Nhật Kí Nữ Pháp Y: Để Người Chết Được Nhắm Mắt

Quyển 2 - Chương 7: Hỏa táng phong ba



Đó là một mùa hè yên bình, các vụ án xuất hiện khá ít. Tôi tìm đến văn phòng sở cảnh sát hình sự, lật giở một cách nhàm chán tờ báo “Bản tin buổi tối Tùng Giang”, vừa đọc vừa nghĩ, tòa báo này sau khi cho đăng vụ án quỷ gϊếŧ người, chẳng những không ảnh hưởng đến số lượng phát hành, ngược lại còn đem tới hiệu ứng quảng cáo tốt cho tòa soạn. Lật đến chuyên mục bản tin xã hội, một đoạn tin đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý của tôi.

Tiêu đề của bản tin là “Người chết chưa được hỏa táng đã có tro”. Nội dung kể về một sự kiện hi hữu đã xảy ra tại nhà tang lễ ở khu Thanh Hà tại một thành phố X, người chết vẫn chưa được hỏa táng nhưng người nhà đã nhận được hũ tro. Vụ việc sau khi được truyền thông phanh phui, đã gây nên sự hoang mang của những gia đình có người thân được hỏa táng ở nhà tang lễ này mấy năm gần đây. Theo lời giải thích chính thức được ra, thì sự cố này là do sự vô trách nhiệm của một bộ phận nhân viên nhà tang lễ. Theo đó, những người để xảy ra sự cố vì vội tham gia một bữa tiệc, nên đã trà trộn tro cốt còn sót lại của người khác để thay thế, và vụ việc này chỉ xảy ra một lần, nên người dân trong thành phố không cần quá hoang mang. Nhưng theo lời kể của nhân viên hỏa táng bị người nhà đánh cho tơi tả, thì anh ta chỉ làm theo lệnh của cấp trên, hai năm nay đều làm như vậy.

Đọc xong bản tin đó, tôi nổi giận đập bàn, chưa kịp thốt ra câu nào, thì Mã Kinh Lược ở bên kia cũng đập bàn theo, nói: “Mấy tên này đúng là gan to bằng trời, đến cả người chết cũng dám bày trò.” Thì ra anh ta cũng vừa đọc xong bản tin đó, cùng chung một sự phẫn nộ với tôi.

Phụ trách ban tuyên truyền đối ngoại của đội hình sự, nữ cán bộ Tần Quan nói: “Mọi người chắc bình thường không chịu xem báo, nên mới đọc qua có một vụ mà đã nổi giận rồi, nếu mà ngày nào cũng đọc, e là sẽ đổ bệnh mất. “Bản tin buổi tối Tùng Giang” toàn hướng ngòi bút vào những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại vô cùng nhạy cảm, nói không chừng thành phố Sở Nguyên chúng ta cũng có mấy vụ như thế, chẳng qua báo chí không muốn bới lên thôi.”

Tôi đáp: “Cô nói đúng, đúng là lũ người thất nhân thất đức, lừa dối người ta cả đời, đến khi hóa thành tro bụi, vẫn bị chúng lừa.”

Mã Kinh Lược nói: “Ngày nào cũng lặp đi lặp lại một công việc dễ khiến cho con người ta bị vô cảm. Bác sĩ ngày nào cũng khám cho bệnh nhân, dần trở nên vô cảm với bệnh tật. Nhân viên hỏa táng ngày nào cũng đối mặt với người chết, dần trở nên vô cảm với cái xác. Đối với người thân của người đã khuất thì đây là đại sự, nhưng đối với nhân viên hỏa táng thì chỉ là công việc hàng ngày mà thôi, dù có mắc lỗi thì họ cũng không quá bận tâm.”

Tôi đáp: “Bất luận thế nào, thì cũng phải giữ gìn cái tối thiểu của đạo đức. Nếu không thể trở thành người hùng, thì cũng không được làm kẻ xấu.”

Tần Quan nói: “Hai hôm trước ở lò hỏa táng thành phố Sở Nguyên cũng xảy ra một chuyện, người nhà đã báo cho cảnh sát, đội cảnh sát của đồn được điều đến hiện trường, nhưng vì không có bằng chứng nên vụ việc đành khép lại.”

Mã Kinh Lược hỏi: “Là chuyện gì thế?”

