Thưởng thức nước uống các loại xong, bà chủ dẫn chúng tôi đi lên các tầng, mỗi tầng bán chuyên một thể loại. Nếu tầng một và hai bán quần áo, phụ kiện kính mát, túi xách… thì tầng ba gồm nhà sách, đồ chơi, khu vui chơi cho trẻ em. Tầng bốn và năm chuyên ẩm thực nước uống….. Đi cả buổi cũng trưa, đôi chân mỏi nhừ bà Tuyết hiểu ý liền bảo cô cháu tôi:
— Mình về nhé! Ta còn ăn trưa nữa, chắc là hai cô cháu đói lắm rồi.
Cô Thảo trả lời:
— Dạ, chị cho đi chơi thế này là quá sướиɠ rồi. Còn mua cho bao nhiêu đồ nữa. Thật cám ơn chị nhiều lắm!
Bà Tuyết vừa đi vừa ân cần:
— Chị em mà khách sáo gì. Ta đi thôi.
Tôi hí hửng bước chân sáo, lòng như mở hội. Ngày nay được đi chơi, xong được uống trà sữa rồi được bà chủ sắm cho quần áo, váy vóc. Tôi tự nhủ lòng: Sau này cố kiếm tiền thật nhiều để đưa mẹ đi chơi những trung tâm thương mại thế này, mua sắm cho mẹ thoả thích. Lúc ấy mẹ sẽ chỉ cười tít mắt, chỉ trỏ tùm lum. Ngồi xem tivi, thấy chiếu nhiều cảnh tráng lệ ở Sài Gòn, bà dằn lòng không được, miệng không ngớt khen rần rần, rồi xuýt xoa các kiểu.
Cũng phải thôi, mẹ tôi chưa từng đi đâu vượt quá lũy tre làng. Rồi đến cả chiếc xe đạp bà cũng chẳng biết đi, ra ngoài đồng xa thế có khi tận mấy cây số, ấy mà bà cứ đi bộ bằng đôi chân thoăn thoắt, thi thoảng đi xa thì đi nhờ xe máy người ta. Thế đó. Bởi vậy tôi thương mẹ vô cùng, cuộc đời bà vốn đầy tủi nhục, đắng cay chất chứa cũng nhiều rồi, hạnh phúc của bản thân cũng không có nổi lấy, về già ắt hẳn lòng có chút buồn vợi, lẻ bóng. Nên tôi luôn tự nhắc nhở bản thân cố hết sức làm lụng để phụng dưỡng mẹ khi tuổi xế bóng.
Về đến căn biệt thự, tôi và cô Thảo cất vội đồ đạc rồi nhanh chân xuống bếp phụ dì Tư bày biện đồ ăn lên bàn. Lát sau ông Sang, bà Tuyết thong thả đi vào, kế đó là ông cậu chủ con đáng ghét kia đi vô, mặt lầm lầm lì lì trông khó coi, nhưng tôi chả bận tâm chỉ hướng mặt về ông chủ chào hỏi rồi mời họ dùng bữa. Vì là ăn trưa nên chúng tôi nói dăm câu rồi ông bà chủ tranh thủ ăn uống xong lên lầu nằm nghỉ ngơi một chút để đầu giờ lên công ty.
Tối đó cả nhà sum vầy bên phòng khách, cô Thảo lên tiếng:
— Anh chị ạ! Chắc sáng mai em xin phép về quê. Bé Minh ở lại, nếu có gì cháu nó không biết anh chị chỉ bảo giúp em nha! Thực sự con bé còn nhỏ dại, đang tuổi ăn tuổi học, chưa có sự va chạm ở đời nhiều nên không tránh khỏi việc sai sót. Nhưng con bé rất thông minh, chỉ cần hướng dẫn đôi lần là nắm bắt ngay ạ!
Ông Sang nâng ly trà lên nhấp một ngụm rồi gật gù nói:
— Thứ nhất là chuyện bé Minh, dì cứ yên tâm và nhắn mẹ con bé để cô ấy yên tâm. Hôm giờ ở đây anh chị cũng đoán được phần nào tính cách bé Minh đây. Con bé nó lanh lợi, xinh xắn, đáng yêu thế này anh chị rất hài lòng và cám ơn dì nhiều lắm. Chuyện thứ hai, là sao dì không ở đây chơi thêm ít hôm, để chị còn đưa dì và bé Minh đi tham quan một số nơi? Hay là ngại anh chị à?
Cô Thảo vội xua tay nói:
— Đâu có ạ! Em phải về quê chăm chút cơm nước cho bọn trẻ. Anh biết đó, chồng em cũng không tháo vát gì nên đi lâu em cũng không yên tâm.
