nhờ cậu ta gửi một bức thư, trong trường hợp cậu ta tìm thấy Thát Khan. Trong thư, chúng tôi khuyên thằng bé quay về cùng Mục Á. Hơn mười năm qua… gia đình tôi không gặp mặt Thát Khan, chúng tôi nhớ thằng bé. Chúng tôi chấp nhận rằng Thát Khan có chính kiến riêng và tự nó định đoạt cuộc đời mình. Vô Phong đã gặp lại gia đình tôi, cậu ta nói Thát Khan không chọn lầm người.

Nói rồi bà Thát Hãn trao thư. Vị nữ pháp sư nhận lấy, đọc một hồi. Được ít phút, nữ pháp sư ngẩng đầu:

-Vô Phong nhận thư này? Cậu ta biết chuyện gia đình bà không? Ý tôi là cậu ta đã biết họ Thát chấp nhận Mục Á?

-Cậu ta biết một chút, nhưng không phải tất cả. – Bà Thát Hãn trả lời – Sự việc tế nhị, tôi không thể giãi bày trước người ngoài…

Đương chăm chú nghe, bà Ẩn Lý Điền Chức chợt xen vào:

-Bà vẫn nói với anh chàng Vô Phong đó rằng Mục Á là “Sukka”, như ngôn ngữ mà người phương bắc gọi?

Bà Thát Hãn nhất thời á khẩu, cuộc thương lượng trở nên căng thẳng vì hai người phụ nữ. Pháp sư Thôn Cơ nhìn đôi bên, nhìn bức thư, nhìn một nơi xa xăm nằm ngoài căn phòng. Như đã quyết định, vị nữ pháp sư đứng dậy nói:

-Hãy đợi khi có tin tức của Vô Phong. Anh chàng tóc đỏ là nhân chứng duy nhất, là người gỡ rối tất cả nút thắt. Anh ta phải sống. Không có Vô Phong, chúng ta thiếu đi phần lớn câu chuyện và tất cả sẽ ra về trong bực bội. Hãy cầu Vạn Thế rằng Vương Quốc Cũ hay đội hộ giả Ẩn Lý Thị chưa nuốt chửng anh ta. Nhưng việc cần làm thì phải làm trước tiên. Xin hãy quyết định, thưa ông bà Thát Hãn. Tất cả chúng tôi đợi các vị!

Thời khắc quan trọng nhất đã đến, cả căn phòng nín thở. Đa Lạt có nghe về họ Thát ở Hoàng Hôn Cảng. Họ trọng danh dự lẫn sĩ diện hơn bất cứ ai, hơn mọi dòng tộc ở phương bắc. Giờ mang tiếng có con dâu hành nghề gái điếm thực là nỗi sỉ nhục với họ. Ngay lúc này, Đa Lạt cầu cho thứ sĩ diện ấy bị đánh đập bầm dập bởi lòng yêu thương con cái của ông bà Thát Hãn.

Dân phương bắc không phải quái vật, họ vẫn là con người.



Khi cuộc thương lượng ở Diệp quốc đến hồi kết và các bên liên quan bắt tay nhau tạm thời làm hòa, thì tại vùng tây bắc Băng Thổ, một chiếc phi thuyền cứu hộ hạ dần độ cao. Nó đáp xuống một quân doanh cách Vương Quốc Cũ khoảng ba trăm cây số về hướng nam. Lúc này là mười giờ đêm ngày 6 tháng 4. Từ phi thuyền, hai chiếc giường cứu thương lướt ra khỏi khoang chứa. Chúng bay lơ lửng, mang theo Vô Phong và Si Giáng. Cả hai người phải nhờ máy hỗ trợ thở, khắp thân thể gắn dây truyền dịch duy trì sự sống. Theo sau họ là binh lính cùng Mi Kha.

