Ôn Thư Duy trở lại phòng khi đêm đã khuya.
Nhiệt độ trên biển xuống thấp về đêm, nhưng bốn mặt tường trong phòng đã ngăn cơn lạnh bên ngoài. Ôn Thư Duy vẫn còn sốt nhẹ nhưng không quá nghiêm trọng nên không cần tiếp tục truyền dịch, cô chỉ lấy vài toa thuốc từ chỗ La Tuấn rồi chuyển ra khỏi phòng y tế, sau đó dọn đến khu phòng tập thể. Nơi ấy vốn là chỗ ở của sĩ quan quân đội, nhưng bộ hậu cần trên chiến hạm đã tạm di dời để tạo chỗ ở cho các hành khách tàu Kỳ An.
Khu phòng tập thể được xây thống nhất theo kiểu một phòng hai người. Ôn Thư Duy ở cùng phòng với một cô gái người Trung vừa tốt nghiệp, cũng là một nhân viên trên tàu Kỳ An.
Căn phòng tối đen không ánh đèn, chăn nệm cũng được xếp gọn gàng, rõ ràng là chưa ai trở về phòng.
Ôn Thư Duy trở tay đóng cửa lại, cô cởϊ áσ khoác, cất laptop vào túi, sau đó nằm trên giường ngẩn ngơ nhìn trần nhà.
Vì không thể sử dụng điện thoại trên chiến hạm, từ khi tàu Kỳ An bị cướp đến giờ, cô chưa hề liên lạc với bên ngoài lấy một lần. Phỏng chừng tin tức nóng hổi “tàu hàng bị tập kích được Hải quân giải cứu an toàn” đã được truyền thông trong nước đăng khắp mặt báo, nhưng cũng có lẽ tin tức này đã bị ém nhẹm đi.
Kỳ thật tốt nhất là nên chặn tin tức này, như thế người thân và bạn bè của những hành khách trên tàu sẽ không phải lo lắng sợ hãi.
Ôn Thư Duy suy nghĩ miên man một lúc, rồi chợt vắt tay lên trán.
Cô nhớ nhà.
Nói đúng hơn, cô nhớ bà ngoại.
Gia đình Ôn Thư Duy vốn không mấy êm ấm. Năm cô sáu tuổi, ba mẹ cô ly dị vì tình cảm rạn nứt, đôi vợ chồng đầu ấp tay gối khi xưa giờ đây lại ầm ĩ kiện tụng để tranh quyền nuôi con. Ba cô là một nhân viên công chức nhà nước, mẹ cô cầm chức lãnh đạo của một xí nghiệp nhà nước, điều kiện kinh tế và địa vị xã hội của hai người đều ngang nhau. Cuối cùng, tòa án xét theo nguyện vọng của Ôn Thư Duy, giao cô cho mẹ nuôi.
Suy cho cùng trẻ con thường thân thiết với mẹ hơn.
Ngày còn nhỏ, cô bé Thư Duy rất dính mẹ. Khi ấy, những lời khen và phần thưởng từ mẹ chính là động lực lớn nhất thôi thúc cô bé chăm chỉ học tập. Nhưng mọi chuyện lại thay đổi vào năm Ôn Thư Duy mười tuổi – mẹ Ôn tái hôn với một người đàn ông trung niên đã ly dị vợ, bà xây dựng một gia đình mới, chẳng mấy chốc bọn họ đã có một đứa con của riêng mình.
Sau khi em trai chào đời, mẹ Ôn không thể vừa làm việc vừa chăm sóc hai đứa trẻ, bèn gửi cô bé Thư Duy đến nhà bà ngoại.
Ôn Thư Duy lớn lên cùng ông bà ngoại.
Cô luôn cảm thấy từ “mẹ” vô cùng xa lạ. Thậm chí đôi khi cô còn cảm thấy, mẹ, dượng và em trai mới là người một nhà.
Còn cô chỉ là người thừa.
