Đã lâu lắm rồi người Lạc Việt mới mở tiệc đãi khách. Họ mang ra những chum vò được cất giữ bấy lâu, bên trong chứa đầy thứ rượu trắng trong sủi tăm thơm nồng. Những người đàn ông nối tay cụng chén, thứ chén nhỏ tí mà họ thường nói đùa rằng không cẩn thận sẽ nuốt vào bụng. Họ uống rất nhiều, cảm tưởng nếu biển cả làm bằng rượu, họ cũng uống sạch. Có rượu, họ trò chuyện với nhau bằng những lời chân thành nhất từ trái tim đầy nhiệt huyết và vui tính. Chốc chốc, họ lại đứng dậy chúc tụng, giống hệt cảnh tượng mà Vô Phong từng thấy ở quán nhậu quận 4. Lý do nâng chén nhiều vô kể, nào đón chào khách lạ phương xa, nào vì tộc trưởng Lạc Long lâu lâu mới ghé thăm, nào mừng Lộc Tục về làng sau mười năm du ngoạn thế giới. Mỗi lần nâng chén, họ lại hô “một, hai, ba” như cả đoàn ngư dân hò nhau kéo lưới. Một điều lạ là ngoài Mẫu Cơ, hai cô gái Phi Thiên thì phụ nữ không tham gia buổi tiệc mà ăn riêng với nhau.
Vô Phong nhận ra thịt giao long na ná thịt lươn nhưng dai hơn, nhai lâu mới thấy vị ngọt, rất phù hợp cho buổi lai rai. Giao long to, thịt ê hề nên được chế biến thành nhiều món khác nhau. Thịt bày trên lá chuối xanh (Vô Phong mới nghe loại lá này lần đầu); hấp, nướng, lăn, hỗn hợp, đủ cả. Điều thú vị là tất cả đều do cánh đàn ông họ Trần chế biến. Họ ăn nhiều, uống giỏi và làm đồ nhậu cũng giỏi nốt. Các món rất ngon, đến nỗi chúng khiến người ta chú tâm ăn uống, quên đi những bản tính đáng ghét thường ngày. Bộ mặt ỉu như bánh ngâm nước của Tàn Thi bỗng rạng rỡ, con cú vọ Hoa ít hỏi han mà tập trung lấp đầy bụng. Hỏa Nghi khỏi nói, gã cố gắng nếm đủ mọi món như thể cố lưu trữ hương vị vào bộ nhớ. Chỉ riêng hai cô gái vẫn giữ thái độ chỉn chu nghiêm túc. Lục Châu chưa bao giờ tỏ ra mình đói, nàng quan tâm tới chuyện Quỷ Vương hơn là tiệc tùng. Còn Tiểu Hồ vẫn chẳng khá hơn tí nào. Thái độ âu sầu của cô khiến bữa tiệc kém vui đôi chút. Một người nữa cũng chẳng thiết tha ăn uống là Nguyễn Lữ. Ông ta chỉ chăm chăm ghi chép lời vàng ngọc từ các bậc tổ tiên đang ngà ngà say.
Ngồi cạnh Vô Phong là Khánh Dư. Người này đã sống vài trăm năm, song dung mạo rất trẻ, tưởng như chỉ hơn Vô Phong vài tuổi. Gã nói chuyện rất thoải mái, thi thoảng lại gạ gẫm tên tóc đỏ:
-Ta còn giữ bộ da và răng nanh giao long, mua không anh bạn trẻ? Hai mươi thùng vàng thôi. Sao? Đắt á? Này anh bạn, nhờ chúng, bọn ta đã chiến đấu với giặc phương bắc hàng nghìn năm, giá trị không tưởng đâu!
Khánh Dư khề khà thở đầy hơi rượu. Nghĩ gã đã say, Hỏa Nghi liền bớt giá xuống mười thùng vàng. Khánh Dư lập tức đổi mặt con buôn đòi giữ nguyên giá. Nghe hai người cò kè bớt một thêm hai như tấu hài, Vô Phong cười sặc.
Hai trưởng bối cao tuổi của gia tộc Trần là Trần Liễu và Trần Cảnh cũng dự tiệc. Họ tuy kém tuổi Lạc Long nhưng gương mặt lại già hơn ngài tộc trưởng. Trần Liễu xem chừng đã quá chén và bắt đầu lè nhè với người em Trần Cảnh:
-Cảnh à, ngươi phận em mà cứ cãi lời ta là sao?
-Anh trai à, chúng ta đang tiếp khách. – Trần Cảnh thì thầm.