Đoàn người khẩn trương tiến vào quân doanh rồi dừng lại trước phòng cấp cứu. Phần còn lại thuộc về y bác sĩ. Qua ô cửa kính, Mi Kha trông thấy tên tóc đỏ bị lột trần, ngực thủng một lỗ toác hoác to bằng nắm đấm, cánh tay trái đứt lìa và phần còn lại của nó đang nằm trong hộp đá. Ở phòng bên cạnh, bác sĩ lẫn y tá đang chuẩn bị máy kích tim để cứu một Si Giáng đã ngừng thở. Máu đỏ thoáng chốc chảy tong tong quanh bàn mổ, chấm những chấm sậm màu lên căn phòng trắng tinh. Mi Kha lặng lẽ theo dõi từng cuộc phẫu thuật, ánh mắt chăm chăm vào những mũi dao lưỡi kéo đang thọc sâu vào hai cơ thể bất động. Người bình thường có thể sợ nhưng Mi Kha nhìn mấy thứ này đã thành quen. Tuổi thơ lẫn công việc hiện tại của cô ả luôn gắn liền với hai gam màu trắng – đỏ. Một màu sạch sẽ đến tức mắt, còn màu kia đậm đặc dính nhớp.

Đồng hồ chậm chạp nhích từng giây, nhưng hễ con người nhãng đi là nó phi nhanh như ngựa chạy. Mi Kha đứng mãi, đứng mãi, tới lúc ngó xuống thì thấy ngày mới đã bắt đầu được mười phút. Vừa lúc ấy cửa phòng cấp cứu Si Giáng bật mở, đám y bác sĩ trở ra cùng tin tức tốt lành. Si Giáng vừa thoát khỏi tay Tử Thần, có điều vài phần cơ thể sẽ được thay thế bằng bộ phận cơ sinh học.

Nhưng bên Vô Phong lại khác. Căn phòng đó vẫn im lìm với cánh cửa đóng chặt, y bác sĩ hối hả dao kéo, những bàn tay đeo găng y tế nhuộm đầy máu, dụng cụ phẫu thuật chất đống và loang đỏ trong khay nước. Gương mặt đám bác sĩ ý tá bối rối thấy rõ, bởi họ chẳng tìm được loại máu phù hợp với Vô Phong, cũng như phải cứu chữa một quả tim đã chảy rữa quá nửa. Trông bọn họ, Mi Kha bất giác âu lo. Cô ả không muốn tên tóc đỏ chết sớm như thế.

-Hắn sẽ ổn thôi. Chúng ta đều muốn hắn sống, cô bé, vì hắn phải sống để trả nợ.

Mi Kha ngoảnh lại tìm người vừa mở lời. Nhận ra đó là đại thống lĩnh Khai Y, cô nàng liền cúi đầu chào trả. Vị đại thống lĩnh tươi cười, ôm lấy cô ả một cách thân tình đoạn tiếp lời bằng giọng trầm ấm:

-Ta có lời cảm ơn cô, Mi Kha, dù rằng ta không hề yêu cầu và đáng lẽ cô không nên xuất hiện ở Vương Quốc Cũ. Nhưng vì những gì cô đã làm hay đang làm cho Băng Hóa, ta sẽ coi như cô là vị cứu tinh thay vì một kẻ nhiều chuyện. Thực sự là cô đã giúp ta.

-Vô Phong nợ tôi tiền và ông giáo sư Đốc Lãm, thưa ngài. – Mi Kha trả lời – Tôi chỉ đòi hỏi quyền lợi chính đáng.

-Ta hiểu. Nhưng có lẽ cô nên quên ông giáo sư Đốc Lãm là vừa. – Khai Y nói.

Vị đại thống lĩnh mang theo một mớ tin tức chẳng hề vui vẻ. Đội cứu hộ Băng Hóa không tìm thấy giáo sư Đốc Lãm, ông ta đã mất tích. Bốn tay lính đánh thuê đi theo đoàn chết gần hết, chỉ còn gã Mông Nhão sống sót. Đáng tiếc nhất là đoàn khảo cổ vô tình bị cuốn vào cuộc chiến; ông trưởng đoàn Pháp Lãi chết vì tai nạn phi thuyền, những thành viên còn lại bị gϊếŧ ở Tàn Tích Lớn – chẳng ai biết người nào hay cái gì đã sát hại bọn họ. Điều duy nhất an ủi Mi Kha là hai thành viên Lạn Bà và Vong Liêm vẫn sống. Đội cứu hộ tìm thấy Vong Liêm trong rừng, gã này gãy hai chân và được Vạn Thế phù hộ mới không lọt vào mũi của bọn quái vật rúc nhủi.

