Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 122: Hồi mười sáu (5)

Giờ kể tiếp chuyện Lê Hổ gặp được Trần Ngỗi trên đường chạy giặc.

Thấy mấy người đi theo Giản Định đế đều cường tráng khỏe mạnh, tay lăm lăm vũ khí tuốt trần. Cặp mắt long lên, hằn từng tia máu trông có vẻ hung hãn lắm. Hai người Lê Thận, Phạm Ngũ Thư đã biết Trần Ngỗi từ trước nên không nhúc nhích gì. Trần Đĩnh thấy thế lại tưởng họ thử mình, bèn đi lên một bước chắn trước mặt Lê Hổ.

Thủ hạ của Giản Định thấy vậy, cứ ngỡ Trần Đĩnh có ý làm khó, bèn quát:

“ Tránh raaaa! ”

Cả lũ chắc mẩm một thanh kiếm gãy, một tên quái nhân gày gò thì làm gì nổi mấy lực điền hai bảy bẻ gãy sừng trâu như mình. Thế nên có một người sấn lên trước, toan xô Trần Đĩnh sang một bên.

Xoạt!

Gã lực điền còn chưa kịp nói câu nào, thì cạnh sắc của kiếm Huyết Ẩm đã dí ngay vào mi tâm của hắn. Còn gã thì thình lình bị ai đó gạt giò cho một cái, ngã dập cả mông.

Ngã sõng soài ra đất toàn sỏi với đá thì đau đấy, nhưng còn đỡ hơn là mất mạng.

Gã lực điền hướng ánh mắt về phía người thư sinh đang đứng cản giữa mình và quái nhân, gật đầu tỏ ý cảm tạ. Mới nãy, chính cái người có dáng vẻ yếu đuối như anh học trò trói gà không chặt này đã giật gót đốn gã ngã lăn ra, cứu sống hắn khỏi lười kiếm gãy trong gang tấc.

Mấy người bạn của hắn đang định xông vào, cũng bị võ công của gã quái nhân dọa cho chùn chân.

Trần Đĩnh nhìn Phạm Ngũ Thư một cái, trầm giọng:

“ Cứu hắn làm gì? ”

Phạm Ngũ Thư nhún vai, trách:

“ Chuyện qua rồi thì cho qua đi. Sao lại trút lên đầu kẻ khác? ”

Y không thể không thừa nhận, mười lăm năm không gặp, võ công Trần Đĩnh đã tiến bộ vượt bậc. Nhất là về khoản tốc độ. Đường kiếm vừa rồi y phóng ra, Phạm Ngũ Thư cũng không nhìn được rõ ràng lắm. Thành thử đến lúc quét chân đánh ngã người lực điền, thì đã không kịp. Cho dù y ngã thật, cũng đã hóa thành cái xác dưới Huyết Ẩm kiếm rồi. Cuối cùng, Long thành kiếm khách không thể không rút nhanh Hùng kiếm, dùng đốc kiếm giáng vào huyệt Thái Uyên của Đĩnh.

Trần Đĩnh cắm Huyết Ẩm vào thắt lưng, nói nhỏ:

“ Nếu thanh kiếm này còn nguyên vẹn, anh không cứu được gã. ”

“ Điều đó tôi không phủ nhận. ”

Trần Ngỗi lúc này mới lên tiếng:

“ Đều là người nhà, người nhà. Tráng sĩ đừng có động đao động kiếm kẻo hỏng mất hòa khí. ”

Vừa nói, y vừa đánh mắt với Lê Hổ, có vẻ muốn cậu đỡ cho mấy lời.

Lê Hổ bèn vỗ vai Trần Đĩnh, nói:

“ Nay đang lúc cần dùng người, đại vương đây và ta đều đang ngồi chung trên một chiếc thuyền kháng Minh. Cái chuyện tự tàn hại nhau này đáng ra phải phạt nặng. Tuy nhiên xét thấy Đĩnh vì nóng lòng hộ chủ mới hành động lỗ mãng như thế, nên tạm cho nợ. Lần sau sẽ phạt nặng, tính thêm cả tội lần này nữa. Đại vương thấy Hổ phân xử như thế có hợp lí không? ”

“ Lê Hổ cậu thưởng phạt phân minh, hèn gì có nhiều tay cao thủ đi theo như vậy. Thế nhưng thế cuộc trên chiến trường không thể bằng sức một người mà xoay chuyển được. Chớ nên quá xem trọng cao thủ võ lâm, mà bỏ bê không tìm hãn tướng. ”

Trẫn Ngỗi vừa nói, vừa chống kiếm đi lên trước.