Ôn Thư Duy nhắm mắt nằm trên giường, cô để dòng suy nghĩ bay xa, ngón trỏ móc chìa khóa xoay vòng, xoay trái ba vòng, xoay phải ba vòng. Xoay đi nghĩ lại một lúc, cơn buồn ngủ đã ập đến, cô mơ màng ngủ thϊếp đi.
Trong mơ, cô trở về với khoảng sân cũ nhà ông bà ngoại. Nơi ấy có ánh nắng trưa hè gay gắt, có cây ngô đồng xanh mát xum xuê cành lá, có bức tường thấp màu đỏ gạch của khoảng sân cũ. Giữa những mảng màu rực rỡ ấy, là bóng dáng một chàng thiếu niên ương bướng ngạo nghễ.
*
Ôn Thư Duy đã biết Thẩm Tịch từ rất lâu về trước.
Về phần “rất lâu” là từ khi nào, cô cảm thấy hơi khó nói rõ.
Năm Ôn Thư Duy lên cấp Ba, vừa vào học trường trung học số 1 Vân Thành được mấy tháng, cô đã nghe nói trường học gần đó xuất hiện một nhân vật “thần thánh”*. Tương truyền vị “thần thánh” này là trùm trường Trung học số 17, dáng dấp như quỷ ba đầu sáu tay, mặt mũi bặm trợn, tính tình lạnh lùng ích kỷ, hung tàn độc địa, thường xuyên đánh nhau ẩu đả, không có việc xấu nào là không làm, thuộc kiểu học sinh cá biệt hạng nặng.
*Từ gốc là “ngoa nhân” (狠人), một từ ngữ mạng dùng để chỉ những người lợi hại hơn cả lợi hại.
Trường trung học số 1 là một trong những trường trọng điểm của Vân Thành, đội ngũ giáo viên chất lượng, tác phong trường học nghiêm chỉnh, học sinh trong trường ai cũng biết tự giác chăm chỉ học tập, xem việc thi đậu đại học là nhiệm vụ trọng đại nhất đời mình. Trong trường thậm chí còn không có chó trường mèo trường thì lấy đâu ra “trùm trường”. Đám học sinh trường số 1 chưa bao giờ nghe đến danh hiệu này.
Giữa bối cảnh như thế, những câu chuyện về vị “trùm trường thần thánh” ở trường bên càng lúc càng được lan truyền rộng rãi, mà càng nghe nhiều càng thấy lạ lùng.
Ôn Thư Duy chìm đắm trong những truyền kỳ về vị “trùm trường thần thánh” ấy suốt hai năm rưỡi. Một ngày vào học kỳ hai năm lớp 12, cô chính thức vén màn truyền thuyết ấy – Ôn Thư Duy diện kiến vị “trùm trường” kia.
Hôm ấy, cô rời khỏi trường sau giờ tự học buổi tối, đang đi men theo con đường nhỏ dẫn đến trạm xe buýt, cô bỗng thấy một đám người xúm lại quanh hàng bánh nướng. Tầm mười mấy hai mươi người, tóc tai nhuộm lòe loẹt, miệng phì phèo khói thuốc, người mặc đồng phục trường dạy nghề, người thì mặc áo bó hình đầu hổ bặm trợn, dáng vẻ ngả ngớn lêu lổng, trên mặt in rõ bốn chữ đỏ chót “tao là côn đồ”.
Bánh nướng của tiệm ấy khá ngon, Ôn Thư Duy cũng thường ghé mua. Bởi thế nên cô rất cụt hứng – cô vốn định tiện đường ghé mua hai cái bánh để ngày mai ăn sáng.
Ở cái tuổi niên thiếu, đường phân cách giữa thiện và ác quá rõ ràng. Học sinh ngoan hiền và học sinh hư hỏng cách nhau tận một dải ngân hà, khoảng cách ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của bọn họ, mãi mãi không có cách nào phá vỡ.
