Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 215: Hồi hai mươi mốt (16)

Bốn chữ vang lên bên tai Gia Luật Sở Tài mà ngỡ như tiếng sấm ngang tai.

Hắn thua rồi ư?

Hắn không nghe nhầm! Thủ hạ rõ ràng nói quân của hắn đã thua rồi.

Hắn làm tướng, quân lệnh như núi, thiết luật nghiêm minh, chắc chắn thủ hạ của gã không thể nói đùa vào cái lúc thế này, cũng sẽ không đùa chuyện hệ trọng như thế.

Nhưng tại sao?

Tại sao hắn lại thua được?

Gia Luật Sở Tài không muốn tin, cũng không thể hiểu được điều mình không muốn tin…

Chẳng phải mật hàm đang ở trước mặt gã hay sao?

Gã kị binh bèn nói lớn:

“ Chúng ta mắc bẫy rồi! Hai tiểu tử An Nam là kế điệu chướng nhãn của Chu Đệ! Mật hàm thật được Trương Phụ mang tới Nhạn Môn quan từ hôm qua! ”

Gia Luật Sở Tài ngây người ra một chốc…

Hắn cũng không rõ mình nhảy lên yên ngựa lúc nào.

Chỉ biết vó ngựa vẫn cứ reo trong cơn gió heo hút, thổi vi vu trên quan đạo giờ đã vắng người lại qua.

Ba người Trương Tam Phong ngồi một chỗ liệu thương qua loa, rồi dìu nhau vào quan ải.

Nhạn Môn quan…

Người ta nói, cửa ải này chỉ có chim nhạn mới bay qua nổi…

Đây cũng là nơi Vương Chiêu Quân tương truyền đã sáng tác ra nhiều bài thơ cảm động trước lúc gả sang nước Hồ.

Tường thành cao vẫn còn lưu vết đạn pháo bắn phá…

Cờ xí trước đây phấp phới bay cao nay gãy đôi, nằm lẳng lặng trên mái nhà.

Tạng Cẩu lấy lệnh bài của Chu Đệ trình ra cho lính gác cổng. Cũng như mấy lần trước, nó dễ dàng được người ta rước vào quan ải.

Trương Tam Phong nhún vai, không nói gì…

Kỳ thực, chỉ cần ông lộ thân phận, lập tức sẽ được đối đãi như khách quý ngay.

Hai đời hoàng đế nhà Minh, cả thái tổ và thành tổ đều hết sức trọng vọng muốn gặp ông. Riêng Chu Đệ còn mấy lần viết thư gửi lên Võ Đang đích thân mời. Chỉ cần lão đạo sĩ gật một cái, vinh hoa phú quý, quyền cao lộc hậu lão hưởng mấy đời cũng chẳng hết…

Nhưng, lão chưa từng thấy hoàng đế.

Hoàng đế cũng chưa từng thấy lão.

Lúc này Liễu Thăng đang lo toan cho binh sĩ bị thương và nạn dân bị quân Mông Cổ lùa vào quan ải.

Không gặp mấy tháng, nhưng khói lửa sa trường cũng đã hun đúc thiếu niên non nớt ngày nào thành một trang nam tử. Giờ Liễu Thăng cao hơn cả hai đứa nhóc một cái đầu, gương mặt cũng phong trần góc cạnh hơn chứ không còn vương vẻ trẻ con nữa. Khôi mão đã được tháo ra, có lẽ do nóng, để lộ mái tóc buộc cao phủ lên tấm chiến bào te tua.

Ngân giáp không còn trắng phau, mà vương nhiều vết máu khô còn chưa kịp rửa.

Thương đã không còn là thanh kim thương đầu hổ ngày xưa, mà chỉ là một thanh thiết thương bình thường.

Thương sắt cũng vấy máu chưa kịp lau.

“ Cẩu! Hương! ”

Thấy đồng môn, Liễu Thăng vội vàng phân phó thuộc hạ mấy câu, rồi chạy lại chỗ hai đứa nhóc.

“ Hai người không sao đấy chứ? Sao lại đến đây? ”

Hồ Phiêu Hương nói:

“ Còn không phải nhờ phúc do hoàng thượng kính mến của anh hay sao? ”

Tạng Cẩu huých vai bạn một cái.

Liễu Thăng rõ ràng không biết chuyện bọn nó cũng mang mật hàm theo người.