Đương nói chuyện, điện thoại trong túi áo của đại thống lĩnh réo vang. Nhìn số gọi tới, Khai Y ngẫm nghĩ một chút rồi bắt máy trả lời. Ông ta nói chuyện tự nhiên và chẳng hề quan tâm Mi Kha đang đứng kế bên:

-Đa Lạt? Anh bạn tròn vo đấy à? Ồ, cậu có tin tốt? – Khai Y nói – Hừm… hừm… ồ… ra vậy?! Ồ, ra vậy! Hừm… vậy ư? Chẳng phải ta nói rằng cậu nên nghỉ dưỡng thay vì quan tâm chuyện ở đó? Nhưng được thôi, nếu Ẩn Lý Thị nói vậy thì đó quả là tin tốt. Giao kèo? Chà, cậu vẫn nhớ giao kèo giữa chúng ta ư? Ha ha, được thôi, như ý cậu, ta sẽ để yên cho gã tóc đỏ. Vậy nhé, nghỉ ngơi đi, anh bạn!

Đại thống lĩnh tắt máy sau quay sang Mi Kha. Không giấu giếm, không chơi chữ hoặc quanh co ngôn từ, Khai Y kể cho cô ả nghe bí mật về hậu duệ Biệt Liên Đại Đế, mục đích chuyến đi tới Vương Quốc Cũ và những thỏa thuận với tên tóc đỏ. Hai người nom như cha con đang tâm tình. Người cha tin tưởng cô con gái; hay nói đúng hơn là người cha biết rằng cô con gái sẽ giữ mồm giữ miệng. Bởi lẽ vị đại thống lĩnh biết Mi Kha đang dự tính chuyện gì ở quê nhà Biên Ngoại thành nhưng ông ta làm ngơ, đổi lại Mi Kha phải giữ kín chuyện ở Vương Quốc Cũ. Họ tự ngầm thỏa thuận trong trò chơi trao đổi.

-Hơi phức tạp một chút! – Khai Y nhún vai vẻ bất đắc dĩ – Xin lỗi vì chuyện giáo sư Đốc Lãm cũng như không giải thích rõ ràng từ đầu, nhưng ta có cái khó, mong cô hiểu. Được rồi, cô nên nghỉ ngơi, mọi chuyện để ta lo.

Vị đại thống lĩnh vỗ vai Mi Kha thay lời cảm ơn, đồng thời muốn nói rằng cô ả đã hết nghĩa vụ ở nơi này. Nhưng Mi Kha không phải con cừu dễ bảo. Thay vì ra đi im lặng, cô nàng ở lại cùng nỗi thắc mắc:

-Trước khi vào Vương Quốc Cũ, tôi đã ghé qua trại gia súc, nơi nghỉ chân dành cho người thám hiểm Vương Quốc Cũ. Ông chủ trại là một kẻ khó chịu, bẩn tính, thiếu hợp tác. Bởi vậy, tôi phải dùng Mắt Trắng nhằm làm ông ta thân thiện hơn. Ông ta nói rằng vào đêm mà đoàn Vô Phong nghỉ chân, có ba người đã sử dụng cái máy phát sóng cũ mèm ở đó để gửi tin nhắn. Theo ông ta mô tả, ba người đó là Si Giáng, giáo sư Đốc Lãm và tay đánh thuê Mông Đồng. Kiểm tra cái máy, tôi phát hiện họ đều gửi tin đến tài khoản MPA-7221908, đó là tài khoản của đám “bốc mả”.

-Có chuyện như thế sao? – Khai Y ngạc nhiên.

Mi Kha gật đầu xác nhận rồi tiếp lời:

-Đám “bốc mả” hiểu rằng sẽ gặp vô số rắc rối khi công khai tài khoản. Nhưng vì tình thế cấp bách, bọn họ phải làm vậy. Để giảm thiểu rắc rối, họ chỉ công khai tài khoản đến những nhân vật cấp cao nhất của giới đánh thuê hoặc tình báo. Dân đánh thuê đồn thổi truyền tai nhau suốt nhưng thực sự chẳng mấy ai trông thấy mặt mũi tài khoản của đám “bốc mả”. Mông Đồng đã rời khỏi giới đánh thuê từ lâu nên không biết, giáo sư Đốc Lãm càng không thể biết.

