Sau Khi Thủ Tiết Ta Trọng Sinh

Chương 8

Hai cha con Trần Đình Giám giống như nước với lửa, gặp mặt là cãi nhau, chỉ khổ cho Trần Đình Thực đứng chờ bên ngoài.

Từ bé tới lớn, Trần Đình Thực đều sống dưới cái bóng của ca ca mình.

Ca ca ông là kỳ tài ngút trời, chín tuổi đã thi đỗ Đồng sinh, mười hai tuổi đỗ Tú tài, mười sáu tuổi trúng cử, mười chín tuổi đỗ Trạng nguyên.

Trần Đình Thực không có thiên phú học hành, vốn đã không thông minh lắm, lại còn hay bị người xung quanh so sánh với ca ca. Vì vậy ông càng học không vào, cuối cùng thì mặc kệ tất cả, không thi cử công danh nữa, chạy về nhà làm ruộng. Cuộc đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời tuy vất vả, nhưng chẳng còn ai mong ông đi học. Trần Đình Thực cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, như thể đã dỡ đi được hòn đá đè nặng trong lòng mình.

Trần Đình Thực thật thà đi trồng trọt, không vì những việc kia mà oán trách người ca ca của mình. Trái lại, ông còn khâm phục và cảm kích ca ca.

Nếu ca ca không làm quan, cuộc sống của ông và mẹ ở quê sẽ không tốt dần lên như thế. Nếu ca ca không làm quan, ông cũng không cưới được một nữ nhân đẹp nhất trấn làm vợ!

“Đại ca, là do đệ đứng lên trước mà, huynh đừng trách Kính Tông.”

Bước vào lần nữa, Trần Đình Thực hổ thẹn khuyên huynh trưởng, tự trách bản thân đứng lên chào cháu khiến rối loạn tôn ti, làm cháu mình bị mắng.

Trần Đình Giám xua tay, không muốn nói chuyện với cái tên ngoan cố nhà mình.

Trần Đình Thực lại nhìn về phía lá thư trên bàn, thấp thỏm hỏi: “Thư Công chúa gửi cho Hoàng thượng đúng không? Người có ghét bỏ nhà chúng ta đơn sơ quá không?”

Trần Đình Thực trồng lúa hơn nửa đời, chưa bao giờ mơ nhà mình có Công chúa vào ở.

Từ lúc đến đây, số lần Công chúa lộ diện không nhiều lắm, lần nào cũng đeo khăn che mặt, nhưng chỉ nhìn từ dáng người và nét mặt mơ hồ của nàng sau lớp khăn cũng có thể đoán được nàng là mỹ nhân xinh đẹp tựa như tiên.

Tưởng tượng đến việc Công chúa sẽ oán giận nhà mình trước mặt Hoàng thượng, Trần Đình Thực toát mồ hồi, nhìn hai lá thư giống như bùa đòi mạng.

Trần Đình Giám nhìn chữ trên lá thư một lúc, ông vuốt mớ râu dài đến ngực, nói: “Đệ nghĩ nhiều rồi, Công chúa hiểu lý lẽ, không lãng phí bút mực vì mấy việc vặt vãnh đó đâu.”

Nhìn cách Công chúa đặt bút thong dong bình thản, lại nhớ chuyện hôm qua thê tử nói Công chúa đã gọi mình là nương, ông biết Công chúa không hề khó chịu với sự sắp xếp trong nhà, trừ lão tứ ra.

Trần Đình Thực tin ông, từ nhỏ ca ca ông đã vậy, làm gì cũng tính toán sẵn trong lòng.

Ông lại nhìn chỏm râu của ca ca.

Ca ca không chỉ có tài học hơn ông nghìn vạn lần, dung mạo cũng tuấn tú hơn hẳn. Thời còn trẻ thì không nói làm gì, bây giờ đã năm mươi tuổi, ca ca vẫn phong độ nhẹ nhàng như cũ, đám râu dài được chăm sóc mượt mà hơn cả tóc phụ nữ, sợi nào ra sợi nấy, không khiến ngưởi ta cảm thấy lôi thôi.

