Phán Quan

Chương 75

Chu Húc?

Bốc Ninh?

Văn Thời chưa bao giờ nghĩ lại có một mối liên kết giữa hai người nọ, dù đúng là Chu Húc có rất nhiều phẩm chất riêng tương tự Bốc Ninh.

Giống nhau ở chỗ trời sinh đã thông linh, một lời thuận mồm nói ra cũng thường chuẩn hơn quẻ bói mà người ta tốn nửa buổi để rặn ra.

Điểm tương đồng giữa cả hai chính là linh tướng đều bất ổn, dễ bị cám dỗ và bị kẻ khác bám lên người, bởi thế mà dẫn đến việc rủi ro trong l*иg cũng cao hơn người thường rất nhiều. Đây là nguyên nhân Bốc Ninh chuyên tu trận pháp, mà hình như đó cũng là lý do Trương Bích Linh không cho Chu Húc vào l*иg.

Khi người thường thoát khỏi l*иg, mọi chuyện đều sẽ biến thành một giấc mơ hùng hồn, còn họ thì sẽ không nhớ được điều gì. Có lúc tình cờ, họ sẽ cảm thấy dường như một cảnh tượng nào đó nhìn sao mà quen mắt vậy thôi.

Thế mà Chu Húc lại nhớ rõ mồn một sau khi thoát khỏi l*иg.

Trong số những cái l*иg Văn Thời từng vào sau khi bước ra khỏi cửa vô tướng lần trước, ngoại trừ l*иg của Thẩm Kiều, Chu Húc luôn có mặt vào những cái còn lại. Như thể số phận đã được ý trời định đoạt, rằng họ nhất định phải có một lần tương phùng.

Nhưng Văn Thời vẫn cảm thấy điều này thật khó tin, bởi vì hai người nọ quá khác nhau…

“Đây là… Bốc Ninh?” Anh bị trăm nỗi cảm xúc bủa vây nên quên cả cách nói, nghiêng đầu trong vẻ kinh ngạc và vô thức tìm kiếm đáp án từ người đang đứng bên cạnh mình. Tựa như chỉ cần người này gật đầu, tất cả mọi chuyện sẽ là cát bụi đều rơi xuống đất, ván gì cũng đã đóng thuyền.

Hỏi xong anh mới nhận ra, câu nói buột miệng này nghe quá dĩ nhiên.

Vì thế anh nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của Lão Mao.

Khoảnh khắc ấy, Kim sí Đại bàng ngày xưa trừng to tròng mắt, suýt chút nữa đã vỗ cánh.

Lão Mao nhìn chằm chằm vào anh bằng một ánh mắt khó thể tin nổi suốt một lúc lâu, sau đó lại chuyển hướng sang Tạ Vấn, miệng mấp máy, khoa tay múa chân nói: “Cậu ấy ——”

Lão trố mắt nghẹn lời, ít lâu sau mới nhả ra một câu khẽ khàng: “Hình như cậu ấy —— đã biết từ lâu rồi hay sao ấy?”

Lão Mao cứ tưởng mình sẽ trông thấy vẻ mặt ngỡ ngàng tương tự bản thân đến từ Tạ Vấn, ai ngờ hắn chỉ nhìn sang Văn Thời chứ cũng không nói gì thêm.

Họ chỉ cách nhau một bước, tầm mắt lẳng lặng quyện vào nhau, suýt chừng có một chút rối rắm mơ hồ.

Sau một lúc, Tạ Vấn mới ‘ừ’ một tiếng với Lão Mao.

Bầu không khí nhất thời trở nên hơi kỳ lạ, nguyên đám đang quỳ dưới đất không nhịn được phải ngước mắt ngó mấy lần.

Họ không biết mô tê gì, còn Lão Mao thì sắp điên lên rồi.

Vì thái độ của Tạ Vấn cũng rất bất thường.

“Ngài cũng biết???” Lão Mao ráng giảm âm lượng, nhưng lại không kìm nổi tiếng vỡ giọng khi thốt lên chữ ‘ngài’.

Vì kinh ngạc quá mức nên lão quên mẹ nó cái xưng hô ‘ông chủ’ này luôn.

Cậu ấy biết ngài là ai, nhưng không nói.

Ngài biết rằng cậu ấy biết, nhưng cũng chẳng nói.