Ông bà ngoại Ôn đều thuộc tầng lớp trí thức, từ nhỏ đến lớn, Ôn Thư Duy luôn được dạy bảo rằng phải học tập thật tốt, phấn đấu tiến về phía trước, tuyệt đối không được phép qua lại với “phần tử xấu”. Thế nên nghiễm nhiên cô cũng chẳng có hứng thú với buổi hội họp của phường lưu manh ấy.
Lúc ấy Ôn Thư Duy chỉ lắc đầu khinh thường gu thẩm mỹ thậm tệ của bọn nhóc choai này, cũng không muốn mua bánh nướng nữa mà dợm bước rời đi.
Vừa định quay đầu, cô bỗng lướt mắt nhìn thấy một “đóa sen giữa vũng bùn”.
Một nam sinh ngồi bên vệ đường trước quầy hàng, đang cúi đầu ăn bánh nướng và cháo. Trên người khoác đồng phục thẳng thớm sạch sẽ, trông khác hẳn đám côn đồ mặc quần áo lòe loẹt quái dị kia, anh cúi thấp đầu, mái cắt tóc ngắn gọn gàng để lộ phần gáy thon, nước da cũng trắng ngần.
Ôn Thư Duy thấy lưng áo đồng phục anh in dòng chữ “trường trung học số 17 Vân Thành”.
Hóa ra là bạn học trường bên.
Khi ấy cô còn nghĩ: hừm, nhìn gáy thế này, ngón tay thế này, chân dài thế này, đoán chừng bạn học trường bên cũng đẹp trai lắm nhỉ.
Đến lúc anh ngẩng đầu thật, trong đầu Ôn Thư Duy chỉ còn đọng lại mấy chữ “ôi mẹ ơi”.
Ban đầu Ôn Thư Duy còn tưởng, bạn học trường bên chỉ là không thuộc cùng phe với đám lưu manh kia, hóng hớt một lúc mới phát hiện, té ra anh thuộc phe cánh đối địch với đám lưu manh. Hơn nữa, hiện tại phe cánh ấy chỉ có độc một mình anh bạn đẹp trai này xuất trận.
Trong lúc Ôn Thư Duy đang bồn chồn lo lắng cho tình cảnh đơn thương độc mã của bạn học trường bên, cuộc đại chiến đã bắt đầu.
Kết quả, một mình anh thắng đậm.
Ôn Thư Duy trố mắt á khẩu nhìn kết quả đầy bất ngờ này, kìm lòng không đặng mà lặng lẽ vỗ tay.
Đám côn đồ kia bị đánh tơi bời hoa lá, chẳng mấy chốc đã cuốn gói chạy đi mất. Hàng bánh nướng yên bình trở lại, chỉ còn vị đại ca vừa thắng đậm một trận đang ngồi bên bàn nhỏ kê cạnh quầy. Anh bình tĩnh ngồi ăn nốt nửa cái bánh nướng và nửa bát cháo của mình.
Vị học sinh cá biệt này còn biết không nên lãng phí thức ăn, xem ra vẫn khá văn minh tử tế.
Ôn Thư Duy vừa suy nghĩ miên man, vừa đi sang mua bánh nướng.
Nhưng lúc trả tiền lại gặp chút vấn đề. Ôn Thư Duy chỉ có tiền chẵn, chủ tiệm cũng không có đủ tiền lẻ để trả lại.
Cô đang định cắn răng từ bỏ hai chiếc bánh nướng ngon lành, bỗng có một bàn tay thon dài sạch sẽ duỗi đến từ phía sau, giữa ngón tay kẹp một tờ tiền giấy mười tệ…
“Trả chung cho cô ấy.” Một giọng nói trầm thấp vang lên từ phía sau, giọng điệu hờ hững mà biếng nhác nhưng lại vô cùng êm tai.