Chẳng lẽ mấy ông quan trên Kinh Thành đều thích để râu kiểu này à?

Trần Đình Giám đột nhiên lên tiếng: “Ta cũng muốn viết một cuốn sổ con cho Hoàng thượng, nhị đệ về trước đi.”

Trần Đình Thực gật đầu, gọi gã sai vặt tới, sai hắn bê hai thùng sổ sách về.

Nhà bọn họ ở tại Đông viện Trần trạch, bao gồm Trần Đình Thực, Tề thị vợ ông và nhà Trần Kế Tông, con trai ông, gồm có ba người.

Tề thị đang ngồi ở nhà chính.

Cũng giống như Tôn thị, bà chỉ mặc đồ tang màu trắng, trên mặt không son phấn. Chỉ khác một điều, dung mạo Tề thị diễm lệ, hiểu cách chăm sóc, không nhìn ra bà đã đến bốn mươi. Mắt phượng mày lá trúc, bà có khí chất nhanh nhẹn thông minh của phu nhân đương gia. Ngày thường, Trần Đình Thực đứng cạnh bà trông không giống trượng phu, mà lại giống một người quản sự, nghe bà răm rắp.

Thấy trượng phu mang sổ sách về, Tề thị bĩu môi cười: “Đại ca không xem chứ gì?”

Trần Đình Thực cảm thán: “Đại ca tin tưởng chúng ta, bảo chúng ta tiếp tục xử lý.”

Tề thị điềm tĩnh uống trà, chờ đám hạ nhân đi rồi, bà ta mới nhỏ giọng châm chọc: “Gì mà tin hay không, đại ca là người Kinh Thành, quan to lộc dày. Trên có Hoàng thượng ban thưởng, dưới có quan viên hiếu kính, đại ca chê mấy mảnh ruộng nhà chúng ta mà thôi. Giả dụ lần này hắn không về để tang mà là bị Hoàng thượng cách chức đuổi về thì chuyện đầu tiên hắn làm sẽ là tranh gia sản đấy.”

Trần Đình Thực không thích nghe những lời này, ông phân trần với bà: “Sản nghiệp nhà chúng ta từ đời tổ tiên vốn chỉ có năm mươi mẫu đất. Bây giờ đồng ruộng nhiều, cửa hàng cũng mở được vài gian, tất cả đều do đại ca gửi bạc về mỗi năm. Dù cho ngày nào đó đại ca muốn quay về đòi thật, thì đó cũng là lẽ dĩ nhiên.”

Tề thị: “Ôi giời! Bạc đại ca gửi về, nhưng đó là bổn phận hắn phải hiếu kính nương. Hơn nữa, có mỗi chút bạc còm, nếu ta không tính toán kỹ lưỡng tỉ mỉ xem nên mua cửa hàng ở đoạn nào, vắt hết óc để tiền đẻ ra tiền, chỉ sợ tiền thuốc men của nương cũng chẳng gom đủ đấy.”

Trần Đình Thực: “Bà đừng có trợn mắt nói dối, ba mươi năm trước số tiền đại ca gửi về cộng vào cũng phải ba, bốn nghìn lượng. Lần này trước khi về nhà, huynh ấy lại gửi thêm năm nghìn lượng nữa về…”

“Choang”, Tề thị ném bát trà xuống bàn.

Hai vai Trần Đình Thực run run, sợ hãi nhìn qua.

Tề thị lườm ông: “Tiền trước đây gửi về thì không nói, chăm sóc nương rồi sửa nhà và mua thêm gia sản cũng tiêu gần hết rồi, đó đều là tiền chung, có thừa đồng nào đâu. Chỉ nói riêng năm nghìn lượng gửi về lần này thì đã phải chi tốn phần nhiều sửa sang Tứ Nghi Đường, trồng hoa trong đấy cho lão tứ với Công chúa, mỗi chiếc giường Bạt Bộ kia thôi đã mất đến một ngàn rưỡi lượng. Giường do chính ông nhìn người ta đưa về, chắc ông chưa quên nhỉ? Ta có ăn bớt ăn xén ở đâu không?”