Lão Mao chỉ nghĩ lòng vòng trong đầu một lúc thôi mà xém chút nữa đã kẹt luôn ở trỏng. Dẫu vậy, lão vẫn cảm nhận được sự vi diệu trong đó.

Nhưng nói cho cùng, lão vẫn chỉ là một con rối, không có thất tình lục dục ở hồng trần khói lửa. Dù lão nhạy bén, giống người và lợi hại hơn những con rối khác đôi chút, thế nhưng lão vẫn không thể hoàn toàn hiểu thấu khởi nguồn của những điều vi diệu kia.

Lão chỉ có thể ưỡn bụng ngó ông chủ nhà mình chăm chú bằng một ánh mắt ‘cố nhìn thật kỹ vào sâu trong linh hồn’.

Tạ Vấn chẳng hề để ý tới lão, hắn chỉ quay đầu, trỏ vào tượng đá và Chu Húc đang ngồi xếp bằng hai bên cá âm dương rồi nói với Văn Thời: “Con cảm thấy hai cái này giống ai?”

Trên người hắn vẫn còn hư ảnh của ngày xưa, tóc dài áo đỏ, cổ áo trắng tuyết, cái cằm gầy gò, lúc nói sẽ hiện rõ đường nét đẹp mắt.

Văn Thời ngơ ngác trong phút chốc, song lại đột ngột hoàn hồn khi hắn giơ tay chỉ về phía Chu Húc và vội đưa mắt nhìn sang.

Lúc bấy giờ, cuối cùng anh cũng chú ý thấy điểm khác biệt giữa tượng đá kia và Chu Húc ——

Họ ngồi xếp bằng đưa lưng về phía nhau, trấn giữ tâm trận, đầu thì cúi xuống, cực giống một chữ ‘Bắc’ (北) hơi biến hình, giống hệt như dấu ấn của Bốc Ninh năm đó.

Anh nhớ ra Bốc Ninh từng nói rằng: “Dấu ấn này không phải chữ Bắc, mà là thứ ta tự bịa ra. Mai sau nó sẽ có dính líu tới ta thôi.”

Lúc nói câu đó, Chung Tư đang dựa người lên một vách đá cao, cà lơ phất phơ vứt đi trái tùng tiếp theo mà mình mò ra trong núi. Trang Dã thì bọc lại mấy cục đá còn thừa sau đợt lựa chọn, bảo là có vài cục thực sự linh lắm, bởi thế có thể chia cho đệ tử dưới chân núi sử dụng. Văn Thời đã nghỉ ngơi đủ nên đang vịn cành khô xoay người nhảy từ trên cây xuống. Kim sí Đại bàng vỗ cánh bay khỏi đầu vai của anh rồi lượn quanh vài vòng giữa rừng tùng.

Chỉ có mình Bốc Ninh cất mấy viên đá đã được khắc dấu đàng hoàng vào túi vải, nhét vô tay áo, nhìn núi Tùng Vân yên tĩnh giữa buổi chiều và lâu lắm cũng chẳng thấy hoàn hồn.

Khi đó, Văn Thời vươn tay đỡ đại bàng, đi tới bên cạnh hắn, vỗ lên người hắn một cái và hỏi: “Sao vậy?”

Lúc này Bốc Ninh mới bất chợt lấy lại tinh thần, khép tay áo đứng yên đó, sau ít lâu mới lắc đầu cười nói: “Ta chỉ cảm thấy cuộc sống trong núi tốt đẹp quá thôi.”

Khi ấy tuổi hắn cũng chưa lớn là bao, nhưng lại thường tỏ vẻ rầu rĩ, thận trọng và điềm đạm hơn nhiều so với đa số đứa cùng tuổi.

Đôi lúc Chung Tư nói không đắn đo, trước mặt hay sau lưng gì cũng gọi hắn là ‘ông lão’, khích mãi đến khi hắn vén áo lên rồi nhấc chân đá, Chung Tư mới né mạnh ra sau và bảo: “Giờ đệ mới nhìn giống thiếu niên nè.”

Do đó, Bốc Ninh chỉ vừa mở miệng là bọn Văn Thời đã hiểu ngay ý hắn.

Trang Dã nói: “Đệ lại nhìn thấy điều gì trong tương lai hả?”

Văn Thời dừng bước, nhìn lêи đỉиɦ núi một cái và hỏi: “Có dính líu tới núi Tùng Vân ư?”

