Đa Lạt thích Diệp quốc nhưng không ưa nổi cách làm việc ở xứ sở này. Ông nhận ra người Diệp quốc tỏ ra hiếu khách, thân thiện, nhanh nhẹn, phục vụ chu đáo để che đi tác phong lề mề cứng nhắc. Ở dinh thự Ẩn Lý Thị, đón tiếp Đa Lạt lúc nào cũng là và phải là trưởng tộc. Không một nhóm người hay cá nhân nào khác đại diện dòng họ bàn chuyện với Đa Lạt – ông trưởng tộc nói đó là việc của một mình ông ta. Ở Diệp quốc, địa vị và tuổi tác cao bao nhiêu, lời nói có trọng lượng bấy nhiêu.
Non một tuần ở Diệp quốc, Đa Lạt trở thành người quen trong nhà khách dinh thự Ẩn Lý Thị. Ông học giả có mặt lúc chín giờ sáng, vạ vật bên bàn trà gần ba tiếng thì trưởng tộc mới xuất hiện. Mà giờ ấy lại đúng bữa trưa, thành ra hai người trò chuyện trên bàn ăn. Người Diệp quốc có thói quen bàn công việc qua tiệc tùng, Đa Lạt ngờ rằng ông trưởng tộc Ẩn Lý Thị cố tình làm vậy. Đồ ăn ngon cộng thêm rượu say dễ làm người ta cởi mở, dễ trải lòng và dễ chấp nhận giao kèo. Đa Lạt không lạ thủ thuật này của dân phương đông.
Nhưng biết là một chuyện còn đối phó ra sao là chuyện khác. Bàn ăn thịnh soạn và cái tận tình của Ẩn Lý Thị khiến Đa Lạt khó xử. Ví dụ như lần gặp gỡ đầu tiên, Đa Lạt bức xúc đặt vấn đề:
-Như ngài biết, mười năm trước, tôi đến đây nhằm thiết lập quan hệ giữa đại thống lĩnh Khai Y và Ẩn Lý Thị. – Đa Lạt nói với trưởng tộc Ẩn Lý Thị – Xét mặt di truyền, gia đình đại thống lĩnh Khai Y là những người cuối cùng trên thế giới này chung huyết thống với Mục Du Cổ - cha đẻ Mục Á. Như vậy, có thể nói đại thống lĩnh Khai Y là thông gia của Ẩn Lý Thị. Dù xa cách, nhưng ông ấy và tôi luôn làm tròn nghĩa vụ thông gia. Mỗi năm, chúng tôi gửi thư cho Ẩn Lý Thị ba lần, điện đàm bốn lần, không quên gửi quà sinh nhật ngài và phu nhân. Chúng tôi làm tất cả những gì mà người phương bắc có thể làm nhằm biểu thị tình hữu hảo. Nhưng chúng tôi không nhận được đối đãi tương xứng. Các ngài biết Mục Á qua đời nhưng không hề thông báo cho chúng tôi! Tôi cần một lời giải thích!
Đa Lạt hiếm khi lớn giọng và bản thân ông cũng ghét to tiếng. Hiềm nỗi trò chơi thương lượng luôn cần một chút áp lực, chứ không sẽ biến thành giao lưu chuyện phiếm. Ông học giả biết mình được phép giận dữ vì đó là quyền lợi chính đáng. Đáp lại, vị trưởng tộc Ẩn Lý Thị luôn miệng nói “Xin hãy bình tĩnh, thưa ngài!” rồi mời mọc ông học giả thưởng thức bữa tiệc. Vị trưởng tộc già hơn Đa Lạt ba chục tuổi, tóc trắng ngà, cử chỉ ân cần thân thiện tới nỗi người đối diện không nỡ từ chối, giọng nói êm ru biết cách dẫn dắt câu chuyện rời xa mục đích ban đầu. Đợi khi Đa Lạt ngấm men rượu lẫn hương vị thức ăn, ông ta mới trả lời:
-Ẩn Lý Thị có cái khó riêng, tôi xin phép giải thích, mong ngài chịu lắng nghe. Như ngài biết, Mục Á không dễ gần cũng không dễ thấu hiểu. Việc sở hữu cả hai dòng máu cổ xưa khiến con bé rất mạnh mẽ và có chính kiến riêng. Khi con rể tôi (Mục Du Cổ) mất, Mục Á đang tuổi mới lớn; ở nước tôi, con gái mười bảy tuổi chưa tính là trưởng thành. Con bé suy sụp, cho rằng mình là nguyên nhân gây tội lỗi và quyết định bỏ đi. Vợ tôi, người gần gũi nó nhất cũng không thể ngăn cản. Ẩn Lý Thị đã cử người ngầm bảo bảo vệ nhưng Mục Á biết, con bé giận dữ và yêu cầu chúng tôi ngừng can thiệp cuộc sống riêng tư của nó. Chúng tôi đành chấp nhận. Cuối cùng chỉ còn vợ tôi liên lạc với Mục Á khi con bé làm việc tại Đông Môn Cao Lầu. Chuyện dài dòng… mười năm trước tôi đã kể với ngài, xin phép không nhắc lại.