Tần Quan đáp: “Người nhà nghi ngờ người thân của mình bị lấy mất bộ phận cơ thể, nhưng phía lò hỏa táng không thừa nhận, cũng không đồng ý hoãn việc hỏa táng lại, bởi vì phòng truy điệu và lò hỏa thiêu đều đã được xếp kín lịch. Người nhà lại không ai có chủ kiến gì, cứ do dự mãi, cuối cùng bị nhân viên của lò hỏa táng dọa cho phải đem xác đi thiêu. Khi đội cảnh sát của đồn đến, thi thể đã được đem vào lò, nên không có cách nào để thu thập bằng chứng, chỉ biết nhắm mắt cho qua.”

Tôi nói: “Đó là lỗi của người nhà, bọn họ có quyền tạm hoãn, tại sao lại không cố chờ cảnh sát đến?”

Mã Kinh Lược đáp: “Lò hỏa táng bây giờ quyền lực lắm, bởi họ nắm độc quyền kinh doanh, nếu người nhà không tìm được bằng chứng buộc tội, thì sau có muốn hỏa táng, e là có bỏ tiền ra gấp mười lần cũng bị họ gây khó dễ. Người dân thấp cổ bé họng, đến việc sinh tử cũng không thể tự mình định đoạt.”

Đang nói, thì điện thoại của tôi bỗng đổ chuông, nhấc máy lên nghe, là giọng một nam thanh niên: “Chị Thục Tâm, tôi là Phùng Mã Hân đây.”

Phùng Mã hân? Tôi dừng lại mất hai giây, mới nhớ ra là cậu cảnh sát trẻ đã cùng tôi phá một vụ án ở huyện Khánh, bèn nói: “Không nghĩ lại là cậu, cậu đang ở đâu? Dạo này khỏe chứ?”

Phùng Khả Hân đáp: “Tôi đang ở thành phố Sở Nguyên đây, mới được điều từ huyện Khánh lên không lâu, hiện tôi đang làm đồn phó đồn công an thành phố Sở Nguyên. Dạo này công việc bận quá, chưa có thời gian đến thăm chị. Tôi đang ở hiện trường lò hỏa táng để xử lý một vụ án khó nhằn, nếu chị không bận có thể đến giúp tôi một tay được không?”

Tôi nói: “Giờ thì tôi rảnh, nhưng tôi chỉ nghe lệnh điều động của cục thành phố thôi, nếu muốn rời đi trong giờ làm việc thì phải xin ý kiến của Phú Cường, cậu đợi một chút, để tôi xin phép ông ta đã. Vụ án bên cậu là gì thế?”

Phùng Khả Hân đáp: “Người nhà của người chết nói rằng người thân của họ bị lấy mất bộ phận cơ thể, nhưng khi chúng tôi đến hiện trường thì xác chết đã được đem vào lò thiêu. Hiện giờ người nhà đang làm loạn lên với nhân viên lò hỏa táng, chúng tôi thì không có bằng chứng, nên không thể hòa giải được, cô có thể đến chỗ tôi để tìm bằng chứng được không?”

Khi tôi đến lò hỏa táng của thành phố Sở Nguyên, cả hai bên cùng với Phùng Mã Hân đang ngồi trong văn phòng chủ nhiệm của lò hỏa táng. Người nhà của nạn nhân vẫn đang hết sức phẫn nộ, Phùng Mã Hân miễn cưỡng ra can ngăn.

Theo những gì mà Phùng Mã Hân nắm bắt được, người nhà của người mất là Phùng Thiên Lượng và Hồ Vân Hà là hai vợ chồng, người mất là Phùng Hải Lượng, anh trai Phùng Thiên Lượng. Nguyên nhân tử vong là do tai nạn giao thông, tại hiện trường còn có vợ của người mất tên Tiền Vân và con trai là Phùng Viễn. Đại diện phía lò hỏa táng gồm chủ nhiệm Lý Cương và quản lý phòng làm lạnh là Trương Minh Xuân. Ban đầu di thể của Phùng Hải Lượng được đặt tại phòng tang lễ, chỉ đợi người nhà làm xong lễ truy điệu là sẽ đem vào lò hỏa táng. Thi thể của Phùng Hải Lượng được mặc một bộ áo liệm mới tinh, nằm yên trong quan tài, phía dưới được đắp khăn trắng, xung quanh rải kín hoa cúc vàng. Người thân đến tiễn đưa Phùng Hải Lượng đi một vòng quanh quan tài, rơi những giọt lệ cuối cùng trong giây phút tiễn biệt.