Chỉ có Chung Tư dang hai tay ra, mỗi bên ôm một sư huynh đệ và nói: “Đừng để tâm nhiều đến thế. Chẳng phải sư phụ đã nói à? Nếu cứ cố moi rõ mai sau sẽ tốt xấu buồn vui ra sao, thế thì ta sẽ phải sống tiếp hôm nay bằng cách nào nữa đây?”

Y nói với Văn Thời: “Đi thôi nào, sư huynh mời đệ uống rượu —— úi, à không, uống trà chớ. Vừa nãy huynh chỉ bị lẹo lưỡi nên nói bậy nói bạ thôi, đừng cáo trạng với sư phụ đấy.”

Dứt lời, y lại nháy mắt với Trang Dã, mồm thì bảo: “Đại sư huynh, huynh phụ trách trả tiền nghen.”

Cuối cùng lại nói với Bốc Ninh: “Đại tiên, không thôi đệ bói thử xem hôm nay tụi mình tới nhà ai dưới chân núi thì sẽ có thể bớt được chút tiền trà nước đi?”

Sau đó, Bốc Ninh cười rộ lên giữa một trận mắng chửi gà bay chó sủa, song lại không đề cập đến việc vừa bị hỏi nữa.

Văn Thời nhìn Chu Húc ngồi xếp bằng với tâm trận, bỗng nhiên muốn gặp lại vị sư huynh từng thường hay lo âu nọ, muốn hỏi hắn có phải đã sớm nhìn thấy điều gì nên mới lường trước được cảnh tượng của giờ phút này hay chăng.

Suy nghĩ này vừa nhen nhóm, đống tro tràn bên chân Chu Húc bị một làn gió thổi qua và lọt vào giữa kẽ hở của cá âm dương. Tia sáng vàng tựa dòng nước quét qua khe rãnh, như thể có người đang cầm bút phác họa hình dáng của cá âm dương.

Khi vẽ tới điểm cuối cùng, Chu Húc nãy giờ luôn gục đầu chợt giật mình.

Hắn cong người, lấy bàn tay xoa nhẹ đôi mắt, như thể mình vừa đột ngột tỉnh dậy sau nhiều năm ngủ say.

Có lẽ sau khi bức chân dung cuốn bị đốt thành tro, trên người hắn bị bao bọc bởi một lớp hư ảnh thời cũ. Đó là áo dài màu xanh da trời, tóc dài được búi lên và giữ dáng bằng một nhánh gỗ trong núi, khúc đuôi xõa xuống, vì đang khom lưng nên tóc trải đen như mực trên bờ vai cũng như tấm lưng gầy guộc, ngay cả hình dáng khuôn mặt cũng có thay đổi.

Trương Lam và Trương Nhã Lâm đang quỳ rạp dưới đất đã ngớ ra.

Họ vô thức gọi một tiếng ‘Tiểu Húc’, nhưng người ngồi xếp bằng với tâm trận đưa mắt nhìn sang nguồn âm.

Hắn vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn, cũng chưa thể thích ứng với tia sáng rọi vào cửa hang, nên là nửa híp mắt, biểu cảm có phần mê man và bừng tỉnh.

Tuy vậy cũng giấu không được vẻ hững hờ và bình tĩnh của bản thân hắn.

Chỉ một ánh mắt thôi mà khí chất trông đã khác biệt rõ rệt.

Nếu trước đây họ còn chưa chịu tin, cảm thấy đứa nhỏ mà mình trông nó lớn lên khác nhau một trời một vực so với một vị lão tổ trận pháp như Bốc Ninh, nó không thể nào dính dáng tới người nọ, thì giờ đây cũng đã tin được 70 đến 80%.

Dù sao thì Chu Húc ngay lúc này thực sự… rất không giống Chu Húc.

Hắn ngủ một giấc suốt nghìn năm và mới tỉnh lại từ cơn mơ dài đằng đẳng tựa như một vị khách sống ẩn trong núi trốn tránh trần gian.

Người thực sự kéo hắn ra khỏi trạng thái hoảng hốt vẫn là Văn Thời và Tạ Vấn.

Chu Húc… hoặc nên gọi là Bốc Ninh ngước mắt nhìn về phía Văn Thời và Tạ Vấn, vẻ ngạc nhiên lóe lên trong ánh mắt, sau đó hắn càng bùi ngùi hơn nữa.