Trần Đình Thực gục đầu, Tứ Nghi Đường tiêu tốn rất nhiều tiền, đến cả cây hòe hay bồn hoa mẫu đơn trong ấy cũng là đồ có tiếng. Ông không biết thưởng thức, nhưng biết là nó rất đắt tiền.

Tề thị: “Năm nghìn lượng, đa phần đốt vào Tứ Nghi Đường, còn lại bao nhiêu đều làm đám tang vẻ vang cho nương cả. Vì chờ mấy người đại ca về, riêng tiền mua băng đã là bao nhiêu rồi? Nhà chúng ta còn lấy từ tiền công một nghìn lượng bỏ vào, chỗ tiền này người làm Các lão như hắn chẳng lẽ không hiểu rõ? Rõ ràng cả hai nhà chúng ta đều bỏ tiền, ông lại cứ nghĩ mỗi mình nhà đại ca bỏ thôi. Ngốc như thế, bảo sao ông thi mãi chẳng nổi Tú tài!”

“Này, sổ sách ở đây cả, tiêu đi đâu cũng đều ghi rõ ràng, tự ông xem đi!”

Tề thị mở một cái hòm ra, lấy tập sổ sách ở trên cùng, ném vào lòng Trần Đình Thực.

Trần Đình Thực bắt lấy theo bản năng, nhưng ông lại không mở ra xem.

Xem gì mà xem, thê tử bỏ tiền vào chỗ nào đều phải càm ràm với ông một hồi, ông sắp thuộc tới nơi rồi.

Ông là người lỗ mãng, thật ra mấy năm nay việc trong nhà đều do thê tử xử lý, bao gồm cả chăm sóc cửa hàng, sửa sang nhà cửa, tiếp đãi khách khứa.

Đại ca bỏ tiền, thê tử bỏ sức, chỉ có ông là vô dụng.

“Thôi bỏ đi, dù sao cũng hiếm khi đại ca về ở đôi năm, chúng ta đừng cãi nhau vì tiền bạc, ồn ào quá khó coi.”

Tề thị cười lạnh: “Ta muốn thể chắc, tại trong mắt ông chỉ có huynh đệ, có coi ta ra cái gì đâu.”

Trần Đình Thực bất đắc dĩ thở dài, tiếp đó dù Tề thị có nói gì, ông cũng không cãi lại.

.

Trần Đình Giám ngồi ở thư phòng viết sổ con, Trần Bá Tông nghiên cứu học vấn, Trần Hiếu Tông phụ trách dạy dỗ con cháu, ba cha con đều có việc để làm.

Chỉ có Trần Kính Tông bị nhốt ở trong viện, chán gần chết.

Hôm qua hắn đã làm xong cung tên, hắn vẫn muốn vào núi.

“Lần này ta đi, chắc phải đến lúc hoàng hôn mới quay về. Nếu ông già tìm ta, nàng cứ lấy cớ lừa ông ấy giúp ta nhé.”

Lưng đeo cung tên, Trần Kính Tông thương lượng với Hoa Dương.

Hắn mặc một thân áo vải xám, nếu không nhìn mặt mà chỉ nhìn cơ thể thì không khác gì với thợ săn trên núi.

Trước đây Hoa Dương không thích hắn ngày nào cũng chạy vào trong núi, vừa vi phạm quy định chịu tang, vừa xem như không làm ăn đàng hoàng.

Giờ nghĩ lại, nếu không so đo chuyện cỏn con như thế thì hắn vào núi cũng tốt mà, muốn tinh thông phải dùi mài, đi săn cũng là một kiểu luyện võ.

Hắn cũng chỉ có một thân võ nghệ là đáng khen, nếu như hoang phí thì còn gì vượt trội.

“Đi đi, cẩn thận đừng để người ta nhận ra.” Hoa Dương vừa lật sách, vừa dặn dò hắn.