-Vậy còn Si Giáng? Ý cô là… Si Giáng thông báo? – Khai Y hỏi.

-Không, vì con bé làm việc cho tôi, thưa ngài. – Mi Kha đáp – Cũng giống ngài, tôi cần Vô Phong sống để trả nợ, vậy nên tôi muốn Si Giáng thông báo lịch trình của gã tóc đỏ ngay khi có thể. Con bé đã làm vậy nhưng sai địa chỉ. Hẳn là Si Giáng không hề biết mình gửi tọa độ cho lũ “bốc mả”. Nếu người chị Si Thăng còn sống, con bé Si Giáng sẽ không bao giờ phạm sai lầm như vậy.

Ông đại thống lĩnh chau mày:

-Sai lầm kiểu nào mà nhắn tin cho lũ “bốc mả”? Ai đã cho cô ta số tài khoản?

Nói nhiều buồn mồm, Mi Kha rút điếu thuốc. Cô ả rít hơi dài, miệng phả khói thuốc như bễ lò hừng hực đang thổi lửa đúc khuôn những thanh kiếm sắc lạnh:

-Si Giáng quá trẻ cho nghề đánh thuê, nó chưa tới sinh nhật mười tám tuổi. Từ ngày mất người chị, con bé ngơ ngẩn ít nhiều, tiêu tiền vô tội vạ vào quần áo mỹ phẩm đắt tiền, thậm chí đánh bạc. Nó tiêu sạch số tiền kiếm được từ chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, ôm khoản nợ rất lớn khoảng hơn một nghìn thùng vàng. Biết chuyện, tôi tạo điều kiện cho nó làm việc với Vô Phong. Con bé bỏ công sức, tôi trả tiền, sòng phẳng! Nhưng tôi phát hiện khoảng vài ngày sau khi cập bến Vương Quốc Cũ, tài khoản của Si Giáng đã nhận đủ tiền trả nợ trong khi tôi chưa thanh toán. Ai đấy đã trả nợ giùm con bé.

-Vậy con nhỏ đó nhận tiền từ lũ “bốc mả”, làm lộ vị trí của Vô Phong? – Khai Y hỏi.

-Ngay cả tôi còn không rõ số tài khoản lũ “bốc mả” thì Si Giáng không thể biết. – Mi Kha lắc đầu – Con bé đó chưa ngốc nghếch tới độ ấy, nhưng lại bị lừa phỉnh bởi một cái mồm dẻo quẹo. Cái mồm dẻo quẹo ấy hiểu rõ tôi đang nhờ Si Giáng bám theo tên tóc đỏ, và cũng nắm được tình hình con bé đang nợ đầm đìa. Có lẽ… cái mồm dẻo quẹo đó tự nhận rằng gã đang làm việc với tôi, và dối trá với Si Giáng rằng tôi đang dùng tài khoản MPA-7221908.

Khai Y nhíu mày:

-Si Giáng không nghi ngờ gì?

Mi Kha trả lời:

-Chắc vậy, bởi lẽ con bé bị thuyết phục đúng thời điểm đặt chân tới Vương Quốc Cũ. Nơi đó không có sóng điện thoại, không sóng mạng, tất cả đều phụ thuộc máy phát sóng cổ lỗ sĩ ở những trạm nghỉ chân. Hãy quay lại vấn đề. Khi đoàn Vô Phong đặt chân tới Vương Quốc Cũ, cũng là lúc bọn “bốc mả” công khai tài khoản, vậy làm thế nào mà Si Giáng, giáo sư Đốc Lãm và Mông Đồng biết chuyện trong khi không hề có phương tiện tiếp cận tin tức? Vì họ được cung cấp thông tin từ kẻ biết chuyện. Trong lúc đoàn Vô Phong tiến vào Vương Quốc Cũ, ba người khác là Vong Liêm, Lạn Bà và Mai Hoa ở bên ngoài lo hậu cần. Tôi biết Vong Liêm và Lạn Bà, họ đều có tài năng nhưng chỉ là lính đánh thuê bình thường, họ cũng không biết ăn nói lắm, chửi bới thì có thể.

Khai Y gật gù:

-Vậy cái mồm dẻo quẹo đó là Mai Hoa.

