Càng muốn thắng nhanh, lại càng mất kiên nhẫn.
Có câu dục tốc bất đạt là vậy.
Y chờ thêm một lúc. Thời gian cỡ uống hết chén trà, thì quân dọ thám trở về.
Không! Phải nói cho chính xác!
Ấy là chạy trở về!
Cả toán do thám mấy chục người hớt hơ hớt hải, cắm đầu cắm cổ vào mà chạy. Đuổi sát sau lưng họ, khua vó liên hồi một con ngựa...
Lưu Tuấn cả kinh, quát to:
“ Lũ vô dụng! Có con ngựa mà cũng tá hỏa lên là thế nào? ”
“ Không... không phải... Rắn!!!! ”
Tên do thám vừa nói dứt lời, thì đổ gục xuống đất, co quắp run rẩy, ra chiều đau đớn lắm.
Lưu Tuấn mặc dầu hay cằn nhằn kêu ca đâu đâu, nhưng kinh nghiệm sa trường dày dạn. Y chỉ cần nhìn thoáng qua là hiểu, vì sao tên lính do thám mình phái đi lại chết tức tưởi đến thế.
[ Gã ngu này xem chừng là trúng phải nọc rắn, sau đấy lại chạy hộc tốc như vậy, khiến khí huyết lưu thông. Độc khí cũng theo đó mà xâm nhập vào tâm tạng nhanh gấp mấy lần bình thường. Nay nọc rắn công tâm, e là khó mà cứu nổi. ]
Chỉ duy có một điều Lưu Tuấn chẳng cách nào hiểu nổi.
Gã do thám kia y biết khá rõ, là một bộ hạ thân tín của y. Kẻ kia nào có phải loại nhát gan? Y xứng đáng là kẻ gan hùm mật gấu, đội trời đạp đất ở đời. Há có thể vì mấy con rắn nhép mà sợ hãi đến độ vứt cả mạng mà chạy như thế được?
Bên cạnh y, quân Minh nhìn đồng bọn quằn quại đến chết, mà không khỏi hít vào một hơi khí lạnh.
“ Hắn nói... rắn?? ”
Đám lính do thám gục hết một lượt, đều vong mạng do độc rắn thấm vào tim gan. Bấy giờ, đám lính mới phát hiện con ngựa đuổi đằng sau quân do thám của mình có điểm bất thường.
Ngựa nước Nam lùn, dáng xấu, ngoại trừ việc chịu khổ giỏi thì chẳng thể so với ngựa phương bắc. Có thể nói là tầm thường. Thế nhưng, lúc này con ngựa lùn kia lại tung vó phóng như bay, toàn thân bóng nhẫy một thứ mồ hôi đỏ ối, trông chẳng khác nào thứ Hãn Huyết bảo mã của quân Nguyên Mông cả.
Mồ hôi đỏ rỏ xuống đất, lập tức có hương tanh lợm giọng bốc lên.
Sau đó, cỏ cây dao động liên hồi…
Nói đoạn, từ những bụi cỏ lau, không biết cơ man bao nhiêu con rắn túa ra, hệt như kiến vỡ tổ. Có đám liu điu chỉ to độ gang tay, lại có cả hổ mang vừa đi vừa phun lưỡi phì phì. Cả đám trườn xoèn xoẹt xoèn xoẹt theo sau con ngựa lùn, mắt trợn lên tròn xoe.
Đất Nam lắm rừng núi, nhiều sông ngòi, khí hậu lại ẩm thấp, đúng là chốn thiên đường cho họ hàng nhà rắn.
Ngàn lời vạn chữ khó tỏ bày, chỉ xin mạn phép mượn một bài thơ của cụ, để nói rõ hết cái sự đa dạng của loài rắn.
“ Chẳng phải Liu Điu vẫn giống nhà!
Rắn Đầu biếng học quyết không tha.
Thẹn đèn Hổ Lửa đau lòng mẹ,
Nay thét Mai Gầm rát cổ cha.
Ráo Mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn Lưng chẳng khỏi vết roi da.
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,
Kẻo Hổ Mang danh tiếng thế gia! ” ()
Lưu Tuấn trông thấy rắn, cả kinh, quát:
“ Mau!! Dàn trận! Mau dàn trận!! ”
Quân Minh lập tức kết phương trận ( trận vuông), lưng dán chặt vào nhau không dám hở ra một kẽ nào.
Con ngựa lùn trồm lên thêm một lần cuối, rồi đổ gục xuống ngay trước đống xác người la liệt.