Trong mắt hắn đong đầy quá nhiều thứ ngay lúc đó, thế nên trong một giây phút nào đó, nơi đó còn ướŧ áŧ và chứa đựng tia sáng từ ngoài chiếu vào.

Hắn nhíu mày ngẩng đầu, cố chớp mắt vài lần rồi lại cười thật khẽ một cái.

Nhưng tiếng cười nọ nghe như tiếng thở dài, thở ra một tiếng thì thoắt cái một nghìn năm đã trôi qua.

Hắn đứng dậy khỏi mặt đất. Dưới hiệu ứng của hư ảnh, vóc người của hắn trông cao lên một ít. Hắn đối mặt với Tạ Vấn, cung kính gập người bái lạy một cái và gọi: “Sư phụ…”

Giọng nói của hắn khàn khàn, đã có mấy phần bóng dáng của Chu Húc, song lại giống như lâu lắm chưa mở miệng, có quá nhiều lời muốn nói nhưng lại kẹt trong cổ họng, chẳng biết nên bắt đầu từ đâu.

Hắn tạm khựng lại để suy nghĩ rất lâu, cuối cùng chỉ cảm thán một câu: “Một nghìn năm… tựa như chỉ là một giấc mơ trọn vẹn.”

Văn Thời nhìn hình dáng của hắn rồi bất thình lình cũng nghẹn ngào.

Ít lâu sau, anh mới mở miệng khẽ hỏi: “Huynh vẫn luôn để người trấn giữ nơi này ư?”

Bốc Ninh vẫn không hề đứng dậy. Giọng nói của hắn hơi bị tắc. Văn Thời biết, chắc có lẽ đôi mắt của vị sư huynh đa cảm này đã đỏ ngầu nên hắn mới không dám đứng dậy.

Rất lâu sau, Bốc Ninh mới nói: “Không phải trấn giữ, bọn huynh vẫn luôn ở đây.”

“Bọn huynh?” Văn Thời khá sửng sốt, đột ngột nhìn sang Tạ Vấn rồi hỏi người nọ: “Bọn huynh là sao? Ý huynh là…”

“Còn có Chung Tư và Trang Dã nữa, cả bọn ai cũng ở đây cả.” Bốc Ninh nói, “Năm đó huynh để lại trận này vì tự dưng cảm giác như sẽ có cảnh cố nhân tương phùng diễn ra sau một nghìn năm nữa, không ngờ…”

Không ngờ lại gặp lại nhau trong tình huống này, không biết nên gọi là bất hạnh hay là may mắn đây.

Hồi trước khi còn nhỏ tuổi và chưa hiểu chuyện, hắn thường cảm thấy đắc chí bởi thể chất thông linh bẩm sinh của mình. Hắn nghĩ đây là món quà mà ông trời đã ban tặng, nó mang ý nghĩa rằng hắn là một người cực kỳ đặc biệt trong số muôn ngàn chúng sinh, rằng hắn có thể làm nên việc lớn, có thể đảm nhiệm trọng trách và có thể được lưu tên trong sử sách.

Nhưng sau này, hắn phát hiện hình như ông trời không tặng hắn điều đó, ít nhất không chỉ là tặng không thôi.

Đã nói là chư hành vô thường, chư lậu giai khổ(*), có lẽ hiếm có người nào sẽ lĩnh hội được điều này sớm và sâu sắc hơn hắn.

(*) chư hành vô thường: tất cả hiện tượng do duyên sinh luôn biến đổi; chư lậu giai khổ: tất cả những hiện tượng nhiễm ô là khổ đau.

Lúc bé, hắn còn chưa học được cách phong bế linh khiếu, thường cứ nói chuyện với ai sẽ nhìn thấy tai ách sắp sửa ập tới của đối phương.

Có khi khắp nơi toàn là máu, đôi lúc trước mắt lại là tử tướng.

Hắn không thể phân rõ đâu là thật, đâu là giả, vì vậy hay để lộ những phản ứng hoảng sợ và kinh ngạc khi những cảnh tượng đó xuất hiện. Hầu hết thời gian, hắn sẽ biến thành kẻ điên —— chả biết lúc nào sẽ phát bệnh trong miệng người ta.

