Khiếu Hóa tăng cười khà khà, nói:
“ Tạng Cẩu. Con thử nghĩ xem, sách này nếu đã do bàn tay thánh tổ Minh Không làm, ắt hẳn là có cơ quan huyền diệu. Con thử xem có tìm được thứ gì không? ”
Tạng Cẩu gãi gáy, lẩm bẩm:
“ Cũng đúng. Sách giấy thì làm sao giấu được cơ quan gì? ”
Thế là ba người cẩn thận đặt quyển kinh xuống.
Hồ Phiêu Hương lướt mắt qua những dòng kinh văn, chỉ thấy lí luận có phần bình phàm, có lẽ còn thua mấy bài kinh đọc trong các chùa làng. Tạng Cẩu thì vừa xem, vừa lẩm bẩm:
“ Quái… sao đọc kinh mà cứ có cảm giác trong này giấu võ công. Nào quyền chưởng, nào binh khí ám khí là thế nào? ”
Khiếu Hóa tăng bèn nói:
“ Con nói không sai. Một thân bản lĩnh của ông cũng là từ quyển kinh này mà ra. ”
“ Hả?? Ông nói đây là bí tịch võ công? ”
Ông sư ăn mày cười cười, nói:
“ Cũng không hẳn. Phải nói là năm xưa thánh tổ sang Thiên Trúc cầu được quyển kinh văn này mang về. Vốn dĩ đây là quyển kinh thư bình thường ở nước họ, nhưng chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, trong lúc ngài dịch nó từ Phạn văn sang tiếng mình thì lại vô tình ẩn giấu toàn bộ lí giải cả đời mình về võ công vào đó.
Thành ra… mỗi người đọc kinh, cảm ngộ được đạo lí võ đạo do thánh tổ lưu lại thì lại ngộ được một loại võ công khác nhau. Mà có người lại chẳng ngộ được thứ gì. Chuyện này… không dựa vào thiên phú, mà phải xem vận may. ”
Tạng Cẩu và Hồ Phiêu Hương nhìn nhau…
Vốn tưởng là hai người mấy năm gần đây đã nhìn đủ chuyện trên đời, chứng kiến không biết bao nhiêu là kì công quái kỹ. Chẳng thể ngờ được là trên đời còn có loại kinh văn quái đản đến thế.
Hồ Phiêu Hương đảo mắt, rồi nói:
“ Nếu tớ là thánh tổ, thì phải tính cả đến chuyện quyển kinh văn này lưu lạc xứ người mấy trăm năm. Chẳng may có người tinh khôn, hoặc ăn may lĩnh hội được manh mối tiếp theo về Rồng Không Đuôi thì người nước Nam mình ôm nhau chết sạch mất. ”
“ Ý con là… thánh tổ có cách đảm bảo rằng phải là người Nam mới tìm được cách phá hoàn toàn Rồng Không Đuôi… nhưng… Có rồi! Là chìa khóa Loa Thành! ”
Câu sau cùng là hai người họ đồng thanh reo lên.
Mọi người nâng quyển kinh, quả nhiên rờ thấy ở gáy có một chỗ lõm vào to vừa bằng quả quất.
Tạng Cẩu vội lấy chìa khóa Loa Thành ra, chám mặt trống vào chỗ khuyết trên gáy sách thì vừa như in, quả nhiên cả hai vốn là một thể. Ba người cùng nín thở một hơi, đoạn Tạng Cẩu khẽ dùng sức, vặn trôn trống một vòng. Tức thì, có tiếng cơ quan chuyển động lạch cạch vang lên.
“ Chuyện này… ”
Trước con mắt kinh hãi của ba người, những trang sách bằng thép bắt đầu bị cơ quan kéo lệch khỏi vị trí, dựng nghiêng lên. Tạng Cẩu xoay chìa khóa Loa Thành đến hết cỡ, thì những trang sách bằng thép đã xếp thành một đóa sen trắng đẹp lộng lẫy. Mà các con chữ trên thân sen cũng xảo diệu mà hợp thành một cái bản đồ Đại Minh! Nơi cánh sen dài nhất có ba chữ Thiếu Lâm tự được khoanh tròn.
Khiếu Hóa tăng nhìn lướt qua đóa sen một cái, nói:
“ Nếu ông không nhầm, thì tâm sen chính là điểm đến. Cũng có nghĩa là tiếp theo các con phải đến Tây An… tìm đến lăng mộ của Vạn Tín hầu? Hả??? Chẳng lẽ bí mật nằm dưới mộ của Thượng đẳng Thiên Vương, đức thánh Chèm Lí Thân? ”
Tạng Cẩu vừa nghe đến đây thì rùng mình, tóc gáy dựng đứng cả lên.