-Vâng, tôi nhớ chuyện đó. – Đa Lạt nói.
-Kể từ ngày cưới Thát Khan, thư từ giữa con bé và vợ tôi ít dần. – Ông trưởng tộc tiếp tục – Mục Á giải thích rằng nó đang giúp đỡ chồng mình, công việc bộn bề nên ít thời gian biên thư. Chúng tôi thấy mừng vì con bé thể hiện những phẩm chất mà một phụ nữ Diệp quốc cần có. Nhưng chúng tôi không hề biết Mục Á dính vào rắc rối, bởi lẽ con bé không kể mình sống ở đâu, chỉ nói là “một nơi an toàn”. Chúng tôi luôn tin tưởng Mục Á vì con bé chưa từng giấu giếm điều gì, kể cả việc làm gái điếm ở Đông Môn Cao Lầu. Ba năm trước, Mục Á ngừng thư từ. Chúng tôi lo lắng và lần theo địa chỉ thư điện thử, chỉ biết con bé từng sống ở Khẩu Lỗ thành, ngoài ra không tìm được điều gì hơn.
Đa Lạt nhướn mày như không tin nổi:
-Các ngài biết Mục Á sống ở Khẩu Lỗ thành. Vậy mà khi chúng tôi hỏi tin tức cô ấy, các ngài khăng khăng rằng mình không biết!
Thay vì giận dữ trong tư thế của người bị lừa gạt, Đa Lạt nói bằng cái giọng thảng thốt như thể vừa khám phá ra điều kỳ lạ. Hơi rượu làm ông kém hăng hái hơn lúc đầu, thức ăn lấp dạ dày ông và không còn chỗ chứa nộ khí. Vị trưởng tộc trả lời:
-Vì chúng tôi cảm thấy xấu hổ trước đại thống lĩnh Khai Y. Chúng tôi gần gũi Mục Á nhất mà không biết con bé làm gì hay ở đâu, nói cách khác, chúng tôi quá mềm yếu khi bỏ mặc và để Mục Á tự vật lộn ngoài kia. Thời gian đó, chắc ngài biết Liên Minh Phương Bắc đang gặp vấn đề nội bộ còn ngài Khai Y phải giải quyết hàng nghìn công việc. Bởi vì là thông gia, Ẩn Lý Thị cần nghĩ cho ngài Khai Y. Thế nên chúng tôi quyết định tự giải quyết, tránh gây phiền phức cho đại thống lĩnh nói riêng và Băng Hóa quốc nói chung.
Ông học giả người Băng Hóa lắc đầu:
-Nếu ngài lấy lý do “xấu hổ” để giải thích, tôi vui lòng chấp nhận. Nhưng ngài không thể lấy lý do đó biện minh cho việc Ẩn Lý Thị che giấu Mục Á qua đời hoặc mang cô ấy về Diệp quốc. Chúng ta sống trong thế giới phụ hệ, thưa ngài. Con cái sinh ra mang họ cha, bản thân Mục Á cũng được ngài Mục Du Cổ nuôi dưỡng bằng những chuẩn mực phương bắc. Bởi lẽ đó, cô ấy là người phương bắc và thuộc về phương bắc. Chúng tôi có quyền đem Mục Á về lăng mộ của dòng họ Biệt Liên Đại Đế.
