Cổ Vũ

Chương 7: Ăn cơm

Chương 7: Ăn cơm

Ánh mắt Quy Đình Nguyệt khóa chặt Trần Thị, không nói một lời.

Cơ cằm của cô căng ra như quả hạch đào trong vài giây rồi giãn ra: “Được, chúng ta quay đầu.”

Đã đến nước này, anh không ngại tự phá hỏng hình tượng, cô đập nồi dìm thuyền cũng có hề gì.

Suy cho cùng vẫn là không thể tin.

Tướng do tâm sinh, giọng cũng như người, nếu anh đúng là kẻ cà lơ phất phơ thì chẳng thể gõ ra nhịp trống hăng hái, cổ vũ lòng người như vậy.

Tâm tình chạm đáy, Quy Đình Nguyệt quyết định đấu tranh lần cuối.

Trần Thị cho rằng cô sẽ xấu hổ và giận dữ bỏ đi, nào ngờ ánh mắt cô gái chỉ dao động một thoáng rồi phẳng lặng như cũ.

Giống như binh sĩ bị thương sẽ lập tức đổi chiến thuật, cô khoác lên bộ áo giáp kiên cố, lần thứ hai đối phó với địch.

Dũng khí tăng vọt.

Trần Thị hơi nghiêng đầu, toan mở miệng nói hai câu vô liêm sỉ, Quy Đình Nguyệt đã nhanh hơn một bước: “Hay đến nhà tôi đi?”

Anh giật mình: “Nhà cô không có ai à?”

Cô đáp: “Có thím bảo mẫu.”

Trần Thị cười lạnh: “Tôi qua đó làm gì?”

Quy Đình Nguyệt không rời mắt: “Ăn cơm. Thím ấy nấu nướng rất ngon.”

Trần Thị nhí mày, không muốn đùa giỡn cô nữa: “Cô khờ thật hay giả ngốc vậy?”

Quy Đình Nguyệt mím môi, mãi mới lên tiếng: “Lấy giả thay thật.”

Trần Thị bị chọc cười.

Anh cười sang sảng, vô tư nên thoạt nhìn rất trẻ, tựa như xuân về, tựa như tuyết tan.

Song anh không trả lời ngay.

Quy Đình Nguyệt thúc giục bằng câu từ mỉa mai: “Sao anh không nói chuyện, sợ rồi hả?”

Trần Thị nghiêm mặt, đôi mày dài hiện rõ hai đường: “Đi thì đi.”

***

Thím Lý nghẹn họng trân trối đón Quy Đình Nguyệt cùng với… một chàng trai xa lạ cô đưa về.

Bà tìm một đôi dép lê mới, nhỏ giọng tò mò hỏi người này là ai.

Quy Đình Nguyệt lời ít ý nhiều: “Tay trống kia ạ.”

Thím Lý sốc đến mức im bặt, một cô gái bình thường không thích nói chuyện không thích vận động, nào ngờ vừa ra tay hiệu suất cao đến kinh ngạc, chưa bao lâu đã dẫn người về nhà.

Trần Thị nhếch mày, từ chối cho ý kiến về lời giới thiệu có lệ này.

Nhà cô trang hoàng theo kiểu Mỹ điển hình với giấy dán tường rườm rà bàn gỗ chạm khắc, đèn chùm kim loại như nụ hoa tông ấm treo cao.

… Là phong cách anh ghét nhất.

Trần Thị cau mày không quá thoải mái, theo vào trong nhà.

Thím Lý hiền lành hỏi: “Chàng trai xưng hô thế nào?”

Quy Đình Nguyệt nghiêng đầu, tranh thủ cơ hội: “Hỏi anh đấy, anh tên gì.”

Thím Lý: “…”

Anh đáp: “Trần Thị.”

Quy Đình Nguyệt cả kinh: “Anh tên Trần Thị thật hả?”

Trần Thị: “Bằng không?”

Thấy họ bỗng dưng xu thế tranh luận, thím Lý bèn đổi đề tài: “Trần Thị à, cháu ăn tối chưa?”

Quy Đình Nguyệt quay đầu: “Anh ấy đến ăn chực mà thím.”

Trần Thị: “Chẳng phải cô mời tôi bằng được hả?”

Quy Đình Nguyệt không phủ nhận: “Ừm, tùy tiện thôi.”

Thím Lý im lặng, coi như đôi nam nữ trẻ tuổi đang liếc mắt đưa tình.

Quy Đình Nguyệt vào phòng tắm rửa mặt, Trần Thị không hề ngó nghiêng lung lung mà đi thẳng tới cửa sổ phòng khách.

Phong cách chủ đạo của căn phòng là hoa nhí, hiệu ứng thị giác rườm rà, song ít nhiều vẫn có sự đồng nhất. Sự tồn tại bất hợp lý duy nhất chính là lưới thép xám bạc ngoài cửa sổ sát đất, nhìn là biết mới lắp thêm, trông như vườn hoa bị phong tỏa.