Bầy rắn lớn nhỏ như chỉ chực chờ có thế, lập tức phi vào, trèo lên, cuốn quanh thân xác con ngựa mà xâu xé. Lập tức, mùi máu tanh hoà vào thứ mồ hôi đỏ ối, quện thành một mùi gây hôi khó ngửi.
Quân Minh thấy đám rắn chỉ chăm chăm xơi con ngựa, tưởng mọi chuyện đã yên, bèn lỏng tay đao tay kiếm.
Thế nhưng Lưu Tuấn đã quát lên thất thanh:
“ Cẩn thận! ”
Lời chưa dứt, thì kiếm đã rời khỏi bao, lưỡi kiếm vẽ một dải trăng khuyết, chém rụng đầu con rắn hổ lửa vừa phóng người về phía chân toan cắn một tên lính.
Té ra…
Đám rắn chồm lên người con ngựa là để liếʍ thứ mồ hôi đỏ lòm kia. Sau khi nuốt vào, chúng lại càng trở nên hung hăng táo tợn, thế nên mới chủ động tấn công con người.
Bởi lẽ thông thường, loài rắn cắn người là do bị hoảng sợ, chứ không phải chúng cố ý.
Lưu Tuấn hiểu rõ điều này, nên vẫn luôn cảnh giác. Có thế mới giữ được một mạng cho thuộc hạ.
Xì! Xì!!!
Lũ rắn phun lưỡi phì phù, máu đồng loại chẳng những không làm chúng sợ hãi, mà trái lại càng khiến chúng điên loạn. Cả đám nhao nhao xông vào trận địa của quân Minh.
Xoẹt! Xoẹt!
May được Lưu Tuấn đề tỉnh, nên quân Minh đã có chuẩn bị sẵn. Đón đầu lũ rắn chẳng phải da thịt, mà là một màn bóng đao ánh kiếm kín kẽ đến độ nước mưa cũng khó mà lọt.
Chỉ nghe những tiếng gai người, vảy cứng tróc bong, lũ rắn đã bị xả cho đầu lìa khỏi cổ. Ấy thế mà đuôi rắn vẫn còn giãy lên mấy cái, nhìn rất nguỵ dị.
Lê Hổ đứng từ xa nhìn, vừa lau mồ hôi vừa than:
“ Trong cái túi đó rốt cục chứa cái gì vậy? ”
Cậu chàng còn nhớ Phạm Ngọc Trần lấy miếng vải con, thấm chút dầu đỏ rồi lau qua mình ngựa. Nói đoạn lấy cái còi câm, để nó phi về phía quân Minh.
Ngựa đổ mồ hôi, tức thì đám rắn chung quanh như bị đánh động, túa cả ra ngoài mà trườn theo chân ngựa, đông nghìn nghịt. Cả bãi cỏ lau chẳng cần gió cũng xao động, giữa từng thân cỏ lúc nhúc toàn rắn là rắn, thấy mà gai người.
“ Anh đoán thử xem… ”
Phạm Ngọc Trần vỗ vào cái túi thổ cẩm, nói.
“ Giờ cô có lấy ngải ra tôi cũng không lấy làm lạ. ”
Lê Hổ thấp giọng, nói nhỏ.
Thuở ấy, nước Nam ta có một truyền thuyết, ấy là chốn rừng thiêng nước độc giấu một cây trầm hương thần. Trầm chẳng ở yên một chỗ, mà suốt năm dài tháng rộng nó chạy khắp đại ngàn. Muốn tìm trầm, phải có ngải, ngậm lấy mới mong tìm được.
“ Xì. Ngậm cái thứ đó, trầm hương chưa thấy, hoá hổ lúc nào cũng chẳng biết. Ai mà thèm! ”
Phạm Ngọc Trần nói.
Người ngậm ngải tìm trầm, nếu ngải tan hết mà chưa thấy trầm, sẽ hoá thành hổ.
Cái chuyện ngậm ngải tìm trầm, con người hoá hổ này trước giờ vẫn bị người ta coi là cổ tích, cùng lắm là cuộc chuyện lúc trà dư tửu hậu của đám vô công rỗi nghề. Nhưng xem chừng, Phạm Ngọc Trần rất tin tưởng chuyện này.
Cô gái miền ngược rốt cuộc là ai??
Lê Hổ nói:
“ Đám rắn bị thuốc của cô kích động, chỉ biết công bừa. Không làm khó được quân tinh nhuệ lâu đâu. Mau! Chúng ta về làng cố thủ. ”
Nói đoạn, cậu kéo Phạm Ngọc Tràn dậy, chạy như bay về phía đông.