Trần Liễu nổi giận:
-Láo! Ngươi tưởng ngươi làm trưởng họ mà đòi dạy dỗ ta hả? Nghe đây, đáng ra trưởng họ phải là ta, không phải ngươi!
Trần Cảnh cười gượng:
-Anh say rồi. Về nhà thôi!
-Ta chưa say! Để ta nói tiếp…
Kẻ say thường ít tự nhận mình say dù miệng đã méo xệch. Trần Cảnh đỡ lấy người anh đang đứng xiêu vẹo, nhẹ giọng với khách:
-Mọi người cứ tự nhiên nhé, ta đưa anh trai về rồi quay lại!
Hai anh em liêu xiêu bước ra khỏi lều, một người ngân nga điệp khúc “Ta chưa say”, người kia lặp lại bài ca “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mọi người đi qua thấy cảnh tượng ấy chỉ cười như thể chuyện xảy ra hằng ngày. Ngó bản mặt ngắn tũn của mấy vị khách Phi Thiên, ngài Lạc Long cười:
- Rượu ngon quá, người ngất ngây ấy mà! Nào, mọi người lên nào!
Nghe “lệnh” tộc trưởng, đám đàn ông đứng dậy nâng ly, mấy vị khách Phi Thiên cũng bị cuốn vào. Tiếng hò “một, hai, ba” vang dậy ngôi nhà. Mẫu Cơ ngồi cạnh ngài tộc trưởng, thi thoảng thúc sườn nhắc nhở ông chồng chớ quá chén. Nhưng nhắc thì nhắc vậy, Lạc Long gật gật gù gù vậy chứ vẫn uống đều đều.
Chừng một tiếng sau, tiệc chưa tàn nhưng bốn gã Phi Thiên đã say ngoắc cần câu. Lạc Long và Khánh Dư, mỗi người cắp nách hai gã đem về giường ngủ. Vừa đặt lưng xuống, bốn gã ngáy khò khò chẳng biết trời đất trăng sao chi nữa, thành thử chỉ còn công chúa và Tiểu Hồ tỉnh táo để bàn việc ngày mai. Trước hết, họ cần tới nhà Lộc Tục làm lễ tế chọn giờ tốt để khởi hành. Ông già còn bận rượu nên Mẫu Cơ dẫn hai người tới trước. Trên đường, công chúa bồn chồn không thôi vì lo Lộc Tục sẽ… ngoắc cần câu giống bọn Vô Phong.
Nhà của Lộc Tục ở khúc cuối nhánh sông phía tây làng. Từ chỗ họ Trần đến đó đi qua một dải đồi dài thoai thoải mướt cỏ xanh, con đường mòn xuyên giữa hai hàng cây trĩu quả. Những người phụ nữ đang nghỉ trưa dưới tán cây, trông thấy Mẫu Cơ, họ liền cúi đầu chào tỏ lòng kính trọng. Bà vợ tộc trưởng mỉm cười đáp lễ đoạn chạy ra xin họ ít trái cây. Lát sau, bà quay lại, đưa cho Lục Châu và Tiểu Hồ một thứ quả có lớp vỏ sần sùi màu đỏ nâu. Mẫu Cơ nói:
-Bóc vỏ ngoài là ăn được.
Hai người làm theo Mẫu Cơ thì nhận ra dưới vỏ là lớp cùi mềm màu trắng đυ.c tỏa hương thơm nồng nhiệt, ăn thử thấy vị ngọt sắc lan tỏa khắp vòm miệng. Thứ này gọi là “quả vải”, một món đặc sản của Xích Quỷ. Vốn hảo ngọt nên Tiểu Hồ xin thêm, vừa đi vừa nhẩn hết cả chục quả. Nó khiến nàng vui thích và tạm quên đi nỗi bực dọc với tên tóc đỏ. Phải, suốt vài ngày qua, nàng như ngọn núi lửa chỉ chực phun trào bất cứ lúc nào.
