Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 146: Hồi mười bảy (13)

Bấy giờ tiết trời đã từ hạ chuyển sang thu, tiết trung thu qua chưa được mấy bữa. Bên con đường làng lơ thơ hương lúa mới gặt, bấy giờ chỉ còn gốc rạ. Lá vàng rơi xuống mặt ao, khung cảnh đầy thi vị.

Một đoàn người độ trên dưới năm mươi dẫn theo một trăm con lừa khoẻ, thồ từng bao từng bao lương thực đi dọc theo con đường núi. Thóc mới thu hoạch từ vụ mùa tháng tư, đã đãi sạch trấu, cách một lớp vải vẫn có thể ngửi thấy mùi gạo mới thoang thoảng.

Lê Hổ ngồi trên lưng con la, tay cầm quyển binh thư chăm chú đọc. Nhớ hồi tháng sáu vừa qua quân của nhà Hậu Trần tiến ra chiếm Nghệ An. Sau Trần Ngỗi lại để Đặng Tất dẫn đại binh đánh Tân Bình.

Tân Bình bấy giờ do Phạm Thế Căng quản hạt. Y vốn là hàng tướng theo hàng Trương Phụ, được y giao cho làm tri phủ ở đây. Căng được quyền có thế đâm ra kiêu, nhân lúc Trương Mộc về nước, binh hoang mã loạn bèn chiếm núi An Lại tự phong làm Duệ Vũ đại vương.

Cứ như người ta đồn rằng Giản Định đế đã phái người đến chiêu an, cùng họp sức đánh đuổi quân Minh. Nhưng Thế Căng chẳng những xé thư, còn chém sứ giả. Trần Ngỗi mới cất quân tiến đánh.

Tin đồn này rốt cuộc có bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là giả, Lê Hổ không biết. Cậu chàng chỉ biết là sau khi Phạm Thế Căng và cháu bị bắt, quân Hậu Trần đã có một dải lãnh thổ rộng lớn. Nam ở mãi mạn Lệ Thuỷ Quảng Bình bây giờ, phía bắc thì đã rục rịch đánh đến Bình Than, Hàm Tử và ngoại vi Đông Quan.

Tiếng lành theo đó đồn xa, bấy giờ dân Nam mười người thì có năm sáu đã nghe tiếng Trần Ngỗi. Rồi chuyện y bị đuổi gϊếŧ vì là con cháu họ Trần thế nào, quân Minh lật lọng ra sao cũng dần lan toả trong dân gian.

Dân chúng nhiều nơi vốn đã bất bình vì thuế sưu lao dịch, được nhân sĩ giang hồ kích động, nên nổi dậy quy tụ dưới trướng Giản Định rất đông. Thanh thế nghĩa quân lên nhanh như diều gặp gió.

Bà Thương tuy thấy nghĩa quân thắng liên tiếp mấy trận như chẻ tre, song chưa vội phát binh ủng hộ ra mặt. Bất kể Lê Sát cứ ra ra vào vào cửa phủ đòi xuất chinh mỗi ngày, bà vẫn đợi đến vụ lúa, cho thu hoạch xong xuôi đâu đấy, rồi mới bảo Lê Hổ theo đường núi mang mấy trăm thạch gạo trắng đến ủng hộ nghĩa quân. Còn nghĩa binh ở Lam Sơn thì vẫn án binh bất động.

Lê Sát trong bụng không vui vẻ gì, thấy có cơ hội tìm đến nghĩa quân bèn giơ tay xung phong lãnh trách nhiệm áp tải lương thực.

Bà Thương mới nói:

“ Cậu không phải gia tướng của nhà họ Lê, đi lúc nào mà chẳng được?? ”

Không đánh không quen nhau. Anh hùng biết anh hùng, chỉ sau mấy ngày, Lê Sát đã thấy rất hợp cạ với Đinh Lễ. Mà Lễ thì bảo sao cũng không chịu xuất chinh. Y khuyên không được, bấy lâu nay vẫn bụng bảo dạ tự hỏi chẳng lẽ mình nhìn nhầm?

