“ Bốn ông lão này đúng là quái dị. ”
Lê Hổ vừa ăn, vừa nhận xét.
“ Kì nhân trong thiên hạ, đều cổ quái như thế. Có người nói thiên tài là kẻ bị điên một nửa mà. ”
Cô gái cũng cười đáp.
Hai người ngồi dưới ánh trăng, rất vui vẻ, cơ hồ quên đi những chuyện buồn bã ngày trước.
Thế rồi, Lê Hổ bỗng hỏi:
“ Đúng rồi. Hồi đó từ biệt ở Hoá châu, vẫn chưa biết được tên cô nương. Tôi họ Lê, cứ gọi là Lê Hổ là được. ”
“ Lê Hổ? Cái tên nghe oai quá nhỉ? Tôi họ Trịnh, tên Ngọc Lữ. Cậu cứ gọi tôi là Lữ được rồi. ”
Cô nàng bèn tiếp.
Cậu chàng bén gãi gãi gáy, nói:
“ Thực ra Hổ là tên người trong nhà vẫn gọi. Năm xưa tiên phụ đặt cho tôi cái tên là Lợi. ”
“ Lê Lợi??? ”
Trịnh Ngọc Lữ nghe vậy, bất giác đỏ mặt lên.
“ Làm sao?? ”
Lê Hổ quay sang, tỏ vẻ quan tâm.
“ Không! Không có gì! ”
Hai người lại im lặng một hồi. Cái im lặng này không có cảm giác mất tự nhiên chút nào, ngược lại ai cũng thấy ấm áp, nửa muốn nói nửa lại không, rất kì diệu.
Được một lúc, Lê Hổ chợt lên tiếng gợi chuyện:
“ Hồi đó tôi trốn đi gấp, không kịp chào nhau lấy một câu. Tại sao cô lưu lạc đến tận đất Lam Sơn này?? ”
Trịnh Ngọc Lữ nghĩ thầm:
[ Bà lớn dặn mình đến Hoá Châu âm thầm tiếp tế cứu trợ cho thôn dân bị giặc bắt đi lao dịch, té ra là có dụng ý từ trước. Trời ơi là trời, mình gặp cậu lớn rồi mà cũng không biết… Nhưng… nhưng sao mà nói cho cậu ấy biết được? ]
Thế là nàng hắng giọng một cái, bịa:
“ Hồi đó cậu kêu gọi mọi người nổi dậy, tôi nhân lúc hỗn loạn mới trốn xuống bãi sậy. Lang thang thế nào lại tìm đến đây. Thấy chỗ này có vẻ thanh bình, yên ổn hơn chỗ khác nên quyết định dừng chân. ”
Lê Hổ gật gù, đầu cúi gằm, không giấu nổi tiếng thở dài:
“ Thì ra là thế. ”
Trịnh Ngọc Lữ đã từng cùng cậu trải qua chuyện ở Hoá Châu, tất nhiên là biết trong lúc cao hứng nhất thời mình nói hớ. Nàng ta bèn nói:
“ Không phải lỗi của cậu đâu mà. ”
“ Vậy sao?? Nếu không có tôi, họ có phải chết một cách vô ích như thế không? Không thành công, cũng thành nhân? Có phải cô định nói như thế không???
Chiến tranh ắt có thương vong. Nhưng ai!? Ai cho ta cái quyền quyết định vận mạng của người khác??? ”
Lê Hổ càng nói, tâm tình càng bất ổn. Đến mấy câu sau cùng thì âm thanh đã ngâm nga cao vυ't lên tưởng như muốn chạm đến vòm trời mà hỏi.
Cuối cùng, câu hỏi vỡ thành tiếng khóc, rơi xuống vỡ vào ánh trăng loang loáng mặt hồ.
Trịnh Ngọc Lữ nghe cậu ta cảm thán, bất giác tâm ý tương thông, chợt hiểu ra Lê Hổ đang ân hận chuyện ở Hoá Châu. Rồi hối hận đâm ra cả nghĩ, đọc thấy những câu như “ nhất tướng công thành vạn cốt khô ” trong binh pháp mà thấy mất niềm tin.
Trịnh Ngọc Lữ nhất thời im lặng.