Tại sao Vô Phong nổi cáu? – Tiểu Hồ tự hỏi. Nàng không phải “con nhỏ lắm chuyện” như hắn nói, nàng là cô gái biết quan tâm. Hắn đã trở thành một phần trong cuộc sống của nàng, thấy hắn không vui, nàng hỏi han, như vậy là quá đáng? Như vậy là đạo đức giả? Nhớ chữ “đạo đức giả”, đầu cô nàng lại ngùn ngụt khói. Loại người như tên tóc đỏ có lý do gì để bực tức hay giận dỗi sao? Trong mắt nàng, đó là điều kỳ lạ. Hắn mà giận dỗi? Trời sập! – Tiểu Hồ nghiến răng. Mà kể cả bực tức chăng nữa, hắn không có quyền hét tướng trước mặt nàng như vậy. Từ rày về sau đừng hòng nàng hỏi han gì nữa, dẫu hắn chết cũng mặc. Nhưng sâu dưới dòng suy nghĩ đầy hậm hực đó, nàng vẫn muốn hắn ngỏ lời xin lỗi. Không, không đúng! Nàng sẽ ngó lơ hắn, tuyệt đối không nói chuyện hay quan tâm. Từ nay về sau, hai người sẽ như hai kẻ xa lạ.
Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, Tiểu Hồ vẫn không thể giải tỏa nỗi bực dọc. Khéo làm sao khi người bên cạnh nàng lúc này là công chúa. Tiểu Hồ kéo công chúa đi chậm lại, đợi Mẫu Cơ cách xa một quãng mới bắt đầu nói. Công cuộc nói xấu tên tóc đỏ của Tiểu Hồ bắt đầu bằng câu hỏi bâng quơ:
-Công chúa thấy Vô Phong thế nào?
-Thế nào là thế nào? Sao em hỏi vậy? – Lục Châu ngạc nhiên.
-Thì là… công chúa thấy hắn thế nào? Tốt hay xấu?
Lục Châu cắn môi ngẫm nghĩ. Nàng luôn nghĩ kỹ trước khi đánh giá người khác, đặc biệt là Vô Phong. Nàng trả lời:
-Ưm… Vô Phong là người tốt, ta nghĩ thế.
-Tốt? Em chẳng thấy hắn tốt ở điểm nào hết!
Công chúa cười:
-Em nói thật chứ? Ở đất thánh, chính anh ta cứu em. Rồi ở đất Thiên Phạn, em cứu anh ta bằng phép thuật của người Đà Ma. Ta nhớ chưa chàng trai nào được em đối tốt như vậy. Nhưng … đó là phép thuật gì vậy? Ta hỏi mấy lần mà em chẳng chịu nói!
Tiểu Hồ ngượng chín mặt, hai má sắp giống màu vỏ quả vải. Nàng hầm hừ:
-Cùng là hộ vệ, chẳng lẽ em không cứu hắn? Nhưng tên mắc dịch ấy chẳng thèm biết ơn gì sất!
-Lúc ấy anh ta hôn mê, không biết cũng phải. Giống như ta thôi…
Nói tới đó, Lục Châu ngập ngừng rồi lảng chuyện khác:
-Hai người có vấn đề gì vậy? Ta thấy đang thân thiết lắm cơ mà!
-Thân thiết?! – Tiểu Hồ thở hắt ra – Hắn tham ăn, tục uống! Hắn không được tích sự gì cả! Chị hãy tránh xa hắn ra!
Công chúa ém miệng cười. Trong mắt nàng, Tiểu Hồ như cô bé đang giận dỗi vì những lý do chẳng đâu ra đâu. Nàng lắc đầu:
-Vế đầu tiên của em, ta không có ý kiến. Đàn ông đâu như phụ nữ chúng ta? Vế thứ hai, ta không đồng ý. Vô Phong đã cứu mạng ta, cứu mạng em, anh ta vẫn hơi kém nhưng tương lai sẽ không tồi. Vế thứ ba, Vô Phong là hộ vệ, tại sao ta phải xa lánh chứ?
Tiểu Hồ nhận ra trong lời nói của công chúa có cảm xúc. Một thứ cảm xúc mơ hồ, nhưng nàng đủ tinh tế để nhận ra. Tiểu Hồ nheo mắt nghi ngờ:
-Chị… bênh hắn à?
-Ừ, ta thấy em vô lý quá thôi! – Lục Châu mỉm cười.
Tiểu Hồ sán tới thọc lét công chúa. Lục Châu nhún người, vừa cười vừa nói:
-Đừng, buồn! Em sao thế, Tiểu Hồ?
-Công chúa có mới nới cũ! Chị thích hắn rồi quên em phải không?
-Ôi Vạn Thế ơi! Em đùa ta hả? – Lục Châu cười ngất.