Trần Kính Tông nhìn nàng thảnh thơi như vậy, vẻ mặt hơi kỳ lạ.

Lúc mới dọn tới đây, nàng như con chim hoàng yến bị nhốt trong l*иg sắt, tuy không giãy giụa hết sức nhưng không hề tình nguyện một chút nào.

Sao mới qua một đêm đã thay đổi hẳn rồi?

“Nàng cứ ở đây cả ngày không sợ chán sao?” Trần Kính Tông không đi vội, hắn ngồi đối diện với nàng rồi hỏi.

Hoa Dương nhìn ra cửa sổ, thản nhiên nói: “Ta quen rồi.”

Hoàng cung như một l*иg giam lớn, Trần trạch là một l*иg giam nhỏ, phủ trưởng Công chúa thì không lớn không nhỏ, nhưng cũng là một cái l*иg sắt.

Công chúa thì sao chứ, vẫn giống vô vàn những nữ tử khác trong thiên hạ mà thôi, bị nhốt sau nhà, cùng lắm là đi dạo trên đường, sang nhà người khác làm khách ăn bữa cơm.

Điểm khác biệt duy nhất là ở đây, nàng là Công chúa, mọi chi phí ăn mặc ở đều tốt nhất trên đời, không cần phải buồn vì tiền bạc.

Trần Kính Tông không hiểu nàng đang suy nghĩ gì, hắn chỉ nghe ra nếu nàng được chọn, nàng cũng không muốn suốt ngày ở nhà như thế.

Đảo mắt, Trần Kính Tông hỏi: “Hay nàng theo ta vào núi nhé? Cách mấy ngày đi một lần, xem như giải sầu.”

Hoa Dương động lòng nhưng lập tức từ bỏ.

Xung quanh Kinh thành cũng có núi, khi đó nàng ra ngoài, trước có thị vệ mở đường, sau là cung nữ, ma ma theo hầu. Núi quanh Kinh thành phong cảnh tú lệ, thềm đá lên núi được đẽo gọt chỉnh tề. Còn núi sau trấn Thạch Kiều liếc mắt đã thấy toàn cây với cối, nhìn chỗ bùn dính trên mũi giày với ống quần Trần Kính Tông mỗi ngày là đủ thấy đường trên núi toàn là đường đất.

Hơn nữa, trong núi có lẽ còn có cả rắn với côn trùng…

“Không muốn đi.”

Trần Kính Tông không ép nàng, trước khi đi còn nói: “Hôm nào nàng có hứng thì cứ bảo ta nhé.”

Hoa Dương ngẩng đầu, bóng người kia đã đi mất.

.

Thiếu Trần Kính Tông, Tứ Nghi Đường càng thêm yên tĩnh. Một lúc sau, tiếng bọn trẻ đọc sách ở học đường bên nhà chính vang lên.

Hoa Dương ngồi dưới tàng cây trong viện, vô thức nhớ lại hình dạng mấy đứa cháu.

Tính cả đứa bé còn đang ở trong bụng nhị tẩu La Ngọc Yến, Trần Kính Tông có tổng cộng ba cháu trai và hai cháu gái.

Hoa Dương không thích trẻ con lắm, nhưng cháu gái Uyển Nghi ngoan ngoãn xinh xắn nhà đại ca Trần Kính Tông lại rất hợp mắt nàng.

Bé gái tám tuổi, là tuổi thích hợp để bắt đầu học nữ hồng.

Đại tẩu Du Tú xuất thân nhà nghèo, có lẽ trong tay không có thứ gì tốt.

Hoa Dương gọi Châu Nhi tới: “Ngươi sang Quan Hạc Đường nói với đại phu nhân một tiếng, bảo nàng ta nhớ đại tiểu thư. Nếu đại tiểu thư muốn, trưa nay sang chỗ ta ăn cơm đi.”

Châu Nhi lập tức tới Quan Hạc Đường.