Trong nhà không có trẻ con hiếu động nghịch ngợm, như vậy chỉ có một nguyên nhân.

Tâm tình Trần Thị phức tạp hẳn.

Lúc này, Quy Đình Nguyệt đã về phòng khách, bắt gặp Trần Thị quay lưng đứng sau cửa sổ như đang điều tra hiện trường phạm tội, mặt cô bất giác nóng hôi hổi, cao giọng gọi: “Ăn cơm…”

Trần Thị ngoảnh đầu, để lộ khuôn mặt mà mỗi lần nhìn là một lần phải xuýt xoa.

Thím Lý mở vung, mùi thức ăn lập tức tỏa khắp phòng.

Bà xếp hai đôi đũa ngay ngắn, nhiệt tình mời: “A Thị mau ăn đi, không còn sớm nữa, chắc cháu cũng đói bụng lắm rồi.”

Trần Thị vào chỗ, nói lời cảm ơn, anh liếc bát cơm, toan nói lại thôi.

Thím Lý biết ý, mở miệng khuyên bảo: “Cháu gầy quá, ăn nhiều một chút.”

Quy Đình Nguyệt ngồi đối diện giương mắt, nhìn bát cơm trước mặt anh cao như núi tuyết, không khỏi bật cười thành tiếng.

Trần Thị cũng nâng mi, ánh mắt lạnh lùng sắc bén.

Quy Đình Nguyệt gắp thức ăn vờ như không có gì, phụ họa: “Ừm, đừng khách sáo.”

Trần Thị cầm đôi đũa, xới miếng cơm đầy ụ rồi đưa vào miệng, từ tốn nhấm nháp.

Thím Lý cũng ngồi xuống bàn, nhưng bà không định quấy rầy nên ăn nhanh nhanh chóng chóng, hai ba đũa giải quyết xong bát cơm, lập tức về phòng, nhường hai người trẻ tuổi không gian tự do.

“Vị thế nào?” Thấy “núi cơm” của anh bị san thành bình địa, Quy Đình Nguyệt hỏi.

Trần Thị hồi: “Cũng được.”

Quy Đình Nguyệt nói: “Không thiệt chứ?”

Trần Thị nhìn cô: “Không thiệt gì?”

Quy Đình Nguyệt cầm thìa: “Đến nhà tôi ăn cơm không thiệt.”

Anh tiếp: “Hai việc có thể so sánh với nhau ư?”

Quy Đình Nguyệt gật đầu: “Đúng, mỹ thực có thể tạo ra dopamine*, đem lại cảm giác thỏa mãn.”

(*) Dopamine có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, cải thiện tâm trạng, khả năng tập trung và sáng tạo của con người. Vì thế, nó còn được gọi là hormone hạnh phúc.

“Hơn nữa…” Cô còn nói: “Anh gạt người làm gì.”

Trần Thị ngừng đũa: “Tôi lừa ai?”

Quy Đình Nguyệt: “Anh vốn không phải loại người như anh nói, từ khi sống ở đây, anh chưa từng mang phụ nữ về nhà.”

Anh ‘hừ’ một tiếng: “Trước làm quen hoàn cảnh, chẳng phải có người mắc câu rồi à?”

Cô hoài nghi: “Rốt cuộc đây là ao nhà ai?”

Trần Thị không cãi được.

Quy Đình Nguyệt nói: “Nếu anh thật sự giống như anh nói, vậy anh chính là nam Bồ Tát trên đời, vừa đẹp trai vừa tốt bụng.”

Trần Thị: “…”

Không thể nói lý với người logic kỳ quặc, anh cúi đầu ăn cơm, không tiếp lời nữa.

Quy Đình Nguyệt nhìn anh chòng chọc một lát, ngập ngừng hỏi: “Anh chơi trống vì sở thích, hay anh là… tay trống chuyên nghiệp?”

Trần Thị khựng người, lạnh giọng: “Không muốn trả lời.”

Quy Đình Nguyệt: “Hỏi chút thì đã sao.”

Trần Thị: “Tôi cũng đâu tò mò về cô như vậy.”

Quy Đình Nguyệt: “Anh có thể tò mò, tôi sẽ khai đúng sự thật.”

Trần Thị lườm cô: “Tôi chỉ mong cô im lặng.”

Quy Đình Nguyệt nhún vai: “Chắc không được rồi, đã lâu tôi chưa có cảm giác muốn trò chuyện như bây giờ.”

Trần Thị nói: “Vì sao tôi không bị câm chứ.”

Quy Đình Nguyệt nghe vậy, khẽ cong môi.

Cô tiếp tục ngắm anh, để ý bàn tay anh cầm đũa hơi chai sần, “Có một hôm, tôi…”

Trần Thị không đáp.

Quy Đình Nguyệt ngầm hiểu là anh cho phép cô tiếp tục: “Thấy anh ở phòng bếp gõ trống bằng đũa, giữa chừng còn xoay một lát, vô cùng…”

Cạch, Trần Thị dùng hai chiếc đũa tạo ra tiếng rít, nó như một cây kéo, muốn cắt đứt lời cô.

