Tìm Trăng Đáy Nước

Chương 57: Phố Núi Pleiku

Mái ấm giờ đã đổi người trông coi, không tra ra được thông tin gì hữu ích. Mạc Anh Khôi đưa Ngô Uyển Nhi và Trần Chân Lý dạo quanh, nhìn cảnh cũ, kể lại những chuyện của ba người lúc trước, gợi lại không ít ký ức cho Uyển Nhi.

Sau đó cả ba về nhà họ hàng của Uyển Nhi, cũng không có thêm thông tin gì. Mọi người gặp nhau vui mừng, cùng ngồi ôn lại chuyện cũ, nhắc lại những chuyện về ba mẹ Uyển Nhi, cũng nhắc về những chuyện lúc nhỏ của cô khi cả nhà về thăm quê ngoại. Dù không có thông tin mới, nhưng ôn lại nhiều kỷ niệm, lấp dần khoảng trống trong ký ức của Uyển Nhi. Xem như có thu hoạch.

Buổi tối, mọi người kéo nhau đi ăn đặc sản cơm lam, gà rừng nướng, uống rượu cần, xem điệu múa của người dân tộc. Mạc Anh Khôi và Ngô Uyển Nhi đã xem mấy lần, chỉ có Trần Chân Lý là người miền Tây, lần đầu tiên được thưởng thức không khí Tây Nguyên như vậy, cô nàng vô cùng thích thú. Lúc ngà say, còn cao hứng tiến đến múa cùng mọi người, cô ấy múa không giống, cứ lắc qua lắc lại khiến mọi người cười rộ, không khí thật vui vẻ.

Sáng sớm, tiết trời khá lạnh, Uyển Nhi và Anh Khôi đã quen, chỉ mặc thêm áo khoác dài, ngồi thưởng thức ly cà phê và sữa đậu nành bốc khói trong sương sớm. Chân Lý thì xuýt xoa vì không quen cái lạnh nơi này. Cô nàng đội mũ len, quấn khăn, mặc áo bông, mang găng tay, kín mít như một cục bông dễ thương. Uyển Nhi và Anh Khôi nhìn cô cười mãi, cô làm bộ giận dỗi, cả hai mới thôi trêu chọc. Nhâm nhi cà phê xong, cả ba kéo nhau đến một quán địa phương ăn cháo bánh hỏi, là một món điểm tâm phổ biến của người dân nơi đây.

“Sáng nay chúng ta đi đồi chè Bàu Cạn, chiều đi Biển Hồ ngắm hoàng hôn.” Mạc Anh Khôi lên lịch.

Hai cô gái hào hứng hưởng ứng. Ba người chia ra hai xe máy, chạy về hướng Chư Prông. Đến nơi, để xe máy ven đường, cả ba đi bộ thưởng thức khung cảnh tươi đẹp như tranh này.

Những đồi chè bạt ngàn được cắt tỉa gọn gàng, nhấp nhô uốn lượn như hàng ngàn con sóng màu xanh biếc, xen kẽ giữa những cây muồng cổ thụ rợp bóng. Thời điểm này hoa muồng đã qua mùa, không rực rỡ như lúc sang thu, chỉ còn vài chùm lác đác, màu vàng điểm xuyết trên nền xanh duyên dáng. Nhưng bù lại có bướm xuất hiện, không nhiều như tháng Tư, nhưng đủ để sống động không gian tĩnh lặng. Cả ba thong thả tản bộ trên những con đường đất đỏ bazan ngoằn ngoèo xuyên giữa đồi chè, đưa mắt ngắm nhìn những chị đầu đội khăn, lưng mang gùi thoăn thoắt hái chè; hoặc lặng ngắm lá rơi, cảm thấy cuộc sống yên bình quá đỗi.

Cảnh đẹp, người đẹp thì không thể thiếu những bức hình. Uyển Nhi đem theo máy cơ, say mê chụp ảnh. Mạc Anh Khôi chụp hình cho Chân Lý, thỉnh thoảng giơ máy, gọi: “Uyển Nhi”, cô vừa quay lại thì “tách” ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp.

Ánh nắng lên cao, các chị hái chè đã ra về. Ba người đến ngồi dưới gốc cây muồng gần Bàu Cạn, ngắm mặt nước phẳng lặng, nghe tiếng chim hót líu lo trên cao, nhìn bướm bay trước mặt. Im lặng khắc ghi bức tranh thiên nhiên tươi đẹp vào trong tâm trí.