Bắt cậu chàng phải chui xuống mộ người chết?
Hồ Phiêu Hương hồ nghi nhìn Tạng Cẩu, lại nói:
“ Có ổn không đây… ông cũng biết Cẩu nổi tiếng là sợ ma mà. ”
“ Ai… ai sợ kia chứ…? ”
Tạng Cẩu thấy Hồ Phiêu Hương tỏ ý hoài nghi, bất giác thấy rất ngượng, bèn ưỡn ngực nói cứng. Nhưng giọng nói thì vẫn run run, rõ ràng không thể hoàn toàn che giấu được sự sợ hãi.
Hồ Phiêu Hương thấy cậu ta như thế, bất giác nổi tính trẻ con, bèn nói:
“ Thế cơ à? Chẳng biết ai hai năm trước bị dọa đến độ phát khóc cơ đấy. ”
“ Này! Đã hứa không nói chuyện ấy ra với ai cơ mà! Với lại… Hương dọa tớ chứ ai? ”
Khiếu Hóa tăng bèn thở dài, nói:
“ Đúng là uyên ương. Thôi, lão sư già không tiện nhìn hai đứa chàng chàng thϊếp thϊếp. Con bé con chắc đang đợi lão rồi. ”
“ Đợi đã? Bé con??? Lão Khiếu Hóa… không phải lão động lòng phàm, rồi… ”
Thấy hai người nhìn mình ánh mắt đầy cổ quái, Khiếu Hóa tăng bèn phủi tay, nói:
“ Hai đứa nói linh tinh cái gì thế. Con bé này bần tăng được một cố nhân giao phó, thấy nó đáng thương bèn nhận làm đồ đệ, tính đến nay cũng bảy năm rồi. ”
Rời khỏi Tàng Kinh tháp, Tạng Cẩu và Phiêu Hương bèn tiễn Khiếu Hóa tăng về quán trọ. Hai người vừa tản bộ, vừa giữ chặt lấy Niết Bàn kinh, nhìn lại nơi đã ở năm năm trời mà vừa vui vừa buồn.
Để có được quyển kinh thư này, cả hai đã trải qua không biết bao nhiêu là thử thách mới thành công.
Thế nhưng đột nhiên rời khỏi cái nơi đã sống năm năm trời, thì cũng không khỏi có phần lưu luyến.
Tạng Cẩu và Phiêu Hương mới mười lăm, mười sáu. Năm năm đã là một phần ba quãng thời gian hai người có mặt trên đời rồi.
“ Ngày mai xuất phát nhé? ”
Hồ Phiêu Hương dừng lại, quay về phía Tạng Cẩu, đầu hơi nghiêng xuống. Lá xào xạc rơi sau lưng, ánh hoàng hôn đậu lên mái tóc đang bay múa, bất giác khiến người ta cảm thấy sau lưng Hồ Phiêu Hương là cả một vầng hào quang.
“ Được rồi. ”
“ Gì thế? Vẫn còn sợ à? Yên chí, xuống dưới đấy sợ quá thì nắm tay tớ này. ”
“ Ai… ai sợ cơ?? ”
“ Nhắc mới nhớ. Phải gói ghém cho Cẩu thêm mấy cái quần, xuống mộ mà ướt đũng thì còn có cái để mà thay. ”
“ Này! Ai đái dầm hả! Đứng lại!! ”
Lời tác giả:
_ Đã đăng hết hồi hai mươi ba. Hồi hai mươi tư sẽ bắt đầu được đăng ngay sau khi viết xong
_ Tính đến nay hai năm kể từ lúc bắt đầu đăng truyện này lên mạng. Có thể nói là một quãng thời gian dài…
_ Hai năm chỉ viết được 255 chương, khoảng nửa triệu chữ. So với những tác giả một năm viết ra cả ngàn chương, vài ba triệu chữ, thì quả thực là con số nhỏ. Có người nói viết chậm như thế, đối với văn mạng mà nói là thất bại. Có lẽ về doanh thu và lượt truy cập thì ấy là đúng. Bản thân tác cũng hiểu đăng chương thường xuyên, để tên truyện đập vào mắt người dùng internet càng nhiều, càng chăm chỉ quảng cáo thì càng có cơ hội có độc giả.
Song tác trước giờ vẫn tin rằng, thực ra về số lượng chữ thì cần đủ không cần nhiều, và Thuận Thiên Kiếm đã hàm chứa nhiều điều tác muốn truyền tải đến độc giả. Thiết nghĩ, “ quý hồ tinh bất quý hồ đa ” âu cũng là như thế.