-Quả thật chúng ta sống trong thế giới phụ hệ, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta được phép phủ quyết mẫu hệ, thưa ngài. Ngài là học giả, chắc ngài hiểu điều đó hơn tôi. – Vị trưởng tộc từ tốn đáp – Phương bắc các ngài tôn sùng Vạn Thế, vậy các ngài gọi Vạn Thế là “cây mẹ” hay “cây cha”? Và chúng ta có Nữ Thần Tiên Tri, không đơn giản là “Thần Tiên Tri”. Và chúng tôi không nghĩ Ẩn Lý Thị hèn kém tới mức không tìm được cho Mục Á một nơi an nghỉ xứng đáng. Khi còn bé, con gái Đằng Xuân Tử của tôi đã dạy Mục Á mọi tinh túy và lễ nghĩa từ nghề vũ nữ thần linh. Hơn nữa, Mục Á dành hầu hết tuổi thơ ở Diệp quốc. Bởi vậy, cháu gái tôi là người Diệp quốc. Chúng tôi có đầy đủ quyền chôn cất cháu gái mình.
Sau rốt hai người tranh luận xem bên nào được phép giữ di hài Mục Á. Ông trưởng tộc muốn chôn cất Mục Á tại Diệp quốc, nói rằng quốc gia này cần một vũ nữ thần linh mang dòng máu trực hệ. Tiếp đến, ông ta viện dẫn rằng những bất ổn gần đây với Bắc Thần quốc là minh chứng cho thấy các thực thể bóng tối đang trỗi dậy, đẩy Diệp quốc bên bờ vực hỗn loạn. Dĩ nhiên Đa Lạt chẳng chịu thua. Đáp lại, ông học giả lôi ra hàng trăm lý do tâm linh tương tự để mang di hài Mục Á về phương bắc. Nhưng thay vì diễn tả lời nói bằng thái độ cứng rắn như băng đá, ông lại nhũn nhặn như khối băng chảy nước. Rượu lẫn thức ăn ngon làm Đa Lạt phần nào đồng điệu với ông trưởng tộc Ẩn Lý Thị. Mà mâu thuẫn giữa hai con người hòa nhã thì chẳng dẫn tới đâu.
Bàn luận trong tiệc rượu mãi mà chẳng có kết quả, Đa Lạt bắt đầu ngán. Ngày 7 tháng 3, ông học giả thôi ghé thăm dinh thự Ẩn Lý Thị. Ông nhận ra mình đang rơi vào ma trận của rượu mạnh, đồ ăn ngon, bánh ngọt và nước trà thơm phức. Cứ tiếp tục qua đó, ông sẽ gật đầu cái rụp với người Diệp quốc chưa biết chừng. Đa Lạt cần một liều thuốc xốc lại cơn nhũn nhẽo trong đầu óc. Liều thuốc mang tên “Xuy Hạ Khai Y”.
Sáng sớm hôm đó, Đa Lạt gọi điện về Băng Hóa quốc. Trong phòng ngủ khách sạn, máy chiếu ba chiều dội ánh sáng xanh và hiện lên hình ảnh ông đại thống lĩnh Băng Hóa:
“Đa Lạt hả? Khỏe chứ, anh bạn tròn vo? Sao? Người Diệp quốc thế nào, họ chịu trao trả Mục Á không?”
Đa Lạt nửa đùa nửa thật:
-Tôi khỏe, thưa ngài. Khỏe quá mức bình thường! Nhân tiện thông báo với ngài là tôi lên ba cân rưỡi! Chắc là người Diệp quốc muốn vỗ béo tôi thành con heo nái để họ bảo sao nghe vậy…
Rồi ông học giả kể lại sự vụ tại dinh thự Ẩn Lý Thị. Nghe xong, Khai Y hỏi:
“Thế Vô Phong thì sao? Cậu có lộ ra chúng ta đã gặp hắn không?”
-Tôi uống nhiều nhưng vẫn đủ tỉnh táo, thưa ngài. Nếu lộ ra chúng ta gặp tóc đỏ, mọi thứ sẽ nát bét như món khoai tây nghiền trộn thịt băm. – Đa Lạt nhún vai.
“Vậy bên Ẩn Lý Thị thế nào? Họ định tha Vô Phong không?” – Khai Y tiếp tục.