Về nơi quen thuộc, lại có người bạn cũ bên cạnh, ký ức của Uyển Nhi ùa về, cô nhớ lại những kỷ niệm ngày trước, trong lòng vừa ấm áp, vừa tiếc nhớ.

Mạc Anh Khôi và Trần Chân Lý chỉ im lặng, trải lòng cùng cảm xúc của Uyển Nhi. Cho đến khi cô ổn định trở lại, quay sang hai người bạn, cô mỉm cười: “Em nhớ lại rất nhiều chuyện ở nơi đây. Đều là những kỷ niệm ngọt ngào. Thật là một chuyến đi đáng giá. Cảm ơn Anh Khôi và Chân Lý.”

Mạc Anh Khôi và Trần Chân Lý chỉ mỉm cười nhìn cô. Nụ cười của cô chính là niềm vui của hai người họ.

“Thôi mình về, để chiều còn đi Biển Hồ.” Uyển Nhi biết hai người chờ cô, nên cô lên tiếng trước.

“Được, chúng ta về.” Mạc Anh Khôi đồng ý.

Cả ba rảo bước trở ra. Chân Lý thắc mắc: “Mình để xe ven đường vậy có mất không?”

“Không đâu.” Mạc Anh Khôi và Ngô Uyển Nhi cùng trả lời, rồi cả ba nhìn nhau cười.

“Người dân đi làm rẫy, hái chè đều để xe như vậy, không ai lấy đâu.” Uyển Nhi giải thích. “Cuộc sống ở quê thoải mái lắm chứ không lo được lo mất như ở thành phố xô bồ đâu.”

Chân Lý gật gù: “Giống ở quê em. Người dân quê, ở đâu cũng hồn hậu chất phác cả.”

***

Buổi chiều, cả ba rủ nhau lên Biển Hồ. Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông xanh mát mắt. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá để du khách chiêm ngưỡng vẻ thơ mộng của Biển Hồ. Một mặt hồ mênh mông, nước trong xanh màu ngọc bích nằm giữa núi đồi trùng điệp.

Chân Lý cảm thán: “Em hay nghe người ta nói hồ trên núi. Chính là đây phải không chị?”

“Đây là hồ tự nhiên đẹp nhất Tây Nguyên. Là miệng núi lửa ngừng hoạt động hàng triệu năm nay. Giờ là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku, cho nên được giữ vệ sinh nghiêm ngặt, nhờ vậy mà nước mới trong xanh như thế.”

Uyển Nhi say sưa giải thích: “Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm. Giờ là đầu tháng Mười Hai âm lịch, xem như gần đẹp nhất rồi. Ở đây đón bình minh hay ngắm hoàng hôn đều rất nên thơ.”

Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, con người trở nên nhỏ bé. Cả ba đều có chung tâm trạng đó, ngồi bên nhau đợi hoàng hôn buông xuống.

Hoàng hôn luôn là khoảnh khắc đẹp trong ngày. Hoàng hôn trên Biển Hồ lại càng lộng lẫy. Chân Lý lần đầu mục kích được cảnh đẹp như thơ như hoạ này. Mặt trời lùi về phía chân trời, tạo thành quả cầu lửa khổng lồ lao nhanh xuống, neo lại trên đường phân chia giữa bầu trời và mặt nước, toả ra ánh sáng huy hoàng của mình. Ánh sáng ấy xuyên qua các tán thông tạo nên khung cảnh tráng lệ của núi rừng Tây Nguyên.

Em đẹp thế Pleiku ơi!

Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi!

Không dám nhìn vào đôi mắt ấy,

Đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy (1)!

Mạc Anh Khôi ngẫu hứng cất lên tiếng hát, cả ba cùng hoà theo nhịp, tâm trí bị cảnh đẹp thiên nhiên làm cho say đắm.

Buổi tối cả ba đi dạo trong thành phố, ngắm nhìn cuộc sống bình yên nơi này, rồi đi uống trà cung đình. Chân Lý bắt chước điệu bộ uống trà của tiền nhân, mọi người có một phen vui vẻ.

Sáng sớm thứ Hai, khi sương vẫn còn bao phủ khắp đất trời, cả ba tạm biệt phố núi, trở về Sài Gòn, trở về với vai trò nhiệm vụ của mình. Chỉ có hai ngày ngắn ngủi, mà trong lòng ai cũng lưu luyến mảnh đất yên bình này.

******

Chú thích:

(1) Bài hát “Đôi mắt Pleiku” của tác giả Nguyễn Cường.