Tìm Trăng Đáy Nước

Chương 32: Đi Chùa

Sáng thứ bảy, dạy vẽ cho các bé thiếu nhi xong, Ngô Uyển Nhi đón xe buýt đi tới chùa Giác Lâm ở quận Tân Bình thắp hương cho ba mẹ và Dương Phước An, để nói với chị ấy, có thể cô đã tìm thấy con gái của chị.

Xe buýt dừng cách chùa một đoạn ngắn, Uyển Nhi vừa đi bộ vừa ngắm nhìn cổng tam quan của chùa nổi bật màu vàng nghệ, từ xa đã trông thấy.

Bước qua cổng là một khuôn viên cổ xưa rộng rãi xanh mát. Uyển Nhi nhớ đến miêu tả của danh sĩ Trịnh Hoài Đức về cảnh chùa lúc bấy giờ: “Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây luỹ Bán Bích ba dặm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú!(1)”

Khi xưa nơi này là trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và Nam Bộ. Trong lòng Uyển Nhi thầm cảm thán về sự uy nghiêm bề thế về một thời đã qua.

Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sài Gòn, có tuổi đời gần ba trăm năm tuổi. Chùa mang kiến trúc chữ Tam đặc trưng của chùa Nam Bộ, gồm ba gian nhà ngang chính điện, giảng đường, nhà trai nối liền nhau. Mái đình thiết kế theo hình bánh ít tạo cảm giác gần gũi dân dã, trên đỉnh chạm trổ hình hai con rồng tranh nhau viên ngọc.

Uyển Nhi bước vào chính điện thắp hương. Khắp nơi là những bức tượng cổ bằng gỗ đen bóng hằn ghi dấu tích năm tháng thật uy nghiêm và cung kính. Những cây cột màu nâu sẫm, to hơn vòng tay người ôm sừng sững chống đỡ mái nhà. Trên cột được chạm khắc câu đối công phu. Giữa các hàng cột, cửa võng được thếp vàng với các đề tài trang trí như: tứ linh, hoa điểu, tứ quý…

Trên tường chính điện có vô số những chiếc đĩa dùng để trang trí, nghe nói hơn sáu ngàn chiếc, và hơn một ngàn chiếc ở Tháp tổ Hồng Hưng. Những chiếc đĩa này chủ yếu được nung từ vùng gốm nổi tiếng Lái Thiêu tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, một số chiếc có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc.

Thắp hương xong, Uyển Nhi ra sân bái lạy Bồ tát. Người chấp nhận ở lại cõi ta bà này để phổ độ nhân thế bớt đau khổ, lầm than, luôn nở nụ cười hiền lành ấm áp khiến chúng sinh có cảm giác nhẹ nhõm, yên bình. Dưới bóng cây bồ đề, Uyển Nhi quỳ thật lâu, cảm nhận sự tĩnh lặng của nơi thoát tục này.

Trước giờ Uyển Nhi đi chùa để tìm sự yên tĩnh, để tâm hồn được cân bằng giữa nhịp sống vội vã này, chứ cô không khấn vái điều gì. Uyển Nhi nghĩ, Phật trên trời, một ngày hai mươi bốn giờ, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày nghe chúng sinh cầu xin đủ điều chắc mệt lắm. Cô chỉ cần tiếp nhận sự từ bi của Phật, trong lòng có Phật, dựa vào khả năng sức lực của mình, tin rằng sẽ có đường đi. Mỗi người khi sinh ra đã có kiếp số của riêng mình, từng chuyện một xảy ra trong cuộc đời đều nằm trong quy luật nhân quả của kiếp này, kiếp trước. Bình tĩnh tiếp nhận, ít mong cầu, sẽ bớt thất vọng, bớt khổ đau.

Uyển Nhi đến nhà để tro cốt. Cô nhẹ nhàng tỉ mẩn lau chùi sạch sẽ hũ tro cốt của cha mẹ và Dương Phước An, nâng niu như báu vật. Vừa lau chùi vừa thủ thỉ cho họ nghe những chuyện vui buồn xảy ra. Chỉ có như vậy, Uyển Nhi mới tìm được chút ấm áp trong cuộc sống cô đơn lạnh lẽo này.

Uyển Nhi cắm hoa vào lọ, xếp trái cây lên đĩa, thay nước trong chung, thắp ba nén hương, một nén cho Địa Tạng Vương Bồ Tát, cảm tạ người đã coi sóc linh hồn người đã khuất, một nén cho cha mẹ cô và một nén cho Dương Phước An. Cha mẹ Uyển Nhi đã mất tám năm, còn Dương Phước An mất sáu năm rồi, mà mỗi lần đến thăm, Uyển Nhi vẫn bùi ngùi. Để chấp nhận cảm giác người thân ra đi mãi mãi, thật không dễ dàng gì.

“Ba mẹ. Con hiện sống rất tốt, ba mẹ yên tâm nhé.”

Cắm nén nhang lên lư hương, mắt Uyển Nhi cay cay, nếu giờ ba mẹ cô không ở trong hũ tro lạnh lẽo này, mà hiện hữu bằng xương bằng thịt chuyện trò với cô thì tốt biết bao.

Uyển Nhi nghe nói nếu người thân càng vương vấn thì linh hồn càng khó siêu thoát, nên cô cố gắng mỉm cười, không rơi lệ khi mỗi khi đến thăm ba mẹ. Uyển Nhi tin rằng ba mẹ cô khi mất, điều lo lắng nhất là cô. Những năm qua, cô nỗ lực sống tốt, để cha mẹ trên trời có linh thiêng, yên tâm siêu thoát.

“Chị, em đã tìm ra người đàn ông đó, cũng gặp con gái của anh ta. Bé năm nay sáu tuổi, đúng độ tuổi của con gái chị, bé xinh xắn ngoan ngoãn hiểu chuyện. Nếu thật sự bé là con gái của chị, chị hãy dẫn đường cho em, có cách để minh chứng nhé.”

Uyển Nhi nghĩ, Dương Phước An ra đi khi tâm nguyện chưa thành, chắc vẫn còn vương vấn, sẽ dõi theo cô cho đến khi tìm ra con gái.

Xong, Uyển Nhi thắp thêm một nén hương cho các linh hồn khác:

“Các vị sớm siêu thoát nhé, nếu có gặp ba mẹ tôi và chị Phước An, nhớ chiếu cố họ dùm.”

Ngày xưa còn sống, ba mẹ Uyển Nhi chú trọng tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Giờ đã khuất, nếu thật sự có linh hồn, có lẽ họ đã làm quen với nhau rồi.

*********

Chú thích:

(1) Gia Định thành thông chí là một quyển địa chí của Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) viết về miền đất Gia Định bằng chữ Nho và chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn (theo wikipedia).