Chuyện thằng bé còn nhìn ra, tất nhiên Hồ Phiêu Hương cũng sớm đã nhìn thấu. Chỉ là cô bé không nuốt nổi cục tức này, nên mới cố tình nói kháy một câu cho bõ ghét.

Liễu Thăng ra chiều khó hiểu:

“ Nói thế là sao? ”

Hồ Phiêu Hương bèn xua tay, đáp:

“ Không có chuyện gì đâu. Mà… mọi người thắng rồi hả? ”

“ Đúng vậy. May nhờ có Trương hầu gia cưỡi ngựa vượt ngàn dặm đường đến đây, chúng ta mới thắng nổi quân Mông Cổ. ”

Liễu Thăng nói.

Thì ra trước đấy, quân Minh cũng đã giao chiến mấy hồi với quân Mông Cổ. Kị binh Mông Cổ đánh tới, rồi giả thua rút chạy. Quan tổng binh ải Nhạn Môn háo thắng lập công, đuổi theo truy sát, thế là lọt vào trận địa của Gia Luật Sở Tài giăng sẵn. Dưới sự công phá của pháo Thần Cơ, quân thủ quan tinh nhuệ chết quá nửa, tổng binh cũng tan xác dưới sự oanh tạc của pháo.

Liễu Thăng cho quân đóng chặt cửa ải, cố thủ không ra nghênh chiến. Quân Mông Cổ lại cố tình bắt dân ở các làng gần đó, lùa về phía Nhạn Môn quan như người ta lùa dê lùa bò. Sau cùng, Liễu Thăng cũng không nhịn nổi, mở cửa cứu người…

Trận đó quân Minh dựa vào thành cao cố thủ, nhưng vẫn thua nhẹ.

Sau đó thì Trương Phụ đến…

Mang theo mật hàm!

Mật hàm mang theo cách phá giải Thần Cơ sang pháo.

Thực ra, nói là cách phá giải thì cũng không hẳn, phải nói là cách hủy hoại khẩu pháo.

Thần Cơ sang pháo kiểu mới mỏng và nhẹ hơn những cái quân Đại Ngu từng dùng. Thành thử, khả năng chịu lực của thân pháo cũng kém đi. Nếu như gạt một cơ quan dưới thân súng, thì sẽ làm đạn kẹt trong họng pháo, làm cả khẩu pháo phát nổ!

Trương Phụ biết rõ điểm này, nên mới cố tình diễn một màn kịch trá hàng…

Trước tiên, y giấu nhẹm việc mình đã đến Nhạn Môn quan. Ngoại trừ Liễu Thăng, binh sĩ biết việc y vào ải đều bị xử trảm không thương tiếc. Mục đích là để đề phòng gian tế. Thấy thủ đoạn của y tàn khốc, Liễu Thăng đã muốn can gián, nhưng không được…

Sau đấy, Liễu Thăng phải diễn một màn kịch.

Cả ngày cậu chàng chỉ uống rượu, rồi “ say ”. Lính lác trong quan ải chỉ thấy một thiếu niên anh hùng đột nhiên trở nên nóng giận. Sáng ngày ra thì thường hay mắng chửi thuộc hạ. Đến tối lại say be bét nằm ở một góc đường, luôn mồm lảm nhảm không có cách phá địch.

Thiếu niên còn chưa thành niên, vừa xông pha sa trường đã gặp ngay cảnh quan ải bị vây chặt, nguy trong sớm tối. Tay tổng binh đáng lẽ phải cáng đáng gánh vác cục diện thì đã đi đời, thành thử bao nhiêu áp lực trọng trách đều đổ dồn cả lên đầu thiếu niên. Sinh mạng binh sĩ không nói, nhưng một khi Nhạn Môn quan thất thủ, thì cả Thái Nguyên thậm chí là toàn tỉnh Sơn Tây cũng bị vó ngựa Mông Cổ uy hϊếp. Người bình thường ngày lo cho năm sáu miệng ăn đã thấy đau đầu, người ta còn trẻ người non dại đã phải chống đỡ cả ngàn cả vạn mạng người, khó tránh có lúc giận cá chém thớt.

Chính vì nghĩ như thế, nên sĩ tốt mặc dầu cũng không lấy làm vui vẻ gì mỗi khi bị mắng bị chửi, song phần nhiều lại là thông cảm.

