Lời Hứa Của Anh

Chương 37: MÓN QUÀ NGUY HIỂM

Sáng sớm hôm nay, Khi Thư tỉnh dậy, xung quanh đã chẳng còn ai. Có lẽ Nghiêm đã lại đi giải quyết đống rắc rối nào đó.

Cô uể oải vặn eo ngồi dậy, thầm trách người đàn ông, người mà cô đã chửi là “đê tiện” cả đêm qua. Anh đúng là sói đói, làm việc quần quật cả ngày không ngơi nghỉ mà vẫn còn sức lực dày vò cô được.

Cô coi Nghiêm là cái gối, đấm túi bụi, rồi mới vào bếp nấu cơm cho mẹ.

Khi xuống nhà, bà thấy cô thì chợt nói:

“Dạo này có vẻ béo hơn rồi đấy.”

“Béo?” Thư lấy tay đo người mình, quả thực thấy mập hơn một xíu, bèn kêu: “Sao lại thế được? Con chán ăn mấy hôm rồi mà. Dạo này cứ ngửi thấy mùi đồ ăn là uể oải, chẳng biết sao nữa.”

Bà Nguyệt đánh giá cô một lượt, rồi “ô” một tiếng.

“Mẹ. Sao vậy ạ?”

“Thôi thế nào thì kệ cô. Hầy, đúng là con gái lớn rồi như bát nước đổ đi mà.”

Cô đứng trước bếp nhìn ngó xung quanh, vẫn không hiểu bà có ý gì cả.

Sau khi cơm nước xong, Thư khệ nệ xách một giỏ cơm chuẩn bị ra khỏi nhà. Nghiêm nói anh đang ở công ty, cả ngày hôm nay sẽ khá bận rộn, nên cô định mang đồ ăn đến cho anh.

Còn cô thì… đang trong thời kỳ thất nghiệp, tạm thời đi làm chân chạy việc cho khuây khỏa. Trần Nhã Linh bị đuổi việc rồi, trước khi ra khỏi đoàn làm phim còn gây ra một trận sóng gió lớn. Nghiêm ra mặt, cảnh cáo cô ta trong buổi họp báo của bộ phim, đồng thời tìm được một diễn viên mới có tài ngay trong hôm đó.

Cô người mới này không quá nổi tiếng, nhưng xinh đẹp và có chí cầu tiến. Thư rất thích, mà đạo diễn Bình cũng rất thích.

Chú Bình còn áy náy với Thư, nên bảo cô cứ nghỉ ngơi vài ngày. Dù gì họ cũng phải bồi dưỡng người mới nữa.

Thư cũng không phản đối. Cô theo dự án này cũng bởi vì tình yêu đối với lịch sử nước nhà. Giới giải trí quá hỗn độn làm cô mệt mỏi. Mấy đứa trẻ tinh nghịch ở trường học vẫn đáng yêu hơn rất nhiều.

Khi chuẩn bị lên xe, Thư thấy bóng dáng một người đang núp sau chậu cây cảnh trước cửa nhà mình. Đó là một cô gái. Khi thấy cô ra ngoài, người đó ngay lập tức tránh mặt đi.

Thư gọi giật giọng: “Này cô gì ơi? Cô đứng trước cửa nhà tôi làm gì vậy?”

Người phụ nữ đứng khựng lại, sau đó tăng tốc độ. Thấy có gì không đúng lắm, Thư vội đuổi theo.

“Nhã Thy?”

Cô giật mình khi thấy khuôn mặt dưới chiếc khẩu trang.

“Cô đến đây để làm gì?”

Nhã Thy giật lại khẩu trang trong tay Thư: “Tôi đến đây để tìm bố tôi. Mấy ngày nay ông ấy cứ lởn vởn ở đây, bà gọi mãi mà chẳng về. Tôi lo lắng nên mới đến xem thế nào, chứ báu bở gì đến nhà cô?”

Thư nhíu mày: “Thế ông ấy đến nhà tôi lại có chuyện gì?”

“Ai mà biết nổi? Ai biết mẹ cô cho ông ấy ăn bùa mê thuốc lú gì chứ?”

Thư chỉ tay vào mặt chị ta cảnh cáo: “Tôi nói cho chị biết. Nếu chị còn nhắc lại câu này một lần nữa, cẩn thận cái miệng đấy.”

Nhã Thy biết Thư là một cái gai sắc nhọn, sẵn sàng làm bất cứ điều gì, nên biết điều im miệng.

Chị ta vùng vằng: “Chuyện cô cứu tôi… Mong cô từ lần sau bớt chuyện bao đồng lại đi. Tôi không muốn mang ơn cô.”

“…” Thư bó tay hồi lâu.

“Nhưng cô đã cứu tôi rồi.” Nhã Thy lôi chiếc chuông từ trong túi xách ra. Đây là vật mà cô đã trả cho chị ta hôm cùng mẹ rời khỏi nhà họ Từ.