Bà Tuyết mỉm cười đôn hậu cất giọng ấm áp:
— Thôi, mình để dì ấy về. Rồi công việc đồng áng tùm lum chuyện. Khi nào có dịp dì dẫn các cháu lên đây chơi nhé! Giờ em cũng tranh thủ nghỉ ngơi đi, sáng mai ăn sáng xong chị kêu cậu Kiên chở em ra bến xe miền đông nha!
— Dạ. Vậy anh chị cũng lên nghỉ ngơi sớm ạ! Em xin phép lên phòng để dặn dò cháu Minh thêm đây.
Tôi nghe thế cũng mở lời chào ông bà chủ và được họ gật đầu đồng ý liền tíu tít theo sau cô Thảo. Vào phòng, cô ấy kéo tôi ngồi xuống giường, dặn dò kỹ lưỡng:
— Nhớ cô nói nghe không con, không được tùy tiện, làm gì cũng phải xin phép hai bác. Cô dặn hờ thế thôi chứ cô rất tin vào con. Con ráng làm tốt, được vài tháng cô xin anh chị ấy cho con về thăm nhà nhé!
Tôi cũng chớp chớp mặt với vẻ xúc động. Trong ký ức của tôi thì người lạ nhưng tôi xem là thân thuộc nhất là cô ấy. Giờ nghe cô dặn dò kỹ lưỡng với sự chân thành toát lên dưới đáy mắt và sự hi vọng tràn đầy. Tôi bặm môi đưa tay nắm lấy tay cô mà hứa:
— Con sẽ không làm cô và ông bà chủ thất vọng đâu. Cô về có gì rảnh chạy qua mẹ con nói chuyện cho bà ấy vui nhé! Con cám ơn cô nhiều lắm!
Cô Thảo cũng đưa tay đập đập nhẹ vào bàn tay tôi:
— Ừ, được rồi. Giờ cô cháu ta ngủ thôi.
Tối đó tôi loay hoay mãi vẫn không ngủ được. Ngày mai cô ấy về quê rồi, tôi gần như mất chỗ dựa, lòng cảm thấy chơi vơi nhiều lắm. Không biết rồi đây hai ông cậu chủ con kia có làm khó dễ gì không. Nhưng gặp khó khăn mà mình tìm cách thích nghi rồi vượt qua được thì cảm giác thu về sẽ rất hân hoan và tự tin lên rất nhiều.
Sáng sau khi cả nhà ăn sáng xong, cô Thảo cũng vội chào tạm biệt mọi người rồi tất tả lên xe hơi đã chờ sẵn ở cửa. Tôi nhìn theo có chút ngậm ngùi đưa tay vẫy vẫy theo. Bà Tuyết vỗ nhẹ vai tôi rồi nói:
— Đừng buồn, còn có bác ở đây. Cần gì con cứ nói bác nhé!
— Dạ.
Hôm nay tôi vẫn chưa phải chăm sóc cậu Hoàng Khang. Bà Tuyết chỉ căn dặn rằng:
— Con cứ từ từ tìm hiểu nếp sống, sinh hoạt ở đây, sẵn chị Tư sẽ hướng dẫn con dùng một số thiết bị trong nhà cho quen dần rồi ta vào việc sau. Bác muốn con tinh thần phải thoải mái thì việc hỗ trợ Hoàng Khôi mới có kết quả được. Không vội con nhé!
— Dạ con sẽ làm theo lời bà dặn ạ!
Những ngày tiếp theo, tôi cứ ăn rồi ngủ xong đi lòng vòng ngoài sân vườn hít thở không khí trong lành. Đôi khi ngứa ngáy tay chân thì quét sân, dọn cỏ, tưới hoa phụ chú quản gia cũng là chồng cô Tư. Nhiều khi tôi cũng len lén lên phòng cậu hai để thăm dò tình hình, đồng thời quan sát cách bà chủ chăm sóc cậu ấy thế nào để nắm bắt dần. Ở mấy ngày thôi mà trông tôi béo trắng ra đến bà chủ còn buột miệng khen:
— Con bé này lên đây hạp khí hậu hay sao mà trắng ra chồng nhỉ?
Ông chủ gật gù, tay đẩy cặp kính lên để nhìn cho rõ:
— Con bé vốn có nét sẵn rồi, chừng một vài năm nữa lắm chàng trồng cây si đây.
Bà Tuyết hùa vào khen:
— Em cũng thấy thế.
Tôi mắc cỡ quá bỏ chạy vào trong bếp phụ cô Tư. Mà không hiểu từ hôm tôi cô Thảo về quê là không thấy bóng dáng ông cậu út đáng ghét kia. Kỳ vậy ta? Tôi cứ thắc mắc mãi. Đang lui cui vừa đi vừa nghĩ, chân lại đang mang đôi dép xỏ ngón bỗng trượt chân hoảng quá tôi chới với giơ hai tay lên, mắt nhắm nghiền và nghĩ: Ôi khổ cho cái mông của mình!