Lê Sát lại nghĩ:

[ Luận về lược thao võ nghệ mình hơn hẳn, nhưng nội chính thì mấy tháng nay mình đã nhìn thấy nhiều, tự nhận không bằng một góc của bà ta. Liệu có phải bà ta có dụng ý khác? ]

Nghĩ thông suốt, y cũng không hỏi nhiều nữa.

Bà Thương phái Đinh Lễ đi theo hộ tống đoàn lương thực, Lê Sát cũng không nói một câu nào cả.

Trở lại với đoàn binh tải lương…

Lê Hổ ngồi trên con ngựa đốm, điều động mọi người làm việc. Vì tránh tai mắt quân Minh và bè lũ hàng tướng, nên đoàn lừa phải đi trong núi rừng, đường xá gập ghềnh, cây cối lô nhô rất khó đi.

Đinh Lễ đang nằm khểnh, chân vắt chữ ngũ trên lưng Đại Thắng Thần Ngưu thì chợt nhỏm dậy, chép miệng:

“ Xem ra phải mua đường. ”

Lê Hổ còn chưa kịp lên tiếng hỏi, thì đã có tiếng hô hào inh ỏi:

“ Gϊếŧ!! Gϊếŧtttt!! ”

Trong rừng bỗng có một đám người túa ra, đuốc ở tay cháy sáng, rọi lên bộ dáng tức cười của họ. Người nào người nấy mình mặc áo vải, đầu chít khăn, quần thì ống cao ống thấp. Vũ khí trên tay không đồng nhất tí nào. Dao có, rựa có, cuốc thuổng có, gậy gộc có, tre vót nhọn một đầu làm giáo cũng có luôn.

Đinh Lễ cười nhạt, thúc vào bụng trâu một cái. Đại Thắng Thần Ngưu rống lên, lừng lững bước về phía cường đạo. Bước chân của nó chẳng lấy gì làm nhanh, nhưng từng bước từng bước đều nặng đến ngàn cân. Dẫm lên mặt đất, cơ hồ khiến rễ cây xung quanh bật gốc. Đoàn la của Lê Hổ còn phải run rẩy nằm bẹp xuống, nữa là con người.

Thần ngưu hiển uy, đám cường đạo chưa kịp làm nên trò trống gì đã ngã lăn quay cả.

Đinh Lễ lại vung gậy, gõ mạnh một cái xuống khiến nền rừng nổ ra một cái hố sâu bằng quả bưởi.

Một người, một trâu đều triển lộ bản lĩnh, đám người kia buông hết cả vũ khí quỳ mọp xuống đất xin tha.

Những người này không có kinh nghiệm đi cướp, kẻ đần cũng đoán được chắc chắn họ là dân phu phen chạy trốn, hoặc là cùng quẫn rời quê tha hương cầu thực. Nhưng cái thời buổi này, nhà khá khẩm còn chẳng mấy người đủ gạo ăn, đâu có dư tài dư của mà cưu mang người khác? Cùng quẫn, cả bọn mới rủ nhau lên núi làm cướp.

Lê Hổ nghe mọi người kể xong, bèn phát gạo cho ăn, dặn rằng:

“ Sức khoẻ dẻo dai, sao lại tự đánh dân mình như thế? Ở phía nam cách đây không xa có thành Tràng An. Giản Định đế đang tạm đóng ở đấy mấy ngày chỉnh đốn quân ngũ, chờ ngày tấn công ra bắc đánh đuổi giặc. Bây giờ đang là lúc cần người. Chi bằng mọi người dùng sức dài vai rộng đuổi ngoại xâm, chém phản trắc chẳng sảng khoái hơn sao? Nếu các người muốn theo nghĩa quân, ta sẽ dẫn đến gặp. ”

