Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 200: Hồi hai mươi mốt (1)

Hữu ý tài hoa hoa bất phát

Vô tình cắm liễu liễu mọc xanh

Trước kể đến đoạn Hổ vương đến Lam Sơn tìm người, nhận mặt người quen.

Lê Hổ ngơ ngác nhìn bà Thương, lòng ngổn ngang trăm mối.

Hổ vương Đề Lãm có qua lại với họ Lê ở Lam Sơn, lại còn từng đến thăm khi cậu chàng còn nằm nôi… Bao nhiêu cái sự tày trời như thế mà cậu chẳng biết tí nào.

Thấy con nhìn mình vẻ trách cứ, bà Thương mới cười:

“ Cái thằng… thực ra mọi người kể cho mày hết cả rồi đấy. Chẳng qua mày không chịu để ý thôi…”

“ Kể rồi? Chẳng lẽ… ”

Lê Hổ vừa buột miệng xong, đã sực nhớ đến một chuyện.

Câu chuyện liên quan đến sự ra đời của cậu chàng.

Người trong vùng vẫn kháo nhau rằng hồi ấy trước khi Lê Hổ ra đời có con hổ xám rất lành, thỉnh thoảng cứ làng rồi thả mồi ở đó. Ai cũng lấy làm lạ. Sau lúc bà Thương lâm bồn sinh ra Lê Hổ, thì con hổ xám gục chết ở đó.

Nhớ lại người trung niên cường tráng trước mặt có danh xưng là hổ vương, lại có con hổ to theo hầu, không khỏi nghĩ đến chuyện hổ xám năm xưa là do một tay ông sắp xếp.

Hổ vương bèn nói:

“ Chị xem, cu cậu đoán ra được rồi đấy. ”

Bà Thương không đáp, mà quay ra nói với Lê Hổ:

“ Chắc mày cũng đoán được rồi, thôi u không giấu nữa. Hồi anh Học mày còn bé tí, bác Lãm đánh nhau với bản khác, bị thua chạy xuống miền xuôi này. Thành ra quen được ông thầy mạng khổ của mày. Hai người nói chuyện hợp tính, bèn kết nghĩa làm anh em. Bác Lãm dưỡng thương xong, thì trở về bản, lo liệu ổn thỏa chiến sự. Lúc u mang bầu mày, bác Lãm thường xuống núi tặng thuốc quý cho u dưỡng thai. ”

Lê Hổ nghe mẹ nói, thấy cũng gần giống với suy đoán của bản thân, thì nhẹ nhàng thở ra một hơi. Đoạn, cậu chàng như chợt hiểu ra chuyện gì, bèn nói:

“ Bác Lãm hành sự cẩn thận, không để lại tung tích, có phải do sợ tàn dư của bản làng đối địch xuống làm khó dễ thầy u cháu? Còn thịt thú con hổ mang xuống, là lộc khao cả làng? ”

“ Không sai… ”

Hổ vương Đề Lãm cười giòn, lại nói:

“ Hôm ấy u cháu lâm bồn, bác đi vội không mang theo vật gì quý, chỉ có con hổ nuôi đã lâu bèn biếu luôn lấy thảo. ”

Nói chuyện thêm một hồi, thì bà Thương mời vua hổ vào nhà trong hàn huyên tâm sự. Lê Hổ thì dìu bọn Đinh Lễ, Ngũ Thư về dưỡng thương. Mặc dù nói là người quen, có đánh cũng nương bớt chút nội lực, nhưng về độ hiểm hóc thì Hổ vương không nới tay tí nào. Đòn nào đòn nấy đều đánh trúng vào chỗ cực hiểm. Thành thử, tuy không bị thương nặng, nhưng cả đám vẫn phải dưỡng thương một thời gian ngắn mới đi lại bình thường được.

Đợi lúc Lê Hổ về nhà, thì đã có tiếng người cãi vã nhau ở trong ấy.

Cậu chàng có thể lờ mờ nghe được tiếng một người là Phạm Ngọc Trần, người còn lại là nam, nhưng không phải giọng của Hổ vương.

Lê Hổ nhún vai, đoán chừng chỉ là Hổ vương khiển trách chút đỉnh, còn cô con gái thì bướng bỉnh không nghe. Dù hai nhà quả có dây mơ rễ má, nhưng sau cùng ấy là chuyện nhà người ta, thiết nghĩ nên để người ta tự giải quyết với nhau thì hơn.