Đa Lạt lắc đầu, hai má phúng phính lắc lư:
-Tôi không thể đào bới quá nhiều chuyện đó. Ngài biết đấy, nếu hỏi quá nhiều, bên Ẩn Lý Thị sẽ nghi ngờ. Đại khái họ nói rằng nếu không thể trả thù, Ẩn Lý Thị sẽ mất danh dự. Ông trưởng tộc bên đó thuyết giáo tôi một bài dài về phẩm hạnh và danh dự kiểu Diệp quốc lẫn phương đông của họ - mà tôi nghi rằng ông ta dông dài như thế nhằm làm tôi quên chuyện mang Mục Á về phương bắc. Nói tóm lại, họ không bỏ qua cho Vô Phong.
“Đám người phương đông luôn kỳ quái như thế!” – Ông đại thống lĩnh Khai Y bật cười – “Họ thường vẽ ra những thứ huyền hoặc to lớn để bù lấp thể chất yếu đuối của mình. Họ thích nói về rượu, thích tán tụng rượu nhưng kỳ thực một gã đàn ông phương đông uống rượu thua cả phụ nữ phương bắc. Họ thích bàn chuyện chiến đấu, lòng quả cảm nhưng không bao giờ chịu nổi một đấm của chúng ta. Họ thích bàn chuyện âm mưu nhưng chỉ giỏi với chính bọn họ, còn hễ gặp người khác chủng tộc thì họ lại hiền lành như trẻ nít. Chưa bao giờ tôi hết bất ngờ với họ!”
Khai Y cười sảng khoái, hai vai rung liên hồi. Cười xong, ông ta ngẫm nghĩ ít lâu rồi tiếp tục:
“Nói cho cùng, cả chúng ta và Ẩn Lý Thị đều có quyền sở hữu Mục Á. Chuyện này giống như là bên nào nhanh tay hơn, bên đó sẽ có cô ấy. Chúng ta chậm chân hơn, ông bạn. Dù vậy, chúng ta vẫn còn lợi thế. Theo phong tục phương bắc, trong những trường hợp bi kịch kiểu gia đình Thát Khan, vợ chồng thường được chôn chung mộ hoặc chôn cạnh nhau. Tôi nghe nói phụ nữ phương đông theo chồng, đã làm đám cưới tức là thuộc về gia đình chồng. Ẩn Lý Thị là dòng họ cổ xưa, hẳn sẽ tôn trọng truyền thống. Nếu ta thuyết phục được gia đình họ Thát, họ sẽ mang Mục Á về phương bắc.”
-Đến giờ họ vẫn chưa hiểu con trai mình kết hôn với ai. – Đa Lạt khoanh tay thở dài – Sẽ mất kha khá thời gian để thuyết phục gia đình họ Thát, thưa ngài. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Tôi không dám chắc Ẩn Lý Thị sẽ lắng nghe họ Thát. Sau khi nói chuyện với ông trưởng tộc Ẩn Lý Thị, tôi nhận định rằng cả chúng ta và bọn họ muốn sở hữu Mục Á vì lý do tâm linh, mà như vậy thì không thể giải quyết theo cách thông thường. Ngay cả Chợ Rác Uất Hận Thành cũng không có quyền hạn trong chuyện này.
“Có hướng khả thi không?” – Khai Y hỏi.
Đa Lạt tặc lưỡi, đầu nghiêng bên nọ nghiêng bên kia như con lật đật, hai hàm răng cọ nhau ngăn lời nói thoát khỏi miệng. Sau rốt ông trả lời:
-Có thì có, chỉ e rằng… khó! Trên thế giới này có năm người đủ tư cách đứng ra hòa giải giữa chúng ta và Ẩn Lý Thị. Bất kỳ người nào cũng được. Họ đại diện cho sự cân bằng, am hiểu lý lẽ, thông tuệ những kiến thức cổ xưa. Để họ làm quan tòa hòa giải là hợp lý nhất!
Khai Y nhướn mắt nhíu mày:
“Ý anh bạn là Ngũ Pháp Sư? Nhưng họ biến mất hơn nửa thế kỷ rồi, những gì chúng ta biết về họ là cả năm người đó đã trở thành ông bà già, và không ai trong số đó nắm giữ nguyên tố Thổ. Chỉ vậy thôi, không hơn! Ngay cả tình báo của chúng ta cũng chẳng biết họ đang ở đâu. Bỏ đi, đừng phí thời gian, anh bạn! Hãy làm theo cách của tôi: đưa họ Thát tới Diệp quốc nói chuyện phải trái với Ẩn Lý Thị. Tôi cho cậu một tháng giải quyết, nếu cách đó cũng không xong, tôi sẽ tính biện pháp khác. Vậy nhé, mong Vạn Thế che chở cậu, tạm biệt!”