-Tôi đoán vậy. – Mi Kha đáp – Dường như gã đã thuyết phục giáo sư Đốc Lãm, một người bất mãn với Băng Hóa quốc, rằng có người cần di cốt họ Biệt Liên. Ông giáo sư khốn khổ đó đã tin tưởng hoàn toàn. Và gã biết Mông Đồng là một tên đánh thuê giải nghệ đang túng thiếu, cái nghề giáo viên tiểu học không đủ bù đắp thói đỏ đen cờ bạc của Mông Đồng. Tên đó đã lợi dụng Vô Phong làm mồi nhử để dẫn dụ bọn “bốc mả”, gã biết bán đầu lũ “bốc mả” sẽ được nhiều tiền hơn, nhiều danh tiếng hơn. Cả ba người đều dùng chung một máy phát sóng, cùng một số tài khoản, bởi lẽ ấy lũ “bốc mả” mò đến.

Thông tin nhiều nhưng ông đại thống lĩnh không biến sắc mặt, chỉ hỏi:

-Vậy cô tính sao với Mai Hoa?

-Tôi biết làm gì đây? – Mi Kha cười – Nói sao nhỉ? Mai Hoa không tự dưng làm thế, nhất là khi Vô Phong có thỏa thuận với ngài. Gã không thể đối đầu Băng Hóa quốc nếu không có lợi ích. Nhưng tôi nghĩ một chuyện đơn giản hơn thế: gã làm vậy bởi vì chính ngài cho gã lợi ích, ngài mở đường để gã làm vậy. Nói cách khác, ngài mượn tay Mai Hoa đưa bọn “bốc mả” đến Vương Quốc Cũ.

Sự im lặng nở phồng giữa Mi Kha và Khai Y. Trong một thoáng, Mi Kha hơi hối hận vì xổ toẹt với ông đại thống lĩnh. Cô ả không chắc mình tưởng tượng hay là Khai Y đột nhiên cao lớn, thân hình vạm vỡ trong bộ quân phục đen choán hết ánh sáng xung quanh. Rồi Khai Y bỗng cười ha hả:

-Cô nói gì thế, cô bé? Ta không hiểu?!

Mi Kha phân vân. Nếu nói tiếp, họ Cát Giá của cô ả có nguy cơ bị bóp nát. Nhưng nếu không nói, cô nàng tức muốn phát điên. Mi Kha ghét nhất bị người khác lỡm mặt hoặc thông đồng sau lưng mình. Như đã nghĩ kĩ, cô ả tiếp tục:

-Tôi chỉ phỏng đoán thôi, thưa ngài. Vô Phong sống hay chết đều có lợi cho ngài. Nếu hắn bị đám “bốc mả” gϊếŧ, ngài có thể lấy đó mà thương lượng với Ẩn Lý Thị về di hài Mục Á. Ngài đâu tự nhiên có mặt tại quân doanh này? Tôi đoán ngài đã triển khai lực lượng bao vây Vương Quốc Cũ để ngăn lũ “bốc mả” trở ra. Nếu Vô Phong còn sống, ngài sẽ đem hắn làm vật trao đổi cho Ẩn Lý Thị, hoặc trao đổi vì mục đích lớn hơn. Kể cả không thể trao đổi, ngài sẽ giữ Vô Phong làm vật thí nghiệm, vì ngài biết hắn là Ngục Thánh – một vũ khí sinh học có giá trị. Ngay từ đầu, tên tóc đỏ đã ký vào một thỏa thuận không lối thoát. Giao kèo giữa ngài với ông Đa Lạt chỉ là thứ vớ vẩn, vì ngay từ đầu ngài đã trù tính lật lọng. Ngài thuê Mai Hoa vì không muốn nhúng tay trực tiếp. Tôi nói phải chứ?

Nụ cười trên môi đại thống lĩnh nhạt dần, thay vào đó là một đường kẻ thẳng băng và lạnh lẽo. Chợt có tiếng bước chân cồm cộp vọng tới cắt ngang giữa hai người. Kẻ mới đến là Mai Hoa, gã vừa trở về từ Vương Quốc Cũ, trên tay xách theo một cái túi nặng trịch. Thấy bọn Mi Kha, gã cười giả lả định quay gót thì ông đại thống lĩnh gọi:

-Không cần đâu, anh bạn. Cô gái thông minh đây biết cả rồi.