Khi chiếc chuông nhỏ được đặt trở lại tay cô, Thư nhíu mày lại không hiểu ra sao: “Sao lại đưa nó trở lại? Không phải bảo chị muốn vứt thì vứt sao?”

Nhã Thy xì mặt ra khó chịu: “Sao mà hỏi nhiều thế nhỉ. Đã bảo cầm thì cầm lấy. Tôi vừa lấy trong tay Nhã Linh ra trả cô đấy. Sau khi cào nát mặt nó ra nữa.”

Minh Thư há hốc mồm ngạc nhiên trước những lời này. Hai người họ là chị em con dì với nhau, từ nhỏ đã gắn bó thân thiết. Sau này thì càng thêm thân, gần như đi đâu cũng kè kè. Cho nên việc Nhã Thư trở mặt với Nhã Linh làm cô thật sự bất ngờ.

Bất ngờ hơn là đồ của cô lại ở trong tay Nhã Linh.

“Thứ này có vai trò quan trọng lắm sao? Liên quan đến Linh?” Cô chợt hỏi.

Miệng Thy kín như hến, không moi thêm được bất cứ tin tức nào được.

“Nói chung là ngày đó cô không đẩy tôi xuống hồ, tôi xin lỗi. Nhưng sau này chúng ta đừng có gặp nhau nữa đi. Tôi không thích cô nổi.”

Thư trầm ngâm suy đoán. Nhã Thy đến đây sau khi cãi nhau với em họ, còn xin lỗi cô về việc năm xưa. Xem ra năm ấy Thy ngã xuống hồ, tám phần mười là có liên quan tới Linh. Vậy mà mẹ cô ta vẫn cứ ra rả bên tai bà nội cả ngày chia rẽ, nói cô ác độc đẩy chị mình xuống nước. Thì ra bà ấy đã biết thủ phạm là ai từ lâu, và phải tìm một người mà mình ghét để đổ lỗi. Cô thở dài, ngao ngán.

Nhã Thy vừa nói dứt lời thì quay người đi thẳng, để mặc Thư với mớ cảm xúc hỗn độn.

Sau này sông dài biển rộng, họ không còn gặp nhau nữa rồi.

Ngày tháng yên bình cứ trôi qua như thế. Trong mấy ngày này, ông Nhâm quả thực vẫn hay qua lại ở nhà Thư. Ông vờn quanh bà Nguyệt, mà thân là con gái, cô không thể mời ông đi được, đành phải đóng cửa ở trong phòng ru rú.

Thôi thì giữa hai người vẫn còn yêu thương. Sau này nếu bố cô thay đổi, họ có thể sống đến đầu bạc răng long cũng được. Nhưng cứ thế này, bà Vân lại bực tức gọi điện đến mắng mỏ mẹ cô quyến rũ con mình. Thư không muốn giải quyết, chỉ đưa điện thoại cho bố.

Không biết ông nói cái gì mà sắc mặt cứ đăm đăm. Kể từ đó không còn những cuộc điện thoại làm phiền như thế nữa.

Sắp đến đám cưới của Nghiêm và Thư.

Hai người mời khách ở một nhà hàng nhỏ nhắn ven hồ, công việc chuẩn bị đều giao cho Trần Hoài Hiên phụ trách. Có vẻ như cậu ta đã ăn đủ hành hạ sau khi bị phát hiện đi hẹn hò với Thư, nên giờ cô chỉ đâu sai đó, không dám trái lời.

Không hề có chút tâm thế của một viện viên viện Hàn Lâm gì cả! Chẳng hiểu mấy vị giáo sư khi đọc công trình nghiên cứu khoa học của cậu ta, liệu có nhìn ra khuôn mặt bợ đỡ lúc này không?

Điều duy nhất mà Nghiêm thấy không vừa lòng là theo phong tục địa phương, anh không được gặp Thư trước đám cưới ba ngày.

Khi mẹ Nguyệt nói câu này ra, sắc mặt anh đen lại, bí xị:

“Mẹ, có cần phải làm vậy không?”

“Anh này. Phong tục của các cụ không được làm trái. Đâu phải tự nhiên mà người ta quy định thế đâu. Thôi được rồi được rồi. Từ mai cấm có gặp nhau, sau này ở với nhau cả đời chứ bà già này có giữ nó ở nhà đâu mà anh lo.”

Nghiêm chỉ đành ấm ức trở về nhà, trút giận lên Trần Hoài Hiên. Cậu ta la oai oái lên, thậm chí khi lên cơ quan còn hét với sếp, bị gõ cho to đầu.

Hôm nay là ngày thứ hai “chia xa”. Thư vừa ngủ dậy thì thấy có người gọi điện, nói là shipper đến giao hàng.

“Ai giao hàng lúc này vậy nhỉ?” Cô nhỏ tiếng thắc mắc.

“Là anh Phùng Thanh Nghiêm. Cô ra ký đơn hộ tôi đi.”