Ôn Thư Duy ngẩn ngơ một khắc, rồi mới quay phắt đầu lại nhìn anh bằng ánh mắt đầy kinh ngạc. Đôi mắt trong veo mở tròn xoe.
Vóc người anh cao ráo, mí mắt hơi rủ, vẻ mặt vô cảm.
“Cậu…” Ôn Thư Duy líu lưỡi, cô dừng lại một lúc để sắp xếp lại câu chữ, sau đó mới dè dặt hỏi: “Cậu có quen tớ à?” Không lẽ là người quen thật, chẳng lẽ cô đãng trí đến mức quên cả người quen?
Bạn trường bên đáp: “Không quen.”
Ôn Thư Duy: “…”
Ôn Thư Duy toát mồ hôi hột, cô im lặng vài giây, thầm nghĩ không quen sao lại trả tiền giúp tôi, sau đó bèn từ chối bay biến: “Không cần không cần đâu, làm sao tớ có thể mặt dày nhận…”
Đôi mắt đào hoa màu nâu ấy nhìn thẳng về phía cô, lông mày hơi nhướng lên, giọng điệu bình bình: “Quen cậu thì có thể trả tiền giúp cậu à?”
“…” Mặc dù logic này rất kỳ lạ nhưng ngẫm lại cũng không sai. Ôn Thư Duy câm nín vì bị hỏi khó.
“Cậu tên gì.”
Cô thành thật trả lời: “… Ôn Thư Duy.”
“Ôn Thư Duy.” Cậu lập lại tên cô, sau đó biếng nhác nói tiếp, “Tôi là Thẩm Tịch.”
Ôn Thư Duy: “…”
Ôn Thư Duy: ???
Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên đầy thần kỳ này khiến Ôn Thư Duy vô cùng hoảng sợ. Chẳng phải đại ca trong lời đồn trông như quỷ ba đầu sáu tay à? Chẳng phải đại ca mặt mũi bặm trợn à? Chẳng phải đại ca cao lớn thô kệch, bụng to như trống à?
Sao trong truyền thuyết chẳng ai nói đại ca đẹp trai thế này?
Thẩm Tịch đợi hồi lâu vẫn không thấy Ôn Thư Duy trả lời. Anh nhìn thẳng vào mắt cô, khẽ hất cằm, “Thẩm Tịch, gọi xem nào.”
Học sinh ngoan hiền sẽ không bao giờ qua lại với học sinh hư hỏng.
Ôn Thư Duy hơi bối rối, cô cười gượng rồi đành miễn cưỡng chào người bạn mới này, “Chào cậu, Thẩm Tịch.”
Thẩm Tịch đưa tiền cho chủ tiệm bánh nướng.
Ôn Thư Duy vẫn thấy ngại nên định can ngăn, anh lại hờ hững buông một câu, “Bây giờ đã quen biết.”
Ôn Thư Duy câm nín.
Chủ tiệm bánh nướng là một ông chú trung niên mập mạp. Chứng kiến toàn bộ cuộc đối thoại của hai người, lúc nhận tiền, chú ấy bèn mỉm cười đưa ý kiến: “Cô bé, nếu cháu không muốn làm phiền cậu ấy thì cứ xem như lần này cháu mượn tiền cậu ấy đi. Tổng cộng là ba tệ, ngày mai trả lại là được.”
Ồ? Ý kiến hay.
Ôn Thư Duy nghe thế thì gật gật đầu, cô chần chừ một chốc rồi mới quay sang nhìn Thẩm Tịch, khuôn mặt trắng nõn hiện lên một nụ cười dè dặt: “Cảm ơn cậu. Xem như lần này tớ mượn tiền cậu, ngày mai tớ sẽ trả.”
Năm ấy là lần đầu gặp gỡ, anh phảng phất như đang nở nụ cười, đôi mắt nâu vụt sáng như sao trời rực rỡ.
Bẵng đi một lúc, anh nhếch môi đáp: “Được.”