Không ai ngờ cậu con trai 10 tuổi Phùng Viễn lại lao lên phía trước, dẫm đạp lên dàn hoa cúc, bổ nhào tới quan tài, ôm chặt lấy thi thể của người bố đáng thương rồi òa lên khóc, vừa khóc vừa lay nói: “Bố ơi, bố đừng bỏ con đi.” Mọi người đứng hình trước hành động bất ngờ của cậu bé, mãi một lúc sau mới có người nhớ ra, chạy tới lôi cậu bé ra ngoài. Phùng Viễn vẫn òa khóc không thôi.

Sau nghi lễ tiễn biệt, thi thể của Phùng Hải Lượng được đem tới trước lò hỏa táng để chờ. Phùng Viễn đột nhiên quay sang bà mẹ là Tiền Vân nói: “Mẹ ơi, bố mất chân rồi.” Tiền Vân đang trong cơn đau đớn tuyệt vọng, thì suy nghĩ bỗng trở nên hỗn loạn, nghe những câu vừa rồi của cậu con trai, vẫn chưa kịp hiểu nó đang nói gì, chỉ biết xoa đầu thằng bé, gào khóc thảm thiết hơn.

Phùng Thiên Lượng đứng bên cạnh nghe thấy thấp thoáng, quay ra hỏi Phùng Viễn: “Cháu nói gì cơ?”

Phùng Viễn đáp: “Bố mất chân rồi.”

Phùng Thiên Lượng kinh hãi hỏi lại: “Cháu chắc chứ?”

Phùng Viễn trả lời: “Lúc nãy cháu ôm bố khóc, thì thấy chỗ chân của bố không còn.”

Phùng Thiên Lượng kinh hồn bạt vía, lao thẳng vào trong lò hỏa thiêu thì bị nhân viên ở đó chặn lại.

Phùng Thiên Lượng nói: “Tôi muốn gặp lãnh đạo của các anh, tạm thời không được hỏa táng.”

Âm thanh vẫn còn vang vọng, thì bên trong hét ra một giọng khàn khàn: “Đốt lò!” Một luồng sáng chói lóe lên, một thi thể được đưa vào trong ngọn lửa đang cuồn cuộn cháy.

Phùng Thiên Lượng kêu lên một tiếng tuyệt vọng, lao về phía trước, tát mạnh vào mặt nhân viên đang cản mình lại. Những nhân viên khác thấy thế liền chạy lại vây quanh, trông như sắp nổ ra một trận huyết chiến ngay trong lòng lò hỏa táng.

Thấy vụ việc có vẻ nghiêm trọng, người nhà Phùng Hải Lượng đã gọi cho cảnh sát.

Khi Phùng Khả hân đem theo một cậu dân cảnh cùng đi đến hiện trường, thì xác chết đã bị hóa thành tro, được làm nguội bên ngoài lò hỏa táng. Phùng Khả Hân nắm bắt qua tình hình, cảm thấy vô cùng khó xử. Không có bằng chứng, Phùng Viễn lại chỉ là một đứa bé, lại là con của người đã chết, nên lời nói của cậu bé không thể coi là bằng chứng. Cảnh sát chỉ biết hòa giải đôi bên. Song Phùng Thiên Lượng vẫn tỏ ra kiên quyết, không chấp nhận hòa giải, trước mặt cảnh sát vẫn mấy lần lao lên đòi đánh chủ nhiệm lò hỏa táng Lý Cương.

Lý Cương tuổi đã đầu bốn, là một người hiền lành dễ tính, khuôn mặt ửng đỏ, nói với tôi một cách chân thành: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải chuyện này, tôi có thể lấy danh dự một Đảng viên và lương tâm một con người để đảm bảo, đôi chân của người chết tuyệt đối không bị lấy mất, chúng tôi quản lý lò vô cùng chặt chẽ, chế độ hết sức kiện toàn, rất có trách nhiệm trong công việc. Hơn nữa, ai lại đi lấy chân người chết làm gì chứ? Chả để làm gì cả, không phải quá vô lý sao?”

Phùng Thiên Lượng hét lớn: “Ông đừng giả nhân giả nghĩa, tâm địa mấy người như nào mọi người ở đây đều thấy cả. Các ông kiếm tiền trên người chết, không sợ xuống mười tám tầng địa ngục tôi không nói làm gì, vậy mà vẫn đem bộ phận người chết đi bán lấy tiền được. Loại người như các ông, có gϊếŧ mười lần cũng không rửa sạch tội.”