Mặt đông núi Dục Thuý, nơi có ngôi làng toàn những người già dựa vào vách đá cheo leo dốc đứng. Quân Minh sẽ không thể công lên núi, huỷ đại pháo theo hướng đông được.
Lúc ấy Lê Hổ nghĩ đơn giản thế thôi.
Lưu Tuấn một tay hua kiếm gạt đám rắn, nhưng vẫn chú ý tìm kiếm xem ai là hung thủ đứng đằng sau. Bỗng nhiên thấy một đôi nam nữ đứng phắt dậy khỏi bãi lau, rồi cắm đầu cắm cổ chạy theo hướng đông…
Quả nhiên là đáng ngờ.
Y vung kiếm nhanh hơn, lại quát to hạ lệnh:
“ Mau!! Mở đường máu! Đánh về phía đông! ”
Quân Minh được lệnh, hăng hái hơn hẳn, nhưng trước mặt có rắn độc, không phải nói tiến tới là tiến tới được.
Lê Hổ và Phạm Ngọc Trần cũng vì thế mà rút lui được an toàn về đến ngôi làng.
Lúc hai người đến nơi, thì sĩ tốt dưới trướng Lê Hổ đã y theo lời cậu dặn, chuẩn bị xong xuôi đâu đấy cả.
Nhác thấy bóng cả hai, mọi người mới thoáng dừng tay.
Một trung niên râu rậm đầu hói bước lên hai bước, nói:
“ Tướng quân, chúng tôi đã di dời hàng rào các nhà, ngăn cản đường đi lối lại trong làng. Sau đó lại đào thêm hố bẫy hầm chông rải rác khắp nơi. ”
“ Mái nhà thì sao? ”
Lê Hổ vỗ đao, hỏi.
“ Làm gần xong rồi. Ngài xem thử xem thế này đã được chưa? ”
Trung niên ấy vừa nói, vừa dâng một cái bát lên.
Phạm Ngọc Trần chỉ thấy trong bát đựng một thứ chất lỏng sanh sáng, màu xanh ngọc rất bắt mắt. Ngửi thử còn thấy cả mùi thơm.
Cô nàng này vốn nhiều thủ đoạn linh tinh. Trong cái túi thổ cẩm, độc dược cũng có mấy loại. Nhìn bát nước xanh là Phạm Ngọc Trần nghĩ ngay đến khả năng Lê Hổ dùng thuốc độc đánh giặc, bèn chặc lưỡi:
“ Sao không bảo tôi sớm? Tự nhiên để chết bao nhiêu rắn độc, phí cả nọc. Cái thứ xanh xanh này chế từ độc gì, gϊếŧ được bao nhiêu người chứ? Này! Sao lại nhúng tay vào??? ”
Thì ra Lê Hổ đã thọc hai ngón vào bát nước xanh, lại miết hai đốt tay đẫm nước vào nhau mấy cái. Phạm Ngọc Trần tá hoả, bèn chộp lấy cổ tay cậu chàng.
“ Độc?? Cô nói gì thế? Độc nào?? ”
“ Gì chứ?? Không phải chất độc, sao đánh lại quân giặc?? ”
Lê Hổ cười nhạt, nói:
“ Đánh được mới hay chứ. ”
Nửa canh giờ sau…
Toàn thân nhuộm đỏ bởi máu, đế giày ướt đẫm mùi tanh, Lưu Tuấn và đoàn quân của hắn tiến đến trước ngôi làng dưới chân núi Thuý.
Phương bắc nước chảy quanh co, phía nam có đồi cỏ bạt ngàn. Ngôi làng xây dọc theo triền dốc của một quả đồi lớn, chung quanh có luỹ tre mọc thành bãi dày. Phía tây là vách núi Thuý. Thành ra, nếu tiến vào làng từ hướng đông, chỉ có con đường độc đạo đủ cho hai con trâu đi sát nhau.
Lưu Tuấn thầm nghĩ:
[ Đường nhỏ thế này, muốn hành quân qua ắt sẽ phải dãn dài đội quân của mình thành trận trường xà. Như thế sẽ mất ưu thế số đông. Nhưng chặt hết đống tre này lấy lối thì tốn sức quá. Thời gian không còn sớm, trước khi nước triều lên kiểu gì cũng phải đánh thủng được mặt đông của giặc. ]
Đoạn, y chặc lưỡi, nói:
“ Kệ mẹ nó! quân ta tinh anh thiện chiến, cần quái gì phải sợ!!?? ”
Thế rồi, y cũng mặc kệ, cho quân theo đường độc đạo kéo vào làng.