Du Tú đang may quần áo mùa hè cho bọn nhỏ, thấy Công chúa đệ muội phái nha hoàn tới thì vội bỏ việc trong tay ra tiếp đón.

Châu Nhi mỉm cười truyền lại lời chủ mình.

Du Tú kinh ngạc, hoảng loạn đáp: “Được rồi, ngươi về nói với Công chúa, lát nữa Uyển Nghi tới ta sẽ bảo nó qua thỉnh an.”

Châu Nhi hành lễ cáo lui.

Du Tú vẫn ngơ ngác đứng dưới mái hiên nhà.

Trần Bá Tông bước từ thư phòng ra.

Thấy trượng phu, Du Tú vội tới trước mặt hắn, lo lắng nói: “Sao Công chúa lại gọi Uyển Nghi qua nhỉ? Uyển Nghi chân tay vụng về, chỉ sợ lại làm hỏng đồ bên đó. Ta nghe nói đồ của Công chúa dùng đều là đồ ngự tứ…”

Trần Bá Tông nhíu mày nói: “Uyển Nghi tám tuổi rồi, còn động tay động chân gì nữa. Nàng đừng lo lắng quá mà hạ thấp con bé.”

Hắn là người giống Trần Đình Giám nhất, tính cách cũng giống, nghiêm túc cẩn thận. Du Tú bị mắng thì sắc mặt trắng bệch, cúi đầu xuống.

Trần Bá Tông thấy vậy thì nhíu mày chặt hơn, biết cái tính cẩn thận của nàng chỉ sợ không đổi được. Hắn không nói thêm gì nữa, về phòng tiếp tục đọc sách.

Cảm xúc của Du Tú chùng xuống một lúc, lại nhớ ra Công chúa vẫn đợi nên nàng đi chuẩn bị, lấy ra bộ quần áo đẹp nhất mà mình chuẩn bị cho nữ nhi đi Lăng Châu lần này.

Gần đến trưa, bọn nhỏ quay trở về.

Du Tú gọi nữ nhi vào nhà thay quần áo. Trần Bá Tông nhìn thấy, tuy không ủng hộ nhưng không nói gì thêm, tránh làm mất hứng thê tử, lát ăn cơm không ngon.

“Cha, nương, con đi qua đó đậy.” Uyển Nghi cười nói.

Du Tú: “Đi đi, tới chỗ Công chúa đừng nói linh tinh đấy.”

Uyển Nghi cười nhẹ, bước chân rời đi.

Du Tú nhìn theo bóng nữ nhi, chợt cảm thấy hơi hâm mộ: “Con bé lớn gan thật, ta từng gặp Công chúa, khi ấy tay chân chẳng biết để đâu.”

Trần Bá Tông cụp mắt uống trà.

Đại Lang năm tuổi mắt nhìn mũi, mũi nhìn tim, hắn không sợ Công chúa tứ thẩm, nhưng hình như tứ thẩm chỉ thích tỷ tỷ, không gọi đám nhi tử bọn họ qua đó.

Tứ Nghi Đường.

Hoa Dương đoán Uyển Nghi sắp tới nên ra cửa chính đón cô bé. Khi nhìn thấy cô bé tám tuổi cười ngọt ngào bước vào, hai mắt Hoa Dương nhìn bé dịu dàng như nước.

Khi người Trần gia sung quân, Uyển Nghi chỉ mới tròn mười bốn tuổi, là độ tuổi trăng tròn đẹp nhất. Hoa Dương không thể tưởng tượng nổi con bé sẽ phải chịu khổ như nào nơi biên quan lạnh lẽo.

“Tứ thẩm, thẩm gầy đi nhiều quá.”

Từ lúc hạ táng lão thái thái, Hoa Dương chưa từng rời khỏi Tứ Nghi Đường. Qua một khoảng thời gian lâu như vậy, Uyển Nghi lập tức nhìn ra sự thay đổi trên người nàng.

Hoa Dương cười nói: “Lần đầu ta tới Lăng Châu, chưa quen khí hậu, để qua vài ngày sẽ đỡ hơn thôi. Con thì sao, đi học có mệt không?”