Lê Hổ ngỏ ý nhường lại ngựa cho Giản Định chạy trước, thoát khỏi vòng vây, nhưng y từ chối thẳng, lại giải thích rằng:

“ Giờ chốn dung thân được chỉ có Hóa châu ở phía nam, do Đặng Tất cai quản. Người này trước đây từng hàng quân Minh, dù có cho người đánh tiếng xin theo, song cũng không thể không phòng hờ kẻ này có lòng dạ khác. Nhất là khi trong nội bộ nghĩa binh có thể còn có gian tế như hiện giờ. ”

Lê Hổ nghe phong thanh, nhìn ánh mắt, đã đoán được Trần Ngỗi có ý ngờ vực rằng cậu ta và Lê Thận rời Mô Độ xong là đi mật báo cho quân Minh, nên mới nói bóng nói gió về chuyện gian tế. Thành ra cũng đành nhún vai, bỏ ý tốt khuyên Giản Định về Lam Sơn lánh tạm, chỉ bảo ba người Trần Đĩnh theo sát bảo hộ y an toàn.

Cả đám lủi vào rừng trốn sự truy lùng của quân Minh.

Giữa tháng mười hai…

Đông chớm sang, ý thu cũng đã tàn. Rừng hoang núi vắng, sương xuống làm hơi lạnh như ngấm cả vào xương vào tủy. Ánh lửa cam vàng hiện lên phía chân trời, một điểm nối tiếp một điểm. Cái sự ấm áp ấy, tiếc thay, quá xa xỉ đối với những kẻ trốn chạy. Không dám nổi lửa, thế nên cái lạnh càng được dịp hoành hành, cứ quất vào người hết lần này tới lần khác như cứa da cắt thịt.

Ánh trăng trên cao chẳng công phá được màn lá dày, đành phó mặc cho bóng tối kéo quân chiếm đóng cả không gian. Thỉnh thoảng, bụi cỏ ở phía xa lại có tiếng loạt xoạt phát ra. Chẳng biết là hùm beo, hay ma quỷ, hay con người.

Trong lúc này, Trần Ngỗi chẳng thà gặp hai thứ trước.

Mười người ngồi dưới cội cây, im lặng chẳng ai nói với ai câu nào. Trong rừng hoang, khi đôi mắt còn đang làm quen được với bóng đêm mịt mùng, da thịt vẫn chưa thích nghi với rã rời mỏi mệt thì tốt nhất là giữ sức, không làm cái gì cả.

Ngày tháng trốn chạy phía sau có lẽ sẽ còn rất dài, không chỉ riêng đêm nay mới phải thấp thỏm lo âu.

Lúc nào có cơ hội mà nghỉ thì nên tranh thủ.

Phạm Ngũ Thư là người gác canh đầu tiên.

Đêm tĩnh mịch…

Có lẽ hùm beo gì cũng đã ngủ cả rồi. Ma Trành Ma Da cũng chả buồn ra bắt người nữa.

Chỉ có những ánh đuốc quân Minh là còn lởn vởn loanh quanh mãi ở phía xa, chẳng khác nào lửa ma trơi.

Gió không thổi nữa, làm bụi cỏ tán cây cũng lim dim ngủ quên. Duy có ông trăng là còn thức, song ánh nguyệt nơi xa đã bị rừng hoang chặn mất, chẳng thể nào chia sẻ nỗi tịch mịch cùng người.

Là cảnh đêm tĩnh mịch, hay lòng người cô liêu?

Ngũ Thư cũng không rõ.

Hùng Kiếm gác trên vai, sương đêm rơi vào mặt kiếm, vỡ tan một tiếng “ tinh ” rất khẽ.

[ Anh Đỗ, anh Xạ, hai người có trách em không? ]

Sau khi đánh với Trần Đĩnh một trận, thấy ngoại thích Hồ Quý Li càng lúc càng làm quá chuyên quyền, Ngũ Thư đâm ra chán trường. Đỉnh điểm là cái chết của Trần Khát Chân và các đại thần chống đối. Sau đấy y mới từ quan, về Lam Sơn ở hẳn.

Bốn chữ “ Việt Nam Trường Tồn ” là do Ngũ Thư lén viết bên dưới con diều sáo của Hồ Đỗ, bằng chữ Nôm. Y không dám dùng Đại Việt, hay Nam Việt… mà dùng Việt Nam. Bởi trong cách nói của người nam ta, từ sau bổ nghĩa cho từ trước.

Cũng là lời hứa của y với hai người anh kết nghĩa…

Song nhìn sang Trần Ngỗi, Phạm Ngũ Thư chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Người này có tài làm thủ lĩnh, trại chủ, bang chủ, thậm chí là bá vương một vùng… nhưng không có cái cốt cách của bậc vua chúa khai triều. Y thiếu một phẩm chất mấu chốt, nhưng chính xác y thiếu cái gì, Ngũ Thư cũng không nói nổi. Chỉ biết…

Minh quân chưa xuất hiện, trăm họ còn phải khổ sở lầm than. Lời hứa của Ngũ Thư với hai người nghĩa huynh quá cố, cũng không biết đến lúc nào mới thực hiện được.

