Thập Niên 60: Trọng Sinh Thay Đổi Vận Mệnh

Chương 45: Chơi chữ 1

Liên Thu Hoa đã về nhà được bốn ngày, mấy ngày không có cô ta ở đây, Mạt Mạt làm gì cũng thuận tay hơn hết, tốc độ đan áo len cũng tăng lên không ít.

Đến ngày 15 tháng hai, cuối cùng thì Mạt Mạt cũng đã đan xong hết toàn bộ áo len. Bởi vì đan áo len mỏng nên vẫn còn thừa lại một ít len sợi, Mạt Mạt lại lén lấy từ trong không gian ra một ít nữa, đủ để đan cho cậu em trai út một cái quần len.

Thằng nhóc kia lần đầu tiên được mang quần len, trong lòng vô cùng vui sướиɠ, mặc vào liền không muốn cởi ra nữa, còn cố ý lắc qua lắc lại trước mặt cặp song sinh. Thẳng cho đến khi cặp song sinh tức giận đem thằng nhóc kia lột sạch, đè ở trong chăn thì mới yên tĩnh lại.

Ngày hôm sau, Mạt Mạt dọn dẹp phòng xong, ngồi ở trong phòng chuẩn bị bưu kiện gửi cho anh cả.

Áo len đặt ở một bên, suy nghĩ một chút rồi lấy ra một cái chân giò hun khói, ước chừng nặng bốn cân, dùng giấy kraft mà cô đã mua trước đó bọc kín lại, lại thêm hai cân hạt thông xào sẵn, một bình tương thịt khô làm sẵn.

Cuối cùng Mạt Mạt viết thêm một phong thư, bảo anh cả chăm sóc tốt cho bản thân, lại nói cho anh cả biết không cần gửi đồ về nhà qua bưu điện nữa, có đồ ăn ngon gì cứ giữ lại cho mình, không cần lo lắng cho trong nhà nữa.

Mạt Mạt dẫn theo em trai, khóa cửa lại rồi đi đến bưu điện, bưu điện cũng không có quá nhiều người ở đó, đồng chí làm việc nếu không phải đang nói chuyện phiếm thì là đang đọc báo.

Mạt Mạt đi tới chỗ gửi bưu kiện, nữ đồng chí nhận lấy bưu kiện mở ra kiểm tra trước mặt Mạt Mạt, nhìn thấy chân giò hun khói bọc trong giấy kraft, ánh mắt như lóe lên ánh sáng, nhỏ giọng hỏi khẽ: “Đồng chí nhỏ, chân giò hun khói này là cháu lấy từ chỗ nào vậy?”

Mạt Mạt hiện tại nói dối cũng không cần mang theo bản thảo: “Lợn béo nhà ông nội cháu nuôi, để lại cho nhà cháu hai cái đùi.”

Người phụ nữ có vẻ rất thất vọng, nhanh chóng đóng gói bưu kiện lại: “Một đồng mốt.”

Mạt Mạt thầm nghĩ đắt thật, khó trách cũng không thấy có bao nhiêu người gửi bưu kiện qua đường bưu điện.

Mạt Mạt gửi xong bưu kiện vẫn chưa rời đi, cô đi tới nơi bán tem: “Đồng chí, mỗi mẫu tem lấy cho cháu năm cái.”

Nam đồng chí bán tem lặp đi lặp lại một lần nữa: “Năm cái mỗi mẫu sao?”

Mạt Mạt gật đầu: “Dạ phải, năm cái.”

Nam đồng chí kia nhìn Mạt Mạt thêm mấy lần nữa rồi thống khoái lấy tem ra.

Trong ngăn kéo có tất cả ba mẫu tem, mẫu tem in hình rồng cho năm 1964, tem in hình rắn cho năm 1965, năm nay mới phát hành tem in hình ngựa, nam đồng chí kia đếm mỗi mẫu năm cái, tất cả đều có giá 8 xu mỗi cái, tổng cộng là một đồng hai hào.

Mạt Mạt hỏi: “Đồng chí, còn có mẫu tem nào khác không?”

Nam đồng chí kia lật lại xem: “Có mấy bộ tem kỷ niệm 20 năm chiến thắng phát hành vào tháng 9 năm ngoái cháu có muốn không? Mỗi bộ bốn cái, giá tám xu mỗi cái.”

Mạt Mạt định thần lại, trong ấn tượng của cô, trong tương lai có giá trị nhất chính là tem in hình khỉ và tem núi sông, còn mấy mẫu khác thực sự cô không biết, nhưng mà nếu như đã là bộ tem kỷ niệm thì hẳn là đều có thể tăng giá trị: “Cho cháu năm bộ.”

Nam đồng chí lấy ra, nhận lấy hai đồng tám hào rồi đem tất cả tem bưu chính bỏ vào trong một phong bì đưa cho Mạt Mạt.

Mạt Mạt dẫn em trai út của mình rời đi, Liên Thanh Xuyên cau mày: “Chị, sao chị lại mua nhiều tem như vậy, hai năm cũng dùng không hết đâu?”

Mạt Mạt cười: “Sau này em sẽ biết, đi nào, chị dẫn em đi mua giấy bút.”

Liên Thanh Xuyên cao hứng gật đầu, tháng ba tới đây cậu chính là học sinh tiểu học rồi.

Liên Quốc Trung từ sau lần vận chuyển thép cuối cùng tới tận lúc này vẫn chưa chuyển thêm chuyến nào nữa vì đầu năm, nhà máy thép phải tiến hành kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị máy móc.

Điền Tình vừa ăn cơm vừa hỏi: “Lần kiểm tra này sao lại chậm vậy nhỉ?”

Liên Quốc Trung uống một ngụm rượu nhỏ: “Anh đoán chừng còn vài ngày nữa là xong thôi.”

Điền Tình lại hỏi: “Chuyện của Liên Thu Hoa thế nào rồi?”

Mạt Mạt dựng thẳng lỗ tai, Liên Quốc Trung nói: “Lão Hà đã hỏi giúp rồi, trường học của Mạt Mạt cần công nhân thời vụ, còn có trạm lương thực cần người quét dọn vệ sinh.”

Điền Tình rất tò mò: “Trường học cần công nhân thời vụ làm gì nhỉ?”

Liên Quốc Trung nói: “Đun nước nóng cho các công nhân viên chức và học sinh ở lại trong trường ấy mà.”