Tôi nói: “Ông Phùng xin đừng quá kích động, tôi rất hiểu tâm trạng của ông lúc này, nhưng kích động không phải cách giải quyết vấn đề. Dù sao việc cũng đã xảy ra, chúng tôi sẽ cố gắng để tìm hướng giải quyết. Cháu ông là trẻ vị thành niên, nên lời nói của cháu bé chỉ có thể coi là manh mối, không thể dùng làm bằng chứng buộc tội, tôi nói vậy chắc ông không giận chứ? Vụ việc hiện giờ vẫn đang tranh chấp, chúng ta sẽ từ từ gỡ bỏ, từng bước giải quyết vấn đề.”

Phùng Thiên Lượng quay sang nhìn tôi, nói: “Từ nãy đến giờ mới nghe được một câu tử tế, tôi tạm thời tin cô, nhưng nếu cô cùng một giuộc với bọn chúng, thì tôi thề sẽ tới đốt nhà của kẻ cầm đầu.”

Phùng Khả Hân quát: “Phùng Thiên Lượng, ông đừng có nói bậy, nếu ông thực sự bị oan, chúng tôi sẽ giúp ông giải oan, nhưng ông không thể lấy cớ đấy để dồn ép người khác, huống chi bây giờ ông lại không có bằng chứng trong tay?”

Khó khăn lắm mới xoa dịu được cơn thịnh nộ của người nhà Phùng Hải Lượng. Tôi quay sang nói với Phùng Thiên Lượng: “Tro của anh trai ông đã được bỏ vào hũ, có thể mang ra cho chúng tôi xem được không?”

Tro của Phùng Hải Lượng được bỏ vào trong một chiếc hũ màu nâu được làm bằng gỗ, cầm trên tay nặng trịch. Tôi mở nắp hũ ra, bên trong là tro màu trắng xám, trộn lẫn với những mảnh vụn của xương và thứ hạt màu đen, đây là một hũ tro hoàn toàn bình thường.

Tôi cẩn thận đậy nắp hũ lại, rồi đưa cho Phùng Thiên Lượng, nói với Lý Cương: “Tôi có thể xem qua hồ sơ ghi chép việc bảo quản thi thể của Phùng Hải Lượng được không, cùng với danh sách hỏa táng mấy ngày gần đây?”

Lý Cương đáp: “Dĩ nhiên là được, tôi cũng rất mong việc điều tra của các cô sẽ trả lại sự trong sạch cho chúng tôi.”

Tôi lật giở từng trang tài liệu, sau đó trả lại cho Lý Cương, ngầm ra hiệu bằng mắt cho Phùng Khả Hân, rồi nói với Phùng Thiên Lượng: “Nhiệm vụ của cảnh sát chúng tôi đã xong, không có manh mối đáng nghi nào, song chúng tôi sẽ không bỏ qua vụ án của người nhà ông. Di thể anh trai ông đã bị hỏa táng, tro cốt các ông cũng đã nhận, thì hãy cứ tìm một nơi an nghỉ cho anh trai ông đi, đừng làm kinh động đến người đã khuất.”

Phùng Thiên Lượng trợn tròn mắt, quát: “Cô nói vậy là có ý gì? Cô chỉ là một tay pháp y quèn, dựa vào đâu mà dám kết luận vụ án? Cô định trấn an chúng tôi để trì hoãn vụ việc, sau đó coi như không có gì xảy ra đúng không, đừng có mơ!”

Phùng Khả Hân nói: “Phùng Thiên Lượng, ông định hét lên với ai vậy? Không phải đã nói rồi sao, vụ án này sẽ không bị bỏ quên. Ông đứng làm loạn ở đây, phá hoại việc kinh doanh của người khác, chúng tôi hoàn toàn có thể bắt giam ông bất cứ lúc nào.”

Phùng Thiên Lượng đưa ngón tay chỉ một vòng, hằn học nói: “Mấy người các ngươi, cứ đợi đấy.” Cô vợ Tiền Vân nhát chết, lấy tay kéo áo ông em rể, khuyên nên về.

Lý Cương vô cùng cảm kích, bắt tay tôi và Phùng Khả Hân nói: “Đúng là trình độ của người cảnh sát nhân dân quả thật lợi hại, một tên cứng đầu như cậu ta, các anh chỉ nói dăm ba câu là giải quyết xong. Công cuộc đổi mới cải cách này, thật không thể thiếu những người cầm lái con thuyền như các anh.”

Tôi đáp: “Hóa ra đơn vị ông cũng đổi mới cải cách rồi à.”

Khuôn mặt bự ra những mỡ của Lý Cương lộ ra một nụ cười đắc ý, nói: “Đúng vậy, đúng vậy. Lấy xây dựng kinh tế làm mục tiêu, toàn quốc đều chung tay, chúng tôi cũng không thể bị bỏ lại phía sau.”

...

[Còn tiếp]