Khai Y dập máy, không để ông học giả có cơ hội đặt câu hỏi hay phàn nàn. Một tháng là một tháng, Đa Lạt chỉ có ngần ấy thời gian để xử lý mớ lẩu ngâm rau hẹ ở Diệp quốc. Ông bắt đầu suy nghĩ về cái gọi là “biện pháp khác” của Khai Y. Nhiều năm làm bạn, ông biết tính Khai Y, biết rõ người đàn ông có mái tóc màu hổ phách đó sẵn sàng làm tất cả vì lợi ích Băng Hóa, kể cả phải biến mình thành kẻ tráo trở. Đa Lạt tin rằng nếu sự vụ ở đây diễn biến xấu, Khai Y sẽ phá luật mà đem gã tóc đỏ Vô Phong làm quà trao đổi với Ẩn Lý Thị. Người bạn của Đa Lạt quá quyền lực và quá mạnh mẽ, luật lệ vô tác dụng với ông ta.
Ngay sau cuộc nói chuyện, Đa Lạt gửi một bức thư xin gặp mặt tới gia đình họ Thát, còn bản thân ông tới thư viện thành phố. Ông cần tìm một thành viên Ngũ Pháp Sư vốn có quốc tịch Diệp quốc, mà nếu còn sống thì giờ đã hơn chín mươi tuổi. Đó là một người phụ nữ, tên là Lập Hoa Ngân Thôn Cơ, thường được gọi là Thôn Cơ.
Hơn nửa thế kỷ trước, trong lúc thế giới Tâm Mộng đầy rẫy bất ổn, các thành viên Ngũ Pháp Sư không hẹn mà lần lượt biến mất. Chẳng ai biết họ đi đâu, làm gì, còn sống hay đã chết. Những đại thánh sứ thông tuệ tin rằng Ngũ Pháp Sư đã lui vào bóng tối và chiến đấu với nhau ở một thế giới riêng biệt. Các nhà chính trị nói họ không còn gây ảnh hưởng lên thế giới như trong quá khứ, nên tự động rút lui. Dư luận thì tự truyền bá tai nhau trăm ngàn thuyết âm mưu lẫn chuyện giật gân, không biết đằng nào mà lần. Nhiều năm qua, người ta hết truy tìm rồi đồn đoán về Ngũ Pháp Sư nhưng chẳng có kết quả. Đa Lạt biết mình lao đầu vào chuyện vô ích nhưng vẫn làm. Ông không muốn Khai Y phá luật. Sự phá hoại luật lệ luôn gây ra những tiền lệ xấu không thể tưởng tượng.
Chuyện cũ thường nằm trong sách vở cũ và không nơi nào nhiều sách vở cũ bằng thư viện. Đa Lạt biết điều đó. Sau ít phút đi tàu điện, ông học giả đến thư viện thành phố. Câu Nguyệt thành nhỏ bé nên kiến trúc đa số vừa phải, ít bề thế. Thư viện mà ông học giả đặt chân tới cũng vậy. Nó có sân vườn, hồ nhỏ, ba dãy nhà thấp mái trải dài liên kết nhau và một nhà hai tầng – trông giống tư gia hơn là công trình công cộng. Sách vở nơi đây không đáng nói vì nặng tính cục bộ địa phương, nhưng lại đặc biệt nhiều tạp chí cũ. Nó cũng sở hữu hệ thống máy tính liên kết với thư viện quốc gia, Đa Lạt có thể tìm đọc những quyển sách giá trị mà không cần lặn lội tới thủ đô Diệp quốc. Chốn này yên tĩnh ít người qua lại, là địa điểm lý tưởng cho một con mọt chữ nghĩa như Đa Lạt.
Nhưng thư viện không lý tưởng. Thứ nhất là ghế ngồi hơi nhỏ mà Đa Lạt vốn chẳng mấy nhẹ nhàng. Đôi lúc ông phải ngó xuống nhằm chắc chắn rằng bốn chân ghế chưa cong vênh. Thứ hai là bà chủ thư viện đã cao tuổi, ưa cằn nhằn và mang những bệnh tật phiền hà nhất của người già: thính giác nghễnh ngãng, đυ.c thủy tinh thể, đau khớp gối… đủ thứ mầm họa có thể tiễn bà ta về Tụ Hồn Hải bằng một cú trượt chân. Thế nên mang tiếng khách nhưng Đa Lạt phải tự mình kiếm tài liệu, tự phục vụ trà bánh – dù sao ông cũng không muốn làm nhân chứng của một vụ tai nạn chết người. Thế giới Tâm Mộng đã quá nhiều người chết.