Dân cày bị quân Minh dồn đến nỗi tha hương tứ xứ, đã đến cảnh sơn cùng thuỷ tận, mới chó cùng dứt dậu đi làm cướp. Nay nghe có người dám đứng lên chống giặc, lòng như mở cờ. Một người đầu lĩnh mới đứng ra hỏi:

“ Sau khi đuổi giặc, có về được làng cũ không? ”

Lê Hổ bèn cười:

“ Xua giặc ra ngoài biên ải, thì sẽ thái bình. Lúc đó đi đâu mà không được? ”

Mọi người nghĩ một lúc, rồi đồng thanh:

“ Thế thì đi gia nhập quân của Giản Định đế đi bà con ơi. ”

Mọi người rồng rắn theo đoàn xe tải lương, tìm về đất Tràng An. Đường núi vốn khó đi, giờ có thêm đoàn nạn dân mới gia nhập, mất chừng năm sáu ngày đường mới tới nơi.

Lê Hổ dõi mắt theo dải tường thành quanh co ôm lấy dãy núi xanh rờn, in bóng hình xuống dòng sông Hoàng Long uốn lượn, trong lòng không khỏi nhớ lại chuyện cũ. Tháng mười năm trước, Giản Định xưng đế ở Mô Độ, còn cậu thì đến nơi này du ngoạn, còn gặp được Trần Đĩnh. Vậy mà chớp mắt, gần một năm đã trôi qua.

“ Này! Ai đến đấy? ”

Đi đến dưới chân thành, thì thấy có một tên lính đứng trên chòi canh cầm giáo dài lên tiếng quát. Y lườm Lê Hổ một cái, cằm huớng lên ra chiều hống hách lắm.

Lê Hổ chắp tay, nói:

“ Tôi là Lê Hổ, người Lam Sơn. Xin anh vào báo với bệ hạ một tiếng, rằng có bạn cũ y hẹn đến góp một chút quân lương. ”

“ Vậy thì chờ cho một lát. ”

Tên lính nói vọng xuống, đoạn biến mất khỏi đầu thành.

Đinh Lễ khịt mũi, vỗ vào lưng trâu, nói:

“ Quá vô lễ. Này, tao với mày húc thủng tường thành cho y tức chơi một phen không? ”

Đại Thắng Thần Ngưu kêu ọoooo, đầu hất lên, nhại theo dáng vẻ của tên lính gác. Lê Hổ biết hai đứa này cái gì cũng dám làm, vội vàng xua tay can.

Qua thời gian uống hết chung trà, cổng thành mở toang.

“ Ha ha. Lần trước ở sông Vân không kịp chào từ biệt. Hổ vẫn khỏe chứ? ”

Trần Ngỗi bước từng bước dài về phía cậu, oai nghiêm nhưng vẫn không mất phong độ của kẻ cầm đầu. Y giang rộng hai tay, vỗ vai Lê Hổ mấy cái liền.

“ Nhờ phúc của bệ hạ, Hổ không có bề gì. ”

“ Sao nói thế được? Nếu hôm ấy không có cậu và thuộc hạ liều mạng hộ giá, e là ta không có ngày hôm nay. Mau. Mau vào đây. ”

Giản Định đế dẫn Lê Hổ vào, tiếp nhận hết lương thảo và nạn dân, sau đó phong cho cậu chàng chức Kim Ngô tướng quân. Lê Hổ gật đầu cảm tạ, sau đó lui về nơi ở tạm.

Đinh Lễ bực bội nói:

“ Xem chừng phải ở đây mấy ngày. ”

“ Đúng vậy. Thật là không may. ”

Lê Hổ gật đầu thở dài một tiếng, có cùng ý nghĩ với Lễ.

Cậu vừa được phong tướng, xin về Lam Sơn ngay thì thực là không nể mặt Giản Định đế tí nào.

Huống hồ tin ấy chẳng phải bí mật quân cơ gì, trên đường về Lê Hổ đã nghe người ta bàn tán mãi.