“Đẹp trai.” Quy Đình Nguyệt mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), nhất định phải bổ sung hoàn chỉnh, mặc dù tiếng cô nhỏ như muỗi kêu: “Hơn nữa…”

Trần Thị bình tĩnh: “Cũng chính hôm đó tôi phát hiện kẻ rình trộm.”

Quy Đình Nguyệt: “…”

Được rồi, chuyên chú ăn cơm, cô thầm bĩu môi.

***

Xong bữa cơm, Trần Thị bỏ về. Trước khi xuống lầu, anh từ chối đề nghị tiễn khách của Quy Đình Nguyệt, cũng bỏ ngoài tai lời cô dặn ‘Về đến nhà nhắn tin cho tôi’.

Cửa vừa đóng, Quy Đình Nguyệt liền chạy đến cửa sổ, cúi người nhìn xuống.

Quả nhiên người đàn ông xuất hiện dưới lầu. Giữa bóng cây lay động, anh như một nốt nhạc, chầm chậm in trên giấy.

Mấy phút sau, cửa sổ đối diện sáng đèn.

Bóng dáng nhỏ bé xuất hiện trong nhà, bước đi không lèm liếc mắt, thoát khỏi tầm nhìn của cô. Quy Đình Nguyệt ung dung khép cửa sổ, nhưng không rời đi.

Sau một hồi, di động trên tay vẫn im lìm, cô cụp mắt, chủ động hỏi: Anh về nhà rồi sao không bảo tôi.

Lần này anh trả lời: Chẳng phải cô hứa không nhìn trộm rồi ư?

Quy Đình Nguyệt: Tôi không dùng ống nhòm, mắt thường xem không rõ.

Trần Thị: Khác gì nhau?

Không hài lòng với câu này, Quy Đình Nguyệt tìm cách khác: Hôm nay anh ăn no chưa?

Trần Thị không hồi âm.

Rất nhanh, anh đã vào phòng ngủ, khi tới bên cửa sổ, động tác của anh trở nên rõ ràng đôi chút.

Cô vẫn đang nhìn anh.

Mà anh cũng thấy cô.

Dẫu cả hai đều không rõ vẻ mặt nhau.

Một giây, hai giây, ba giây, xoạt… Anh kéo rèm cửa sổ, tốc độ và lực đều viết chữ ‘tức giận’ rành rành.

Quy Đình Nguyệt lại nhếch miệng.

Cô cúi đầu nhập vào WeChat: Chiều mai anh tập trống tiếp nhỉ?

Khung chat im ắng.

Quy Đình Nguyệt biết người biết ta, trăm trận trăm thắng: Tôi sẽ nghe đúng giờ.

Cuối cùng đối phương bị ép lộ diện: Không có gì hay đâu mà nghe.

Quy Đình Nguyệt: Vậy anh giới thiệu cho tôi mấy tay trống, trình độ sàn sàn anh đi.

Trần Thị: Không.

Quy Đình Nguyệt cong môi: Thế thì tôi…

Quy Đình Nguyệt: Hết cách rồi.

Trần Thị sợ không bỏ được ý niệm giao tiếp tiêu cực, bèn quăng di động trên giường, đi tắm rửa.

Xoa mái tóc ẩm ướt ra khỏi phòng tắm, anh trở về phòng ngủ, mở khóa di động, phát hiện WeChat không có tin nhắn mới từ cô gái kia.

Sau hai giờ chơi trống câm* ở phòng tập, Trần Thị cất máy đếm nhịp, trong đầu anh bỗng nhiên hiện lên hình ảnh căn hộ bị lưới thép bao quanh và cô gái thoạt trông có vẻ vô tư với gương mặt tươi cười và lời nói thẳng thắn.

(*) Trống câm (đệm tập trống) thường là một tấm tròn bọc cao su trên mặt để giả làm mặt trống thật, khi luyện tập sẽ không gây ra tiếng ồn.

Anh duỗi chân dài, ngả ra thành ghế, nhân tiện mở WeChat, thuần thục soạn vài tên người, có người nước ngoài, có người Trung Quốc, gửi đi: Mấy người này không tệ, cô có thể nghe thử.

Đối phương hồi âm nhanh như gió.

MooPie: Cũng giống anh hả?

Trần Thị chẳng hề đắn đo: Giỏi hơn tôi.

Định đặt di động sang một bên thì nó bất chợt rung lên trong tay anh.

Trần Thị hít sâu, giơ trước mặt, tùy ý liếc mắt.

Anh bỗng sửng sốt.

Cô gái trích dẫn câu ‘Không’ anh từng trả lời cô trước đó, cũng nói: “Nhưng họ không phải anh.”

Trần Thị xem tin nhắn này, vô thức sờ gáy.

… Ai bảo cô gái này không biết chung đυ.ng với người khác phái.