Bỗng… gió nổi.

Bãi cỏ bốn bề bắt đầu lay động, ngả nghiêng theo hơi thở của đất trời. Âm thanh lạo xạo truyền đến tai Ngũ Thư, kèm theo tiếng chân rất nhỏ lẫn trong tiếng cỏ.

Có thứ gì đó đang lại gần.

Biết lợi dụng cả tiếng gió, tiếng cây để che giấu âm thanh chân bước, chứng tỏ thứ đang đến gần không thể là thú dữ bình thường được.

Phạm Ngũ Thư đứng dậy, Hùng kiếm cầm ngược gác sau lưng. Ánh mắt y khoá chặt lấy mấy bụi cỏ thấp lè tè ở phía nam.

Gió lặng.

Cây cỏ lại đứng thẳng mình, như quân tinh nhuệ điểm binh. Tiếng chân loáng thoáng lẫn trong tiếng gió cũng lặng hẳn, tưởng như chỉ là ảo giác thoáng qua.

Phạm Ngũ Thư vẫn đứng, kiếm không rời tay.

Y tin vào phán đoán, đầu óc và đôi tai mình.

Thế nên…

Phạm Ngũ Thư dấn bước về phía nam, đến khi mũi giày chạm lên mép cỏ mới dừng lại. Nếu lúc này kẻ mai phục trong đám cỏ rút nỏ ra bắn, thì tám chín phần sẽ thành công ám sát một cao thủ bình thường.

Tất nhiên, với điều kiện Phạm Ngũ Thư là cao thủ bình thường.

Chỉ nghe phốc một cái.

Một cái bóng đen bật ra khỏi bụi cỏ thấp, đôi đồng tử màu vàng xoáy vào mặt Phạm Ngũ Thư. Bàn tay, hay chi trước gì đó, vồ vào mặt Long thành kiếm khách.

Móng vuốt sắc và dài vạch xuống, liệt kình gào thét như muốn rạch nát mặt đứt cổ người ta. Gió lạnh sắc lẻm tát vào mặt Phạm Ngũ Thư, khiến tóc ở hai bên mai hơi dạt về sau.

Phạm Ngũ Thư vận kình nâng vai, chuyển cổ tay, Hùng kiếm dựng ngược lên, mũi kiếm vuông vức chĩa thẳng vào cổ tên sát thủ.

Cang!!

Ánh lửa toé lên, đôi móng vuốt của cái bóng đυ.ng vào lưỡi kiếm đồng đen, nứt một đường dài. Tên sát thủ mượn lực đánh, lộn người một vòng ra sau rồi ngồi chồm hỗm trên bãi cỏ.

Grrrr.

Oẳng.

Từ bãi cỏ, một con chó lớn lông đen xì đột nhiên xồ ra, nhe hàm răng lởm chởm trắng nhởn về phía Phạm Ngũ Thư toan cắn. Cặp mắt trợn tròn hằn lên tia máu, ánh nhìn sắc lạnh như dao, nhưng hãy còn thua vuốt với răng của nó ba phần. Quả thực là một con hung khuyển chui từ địa phủ lên.

“ Ngoan… ngoan nào… Trương Phụ. ”

Quái nhân bá cổ con chó, gãi tai nó mấy cái. Con Trương Phụ cụp mắt lại, lưỡi thè ra quá hàm dưới, ngồi phịch luôn xuống đất.

Phạm Ngũ Thư cũng thu kiếm lại, đưa tay ra hiệu cho hai người Trần Đĩnh, Lê Thận không cần phải ra tay với quái nhân và mãnh khuyển. Nếu không, e là ám khí Trầu Không và kiếm Huyết Ẩm đã nhất tề bổ ra.

Mấy người Trần Ngỗi, Lê Hổ bấy giờ mới choàng tỉnh dậy.

Đám hộ vệ của Giản Định thấy có kẻ địch đánh đến tận cửa mà nãy giờ mình vẫn kéo gỗ như chết chả biết gì, thì thầm lấy làm xấu hổ. Song Ngỗi cũng không chấp nhất làm gì. Bốn người đều xuất thân là nông dân lực điền, kinh nghiệm đánh nhau vỏn vẹn gói lại bằng 1 trận đại bại ở Yên Mô thì sao mà so được với đám hiệp khách như Phạm Ngũ Thư?

Y lại để ý thấy Phạm Ngũ Thư đưa tay ra hiệu cho hai người Trần Đĩnh Lê Thận. Điều ấy chứng tỏ gã quái dị và con chó lớn có thể cùng bọn với mấy người Lê Hổ.

Quả nhiên, đúng như những gì Giản Định đoán, Lê Hổ bước lên vài bước đón quái nhân và con hung khuyển. Tay cậu chàng giang rộng, miệng cười toe toét trông còn hớn hở hơn cả nông dân được mùa

“ Thằng Xí đấy phải không? Tí nữa là không nhận ra. ”