Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố. Hôm nay khai mạc triển lãm tranh, chủ đề “Thiên nhiên”. Bức tranh “Mùa bướm” của Ngô Uyển Nhi được chọn triển lãm, đạt giải C.
Bảo tàng nằm trên con đường Phó Đức Chính sầm uất tại trung tâm quận nhất. Con đường này được trồng nhiều cây dầu rái, cây cao to vươn thẳng lên trời xanh, cành lá đan vào nhau tạo khoảng không rợp mát. Loài cây này hoa nở vào tháng mười một, mười hai. Tháng tư là lúc quả chín, khi chín quả rụng xuống cánh quay theo gió trông rất đẹp mắt.
Những ngày tháng tư này, sáng sớm hoặc chiều tối trời mát, đi bộ dọc hành lang hai bên đường, ngước nhìn những tia nắng xen qua kẽ lá, đưa tay hứng lấy quả dầu đang xoay tròn, thật thú vị.
Bảo tàng tiền thân là dinh thự của một thương nhân người Việt gốc Hoa nổi tiếng tại Sài Gòn, được xây dựng kết hợp giữa kiến trúc Á Đông và kiến trúc phương Tây, gồm ba toà nhà, mỗi toà hai tầng. Toà nhà đầu tiên đối diện cổng ra vào, trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại. Toà nhà thứ hai trưng bày chuyên đề, triển lãm thường xuyên. Toà nhà thứ ba trưng bày hiện vật mỹ thuật cổ và cận đại.
Kiến trúc Châu Âu được thể hiện ở ngay mặt tiền được trang trí tinh tế của các tòa nhà. Ban công, cửa mái vòm, cột trụ, hệ thống sắt uốn ở cầu thang, lan can hay các ô cửa sổ kính màu hoa văn rực rỡ đối xứng nhau đều mang đậm chất Châu Âu. Sàn nhà được lát gạch hoa với hoa văn đa dạng tinh tế. Mỗi khu vực, mỗi phòng được lát một kiểu gạch khác nhau, riêng cầu thang lát đá cẩm thạch. Phong cách Á Đông của Bảo tàng được thể hiện rõ ở phần mái lợp ngói âm dương màu đỏ, câu đối chữ Hán ở hai bên cửa chính, phù điêu hình cá chép hay hoa văn chữ Vạn ở phần mái.
Cả không gian bên trong của ba tòa nhà đều là không gian đậm chất cổ điển, lãng mạn và duyên dáng. Từ khung cửa sổ thơ mộng, thang máy cổ được trang trí và chạm khắc tỉ mỉ. Một điều thú vị là bảo tàng Mỹ thuật là nơi đầu tiên đưa thang máy vào sử dụng. Bức tường hoa văn chạm trổ màu vàng rêu phong tới những cầu thang xoắn ốc nghệ thuật đều là những chi tiết thu hút kỳ lạ (1).
Khuôn viên bảo tàng khá rộng, khoảng sân trước và bên hông mỗi toà nhà trồng nhiều hoa cỏ cây cảnh nhỏ lớn, sắp đặt đan xen với các tượng điêu khắc, đậm chất mỹ thuật. Bức to nhất phải kể đến là tượng An Dương Vương, một chân đặt trên mai rùa Thần Kim Quy, tay giương nỏ nhắm về phía xa, thật uy dũng.
Ngày khai mạc nên không khí nhộn nhịp. Mười giờ bắt đầu, nhưng từ chín giờ Ngô Uyển Nhi đã đến, tranh thủ chụp hình cùng bạn bè và thưởng lãm những bức tranh khác.
Hôm nay Uyển Nhi mặc chiếc váy dài màu thiên thanh, cổ áo pha trộn giữa chữ U và chữ V kín đáo, thân váy may kiểu ráp vải tạo tầng phiêu lãng mà không quá rườm rà. Làn da trắng hồng của cô làm cho bộ váy thêm sáng. Cô dùng một dải lụa dài cùng màu váy để buộc tóc, dải lụa thoắt ẩn thoắt hiện bên trong mái tóc đen dài, duyên dáng rũ xuống. Cô không trang điểm, chỉ thoa kem chống nắng và tô môi màu cam nhạt, càng tôn lên làn da trắng. Trông Uyển Nhi thật nhẹ nhàng thư thái so với đa số người tới tham dự, quần áo lượt là trang điểm đậm màu.
Từ xa thân ảnh Nguyễn Văn Nguyễn xuất hiện, người chưa đến tiếng nói đã bay xa: “Xem tiên nữ nào đi lạc vậy?”
Ánh mắt nhìn xoáy vào Uyển Nhi không chút ngại ngùng.
Uyển Nhi chỉ biết lắc đầu làm dấu im lặng với anh bạn này.
“Ở ngoài sân mà, có thể ăn to nói lớn được.” Anh chàng vẫn bừng bừng phấn khởi, đảo mắt nhìn Uyển Nhi từ đầu đến chân.
“Hôm nay anh phải bắt cóc em làm mẫu cho anh vẽ chân dung, nhìn em giống nàng thơ khiến anh xúc động quá!”
Văn Nguyễn xoắn xuýt lên như thế Uyển Nhi cảm thấy hơi ngượng: “Tại mình ít mặc như vầy nên Nguyễn nhìn thấy lạ thôi.”
Không để cho Uyển Nhi nói thêm, Văn Nguyễn lấy chiếc máy cơ hiệu Nikon ra bấm chụp tanh tách: “Phải chụp lại để vẽ, chứ dễ gì em chịu ngồi làm mẫu cho anh.”
Uyển Nhi chỉ còn biết cười trừ.
Hai người cùng nhau vào trong xem tranh. Lần này nghe nói tranh nộp về gần một ngàn, chọn ra hai trăm ba mươi hai bức. Mỗi bức mỗi vẻ, muôn hình vạn trạng đầy màu sắc. Ban tổ chức bố trí chu đáo, công phu. Mỗi bức tranh có chú thích nhan đề, tên tác giả, giải thưởng đạt được, kích cỡ, chất liệu tranh, để người thưởng lãm dễ cảm nhận. Cô thích không gian nơi đây, đều là thành quả của những người làm nghệ thuật, tỉ mỉ bay bổng.
Tranh của Ngô Uyển Nhi treo ở tầng trên. Đang xem tranh ở tầng một, Văn Nguyễn kéo Uyển Nhi đi lên tầng xem tranh của cô. Anh nhìn tranh rồi nhìn cô tán thưởng: “Giàu màu sắc và cảm xúc”.
Anh cảm nhận được niềm vui của bé gái trong tranh khi giơ tay đón bướm như thế (2).
Hai người đang chụp hình lưu niệm bên bức tranh thì thấy dáng hình của Trần Chân Lý. Cô ấy ngó nghiêng tìm kiếm, chắc là tìm tranh của Uyển Nhi. Uyển Nhi giơ tay lên vẫy, cô ấy nhìn thấy cô cười tươi lộ ra hai chiếc răng khểnh dễ thương.
Thấy Văn Nguyễn có mặt, cô ấy gật đầu chào anh rồi quay qua làm mặt hề với cô, ý nói: “Có người hâm mộ rồi nha.”
Uyển Nhi lừ mắt với cô ấy: “Tại em học bên thiết kế đồ hoạ, chứ nếu học hội hoạ như chị thì cũng thế thôi.”
*********
Chú thích:
(1) Một đoạn trong bài viết “Đẹp, độc, lạ các bảo tàng Sài Gòn” của tác giả Nguyễn Thị Mộc Nhiên.
(2) Để xem chi tiết miêu tả về bức tranh này, mời độc giả xem lại chương 1: .