Hai người bước theo đường đồi đổ dốc dẫn xuống một bờ sông trải toàn sỏi đá. Một túp lều trơ trọi giữa bãi sỏi đá, thi thoảng lay động trước cơn gió lạnh. Gió mang hương mặn của biển lùa mái tóc của Lục Châu. Nàng khẽ hít một hơi, sau thỏ thẻ:
-Vô Phong… giống cơn gió này vậy. Thật lạ và ta chưa từng thấy bao giờ. Anh ta tự do và không bị ngăn cản bởi bất cứ điều gì. Trước đây, Phong từng nói kệ… ừm, khó nói quá…
-Là “kệ mẹ nó”! – Tiểu Hồ tiếp lời – Đâu cần phải giữ phép vậy, công chúa?
-Đại loại thế! Ta muốn được như Phong: tự do, không vướng bận.
Tiểu Hồ xụ mặt:
-Chẳng phải chị ghét hắn lắm sao?
-Bao giờ? – Lục Châu ngỡ ngàng – Ta đâu nói như thế?
-Chị không nói nhưng em biết. Vì hắn đang thế chỗ Chiến Tử, đúng không?
Lục Châu lắc lắc đầu. Tiểu Hồ đã động tới nỗi phiền muộn gần đây của nàng. Nhưng rốt cục, công chúa vẫn không muốn trải hết nỗi tâm sự. Với nàng, giấu kín vài điều sẽ làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Nàng không như Tiểu Hồ sẵn sàng nói trước khi nghĩ.
-Có lẽ em hiểu nhầm rồi! – Lục Châu đáp lời – Ta tin tưởng thầy Tây Minh. Thầy hiếm khi sai lắm!
Tiểu Hồ biết rõ công chúa đang dối lòng mình. Nhưng nó làm nàng vui hơn một tẹo, bởi lẽ giữa tên tóc đỏ và công chúa đích thực chẳng có gì hết. Và nó khiến nàng phấn khởi.
Mẫu Cơ dẫn hai cô gái vào lều. Nội thất căn lều khá sơ sài, chỉ gồm một bàn thờ đặt năm tấm bài vị và một chiếc võng để ngủ. Sau khi rời vị trí tộc trưởng, Lộc Tục dọn tới đây sinh sống. Ông già đi vắng mười năm song nơi này vẫn sạch sẽ vì Mẫu Cơ thường xuyên lau dọn. Bà cúi người trước bàn thờ rồi thắp ba nén nhang. Mẫu Cơ giải thích rằng các bài vị này thờ Tam Bất Tử. Bài vị ở giữa thờ Đồng Tử Lão, học trò của Lộc Tục, người đã dùng phép thuật bảo vệ đất Lạc Việt và hoàng cung ở Thiên Kỷ thành. Bài vị bên phải là Sơn Thần, người bảo hộ xứ Xích Quỷ. Ba bài vị bên trái là Tam Thánh – ba nữ thần trông coi sự cân bằng tự nhiên. Như nhận ra điều không ổn, Lục Châu bèn hỏi:
-Trước lúc tới đây, tôi đã đọc sách và biết Xích Quỷ có Tứ Bất Tử, vậy người còn lại là ai, thưa bà?
-Là Huyết Thiên Thiết Giáp. – Mẫu Cơ trả lời – Nhưng Huyết Thiên đã rời bộ tứ bất tử từ lâu, hay nói đúng hơn, cha và chồng ta đã gạt bỏ y.
-Vì sao, thưa bà?
-Nhiều chuyện lắm, thực sự rất nhiều chuyện…
Giọng Mẫu Cơ ẩn chứa nỗi u uất không nói thành lời. Hai cô gái Phi Thiên cũng không hỏi thêm nữa.
Lát sau, Lộc Tục trở về, người ám đầy mùi rượu. Tuy nhiên ông già vẫn rất tỉnh táo và ngay lập tức lao vào công việc. Trước tiên, ông lôi ra một cuộn vải cỡ lớn, sau trải ra trên mặt bàn. Mới nhìn, Lục Châu và Tiểu Hồ tưởng đây là bức họa của trẻ con lên ba. Nhưng chủ nhân bức họa chẳng phải ai khác ngoài Lộc Tục. Thấy bộ dạng nén cười của Tiểu Hồ, ông già gượng gạo:
-Thông cảm cho ta, cô bé! Ta rất thích vẽ, nhưng mà vẫn đang học chứ chưa ra ngô ra khoai gì sất!
Nói rồi ông già chỉ tay vào con đường mòn phía đông bản đồ. Đường này khá gần ngôi làng, vượt qua một khúc sông là tới. Lộc Tục nói:
-Có hai đường lên Hoành Sơn gồm đường phía đông và đường phía tây. Đường phía đông dài hơn nhưng an toàn hơn.