Nhưng Liễu Thăng ngày càng được nước làm quá…

Mắng chửi ngoài miệng dần thay bằng đòn roi.

Nhất là một kẻ từ kinh thành mới tới.

Y người nhỏ thó, mặt mũi bình thường, ngày thường rất biết làm người.

Người ta nói y hiền như cục đất.

Nhưng, y được lòng người, lại không được lòng Liễu Thăng.

Y là kẻ hay bị đánh nhất, cũng bị đánh nặng nhất. Có lúc bị đánh cho tróc da rách thịt, máu chảy ầm ầm ướt quần ướt áo.

Y vốn dĩ là quan văn, được Chu Đệ phái đến Nhạn Môn quan hình như để hiến kế đốc quân.

Thế nhưng, y không có cách nào phá được Thần Cơ sang pháo.

Nên y bị Liễu Thăng khép tội…

Ông cha vẫn nói “ con giun xéo lắm cũng quằn ”. Người Tàu cũng có câu “ tượng đất cũng có ba phần hỏa khí ”.

Gã hiền như cục đất thì lại càng có hỏa khí.

Y chỉ hiền như đất, chứ không phải là tượng đất.

Rốt cuộc sau ba ngày, y và một nhóm sĩ tốt hay bị đánh đập đã không thể chịu đựng nổi mà đào ngũ, chạy sang chỗ Gia Luật Sở Tài kể khổ.

Cứ như những gì nhóm hàng binh đã nói thì kế của y đã khiến tướng địch giận cá chém thớt, lòng người trong Nhạn Môn quan đã tan rã, sĩ khí trong quân thấp chưa từng thấy.

Gia Luật Sở Tài lại hỏi kỹ càng tai mắt thâm nhập trong quan ải, thấy những gì nhóm hàng quân này nói không có gì gian trá thì như mở cờ trong bụng. Y tưởng gian kế của mình đã thành, y tự phụ vào trí kế của mình…

Thế nên y mới bỏ đại quân lại, dẫn theo ba tử sĩ chặn mật hàm do đám Tạng Cẩu mang đến.

Cũng dặn đại quân vào đúng sáng hôm sau sẽ xuất binh.

Y tự phụ, tự cho rằng lần này cánh cổng của Nhạn Môn quan sẽ bị kế mưu của gã vặn ngã.

Mà không biết chính y đang sa vào kế của kẻ khác.

Gã quan văn hiền như cục đất…

Nên ban đêm, hắn như hóa làm một với mặt đất.

Gã đi rất nhanh, lại rất khẽ. Hắn dễ dàng lọt vào trong kho, giở trò với đám Thần Cơ sang pháo.

Hắn không làm gì khác.

Không bỏ độc, không đốt lương…

Bởi nhiệm vụ của hắn đã xong.

Lúc bắn xong loạt đầu tiên, đống Thần Cơ sang pháo này tất thảy sẽ nổ tung như pháo mừng đám cưới vậy.

Mọi chuyện sau đó cũng không còn khó đoán nữa…

Nghe đến đoạn này, ba người Trương Tam Phong cũng không cần phải nghe tiếp.

Họ đã hiểu quá rõ.

Chu Đệ vốn chưa từng tin tưởng giao mật hàm cho hai đứa bé ngoại tộc. Từ đầu chí cuối, hai đứa nhóc chỉ là con dê thế mạng giúp y giăng một màn che mắt cả thiên hạ mà thôi. Mật hàm thực sự được y tin cậy giao cho Trương Phụ.

Mà cũng chỉ có Trương Phụ mới đủ kinh nghiệm sa trường để phá địch ở Nhạn Môn quan.

Người ta tưởng Vĩnh Lạc vốn là kẻ mạnh vì gạo bạo vì tiền, chuyện gì cũng dám làm, kể cả việc điên rồ nhất, không ai ngờ đến nhất!

Nhưng kỳ thực, tác phong làm việc trước giờ của Chu Đệ vốn dĩ không đổi.

Có lẽ y và Tửu Thôn đồng tử vốn dĩ là một loại người.

Một là trí giả giả điên…

Còn một kẻ là một tên điên đội lốt kẻ trí giả…

Nhưng sau cùng, muốn thành được đại nghiệp, thì trước tiên phải biết nhìn xa, nghĩ rộng…

Cũng đồng nghĩa phải điên một chút mới được.