Lê Hổ khóc lên một hồi, lệ chảy đầy mặt, chui cả vào miệng. Thế rồi nước mắt kết thành hai câu đối, vọng ra ngoài:
“ Kì La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao Vong sơn đầu khác tứ sầu ”
Trịnh Ngọc Lữ cảm động trước ý cảnh tê tái tang thương trong hai câu đối, cũng bật khóc theo. Nàng chợt nhận ra, những điều mình tưởng Hổ không biết, té ra cậu ta đã nghĩ đến từ lâu.
“ Ta không hiểu. Thực sự không hiểu… ”
Lê Hổ thở dài, lại thấy rầu rĩ.
Cậu mãi vẫn chưa thể nghĩ thông suốt cho nổi.
Lẽ nào cái gọi là thế thiên hành đạo, vì dân trừ hại chẳng qua là lời nói sáo rỗng mà kẻ muốn đảo điên thiên hạ áp lên đầu dân chúng, như cách người ta chăn ngựa chăn dê thôi sao??
“ Có thế thôi cũng không hiểu ư?? ”
Ọoooooooo…
Giọng ai cười sang sảng, vang lên ở phía bờ ao đối diện. Ngay sau đó tiếng trâu hú khoẻ khoắn trầm đυ.c cũng vang lên hoà với tiếng người. Hai thứ âm thanh bện vào nhau, tựa như dùi gỗ gặp mặt trống, thoáng cái đã ầm vang như tiếng trống xuất quân khiến mặt ao cũng phải gợi lên từng con sóng.
“ Võ công của cô trên tôi một bậc, có nghe thấy người đó nói gì không? ”
Lê Hổ khịt mũi, nghiêng tai.
Trịnh Ngọc Lữ lắc đầu:
“ Chịu thôi. Con trâu ở đâu rống khoẻ quá. ”
“ Ngươi gọi ai là trâu??? ”
Bỗng nhiên, một bóng người vọt ra từ trong lùm cây đối diện, nhảy phốc một cái đã đến chỗ hai người đang ngồi. Chỉ nghe ầm một tiếng, đôi chân y như cột sắt giáng xuống, đánh lõm vào đất thịt ven ao tạo thành hai cái hố sâu đến cổ chân.
Hai người Lê Hổ cùng hít một hơi khí lạnh.
Người này nhảy phốc một cái, băng qua mặt ao hơn ba trượng, đến trước bếp lửa chỉ trong có một tích tắc. Đã thế lắng nghe hơi thở, thì dường như nội công của y không lấy gì làm cao minh cho cam.
Dưới ánh lửa, lộ ra gương mặt của một thiếu niên nhỏ hơn Lê Hổ mấy tuổi. Cổ đeo một cái vòng xích bằng bạc, treo thêm một con trâu trắng không biết làm bằng thứ gì.
Hai người Lê Hổ chẳng kịp bình tĩnh lại, đã thấy kẻ nọ khoa chân múa tay:
“ Ta đây đã có lòng tốt lên tiếng cởi bỏ khúc mắc trong lòng cho, thế mà lại chửi ta là trâu?? Rõ là muốn ăn đòn! ”
Lê Hổ vội vàng nuốt khan, xua tay:
“ Anh bạn bình tĩnh, bình tĩnh một chút đã nào. Hạ hoả. Chớ nóng nảy. ”
Trong lòng cậu lại nghĩ thầm:
[ Người này lúc thì nói đạo lí như học sinh, lúc lại giơ nắm tay doạ đánh như phường đạo tặc. Đến là khó hiểu… ]
Giải thích một hồi, quái nhân mới sực tỉnh.
“ Ôi té ra là con súc sinh đấy. Xin lỗi hai vị, ta lỗ mãng rồi. ”
Nói đoạn, y lắc nhẹ một cái, rút bàn chân khỏi hố đất. Liền đó chẳng thèm lấy đà, nhún một cái lại bay vèo sang bên kia ao.
Ít lâu sau…
“ Cái con súc sanh khó dạy này. Mày là trâu mà sao mày ngu như con bò thế hả?? Tao bảo bao nhiêu lần là cấm có được át lời tao cơ mà! ”
Hai người Lê Hổ ngơ ngác nhìn nhau, thực sự á khẩu không biết phải nói cái gì cho đúng.
Phốc.
“ Ha ha ha… ”
Nói rồi nam nữ cùng bật cười, lả tả tiếu thanh rơi, chạm đất vỡ tan theo từng giọt sương đêm.