Nhưng thứ phiền phức nhất xuất hiện lúc ba giờ chiều. Khi đang nghiền ngẫm nghiên cứu, ông học giả chợt thấy một lọn tóc vàng chen vào tầm mắt. Ông ngước lên rồi lại quay đi, thần tình tái mét như vừa gặp ma. Con ma tóc vàng lại chạy sang bên kia, cố tình quấy phá Đa Lạt:
-Chào ngài học giả, tôi là Tiểu Hồ đến từ Phi Thiên quốc. Chúng ta đã gặp nhau rất nhiều lần tại dinh thự Ẩn Lý Thị. Xin đừng lảng tránh tôi như vậy, thưa ngài! Chúng ta biết nhau mà!
Biết rằng không thể lẩn tránh mãi, Đa Lạt đành gấp sách rồi mặt đối mặt Tiểu Hồ:
-Tất nhiên tôi biết. Thậm chí tôi biết cô nhiều hơn những gì cô tự giới thiệu. Nhưng có một điều tôi không biết: hình như… cô hơi bất lịch sự? Cô không thấy tôi đang làm việc sao? Chúng ta đâu có đến đây nghỉ dưỡng?
-Tôi lại thấy ngài đang nghỉ dưỡng đấy chứ?! – Tiểu Hồ cười tươi – Hôm nào ngài cũng ăn tiệc với ông trưởng tộc Ẩn Lý Thị hết! Đâu giống làm việc? Tôi biết mà! Hình như tiệc ngon lắm, cái ghế của ngài lắc lư thế kia cơ mà!
Đa Lạt tưởng thật vội ngó xuống. Người béo thường sợ mang tiếng “làm gãy ghế”. Thấy chiếc ghế nhỏ vững vàng, ông học giả nhìn lên thì thấy Tiểu Hồ bụm miệng cười khùng khục. Đa Lạt ôm mặt, tự vấn lương tâm có phải vì trễ nải cầu nguyện cây mẹ nên dính vào ngôi sao quả tạ tóc vàng này.
Không riêng ông học giả người Băng Hóa, Tiểu Hồ cũng thường xuyên ghé qua dinh thự Ẩn Lý Thị, hai người họ dần nhẵn mặt nhau ở phòng khách. Cô nàng tóc vàng luôn chủ động bắt chuyện trước, luôn tỏ ra phát ốm vì buồn chán và chờ đợi. Đáp lại Tiểu Hồ, Đa Lạt khoác lên mình cái áo đứng đắn của người đàn ông đã hết hứng thú với gái trẻ. Ông luôn cảnh giác Tiểu Hồ, đề phòng mọi ngôn từ mà cô nàng giăng ra. Gây nên cơ sự này đều do gã tóc đỏ Vô Phong to mồm. Thâm tâm ông học giả ngả mũ kính phục Vô Phong, bởi lẽ cái biệt tài sinh sự gây rắc rối của hắn đã vượt khoảng cách địa lý, vượt cả không gian lẫn thời gian.
-Tôi thú nhận rằng khi xem truyền hình Kỳ Thi Tổng Lãnh, tôi luôn ngóng đợi cô và công chúa Lục Châu thi đấu. – Đa Lạt nhún vai phân bua, ngón tay vẽ những đường vô hình vô nghĩa trên bìa sách – Nếu muốn, cô có thể đến nhà tôi tại Băng Hóa thành, tôi và gia đình sẽ lấy làm hãnh diện. Nhưng tôi còn rất nhiều việc, không dư thời gian. Còn nếu cô muốn nhờ vả chuyện gì thì tôi rất lấy làm tiếc. Tôi không có nhiều mối quan hệ lắm và cũng không phải người giỏi quan hệ. Mong cô hiểu!
Tiểu Hồ gật đầu, miệng cười tươi hai chữ “Ừ hứ!”. Trông vậy, Đa Lạt biết màn kịch đơn điệu của mình đã thất bại, nó cần nhiều thứ hơn nữa mới hòng lừa phỉnh được cô nàng. Nhưng quyền trả lời thuộc về Đa Lạt và nếu ông tiếp tục im lặng, Tiểu Hồ cứ việc ôm khư khư mối nghi ngờ không lời giải đáp. Ông học giả chẳng thiệt thòi đường nào, còn Tiểu Hồ ngày càng khó chịu như ăn phải bát súp cá lổn nhổn xương.
