Tháng tư, cái nắng như thiêu như đốt trút xuống Sài Gòn. Nhà cửa san sát, xe cộ tấp nập, những dòng phương tiện giao thông nối đuôi nhau bóp kèn inh ỏi càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt.
Lúc này căn phòng rộng mười mét vuông của Ngô Uyển Nhi như một cái hộp hấp thu nhiệt. Trong góc phòng, cây quạt điện bé nhỏ thổi từng làn hơi lạnh trong chậu nước đá đặt phía trước như cố xua đi cái nóng mạnh mẽ ngoài kia. Đây chính là bí quyết chống nóng rẻ tiền thần thánh mà các sinh viên rỉ tai nhau vượt qua mùa hè oi ả.
Cái nóng hầm hập làm cho cả người Uyển Nhi mướt mồ hôi. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến việc cô chăm chú ngồi nhiều giờ liền bên giá vẽ để hoàn thành tác phẩm của mình. Bàn tay cô thoăn thoắt chấm phá màu sắc. Trên khung vẽ dần hiện lên hình ảnh hằng hà sa số những con bướm sâu muồng mang một màu vàng nhạt dịu dàng, con đậu con bay rợp cả bầu trời trong xanh. Điểm xuyết trên khung cảnh đó là những cây cà phê khoe từng chùm hoa trắng muốt như tuyết. Cái nắng rực rỡ tươi tắn tắm cho cả bức tranh bừng sáng. Ở một góc hình, bé gái mặc váy hoa giơ tay bắt bướm, khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc cười đón nắng.
Bức tranh thật tươi vui, nhưng khi vẽ xong, nước mắt Uyển Nhi lại trào ra như đê vỡ. Nếu như những bức bối dồn nén trong lòng cô cũng chảy theo dòng nước mắt này thì hay biết mấy. Bức tranh đang vẽ chính là khung cảnh phố núi Gia Lai, quê ngoại của cô, nơi mà từ gần mười năm về trước, năm nào cô cũng về thăm. Giờ đây, nỗi nhớ da diết dâng trào trong tim.
Trong hồi ức của Ngô Uyển Nhi, vào những ngày tháng tư như thế này, khi mà Sài Gòn nóng bức oi ả, thì ở quê của cô và ở khắp Tây nguyên, hàng triệu con bướm sâu muồng sau những ngày nắng nóng nằm im lìm trong kén, bỗng nghe tiếng gọi của những cơn gió báo hiệu cơn mưa đầu mùa, đã giật mình thức giấc, phá kén bay ra. Mỗi con mang trong mình sức sống mãnh liệt, khao khát tự do. Chúng lao ra, có khi va cả vào cây cỏ ven đường, xe cộ và con người, vùng vẫy đến cùng trời cuối đất. Những ngày ấy, ba mẹ Uyển Nhi dắt cô đi vào vùng trũng của bướm, đó là những vạc nước đọng nằm xa đường cái, những nơi ẩm thấp hay trên những triền hoa dại. Trên những con đường đất đỏ bazan ngoằn ngoèo, cô mải mê đuổi theo những cánh bướm, quên đi cái nắng chói chang buổi ban trưa, trong mắt chỉ rợp một sắc vàng của đàn bướm. Còn ba mẹ cô, người bày giá vẽ, người ngắm cảnh, thỉnh thoảng dõi mắt trông chừng cô con gái độc nhất đang say sưa hoà mình vào thiên nhiên.
Tiếng chuông reo vang báo ba giờ chiều do cô cài đặt từ trước, đã cắt đứt dòng hồi tưởng của Uyển Nhi. Cô vội chỉnh lại bản vẽ, cuộn bức tranh lại chuẩn bị đi nộp cho thầy. Ngô Uyển Nhi đang học khoa Hội hoạ, cuối năm thứ tư tại trường Đại học Mỹ thuật, còn một năm nữa cô sẽ tốt nghiệp. Lần này khoa cô được chọn ba suất dự cuộc triển lãm do hội Mỹ thuật tổ chức, chủ đề “Thiên nhiên”. Cô hy vọng lần này tranh của mình sẽ được chọn. Tranh của Uyển Nhi luôn mang màu sắc tươi sáng, tràn ngập hạnh phúc, trong cảnh chứa tình, đã nhiều lần được chọn triển lãm, cũng như đạt giải thưởng trong một số cuộc thi.
Cô miệt mài tham gia các cuộc thi, triển lãm. Một phần vì khi đạt giải thì có tiền thưởng, và tranh sẽ được bán với giá cao hơn. Tiền là điều thiết thực nhất mà cô đang rất cần để trang trải cuộc sống và đam mê hội hoạ. Một phần nữa là để tên mình được nhiều người biết đến, cũng như có cơ hội gặp được người mà bấy lâu nay cô luôn tìm kiếm.