Trong trẻo…
Chừng thêm một chốc thì quái nhân đã cưỡi một con trâu lớn đến, thúc chân vào bụng bắn nó lọp bọp lội ao sang. Con trâu lông trắng như mây, sừng không bè bè dẹt dẹt mà nhọn hoắt lên, đôi mắt long đỏ hung dữ như phun lửa. Dù có chiến mã bất trị, hay hùm beo lang sói gặp con trâu hung tợn này e cũng phải nép sang nhường đường.
Ruỳnh. Ruỳnh.
Con trâu trắng lội lên bờ ao chỗ Lê Hổ, rồi đứng sững lại. Lúc ấy nó đứng nhàn nhã chưa l*иg lên, mà Lê Hổ đứng thẳng dậy cũng chỉ có thể cao bằng đầu vai của nó. Thực là quái dị trong quái dị.
Trịnh Ngọc Lữ như nhớ đến chuyện gì, chợt thốt lên:
“ Chẳng lẽ là nó? ”
Lê Hổ không khỏi tò mò:
“ Nó?! ”
Quái nhân thấy hai người có vẻ nhận ra lai lịch con trâu của mình, thế là nhảy phốc xuống đất.
Trịnh Ngọc Lữ nói mà giọng run run, tựa hồ như vẫn chưa thể tin vào mắt mình:
“ Nghe đồn Đại Thắng Minh Hoàng Đế lúc còn trẻ con đi chăn trâu dùng cờ lau đánh trận, từng thuần phục một con trâu thần lội lên từ dòng sông mùa lũ. Sau này nó theo hoàng đế dẹp loạn thập nhị sứ quân, dân gian vẫn gọi là Đại Thắng Thần Ngưu.
Theo sử quan tả lại thì trâu thần lông trắng như mây, hai mắt như mặt trời ban trưa, vai cao tới bốn xích, nghe hiểu tiếng người. Một khi xung trận thì hung hăng hơn cả hùm beo sư tử, nghe đồn voi chiến cũng từng bị nó húc chết. Cứ theo miêu tả ấy thì… giống hệt như con trâu này vậy. ”
Quái nhân vỗ tay vào nhau đánh bốp một cái, nói:
“ Không sai! Cái thằng nhóc ngu như bò này chính là hậu duệ của Đại Thắng Thần Ngưu. ”
Trâu trắng rống lên “ ọo ” một tiếng, xem ra là bất mãn vì bị chủ nhân mắng là ngu như bò.
Trịnh Ngọc Lữ nói:
“ Nhưng sau khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, Đại Thắng Thần Ngưu đã lao đầu xuống sông Hoàng Long tự vẫn để theo chủ nhân, sao lại… ”
Quái nhân xua tay:
“ Nói nhiều cũng chẳng ích gì, cứ thế này là nhanh nhất. ”
Nói đoạn gỡ cái gói lá chuối trong tay nải ra, đưa trước mõm trâu. Trâu trắng mắt mở to, đuôi ngoáy tít lên như thể gặp món ưa thích. Rồi nó vục đầu, đớp lấy đớp để.
“ Thịt?? ”
Thấy con trâu quái lạ này xung quanh toàn cỏ non không thèm ăn, mà lại ăn thịt, hai người không khỏi kinh ngạc.
Quái nhân lại nói:
“ Tiên Hoàng chém đầu địch, thần ngưu ăn chiến mã, chẳng phải sách sử vẫn nói như thế hay sao? Giờ trâu của ta ăn thịt thì có gì mà phải kinh ngạc? ”
Lê Hổ vẫn cho là hoang đường, nhưng chỉ thấy Trịnh Ngọc Lữ lầm bầm bên cạnh:
“ Đúng là có chuyện này. ”
Nên đành im lặng.
Quái nhân lại lấy hai quả bầu khô ra, lắc lắc:
“ Người uống một quả, một quả phần trâu. Thế là rượu ngon đã cạn. ”
Quả nhiên con quái ngưu ham thịt, lại háo cả men cay nữa. Trông nó thành thạo lấy môi quắp lấy vỏ bầu, ngửa cổ dốc cạn mà hai người Lê Hổ chỉ biết há hốc mồm vì kinh ngạc.
Con trâu này thiếu điều thành tinh đến nơi, thế mà vẫn bị chửi là ngu kia đấy.