-Tại sao vậy? – Tiểu Hồ hỏi – Chúng tôi muốn lêи đỉиɦ thật nhanh!
-Vì Sơn Thần trấn giữ đường phía tây. Trong Tam Bất Tử, gã là kẻ mạnh nhất, các vị không thể đương đầu với gã.
Công chúa nhìn tấm bản đồ. Rõ ràng đường phía đông dài hơn vì ngoài đường mòn, họ còn phải vượt qua một nơi gọi là “Cây Cầu Vĩ Đại”. Nàng hỏi:
-Vậy đường phía đông không có nguy hiểm?
-Tất nhiên là có, nhưng ít nhất sẽ không nguy hiểm bằng Sơn Thần. Con đường mòn được trấn giữ bởi La Bình – một trong Tam Thánh. Miễn sao các vị đừng kinh động quá nhiều, La Bình vẫn để yên. Nhưng Cây Cầu Vĩ Đại thực sự là thử thách. Nó rất dài, chưa kể… Thủy Thánh có thể xuất hiện. Thủy Thánh không phải người của Tam Bất Tử, nhưng gã cũng mạnh tương đương Sơn Thần.
Tiểu Hồ kêu lên:
-Vậy thà đi đường phía tây còn hơn!
-Không, cô bé à! Ít nhất là ở biển, ta có thể hỗ trợ các vị chứ ở lãnh địa của Sơn Thần, ta bó tay.
Công chúa và Tiểu Hồ nhìn nhau. Hai người đành nghe theo sự sắp xếp của Lộc Tục. Ông già tiếp lời:
-Nhưng dù đi đường đông hay đường tây, các vị vẫn phải băng qua khu vực lưng chừng núi. Phía sau Cây Cầu Vĩ Đại có hai hướng, đừng bao giờ đi hướng bên trái. Đó là “đất chết”, lọt vào đó, các vị chắc chắn bỏ mạng.
-Đất chết là nơi thế nào, thưa ngài? – Lục Châu hỏi.
-Nơi chôn thây binh lính xâm lược phương bắc. Linh hồn bọn họ không thể trở về Tụ Hồn Hải mà quẩn quanh ở đó. Vào tháng cô hồn, “đất chết” hoạt động mạnh. Sơn Thần hay La Bình ngăn chặn con người lên Hoành Sơn cũng vì không muốn ai bỏ mạng ở “đất chết” thôi.
Tiểu Hồ ngó nghiêng tấm bản đồ rồi nói:
-Đây là tấm bản đồ duy nhất phải không? Vậy ngoài người Lạc Việt, còn ai biết đường lên Hoành Sơn không?
Lộc Tục cười:
-Ở thời đại này thì không có. Nhưng cách đây rất, rất lâu, đã có hai người lên đấy. Thậm chí họ còn lạc vào “đất chết”, nhưng ta không hiểu tại sao đến cuối cùng, chúng thoát ra được. Đừng lo, họ đều là người thiên cổ rồi!
…
Cùng lúc ấy, ở ngoài bìa rừng dẫn vào lãnh thổ Lạc Việt xuất hiện bốn người lạ mặt. Bọn họ dường như vừa trải qua chuyến đi dài. Trong đám đó, một cô gái tóc bạc thở không ra hơi:
-Đi qua rừng này là tới Hoành Sơn hả, Tà?
Người tên Tà đáp lời:
-Không, phải đi qua một cánh rừng nữa.
Cô gái nọ ôm đầu than khổ. Một ông già với bộ râu hình lưỡi rìu lên tiếng:
-Ngươi nói có hai đường lên Hoành Sơn. Vậy đi đường nào?
-Đường hướng tây. – Tà trả lời – Đường ấy nhanh hơn nhưng sẽ phải đối mặt Sơn Thần.
-Thần với chả thiếc! Ông đây đập tất! – Lão già gằn giọng – Đi thôi, Tang Nguyên, ngồi nghỉ đến bao giờ?
Cô gái tóc bạc Tang Nguyên lẩm bẩm rủa thầm rồi cất bước với thái độ bất mãn. Người cuối cùng trong đoàn đeo mặt nạ sắt đi sau cùng đoạn hỏi Tà:
-Ta thấy ngươi khá hào hứng khi đến xứ này. Ngươi âm mưu chuyện gì?
Tà không định trả lời. Bỗng bắt gặp cơn gió luồn lách qua những lùm cây rậm rạp, y liền đáp:
-Chỉ là gặp lại cố nhân thôi…