Không thể nạy răng ông học giả người Băng Hóa, Tiểu Hồ đi vòng quanh, nghến cổ ngó nghiêng mớ tài liệu trên bàn. Cô nàng nhìn bìa sách, đọc những mảnh tờ báo cắt rời sau đấy chăm chú vào từng hàng chữ xanh lè dấu nhớ. Đa Lạt mặc kệ cô nàng săm soi, cứ ung dung thưởng thức trà thiết mộc. Trong mắt ông, đám chiến binh không đủ khả năng suy luận kiến thức sách vở hay học thuật chuyên ngành. Đánh đấm và đầu óc là hai phạm trù khác biệt! – Đa Lạt cười mỉm đoạn ghé môi nhấp ngụm trà.
-Ngài đang tìm Ngũ Pháp Sư, phải không? – Tiểu Hồ bỗng cất lời.
Đa Lạt ho sặc, suýt nữa phun phì nước trà. Những tài liệu mà ông đang đọc vốn không theo chủ đề nhất định mà tản mác mỗi thứ một ít, người ngoài nhìn vào dễ lầm tưởng ông nghiên cứu lịch sử tôn giáo. Ông thường lấy đó làm niềm tự hào nho nhỏ. Giờ niềm tự hào nho nhỏ bể nát như miếng bánh quy bẻ vụn, Đa Lạt bầm mặt nhìn cô gái tóc vàng. Tiểu Hồ cười khanh khách:
-Ngài đang nghiên cứu sự ảnh hưởng của Ngũ Hành lên thế giới phương đông, những tôn giáo cổ xưa dựa theo Ngũ Hành, sự chuyển mình và hòa nhập của chúng vào tôn giáo Vạn Thế. Người ta thường viện dẫn nhiều lý do khoa học, chính trị, tôn giáo mà quên đi một nhóm là Ngũ Pháp Sư. Họ là cầu nối liên kết các nguồn ý thức, tư tưởng tôn giáo rồi hòa hợp tất cả với Vạn Thế, tạo nên kỷ nguyên hiện đại cho thế giới Tâm Mộng.
-Họ chỉ là huyền thoại. – Đa Lạt chống chế – Chẳng ai rõ họ làm gì, tất cả chỉ là đồn thổi. Tại sao tôi phải tìm một chuyện khó tin như thế?
-Tôi không biết tại sao ngài tìm Ngũ Pháp Sư, nhưng tôi biết ngài đang tìm họ. Bởi vì tôi từng xem các công trình nghiên cứu của ngài. Ngài rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu, đặc biệt là chuyên ngành tôn giáo, cha nuôi từng giới thiệu cho tôi vài tác phẩm do ngài viết. Người như ngài phải đến thành phố này tìm sách sao? Tôi nghĩ ngài đang lần theo một thành viên trong Ngũ Pháp Sư có quốc tịch Diệp quốc, tên là Lập Hoa Ngân Thôn Cơ.
Đa Lạt gãi đầu, thâm tâm chẳng dè quả tạ tóc vàng ghê gớm nhường ấy. Ông nhún vai:
-Cứ cho là vậy đi. Thế cô muốn thảo luận điều gì nào, cô gái?
Tiểu Hồ lắc đầu, đôi mắt ngúng nguẩy những tia nhìn ranh mãnh:
-Không, tôi không đủ kiến thức để thảo luận với ngài. Nhưng tôi có thể tìm một thành viên Ngũ Pháp Sư cho ngài, chỉ một người thôi! Đổi lại, ngài phải trả lời tôi vài câu hỏi. Vài câu hỏi đổi lấy một Ngũ Pháp Sư, ngài quá hời, đúng không?
