Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 176: Hồi mười chín (11)

Ra khỏi trướng, Đặng Tất lặng lẽ tìm đến một bãi cỏ rộng nằm ở phía nam doanh trại.

Bầu trời sao đêm cao và trong vắt, không có một gợn mây, trải rộng ra như tấm lụa đen chi chít những hạt ngọc trắng đính cườm. Gió thổi cái yên ắng vào khu doanh trại, hoà vào những tiếng chân người thỉnh thoảng lại vang lên, trước khi chầm chậm bước vào đêm tối.

Cỏ khẽ động…

“ Đây không phải chỗ một tướng tài nên xuất hiện đâu. ”

Hoàng Thiên Hoá ngồi xuống bên cạnh Đặng Tất, tiện tay lẳng cho một bình rượu con cho vị quốc công vừa thắng trận. Rượu tầm thường. Bầu tầm thường. Chỉ có ý cảnh là phi thường. Rượu nhuốm tịch liêu, chảy vào yết hầu, nóng ran một nỗi lòng tê tái…

“ Vậy thì thằng em đây thực sự không xứng là một tướng tài… ”

“ Có lẽ vậy. Nhưng là một người cha tốt. ”

“ Ít nhất là biết dạy con. ”

Hoàng Thiên Hoá cười khan, rồi dốc cạn bầu rượu.

Cách đó không xa, cũng có một ông sư cọ ngồi bên bãi cỏ lau, kiếm đồng đen cắm lạnh băng bên cạnh…

“ Lão trộm già. Lão lỡ hẹn năm đó, tôi thất hứa phen này. Xem ra phen này lão đi thanh thản thật đấy. ”

Khiếu Hoá tăng hành tẩu giang hồ, nghe được tin đồn Quận Gió bán nước, mất mạng ở Anh Hùng yến thì hết sức bất bình. Nếu có ai hiểu rõ vua trộm nhất, thì phải là Khiếu Hoá tăng.

Khiếu Hoá tăng còn biết được, người gϊếŧ Quận Gió trên đàn Nam Giao chính là Thiên Cơ lão đạo.

Lão thiền sư già vẫn coi đây là mê án khó giải thích, bởi hai người họ như lão được biết, cũng là bạn vong niên.

Đến hôm nay, thấy kiếm Đông A lọt vào tay Hoàng Phúc, lão không khỏi đặt ra một nghi vấn.

Nếu kẻ trên đàn Nam Giao thực chất không phải Thiên Cơ lão đạo.

Khiếu Hoá tăng chẳng thể xua tan được ý nghĩ điên rồ ấy khỏi đầu. Thành thử, lão đành đứng dậy, gói thanh Đông A lại cẩn thận… rồi tung mình.

“ Lão Quận! Hôm nay bần tăng phá giới uống với lão một chén!! ”

Chén rượu duy nhất uống cùng nhau, là khi hai người tri giao âm dương cách biệt.

Bầu trời ban ngày dường như không cao bằng trời đêm.

Bầu rượu đυ.c cạn đáy được bàn tay gân guốc của ai đấy giơ lên, rồi hạ xuống.

Bóng tối choán đầy bình, sâu chẳng thấy đáy…

Uống trời đêm…

Sáng hôm sau, một người đáng lẽ không nên xuất hiện đã có mặt trong soái trướng.

Sự xuất hiện của người nọ không chỉ khiến chư tướng, mà cả Trần Ngỗi cũng phải giật mình kinh ngạc.

Bởi…

Người đang ngồi trên ghế đối diện với Trần Ngỗi chính là Đặng Dung.

“ Thánh thượng xin chớ lo, tên Lữ Nghị ấy rất căm thù người nước Nam, tính tình tự kiêu nóng nảy. Có thể nói ấy là yết hầu của quân Minh. ”

Nói đoạn, Đặng Dung lại chỏ vào địa đồ.

“ Chỉ cần bệ hạ ra mặt khích tướng hắn, ắt hắn sẽ mắc mưu. ”

Một tướng bèn nói:

“ Láo xược! Thánh thượng mà có bề gì, nhà ngươi gánh vác nổi không? ”

Đặng Tất đứng sau quan sát, không lên tiếng bênh vực, chỉ gật đầu với Đặng Dung tỏ ý hài lòng.

Tàn mà không phế…

Rốt cuộc ông đã không nhìn nhầm con trai mình.

Đặng Dung nói:

“ Về chuyện an toàn của bệ hạ, ta đã có kế sách chu toàn, xin tướng quân chớ lo. ”

Đoạn, y nhìn sang chỗ Lê Hổ:

“ Kim Ngô tướng quân, liệu có thể cho chúng ta mượn Đinh Lễ một phen hay không? ”

Sau trận Bô Cô, sự hung mãnh của Đinh Lễ và con thần ngưu truyền khắp tam quân, ai cũng nể phục. Chẳng biết ai khởi xướng, nhưng khắp doanh trại quân Hậu Trần người ta bắt đầu gọi cậu là Chiến Thần.

“ Lễ, ý cậu sao? ”

“ Tuỳ chủ công. ”

Đinh Lễ nhún vai.

“ Được! Cứ thế mà làm! ”

Trần Ngỗi vỗ mạnh một chưởng vào tay vịn của chiếc ghế. Có một ngọn lửa rực cháy trong mắt ông ta, thứ trước đây chưa từng tồn tại.

Ba hôm sau…

Lữ Nghị đang muốn cáu điên lên được…

Chẳng biết vì sao, nhưng dạo gần đây Trần Ngỗi thường xuyên dẫn một nhánh quân Hậu Trần chạy quanh thành kɧıêυ ҡɧí©ɧ. Tất nhiên, là chỉ đích danh Lữ Nghị hắn mà chửi.

