Thế nhưng lúc này nó không thể nhúc nhích nổi, bởi gáy của nó đã bị một bàn tay tóm chặt, còn bốn chân và mõm cũng bị dùng dây rừng buộc đến mấy vòng.
“ Nghịch tặc Giản Định và đồng đảng, gan của các ngươi cũng to lắm. ”
Con Trương Phụ bị quăng xuống đất, đá cứng đập vào thân khiến nó rên lên càng dữ.
Xuất hiện là một trung niên tóc bạc, lưng gấu eo hổ.
Y chính là Hoàng Phúc!
Đám người Lê Hổ chưa từng thấy lão già, nên tất nhiên không biết võ công ông ta lợi hại đến cỡ nào. Còn mấy người Giản Định thì còn lạ gì trung niên này? Hồi ấy ở Mô Độ, Trần Ngỗi dựng cờ dấy nghĩa, có biết bao nhiêu cao thủ các môn các phái hưởng ứng.
Kết quả thì sao?
Một mình Hoàng Phúc đả bại, gϊếŧ chết hết người này đến người khác.
Trung niên này một khi vào chiến trường sẽ hóa thành ưng dữ, cọp ác. Luận về sách lược công thủ điều binh khiển tướng, y không bằng Trương Mộc. Thế nhưng nếu nói về vũ công, hai người kia còn thua Hoàng Phúc xa. Ngón Ưng Trảo công của y hoành ra, cơ hồ không ai trong số các “ cao thủ ” Ngỗi biết cản nổi một chiêu nửa thức.
“ Chạy! Mau chạy! ”
Giản Định hét lên một tiếng, cảnh báo.
“ Đại vương cần gì phải sợ quá, một ông già, đánh sao lại ba hảo thủ của ta? ”
Lê Hổ nhíu mày.
Phạm Ngũ Thư không phải đối thủ của đám cao thủ thượng thặng như Phan Chiến Thắng – trang chủ và bốn Tinh của sơn trang Bách Điểu, song cũng không thua bao nhiêu.
Trần Đĩnh giờ đã không còn điên điên khùng khùng, chiến lực cũng sàn sàn Ngũ Thư.
Lê Thận càng thêm bí ẩn, không rõ thực lực sâu cạn thế nào.
Ba người này hợp lại, chỉ cần phối hợp ăn ý, có lẽ Phan Chiến Thắng cũng phải nhượng bộ.
Lão già kia lại có bản lĩnh gì?
Nguyễn Xí gào lên:
“ Tiên sư bố nhà mày, thả nó ra!! ”
Thằng nhóc nổi nóng. Nó tung mình lao qua con suối, đôi thiết trảo buộc ở tay nhè ngay mặt Hoàng Phúc mà tập kích từ hai hướng. Chỉ cần lão ấy lui một bước, Nguyễn Xí sẽ dùng ngạch sắc giấu ở ống quần cứa đứt dây trói cho con Trương Phụ.
Hoàng Phúc chỉ cười khẩy.
Y dựng thẳng hai tay, ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái cong lại thành thế ưng trảo, chộp ngược vào móng vuốt của Nguyễn Xí.
Bành!
Thế gọng kìm của Nguyễn Xí bị phá tan, mà bản thân thằng bé cũng bị lực phản chấn đánh văng ngược lại. Phạm Ngũ Thư thấy vậy, vội lướt sang dùng hữu chưởng đón vào lưng thằng bé, để nó không bị đá nhọn bên sông tổn hại.
Nào ngờ ám kình từ phía trước ùn ùn đánh ngược vào, khiến Phạm Ngũ Thư cơ hồ không kịp phòng bị. Y lui liên tiếp ba bốn bước, vận đủ bảy thành công lực lên mới hóa giải nổi thế bay của Nguyễn Xí. Nhìn lại, thì thằng nhỏ đã trào máu miệng, bất tỉnh.
Hoàng Phúc có thể đánh ngang tay với Khiếu Hóa tăng, há phải là cao thủ bình thường?
“ Nguy rồi, võ công tên này rất cao, chỉ riêng nội lực e là không thua mấy vị tông sư tí nào. ”
Phạm Ngũ Thư nghiến răng, đỡ Nguyễn Xí sang cho Lê Hổ, còn miệng thì lập tức thông báo cho hai người Trần Đĩnh Lê Thận.
“ Cái gì? ”
Lê Thận, Trần Đĩnh đều từng tiếp xúc với Khiếu Hóa tăng, tất nhiên biết một chữ “ tông sư ” ấy có trọng lượng như thế nào.
“ Tên này mà đòi ngang với Khiếu Hóa tăng ư? Đúng là bốc phét! ”
Trần Đĩnh là đối thủ cũ của Ngũ Thư, biết tính y không trọng sĩ diện đến mức phải đùa vào lúc này. Còn Lê Thận. Khiếu Hóa tăng trong lòng y vốn chẳng khác nào người cha thứ hai. Làm gì có chuyện một lão trung niên chẳng biết từ đâu ra lại có võ công không thua gì lão được?