Có một khoảng thời gian rất dài, hắn luôn rơi vào trạng thái hỗn độn và chưa được khai thông. Tựa như lời nhiều người kể, hắn thực sự là một kẻ điên.

Sau lại vì không khiến người ta cảm thấy chán ghét nữa, hắn chẳng cần thầy dạy mà cũng học được cách ‘làm theo số đông’. Bọn con nít khác bảo đó là quỷ thì hắn sẽ hùa theo rằng có quỷ. Chúng nó bảo đó là tiên thì hắn cũng hùa theo rằng có tiên. Dù thứ mà hắn trông thấy là điều gì đó khác biệt hoàn toàn, hắn cũng sẽ không nói ra.

Dần dần, hắn cũng phai nhạt thành một người bình thường.

Mãi đến lúc bị đưa lên núi Tùng Vân.

Trong mắt hắn, sư phụ là một vị tiên. Có thể biến thành đệ tử của tiên có nghĩa là hắn cũng không khó trị như vậy. Lúc đầu, hắn vẫn mang tính cách mà mình học được dưới chân núi, người khác nói gì thì là cái đấy. Mãi đến một hôm nọ, Trần Bất Đáo nói với hắn rằng: Nếu con thực sự đã như thế thì còn cần gì phải lên núi nữa?

Từ đó trở đi, hắn học được cách sống hòa hợp với linh thể của mình.

Hắn bắt đầu học quẻ thuật và trận pháp một cách đàng hoàng, cố gắng làm bản thân trở nên hữu dụng, chứ không phải một kẻ điên lúc hò lúc hét.

Hắn hòa nhã lễ độ, khiêm tốn bao dung, lại có thể dự báo những điều hung cát. Có một thời gian, hắn còn cảm thấy mình có thể biết được lẽ trời.

Nhưng sau đó, hắn lại phát hiện lẽ trời dẫu sao cũng là vô thường, hắn có thể đoán trước một điểm, không có nghĩa là sẽ biết được điểm kế tiếp, có thể ngăn chặn chuyện này, không có nghĩa là sẽ không dấy lên việc khác thậm chí còn phiền toái, khó giải quyết và khó thể chống đỡ hơn.

Riết rồi hắn bị các sư huynh đệ trêu là ‘thường hay lo âu’.

Đúng là hắn thường hay lo âu.

Người có thể chất thông linh thường khổ lắm, vì hắn thường trông thấy những điều xảy ra trong tương lai trước người khác, rằng dù yến hội có tưng bừng tới đâu cũng không thể tránh khỏi tiệc tàn, dù nhà cửa đỏ thắm có sầm uất đến cỡ nào cũng không thể tránh khỏi kết cục cỏ dại mù sương, vạn vật luôn luân phiên, cuối cùng vẫn phải từ biệt nhau.

Bởi vậy hắn lúc nào cũng khổ sở cả.

Đôi lúc khi nói chuyện với các sư huynh đệ, hắn sẽ chợt đắm mình trong một nỗi bi thương chẳng rõ nguyên do. Rõ ràng là họ sớm chiều luôn gặp nhau, nhưng hắn lại bỗng dưng cảm thấy nhớ nhung.

Khi đó, hắn đã biết rằng có lẽ họ sẽ không chết một cách yên ổn.

Hắn còn từng nhìn thấy cô hồn và xương khô, nhưng hắn không biết ai đã để chúng lại.

Hồi còn bé, hắn thấy trước tai họa gì cũng sẽ thử kể với bọn Văn Thời, thử khiến họ tránh xa một người, một chuyện hoặc một con đường nào đó.

Nhưng trên trần gian có quá nhiều người cùng đường, tránh được đường này có lẽ sẽ gặp phải con đường càng trí mạng hơn. Chẳng ai biết có khi nào vì mình đã tránh đi con đường đó nên mới gợi ra kết cục tệ nhất kia không.

Vì vậy sau này khi có được vài bài học kinh nghiệm do suýt chút nữa đã đưa sư huynh đệ vào một vài trường hợp phiền toái, hắn dứt khoát không kể đến nữa.

Hắn sẽ giữ chúng ở trong lòng, tự mình tiêu hóa hết những nỗi đau đó rồi lén để lại vài đường lui.

Vào một mùa đông nọ, lúc đó đang là ban đêm, trên núi lạnh ngắt, hắn và Chung Tư ngồi quanh bếp lò nhỏ và nấu trà bằng nước tuyết. Lò củi thì cháy bừng bựt, nước tuyết sôi ùng ục.