Đang định về phòng mình, thì bà Thương đã phát hiện cậu chàng. Bà bèn hắng giọng, gọi:

“ Thằng Hổ ngoài ấy phải không? Vào đây u bảo. ”

Vừa nghe u gọi vào, Lê Hổ đã đồ rằng chuyện hôm nay không đơn giản như mình vẫn tưởng. Nhưng chuyện Phạm Ngọc Trần bỏ nhà trốn xuống miền xuôi chơi thì liên quan gì tới cậu chứ?

[ Chắc ông bác chỉ muốn biết mình gặp Ngọc Trần ra sao, đã trải qua những gì mà cô nàng lại ở Lam Sơn. ]

Lê Hổ đoán vậy, rồi thản nhiên đi vào.

Có thể có chuyện gì to tát kia chứ?

Trong buồng khách, bà Thương và Hổ vương ngồi trên sập gụ. Phía bên khách, Phạm Ngọc Trần và thanh niên lạ mặt đang ngồi chung một chỗ. Vừa bước vào phòng, Hổ đã cảm thấy một đôi mắt sắc lẻm ngó mình trân trân, không khỏi giật mình một cái mà quay đầu về phía đó. Nhưng lúc đôi mắt cậu chuyển tới, Phạm Ngọc Trần đã quay ngoắt đầu đi, dậm chân hậm hực. Tuy nhiên, trong một giây rất ngắn đó thôi, Lê Hổ cũng đã phát giác khóe mắt cô nàng hơi đỏ lên.

[ Có thể có chuyện gì được nhỉ? ]

Lê Hổ tự hỏi, nhưng trước hết vẫn chào mẹ chào bác trước mới phải đạo làm con cháu trong nhà.

Cậu chàng chỉ không biết, tại sao từ lúc đối đáp ngoài cổng làng đến giờ, Hổ vương cứ nhìn cậu mà cười suốt.

Bà Thương lúc này mới lên tiếng:

“ Bác Lãm, bác có vẻ ưng thằng con tôi quá nhỉ? ”

Hổ vương Đề Lãm gật gù, đáp:

“ Em thử nó mấy lần rồi, không ưng sao được? Ước hẹn năm ấy giữa hai nhà cứ thế mà làm chị nhỉ? ”

Lê Hổ nghe đến đoạn này, không khỏi thảng thốt, vội xen vào:

“ Ước hẹn gì?? ”

Trong lòng thì cậu chàng thầm cầu khấn:

[ Lạy trời… thầy ơi thầy đừng có ước hẹn với bác Lãm theo cái kiểu “ để hai nhà thân càng thêm thân ” đấy nhé. ]

Nếu hai nhà cùng sinh con trai, thì kết làm anh em. Cùng sinh con gái, thì kết làm chị em. Còn nếu như sinh một trai một gái, thì kết làm lễ tào khang, nên duyên vợ chồng.

Những chuyện giang hồ nhàn thoại kiểu này, Lê Hổ đã nghe đến nhàm cả tai.

Song, như thể không đọc được tâm trạng của thằng con, bà Thương lại tiếp:

“ Thực ra, hôm mày mới về, u cũng dò hỏi ý của mày rồi, thấy không có vẻ gì là phản đối… ”

Lê Hổ sực nhớ…

Cái hôm cậu mới trở về từ Khoái Châu, bà Thương đã bóng gió chuyện dựng vợ gả cho cậu. Cậu chàng bấy giờ đã có người trong mộng, thành ra dù là từ chối, nhưng trong lòng lại thấy lâng lâng. Mấy cái tâm lí của thanh niên mới lớn này, làm sao qua mắt nổi bà Thương?