Nhưng tôi lại không thấy cảm giác đau của cái mông khi tiếp đất, mà trái lại được ai đó đỡ lấy, vòng tay rất vững chãi, mà hương thơm từ cơ thể họ toát ra rất thơm. Tôi cứ chun mũi ra hít hít mãi cho đến khi giọng nói kia cất lên làm tôi giật bắn người:
— Rồi… được chưa? Ôm tôi mãi vậy?
Tôi mở mắt ra nhìn thì tá hoả. Ôi lại cái cậu chủ út mà tôi đang nghĩ tới nãy giờ. Sao quả tạ chiếu đây mà. Tôi hai tay xô cậu ta ra cong môi phòng thủ:
— Sao nào? Ôm ấp gì đây?
Hoàng Đăng quắc mắc nói:
— Trần đời mới thấy một người như cô. Vừa xấu vừa mập vừa không có miếng duyên nào. Được tôi đỡ cho không cám ơn lấy một lời tử tế mà còn nói chuyện như bà bán cá. Biết vậy cho té luôn, khỏi phải mỏi nhừ tay thế này.
Điên tiết lên, hai tay tôi chống nạnh, hai mắt trừng trừng nhìn về đối phương như ăn tươi nuốt sống mà phản đòn:
— Nè, tôi nói cho mà nghe nhé! Thứ nhất cậu không cần phải đỡ cho tôi, tôi cũng không yêu cầu nên đừng đứng đây để xúc xỉa tôi. Thứ hai, cứ cho cậu giúp tôi đi nhưng đừng lấy đó làm cái cớ để kể lể thì tôi khinh cho.
Nói xong tôi ngoe nguẩy bỏ đi. Lòng tức điên lên. Thứ đàn ông gì mà ăn nói thật chướng tai. Tôi rủa cho chả yêu trúng ai thì suốt đời phải chịu sự đày đoạ của họ.
Hoàng Đăng sau khi bị bật lại thì bật cười, tay còn vuốt cằm tặc lưỡi: Đanh đá ghê ta!
Vào trong nhà, tôi lấy chổi quét dọn nhà cửa, lau chùi các vật dụng trong nhà xong thì thấy dì Tư bưng ly nước cam ra. Tôi vội hỏi:
— Cô mang cho cậu hai ạ?
— Ừ con.
Tôi chần chừ một lúc rồi đề nghị:
— Hay cô để con mang lên cho cậu ấy nha!
— Không cần đâu con, để cô mang lên.
— Nhưng trước sau gì con cũng phải làm mà, thôi cô cứ để con tập dần cho quen ạ!
Nghĩ ngợi đi mấy giây xong dì ấy cũng gật đầu:
— Ừ, cũng được. Con mang lên nếu lỡ cậu ấy nóng tính quạt nạt hay làm gì thì con đừng nói gì cả, cứ lặng lẽ làm xong cokng việc cần làm rồi đi ra là xong.
— Dạ con nhớ rồi ạ!
Lon ton bê ly nước lên lầu, tới phòng cậu hai tôi khẽ gõ cửa hai cái xong chờ một chút vẫn không thấy nói gì. Tôi lại gõ hai cái tiếp nhưng bên trong vẫn im ắng lạ kỳ. Lo lắng quá tôi liều mình đẩy cửa vào. Cửa mở ra cũng đồng nghĩa với một âm thanh chát chúa vang lên:
— Ra ngoài.
Giật bắn người lên xém chút nữa tôi làm rơi ly nước cam rồi. Cố hít sâu vài cái, tôi tiến tới đặt ly cam lên trên kệ nhỏ kê sát giường, cất giọng nhẹ tênh:
— Mời cậu hai dùng nước cam.
Nói xong tôi lủi đi ngay. Hú hồn. Người gì mà hung dữ thấy ghê. Lẹ làng chạy ù xuống từng bậc cầu thang phi thẳng xuống bếp rồi, hai tay tôi ôm chặn ngực vì tim đang đập ầm ầm. Thấy bộ dạng tôi, dì Tư đoán được phần nào câu chuyện nên giọng ân cần:
— Bị quát đúng không? Đừng sợ, rồi con sẽ quen thôi. Cậu ấy trước rất tốt tính và hiền lành lắm! Giờ như một con người khác hoàn toàn. Haizzzz.
Tiếng thở dài thườn thượt của dì Tư khiến tôi cũng thoáng nao lòng. Đời người ngắn ngủi, không ai biết trước sắp tới xảy ra chuyện gì, miễn là sống vui, an nhiên và có sức khoẻ để làm những việc hữu ích. Chỉ thế thôi là đủ, tôi không trông mong gì hơn.