Hoàng Phúc nghe đến ba chữ “ Khiếu Hóa tăng ”, thì như bị chọc đúng vào chỗ xót. Y nghiến răng, giật giọng hỏi:
“ Khiếu Hóa tăng? Tên sư cọ người mập mạp, mặc cà sa rách, võ khí là một cặp chuông đúng không? ”
“ Sao ngươi biết? ”
Lần này, đến Trần Đĩnh cũng không giữ nổi bình tĩnh nữa.
Sau khi thành tài, cả hai đều bỏ mấy năm tìm ân sư, chỉ mong được nói một lời cảm tạ. Nhưng ông sư già này tính tình nhàn nhã ưa tự do, hành tung bí ẩn. Hai người chỉ đành công cốc mà về.
Nay Hoàng Phúc tả diện mạo sư phụ của họ không sai một li, lại còn nói đúng võ khí của ông là cặp chuông, thử hỏi hai người sao có thể không kích động?
“ Biết! Hắn chết dưới tay ta mà! ”
Hoàng Phúc đảo mắt, cười khẩy. Nói rồi móc trong áo ra một hạt châu, ném về phía mọi người.
Lê Thận run rẩy đỡ lấy hạt châu, xem xét cẩn thận.
Một khối gỗ hình cầu, màu đen, hai đầu đυ.c thủng để xỏ dây qua. Chế tác rất bình thường, nham nham nhở nhở, lại không được mài giũa cẩn thận gì. Có đoạn thì hơi vuông, có chỗ lại hơi nhọn. Căn bản vốn không thể là chuỗi tràng hạt nhà Phật.
Thế nhưng…
Hai người Trần Đĩnh vừa cầm hạt châu trên tay, là biết ngay nó được lấy từ tràng hạt của sư phụ. Bởi, trên đời này chỉ có một ông sư quái lạ như Khiếu Hóa tăng mới dùng cái thứ tràng hạt này thôi.
“ AAAA! ”
Hai mắt Trần Đĩnh, Lê Thận đều đỏ quạch lên, nào còn lí gì tới cảnh báo của Ngũ Thư nữa.
Thời xưa, vua – cha – thầy học là ba người được tôn trọng nhất. Huống hồ Trần Đĩnh và Lê Thận đều mất cha từ sớm, chịu đủ nhục nhã phỉ nhổ. Không có Khiếu Hóa tăng cưu mang, chắc chắn không có họ của ngày hôm nay. Tay áo cà sa cũ rích, thùng thình lượt thượt của ông sư già chẳng khác nào đôi cánh che chở, nâng đỡ hai con gà con thành hai chú gà chọi chiến như bây giờ.
Có thể nói, dù chưa chính thức dập đầu hành lễ bái sư, nhưng với hai người họ thì Khiếu Hóa nửa là thầy nửa là cha.
Nghĩ đến người xưa không còn, ai mà giữ nổi bình tĩnh?
Trần Đĩnh xộc tới trước nhất, múa thanh Huyết Ẩm vạch về phía Hoàng Phúc. Lê Thận thì lướt ngang sang một quãng, hai tay liên tiếp phóng ám khí. Nào là cau đồng, trầu sắt thi nhau lướt gió, phong tỏa hết các bộ vị yếu hại, khóa cứng mọi đường lui của Hoàng Phúc. Phạm Ngũ Thư hồi khí xong, nhìn hai người tác chiến, không khỏi bật cười. Lối đánh của Trần Đĩnh thanh thoát hơn, không máu lửa bằng. Nhưng cái lối xông trực diện vào thì có khác gì Hồ Đỗ đâu? Còn Lê Thận đứng từ xa phóng ám khí Trầu Cau, phảng phất đâu đó là hai ống tên của Hồ Xạ, không lẫn đi đâu được.
“ Năm xưa… Chuyện năm xưa chẳng phải cũng là như vậy hay sao? ”
Gió mang hơi ẩm từ sông Vạc phả vào mặt Ngũ Thư, gợi lại hương sen Tây Hồ của mười tám năm về trước. Bên Tây Hồ, dưới gốc si, ba tên ngố của Thăng Long thành đấu với Hùng Kê Tam Kiệt.
Vật đổi sao dời…
Ba chàng ngốc nay chỉ còn một kẻ xưng là Long Thành kiếm khách, mà Hùng Kê Tam Kiệt cũng chỉ còn Kim Kê tàn phế một tay. Có phải cảnh còn người mất?
Có thể người đã đi rồi, nhưng bóng hình quá khứ hãy còn phảng phất, khung cảnh năm xưa nay đã hiện về theo sóng nước dập dờn.
Khác biệt duy nhất? Con gà dù năm đó làm khó ba anh em nay đã hóa thành hùng ưng nghiêng cánh che mặt trời.
Phạm Ngũ Thư nhếch môi, cười.
Lạ chưa, trong cái tình cảnh này mà y còn cười được ư??
“ Xá gì đâu…
Ngũ Thư này cũng chẳng phải tên ngố năm nào nữa rồi. ”
Phạm Ngũ thư nắm chặt thanh Hùng Kiếm, sau đó xông tới trước.