Nộp xong bản vẽ, đang đi đến trạm xe buýt để về nhà thì túi xách vang lên âm thanh vui tươi của bài hát thiếu nhi “Bé Lật đật” (1):
“Lật đật í a lật đật
Lắc lư í à lắc lư
Em ngồi ngay nào sao mà cứ thích lúc lắc thế…”
Đây là bài nhạc cài riêng cho cuộc gọi đến của cô bạn thân tên là Trần Chân Lý. Tại sao lại cài bài hát này ư? Là vì lời bài hát nói lên tất cả, Chân Lý, cái tên thì nghe nghiêm túc như thế nhưng con người cô ấy thật giống một con lật đật, lúc nào cũng “tất bật với những trò vui”.
Uyển Nhi bấm nút nghe, chưa kịp “alo” đã nghe một giọng nói với sự hào hứng không hề nhỏ: “Ngô Uyển Nhi, chị có biết em vừa nhìn thấy ai không?”
Mỗi lần Chân Lý gọi cả họ tên của cô là y như rằng có chuyện gì rất mờ ám. Uyển Nhi cười đáp: “Này cô gái, cô nhìn thấy ai sao chị đây biết được. Một bạch mã hoàng tử à? Hay là người làm từ thiện đang phát mì gói cứu đói?”
“Bà chị của em ơi, trong mắt của chị, cảm xúc khi ngắm bạch mã hoàng tử cũng bằng khi gặm mấy gói mì à?” Tiếng Chân Lý vang lên phản đối, dù không nhìn thấy mặt, nhưng Uyển Nhi đoán được mặt cô ấy đang dài ra.
Uyển Nhi cười khúc khích: “Khi đói thì mì gói là thiết thực nhất, bạch mã hoàng tử chỉ để ngắm chứ không thể sờ mó gì, càng không thể cứu đói được.”
“Nhưng em dù nhịn đói mà gặp được bạch mã hoàng tử cũng cam lòng.” Chân Lý cười gian tà, “Mà em gặp được bạch mã hoàng tử thật, có điều là của chị chứ không phải của em.”
Uyển Nhi nghe tim mình ngừng đập một lúc, điều tiết hơi thở, cô nghe giọng mình thì thầm: “Em thật nhìn thấy người mà chị tìm à, có thật không, ở đâu, lúc nào?”
Chân Lý biết Uyển Nhi sốt ruột, lại tìm cách trêu cô: “Xem chị gấp kìa, chị hỏi nhiều thế em phải cố ghi nhớ mới trả lời đầy đủ được.” Cô ấy cười to rồi cũng nghiêm túc trả lời: “Người em nhìn thấy giống cái anh chàng ở trong tấm hình chụp cả nhà mà chị vẫn để trong ví đó. Nghe giới thiệu anh ta tên là… tên gì nhỉ? À, hình như là Mạc Anh Khôi, rất oách nhé, có bằng thạc sĩ công nghệ thông tin ở Nhật, giờ là giám đốc công ty gì đó mà em không kịp nghe tên. Anh ta đến dự lễ khánh thành công ty New Solutions (2) trong khu công nghệ cao ở quận 9. Vừa hay em đang đi làm PG (3) ở sự kiện đó thì thấy anh ta.”
Nghe xong Uyển Nhi lại ỉu xìu: “Vậy mà chị tưởng…”
“Chị tưởng là ai? Tưởng là người mà năm năm nay chị vẫn đi tìm á? Chị gái à, người chị tìm chỉ có mỗi tấm hình chụp một góc nghiêng mặt, không biết thân thế tên tuổi, chị tìm bằng cách nào? Em tưởng chị từ bỏ lâu rồi chứ.” Giọng Chân Lý lại lên cao, “mà anh chàng này em thấy quá ổn luôn, đẹp trai phong độ, thành đạt. Chị không đi gặp anh ta sao, chắc buổi lễ còn kéo dài tầm một giờ nữa. Chị tranh thủ vẫn kịp đó.”
Uyển Nhi không muốn dây dưa chuyện này nên dứt khoát nói với Chân Lý: “Chị với anh ấy chỉ là bạn bè thuở nhỏ. Nhiều năm không liên lạc chắc gì anh ấy còn nhớ chị. Gặp cũng không để làm gì.” Cô lại nghĩ ra ý trêu đùa Chân Lý, “hay là em tiếp cận biết đâu lại câu được con rùa vàng thì sao, ha ha.”
“Ai chà, em cũng muốn lắm, chỉ có điều người như vậy mình không với tới được. Thôi em đi làm việc tiếp đây. Nãy giờ nói chuyện cũng lâu, không khéo lại bị mụ quản lý trừ lương cho coi.” Giọng Chân Lý có vẻ gấp.
“Vậy tạm biệt, cuối tuần qua chị nấu cơm cho ăn, xem như hậu tạ sự sốt sắng của em.” Uyển Nhi cười cười nói.
“Quyết định vậy đi, tạm biệt chị!” Chân Lý reo lên mừng rỡ. Đối với cô ấy, món ngon mà được miễn phí chính là phần báo đáp tuyệt vời nhất.
******
Chú thích:
(1) Bài hát “Bé Lật đật”, tác giả: Khánh Vinh.
(2) New Solutions (Giải pháp mới).
(3) PG (nữ tiếp thị).