Bà Thương lại tiếp:

“ Sau khi mày đi ít lâu, bác Lãm có gửi thư cho u là con bé nhân lúc bác đi vắng trốn biệt mất. Lúc đấy u cũng nghĩ qua rồi, con bé có vẻ phản đối chuyện cưới xin, nên đã viết sẵn một phong thư khuyên bác Lãm tạm gác chuyện này lại xem sao. Rồi đùng một cái, mày dẫn con bé từ bến Bô Cô về. Nghe Đinh Lễ kể chuyện thì hai đứa còn từng đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với nhau. Thử hỏi, không phải duyên do trời se thì là gì? Thành thử, u mới cân nhắc lại chuyện cưới xin lần này. Chứ không hẳn chỉ vì một lời hứa của người xưa mà quyết định chuyện chung thân của hai đứa đâu. ”

Hổ vương thoáng cười…

Lời này tưởng như là nói với Lê Hổ, kì thực là chỉ chó mắng mèo. Người cần nghe thực ra là Phạm Ngọc Trần.

Choang!!

Có tiếng chén vỡ trong veo vang lên…

Trà đổ lênh láng ở ngay cửa buồng.

Bà Thương cố tình giấu một nét cười thầm, hắng giọng:

“ Ngọc Lữ, sao lại bất cẩn thế? ”

“ Thưa bà… con hơi mệt. Cho con lui xuống nhà dưới một chốc… ”

Trịnh Thị Ngọc Lữ chậm rãi nói. Giọng nàng đã nhẹ như dải lụa Hà Đông…

“ Được. Cho con nghỉ một buổi. Tối nhớ vào hầu bà. ”

“ Dạ. Con… biết rồi. ”

Chỉ đáp ngắn được như thế, Trịnh Thị Ngọc Lữ đã quay phắt đi, chạy thẳng xuống nhà dưới.

Hổ vương thoáng nhíu mày, rồi lại nhếch môi lên cười, hai vai cũng thả lỏng ra.

Lúc này, Phạm Ngọc Trần mới đứng phắt dậy, nói sẵng:

“ Duyên trời định cái gì cơ chứ? Rõ ràng chỉ là trùng hợp thôi! Con không có yêu anh ta! Cái đồ bán đứng bạn bè… ”

Lê Hổ thấy vậy, cũng nói:

“ Không sai! Con cũng chỉ coi Ngọc Trần là bạn thôi, chứ không có tình cảm nam nữ. ”

Phạm Ngọc Trần quay sang, lạnh lùng:

“ Ai mà tin nổi? Mới câu trước giao người ta ra cho đại địch, câu sau đã nói là bạn bè ngay rồi! Loại người lá mặt lá trái này không thể làm chồng của con được! ”

Hổ vương nói:

“ Cậu chàng đoán được con là con ta, nên dẫn ta đến. Giúp cha tìm con gái mình, sao lại là bán đứng con được? ”

“ Con không cần biết! Đầu tiên là bắt con lấy người con chưa gặp lần nào. Giờ lại đòi gả con cho người này?? Con là con gái cha, hay là công cụ của cha? Cha tưởng con không dám trốn đi lần nữa hay sao?? ”

Phạm Ngọc Trần càng nói càng ấm ức, sau cùng không kìm nổi nước mắt, làm lệ châu lăn dài trên má.

Hổ vương lại cười, mà rằng:

“ Con chạy khỏi bản, cũng chỉ để chạy trốn chuyện cưới xin. Nhưng lại va ngay vào chú rể. Chứng tỏ có chạy cũng không thoát ý trời đâu con ạ. ”

“ Quá… quá đáng! Con ghét cha! ”

Nói rồi, cô nàng chạy vọt ra ngoài cửa.

Lê Hổ cũng đứng dậy, chắp tay:

“ Bác Lãm, mong bác xem xét lại cho. Chúng con vốn từng vào sống ra chết với nhau một lần, tuy không tính là tâm phúc tri giao, cũng là bè bạn thật lòng. Con không muốn vì chuyện này mà hai đứa không thể nhìn mặt nhau. ”

Nói rồi định đi, nhưng bà Thương đã ngăn lại:

“ Bác Lãm, bác đi xem con gái bác đi. Còn thằng con tôi thì để tôi nói chuyện với nó một chặp. Hổ, vào nhà trong với u. ”

Nói rồi đứng lên, để tì nữ dìu vào buồng trong. Lê Hổ tuy hơi nghi hoặc, song cũng vào theo u. Hai thầy trò Hổ vương thì dẫn nhau đi tìm Phạm Ngọc Trần.

Lê Hổ vào buồng, chưa kịp kéo ghế ngồi xuống, thì u cậu đã chầm chậm lên tiếng:

“ Thích con bé Ngọc Lữ rồi đúng không? ”