Mộc Thạnh đã vài lần căn dặn chư tướng không cần để mấy lời thoá mạ của quân Trần vào tai, song Lữ Nghị hắn tò mò. Rốt cuộc là người Nam chửi cái gì, mà cứ lên bổng xuống trầm như hát thế.

Một hôm nọ, hắn chuốc say mèm một tên thông dịch biết tiếng Việt, rồi tra hỏi…

“ Hắn… hắn chửi tướng… tướng… híc… quân đấy ạ… híc… ”

“ Chửi?? Hắn chửi sao? ”

“ Chửi ngài……

Chết cả tổ tông

Chết ông chết bà

Mẹ cha chết nốt

Thằng Nghị sau rốt

Mắt lé mũi trâu

Cái đầu toàn đất

Tim chó cật bò

Não to hạt vừng

Cổ quấn dây thừng

Chết treo thối xác. ”

Nghe gã thông dịch phiên dịch sơ sơ qua, cơn tức của Lữ Nghị cơ hồ có thể đánh vỡ tung hai lá phải

“ Khốn kiếp!!! Chó nhà có tang ngày nào, giờ dám sủa to vang trời cơ đấy! ”

Ngay trong đêm đó, hắn tập hợp đám quân thân tín của mình, hoạch định sẵn kế hoạch xuất thành bắt gọn Trần Ngỗi. Có câu ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Những người mà Lữ Nghị coi là thân tín, tất nhiên đều ôm thù với Đại Việt. Thành thử, không ai phản đối việc bất tuân quân lệnh của họ Lữ. Trái lại, cả đám còn thấy háo hức, sắp được lập công to.

Hôm sau…

Trần Ngỗi mặc giáp, cưỡi ngựa, theo lệ cũ dẫn một nhúm kị binh chạy vòng quanh thành Cổ Lộng mà mặc sức chửi bới. Mộc Thạnh ở trong thành vẫn thản nhiên nhắm mắt thưởng trà, mặc kệ cho Trần Ngỗi chửi rủa. Lão biết, chỉ cần chờ đúng thời cơ, thì kế hiểm của lão sẽ thành. Lúc đấy quân Hậu Trần sẽ tan nát. Mà nỗi nhục bị trăm người phỉ nhổ, cũng sẽ được rửa bằng sạch!

Hoàng Hà không rửa nổi, thì dùng máu kẻ thù mà rửa.

Mộc Thạnh nghĩ vậy, nên lão bình chân như vại. Mãnh hổ bắt mồi, bao giờ cũng súc thế lấy đà cẩn thận, chờ lúc con mồi sơ hở rồi mới thình lình xồ ra vồ lấy.

Hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung đương nhiên cũng biết vậy. Thế nên hai người mới bàn kế mạo hiểm, thả mồi to câu cá lớn.

Giản Định giật cương, ghìm ngựa chạy chậm lại, tiếp tục mồm năm miệng mười mà chửi rủa. Mọi hôm cũng vậy. Cứ chốc chốc Trần Ngỗi lại thả chậm tốc độ, chỉ mặt gọi tên Lữ Nghị mà thoá mạ.

Song lần này không phải đợi lâu, cửa thành đông đột nhiên mở toang.

“ Nghịch tặc Giản Định, ăn một mâu của ta đây! ”

Lữ Nghị giục ngựa dẫn đầu, tay múa một thanh xà mâu đánh sáp về phía quân kỵ của Giản Định. Sau đó, thân tín của hắn cũng kéo nhau túa ra khỏi thành, cờ sí giương rợp trời.

Trần Ngỗi xốc thương thủ thế, đâm trả một đòn. Thương mâu va chạm, tiếng kim khí reo vang tung toé cùng hoa lửa.

Trao đổi một chiêu, Lữ Nghị cười gằn:

“ Hà hà! Nhà ngươi không phải thích làm vua lắm sao? Ngồi mát ăn bát vàng, giờ công phu thụt lùi thấy rõ. Thử hỏi tên thủ hạ bại tướng như ngươi sao đấu lại ta?? ”

Trần Ngỗi nhíu mày, bập bẹ nói bằng tiếng Tàu:

“ Chớ mừng vội! Quân ta ở ngay phía sau! Nhà ngươi trúng kế rồi! ”

“ Đúng! Các ngươi quăng miếng mồi thơm thế, sao ta có thể không đớp? Nhưng tiên quyết là ngươi phải cầm cự được đã! ”

Lữ Nghị biết rõ đây là một cái bẫy.

Nhưng hắn nguyện ý mắc bẫy.

Vì người Tàu có câu: “ phú quý hiểm trung cầu ” tức là “ tìm kiếm giàu sang trong chốn nguy hiểm ”. Mở rộng ra, có thể hiểu là tìm kiếm cơ hội trong hiểm cảnh.

Hắn tưởng với thực lực của mình thì có thể tóm được Giản Định trước khi quân Hậu Trần kịp thực hiện gian kế.

Trong số quân thân tín của hắn, quá nửa đang chấn giữ cửa thành chặt như nêm cối.

Lữ Nghị thực sự đã nghĩ rất thấu đáo.

Chỉ cần hắn bắt được Giản Định trong năm mươi hiệp đổ lại, là hắn thắng. Chẳng những thành Cổ Lộng đứng vững, mà quân Hậu Trần cũng khó lòng đánh tiếp.

Thế nhưng…

Người ta không chết vì yếu, kém… Cũng không chết vì quá giỏi giang.

Người ta chỉ chết khi không biết trình độ của mình đến đâu. Gói gọn lại trong bốn chữ: “ kiêu binh tất bại ”.