Tới giờ phút này, Đa Lạt khẳng định rằng Tiểu Hồ đã biết ông ta làm việc với Vô Phong. Ông cũng đoán cô nàng sẽ dùng “vài câu hỏi” nhằm truy vấn tận chân tơ kẽ tóc. Đến lúc đó, cái nồi lẩu ngâm rau hẹ do Vô Phong khởi xướng sẽ được thêm nào phô mai, nào sữa, nào bánh kem, nào thịt bò, nào thịt gà, nào cá… đủ thứ tạp phí lù và nó sẽ giống bãi nôn tởm lợm nhất vừa khạc ra từ mồm của một gã say xỉn. Đa Lạt nhổm dậy, gương mặt đanh lại:
-Đừng đùa với tôi! – Ông thì thào – Chẳng ai tìm được Ngũ Pháp Sư hết! Không tổ chức hay đất nước nào quản lý được họ. Họ chỉ xuất hiện khi chính họ muốn. Đừng làm tôi như đứa trẻ nít, cô gái! Cô không biết mình đang nói gì đâu!
-Ồ, vậy là ngài tìm Ngũ Pháp Sư thật! – Tiểu Hồ nháy mắt – Thế giới vẫn đầy chuyện lạ mà! Nhưng tôi đảm bảo rằng sẽ tìm được thành viên Ngũ Pháp Sư cho ngài. Chỉ cần ngài hứa…
Như không thể chịu đựng hơn nữa, ông học giả đập bàn. Dưới hai bàn tay to bè núc thịt, chiếc bàn nhỏ rung bần bật như sắp gãy đôi:
-ĐỪNG NGHĨ TÔI LÀ TRẺ NÍT! Tôi cảnh cáo cô! Cô chẳng biết gì hết! Đây không phải là giao kèo có thể trao đổi. Cô đang mơ về một giấc mơ hão huyền, cô bé. Về nhà đi, về Phi Thiên quốc của cô, ở đây không có chuyện gì cho cô nữa!
Tiểu Hồ ngạc nhiên trước phản ứng thái quá của ông học giả. Như không muốn mọi chuyện thêm tồi tệ, cô nàng giơ hai tay cùng nụ cười hòa hoãn:
-Xin lỗi vì làm phiền ngài. Nhưng tôi sẽ không đi đâu cả, vì tôi cũng có việc quan trọng ở thành phố này. Có lẽ khi bình tĩnh hơn, ngài sẽ suy nghĩ lại. Muốn gặp tôi, ngài chỉ cần tới dinh thự Ẩn Lý Thị hoặc qua thư viện này. Vậy… xin ngài cứ tự nhiên!
Dứt lời, cô nàng xoay gót đi thẳng, không ngoái lại dù chỉ một lần. Đa Lạt chẳng còn tâm trạng đọc sách. Ông gom sách vở tài liệu, đăng ký với bà chủ quản thư viện rồi đem chúng về khách sạn. Trước những mớ bòng bong liên tiếp giáng xuống, Đa Lạt cảm giác mình bẹp dí như chiếc bánh bột, dư sức trải rộng và căng ra trên bốn góc giường khách sạn. Cứ tình trạng này, ông đồ rằng sự việc vẫn rối bét và cái ngày Khai Y phá luật chẳng còn xa.
Đa Lạt chẳng hề biết hôm đó Tiểu Hồ ở lại thư viện đến tối muộn. Mãi tới khi bà chủ quản thông báo đóng cửa, cô nàng mới chịu ra về. Đợi bà chủ quản đóng hết cửa nẻo thư viện, Tiểu Hồ bèn lững thững theo chân bà già như hình với bóng. Hai người một trước một sau như hai kẻ xa lạ kéo nhau qua những con phố neo người của Câu Nguyệt thành. Được một lúc, bà già ngoảnh lại, miệng móm quạu cọ:
-Theo gì theo hoài… bộ mi không biết ngượng hả?
-Cháu chưa nghe hết chuyện, bà ơi! – Tiểu Hồ ngúng nguẩy – Hãy nói xem bà gặp cha nuôi cháu như thế nào, còn chuyện Ngũ Pháp Sư nữa, cháu chưa nghe hết!
Bà chủ quản thở phì phì đoạn ngước nhìn bầu trời tuyết. Ngẫm nghĩ một lúc, bà già nói, mặt nhăn nhó:
-Chắc giờ này nhà ta đang làm lẩu. Mi muốn ăn không?
Tiểu Hồ mừng rỡ, bèn phăm phăm chạy tới nắm tay bà già, vừa đi vừa kể những câu chuyện về đại thánh sứ Tây Minh. Trời lạnh, chuyện phiếm và lẩu luôn đi kèm với nhau, luôn khiến người ta hào hứng.