_ Về phần sức mạnh, thì thực ra trước giờ truyện vốn không có cái gọi là cảnh giới. Mạnh yếu, thắng thua trước giờ nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố ngoại cảnh lẫn nội tại, chứ nào có phải dựa vào cấp độ mà hơn thua như trò chơi điện tử? Thành thử bí cảnh – cơ duyên, tu luyện – đột phá đối tác cho rằng chỉ là thứ yếu.
Mà như đã nói ngay từ những ngày đầu, phương châm của tác là những chi tiết mà có bị xóa đi cũng không ảnh hưởng đến cốt truyện, thì ngay từ đầu cũng không cần thiết phải đưa vào làm cái gì.
_ Thuận Thiên Kiếm – Rồng Không Đuôi có năm người cần tri ân thì ba đã lần lượt khuất núi vào tháng bảy năm ngoái, tháng mười năm ngoái và tháng hai đầu năm nay, ấy là ông nội, bà ngoại và cụ Kim Dung… Nếu nói động lực để viết không bị ảnh hưởng thì là nói dối.
Người thì cũng đã ra đi, chỉ có cố công viết cho thật hay, mới là cách để vinh danh người đã khuất. Thành thử càng dụng tâm chau chuốt để viết, càng khó tránh khỏi chuyện truyện ra chậm.
_ Nhân có dịp có người hỏi tác tìm hiểu ra sao, thì sau đây là trình tự tìm hiểu tra cứu với độ ưu tiên giảm dần trong lúc viết của tác:
+) Về sự kiện lịch sử: chính sử - các bộ sử khác – truyện dã sử, tiểu thuyết lịch sử - truyện dân gian
+) Về nhân vật lịch sử: tác phẩm văn học thơ ca của người đó ( trừ những tác phẩm có tính ngoại giao) – chính sách quyết định của người đó đưa ra – truyện dân gian – chính sử - dã sử…v.v…
+) Về văn hóa như xưng hô, lời ăn tiếng nói: truyện dân gian – tác phẩm văn học – các nguồn sử liệu
Sở dĩ có trình tự như thế, là bởi tác muốn có một cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ nhất có thể về giai đoạn đang viết. Tất nhiên, tác hãy còn trẻ, nghiên cứu còn chưa đầy đủ được như người trong ngành. Nếu trong quá trình viết có sai sót, cuối mỗi trường thiên tự nhiên sẽ có phần giải độc thông tin.
_ Bật mí nho nhỏ:
+) Đáng lí lúc bắt đầu viết tác chỉ định sẽ viết cỡ 200-300 chương, hai năm là hoàn thành. Nhưng hiện tại đã 255 chương, cũng đến thời gian hoàn công mất rồi nhưng truyện thì mới chưa đi hết một nửa. Có lẽ cứ cái đà này thiên thứ tư sẽ kết thúc ở khoảng 600-700 chương ngắn, tổng thời gian viết lên đến bốn đến năm năm. Tuy nhiên, tác thấy đáng, đáng từng giây từng phút, từng từ từng chữ một.
+) Hai câu tựa của mỗi hồi là một cặp câu đối, tác cố học theo cụ Nguyễn Khuyến để đối một Hán – một Nôm với nhau nhưng trình độ chưa tới, vừa viết sẽ phải vừa lục lại các câu tựa, chỉnh sửa nhiều lần.
+) Thiên thứ hai dự kiến sẽ kết thúc ở khoảng hồi hai mươi tư đến hai mươi bảy tuỳ thuộc vào sự kiện sau cùng của thiên: “ xuống mộ Thánh Chèm ”. Nhưng chắc chắn sẽ không quá ba mươi hồi.
+) Cái chuyện Trần Ngỗi ở hồi trước, thực ra là còn một lí do tác quên chưa báo. Trần Ngỗi có thể không phải vua giỏi, song ông cũng không phải hạng vô ơn, cái chuyện Trần Triệu Cơ là một thí dụ. Chẳng lẽ khi không ông tự nhiên lại hại chết người có công gây dựng cơ nghiệp cho mình vì nghe lời xúc xiểm của hai người chẳng biết từ đâu ra? Thế nên hồi hai mươi hai mới được viết như hiện tại…
+) Cái tên “ Điếu Ngư ” đặt cho cái thôn của Tạng Cẩu thực ra không phải tác giả gọi bừa, mà là có ẩn ý báo trước cũng như liên hệ nhiều mặt