Nghe thế, con cú vọ bốn mắt cười tợn. Gã bước tới rồi đặt túi xuống đoạn mở khóa. Trong túi là một lô lốc thủ cấp của đám “bốc mả”, lẫn trong số ấy có đầu của Mông Đồng và ông giáo sư Đốc Lãm. Gã đánh thuê hám tiền lẫn ông giáo sư phản quốc đã hết giá trị. Phi Thiên dùng Thú xử lý cả đoàn khảo cổ vô tội nhằm bịt đầu mối, còn Khai Y dùng Mai Hoa dọn dẹp mọi thứ liên quan để phủi sạch trách nhiệm cho Băng Hóa. Đây là cuộc chơi dành cho những nhân viên vệ sinh. Mai Hoa liếc vào phòng Si Giáng, cười:

-Còn thiếu một cái đầu nữa thì phải?

Mi Kha lừ mắt. Nếu không phải nể đại thống lĩnh, cô ả đã đè con cú vọ kia xuống đất và đấm vỡ bản mặt nhâng nháo của gã. Khai Y cất lời:

-Nếu đã biết thì cô định làm gì nữa, Mi Kha? Cô muốn cứu tên tóc đỏ hay định cản trở tôi?

Ngay lúc đó, Mi Kha cảm thấy mình vô dụng. Rốt cục thẳng thắn toạc móng heo chỉ làm cô nàng sướиɠ miệng chứ không thể giúp tên tóc đỏ. Thậm chí Mi Kha không chắc mình có thể yên phận rời khỏi quân doanh, bởi trước mắt cô ả là đại thống lĩnh Khai Y – một kẻ không biết đùa.



Bên ngoài quân doanh, một chiếc phi thuyền khác vừa hạ cánh xuống bãi đáp. Từ phi thuyền có hai người trở ra và thẳng tiến đến cửa quân doanh. Người đi đầu là một phụ nữ trung tuổi với mái tóc bạch kim cùng gương mặt nghiêm nghị như một khối băng nhũ tua tủa gai. Nhận thẻ cá nhân từ bà ta, đám lính gác cổng ngạc nhiên:

-Là bà tổng giám sát? Chào bà! – Đám lính liền nghiêm mình chào kiểu nhà binh – Nhưng thưa bà, đại thống lĩnh đã có lệnh không ai được vào trong!

-Ta có việc quan trọng. – Bà tổng giám sát trả lời – Mệnh lệnh từ đại thống lĩnh áp dụng với tất cả mọi người, trừ tổng giám sát như ta. Vậy các anh để ta vào hay đứng ngoài cửa đây?

Đám lính gác đành nhường đường cho người phụ nữ, họ sợ đại thống lĩnh Khai Y nhưng còn sợ người phụ nữ này hơn thế. Theo sau bà tổng giám sát là một người đàn ông khoác áo da, đầu đội mũ rộng vành dính đầy tuyết. Người này chào đám lính, chân tung tẩy như vừa tìm thấy một nơi thú vị. Đợi cánh cổng sau lưng đóng lại, gã đàn ông cười:

-Đừng như vậy chứ! Em cứ như thế thì bao giờ mới kiếm được chồng đây? Bộ em định như vậy tới già sao? Người ta không thích những cô gái giận dữ nữa là một bà già giận dữ. Em là bà già giận dữ đấy!

-Vậy thì TẠI AI? – Bà tổng giám sát nổi quạu – Ai bỏ chạy khi tôi muốn cưới?

Gã đàn ông vội ôm vai bà tổng giám sát, cười cười nói nói:

-Được rồi, tại tôi, được chưa? Là tại gã Đại Bác tồi tệ này bỏ rơi em! Đừng giận! Nhanh lên nào, tôi muốn gặp lại ông bạn Khai Y quá! Sao vậy? Em còn giận ư? Để xem có căn phòng trống nào không? Hay chúng ta vui vẻ một tí rồi gặp Khai Y sau?

Gã vừa nói vừa tiện tay bóp mông bà tổng giám sát. Người phụ nữ nổi cáu, đấm vai gã liên hồi. Gã đàn ông cười ngất. Khác đại thống lĩnh Khai Y, gã rất thích đùa.

[1]: xem lại TruyenHD. Khi đó là ngày 7 tháng 3.