Lửa chiến đấu lại đốt lên rừng rực.
“ Trứng chọi với đá. ”
Hoàng Phúc vươn trảo, đánh sau mà tới trước chộp thẳng vào l*иg ngực của Trần Đĩnh. Huyết Kiếm Thiên Công ngày nào thấy kình lực trên ba đầu ngón tay của địch thủ mạnh mẽ như phá sắt nứt đá, không thể không hoành kiếm lại đón đỡ. Nào ngờ ấy chỉ là hư chiêu của họ Hoàng. Y thấy đối thủ thu kiếm về đỡ, tả trảo cũng theo đó mà đổi hướng. Thay vì công trực diện, thì trảo của lão vòng sang mé tả đánh ập lại, đốt ngón tay đυ.ng trúng đốc kiếm của Đĩnh. Kình lực kinh người cuồn cuộn chảy tràn vào, cơ hồ khiến hổ khẩu của Trần Đĩnh rách toạc ra, kiếm trong tay chỉ chực muốn bay. Không muốn mất kiếm, thành thử Đĩnh buộc phải phi thân theo lưỡi Huyết Ẩm.
Chẳng khác nào đưa lưng đón cau trầu của Lê Thận.
Hoàng Phúc cười khẩy, khinh thường, đoạn nhún chân nhảy phốc một cái vượt qua lạch nước. Lạch nước tuy nhỏ, song cũng cỡ hai mươi bước chân. Ấy thế mà lão không cần lấy đà, chỉ khẽ vận sức là qua được. Đủ thấy khinh công đáng sợ.
Véo véo!
Lão già họ Hoàng còn đang đắc ý, thì bỗng nghe sau lưng bật lên tiếng kêu sắc lẻm, càng lúc càng dí sát vào da thịt. Lão đoán chừng ấy là ám khí, bèn vung tay ra sau. Ưng trảo gảy vào cau đồng, đẩy mấy quả cau đập vào lá trầu không tẩm độc, khiến ám khí của Lê Thận tự rơi xuống đất.
“ Hi sinh thằng kia à? Quyết đoán đấy… ”
Hoàng Phúc đang cười khẩy ra vẻ khinh thường, thì eo đã trúng ngay một kiếm. Cũng phải khen phản ứng của lão nhanh như chớp, vừa nghe tiếng vải bị đâm toạc là bước ngang sang nửa bước. Thành thử chỉ có lớp áo bào bị xé rách. Song mặc dù da thịt không tổn hại hư hao gì, cũng rất mất mặt.
Lão xoay eo giật gối, đá trúng ngay cằm của Trần Đĩnh. Y đang được đà lao tới trước, thanh ra không thể phản ứng lại được. Nội lực của Hoàng Phúc nói mạnh không mạnh, bảo yếu chẳng yếu, rất mơ hồ khó nắm bắt. Song lại dễ dàng dập tan tác chân khí hộ thân, đá cho Trần Đĩnh văng ra xa, người húc đổ một cái cây to như bắp chân.
Lão vừa tung cước, là lập tức phải nhún một chân nhảy giật lùi lại một bước. Lưỡi kiếm vuông vắn đúc từ đồng đen xẹt nhanh qua, đυ.ng trúng một tảng đá to cỡ nắm đấm. Chỉ thấy rắc một cái, tảng đá vỡ toác, còn những mảnh đá vụn lại bị chủ nhân của quái kiếm sử dụng kiếm pháp quái lạ chẳng kém hất vào mặt Hoàng Phúc.
Họ Hoàng vận công vung tay một cái, đám đá vụn văng cả sang một bên.
Phạm Ngũ Thư chọn ngay lúc Trần Đĩnh bị đánh lui lại để nhập trận.
Trước thì thi triển khinh công, phát sau đến trước nhảy ra giữa dông suối ngay giữa hai người Thận, Đĩnh. Kế đó lại dùng kiếm pháp tổ truyền chuyển hướng ám khí của Lê Thận từ Trần Đĩnh sang Hoàng Phúc. Sau đó phối hợp với Đĩnh, giáp công đối thủ từ hai hướng.
Phàm là ám khí, vũ tiễn mà bị Đảo Nam Nghịch Bắc bắn ngược, uy lực thường sẽ mạnh thêm vài phần. Thế nên Hoàng Phúc mới bỏ qua khả năng Phạm Ngũ Thư đẩy ám khí trầu không về phía lão, mà đoán Lê Thận mặc kệ Trần Đĩnh để phóng thêm một đám mới.
Hoàng Phúc hú dài một tiếng, đoạn giang chân thi triển khinh công, sải từng bước lớn về phía Lê Thận.
[ Người Tàu có câu minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng. Hùng kiếm và Huyết Ẩm của mình và Đĩnh tuy sắc bén, nhưng thứ khó chịu nhất vẫn là ám khí trầu không của Lê Thận. So quyền đọ cước cậu ta sao thắng nổi ưng trảo của lão ta? ]
Phạm Ngũ Thư đoan biết lão nhè Lê Thận đánh, bèn phạt ngang Hùng kiếm toan cản đường.