Uyển Nghi lắc đầu: “Không mệt ạ, nhưng hình như tam thúc rất vất vả. À đúng rồi, tứ thúc đâu rồi ạ?”

Hoa Dương chỉ vào phòng trong, bịa chuyện đáp: “Hắn đang ngủ nướng bên trong ấy. Chúng ta ăn trước đi, kệ tứ thúc con.”

Uyển Nghi hết hồn, tứ thúc lười quá đi mất, trưa đến nơi rồi mà vẫn còn ngủ. Sao thúc ấy lại không biết xấu hổ thế nhỉ?

Uyển Nghi âm thầm liếc vào phòng trong, lại nhìn Công chúa đang đứng trước mặt mình, nàng cảm thấy ngượng thay tứ thúc.

Hoa Dương thấy vậy thì cười thầm.

Trách ai bây giờ, ai bảo Trần Kính Tông không chịu ngoan ngoãn ngồi ở nhà, đừng trách nàng lấy cớ như vậy.

Có thêm một cô bé đáng yêu ngồi cạnh, Hoa Dương ăn cơm trưa ngon hơn hẳn. Sau khi ăn xong, nàng lại bảo Triều Vân mang khăn lụa đã chuẩn bị ra, đưa cho Uyển Nghi.

Trên khăn thêu một đóa hoa mẫu đơn sinh động như thật, một con bướm màu bay tới, định đậu nhưng không dám.

Đây là khăn do tú nương trong cung thêu, đường kim tinh xảo, lại thêm Du Tú ở cạnh chỉ bảo, Uyển Nghi sẽ học được rất nhiều.

“Khăn đẹp quá, con cảm ơn tứ thẩm ạ!”

Uyển Nghi rất thích món quà này, đưa tay nâng niu chiếc khăn, trong đôi mắt đen nhánh sáng ngời của con bé chỉ toàn niềm vui.

Hoa Dương cười xoa đầu nàng: “Về đi, nghỉ ngơi sớm chút.”

Uyển Nghi nũng nịu ôm nàng một cái, rồi mới hành lễ lui ra.

Quan Hạc Đường.

Hai vợ chồng Trần Bá Tông, Du Tú đều đang đợi nữ nhi về. Biết Công chúa tặng nữ nhi một chiếc khăn tinh xảo, Du Tú thở dài nhẹ nhõm.

Trần Bá Tông không nhìn chiếc khăn kia, thuận miệng hỏi: “Tứ thúc con với Công chúa ở chung thế nào?”

Hắn muốn biết tứ đệ có chịu kìm bớt mấy tật xấu bất nhã kia không.

Nhắc tới tứ thúc, Uyển Nghi lộ vẻ mặt chỉ hận rèn sắt không thành thép: “Con cũng có thấy thúc ấy đâu, tứ thẩm bảo thúc ấy vẫn đang ngủ.”

“Phụt”, Trần Bá Tông suýt phun ngụm trà vừa mới uống ra.

Du Tú cũng không thể tin nổi, đến đám trẻ còn không dám ngủ nướng lâu vậy, sao tứ đệ lại…

“Còn ra thể thống gì nữa!” Trần Bá Tông bỏ bát trà xuống, khó nén nổi cơn tức.

Du Tú và nữ nhi tròn mắt nhìn nhau, ăn ý né ra.

Trần Bá Tông quyết định phải dạy dỗ lại người đệ đệ ngày càng làm bậy này.

Buổi chiều, hắn phái nha hoàn đến Tứ Nghi Đường mời tứ đệ tới.

Tiểu nha hoàn chạy một chuyến, lúc về vẻ mặt rất khó tả: “Công chúa nói, tối hôm qua trong Tứ Nghi Đường có chuột, tứ gia phải bắt chuột cả đêm nên đến giờ vẫn ngủ. Nếu ngài có việc, chờ Tứ gia dậy sẽ đến để gặp ngài.”

Trần Bá Tông: “…”