Hắn tới gần thân lò và chà tay sưởi ấm, lỗ nhỏ của lò trào ra hơi nước trắng dày. Chung Tư không biết đang nói gì mà ngửa đầu cười to, cũng nhờ Văn Thời đi ngang qua giơ chân đỡ lại một tí, nhưng vẫn ngã xuống đất.

Hắn chợt chìm vào giấc mộng giữa cảnh sôi nổi đó, mơ thấy có người bảo rằng: Trước đây rất lâu có một ngọn núi tên là núi Tùng Vân, có vài người thời trước từng sống trên đó. Nhưng giờ, người đã trở thành mấy cái tên viết nên bằng ít nét bút trong vài quyển sách lác đác, núi thì lại chẳng còn đâu.

Thế sự khôn lường, chuyện cũ tựa mây khói.

Hắn trông thấy một núi Tùng Vân khác với ngày xưa giữa nỗi âu sầu cảnh còn người mất.

Hồ nước trong veo nằm giữa khe núi không biết vì sao lại đầy ắp sương đen, nhìn như một đầm lầy sền sệt. Ngoài ra cũng có vài bóng người nhợt nhạt đứng trong sương mù. Hắn không thấy rõ họ là ai, nhưng trái tim đã lạnh xuống.

Hắn còn nhìn thấy phía sau hang núi, nơi mà hắn thường đến để ngồi im ngẫm nghĩ.

Hắn ngồi xếp bằng với tâm hang như ngày xưa, trên tường có treo bức chân dung của năm sư đồ bọn họ. Thứ đang vờn quanh người hắn là trận linh mà bản thân chưa thấy bao giờ, nhưng hắn lại không thể nhúc nhích…

Tựa như bị kẹt ở đây và không thể trốn thoát.

Mãi đến một khoảnh khắc nào đó, cửa hang đột ngột sáng lên như thể có người vừa đẩy mớ dây leo chằng chịt kia ra. Và rồi có người khom lưng bước vào trong hang.

Khi đống dây leo bị xốc lên, cơn gió bên ngoài thổi vào.

Ngửi thấy sức sống lâu rồi không gặp, hắn bỗng mở mắt ra. Khi vừa mở mắt, không hiểu sao hắn lại biết rằng đó là một lần hạ cửu trùng phùng(*) giữa thế sự xoay vần sau suốt một nghìn năm đã qua.

(*) hạ cửu trùng phùng: xa nhau lâu mới được gặp lại.

Từ sau hôm đó, hắn đã bày ra một trận trong cái hang này.

Hắn mong rằng trận này sẽ không bao giờ được dùng tới, nhưng ông trời thích trêu hắn, tình cảnh xấu nhất vẫn trở thành sự thật. Cái trận kia từ từ vận hành vào ngày hắn sắp chết.

Hắn đã không còn nhớ rõ hôm đó là ngày tháng năm nào nữa.

Hắn chỉ nhớ rõ đỉnh núi Tùng Vân bị mây đen che phủ, cỏ cây khô héo, trông như một quỷ thành.

Trận của hắn chuyển động ầm ầm, dựng lên một tấm chắn và giấu đi nơi từng được họ gọi là nhà này. Mười hai trận linh ngồi quanh thành vòng tựa như mấy ngọn núi sừng sững nhằm trấn giữ vùng đất bí mật này.

Mà hắn lại cúi đầu ngồi trong hang núi không còn thấy được bầu trời đầy sao này rồi chia linh tướng của mình thành hai.

Một nửa đưa vào luân hồi, một nửa còn lại thì tồn lưu mãi ở đây hòng nuôi dưỡng cự trận này.

Mọi chuyện như một giấc mơ.

Điểm khác biệt duy nhất đó là hắn chẳng biết cuối cùng một nghìn năm sau sẽ có cố nhân vén mớ dây leo lên và giúp nơi này nhìn thấy mặt trời một lần nữa hay không thôi.

Hắn chơi trò oẳn tù xì với vòng sinh tử và cược lớn một lần.

Đánh cược bằng cách ngồi đến nỗi khô cằn trong hang đá chẳng thể trông thấy mặt trời này và…

Đợi gió thổi vào.

HẾT CHƯƠNG 75 („• ֊ •„)